Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

[Video] Thế Giới Nhìn Từ Vatican 4-11/10/2012 - Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới - Ơn Toàn Xá trong Năm Đức Tin


1. Đức Thánh Cha khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới

Biến cố nổi bật trong mấy ngày qua là việc Đức Thánh Cha khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, tôn vinh lên hàng Tiến Sĩ Hội Thánh cho Thánh Gioan Avila người Tây Ban Nha và thánh nữ Hildegard von Bingen người Đức; và khai mạc Năm Đức Tin.

Sáng Chúa Nhật 7 tháng 10, trước thềm Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã đồng tế với 408 vị hầu hết là các nghị phụ, dự thính viên và chuyên viên cũng như các cộng tác viên của Thượng Thượng Hội Đồng Giám Mục, bao gồm 49 Hồng y, 7 vị thủ lãnh của các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương, tức là các vị Thượng Phụ và Tổng Giám Mục Trưởng, cùng với 120 Giám Mục; thêm vào đó có 75 Giám Mục thuộc Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha và Đức. Hơn 30,000 tín hữu đã tham dự thánh lễ.

Mở đầu phần tôn vinh lên hàng Tiến Sĩ Hội Thánh, trong một cử chỉ chân thành và cảm động, cộng đoàn đã quỳ gối đọc kinh cầu các Thánh để xin Chúa, Đức Mẹ và các Thánh Nam Nữ đoái thương gìn giữ Giáo Hội trong một quyết định quan trọng sắp diễn ra.

Sau kinh cầu các Thánh, Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đã xin Đức Thánh Cha tôn phong thánh Gioan Avila và Hildegard von Bingen vào hàng Tiến Sĩ Hội Thánh. 

Đức Hồng Y nói:

Các vị đã chiêm ngắm sự hiện diện sâu thẳm của Con Thiên Chúa trong lịch sử trần thế và với tâm hồn say mê, trí thông minh sắc bén, các vị đã thám hiểm những chân trời mới của vẻ đẹp trường cửu mà Chúa mạc khải. Vì thế, ngày nay các vị vẫn có thể tuôn đổ dòng nước sự sống và những chứng tá về niềm vui của sự tìm kiếm chân lý một cách không biết mệt mỏi và phong phú”.

Sau khi ngài dứt lời, tiểu sử hai vị tân Tiến Sĩ Hội Thánh đã được đọc lên.

Sau phần đọc tiểu sử của hai vị, Đức Thánh Cha đã long trọng tuyên bố:

“Đón nhận ước muốn của nhiều anh em trong hàng Giám Mục và nhiều tín hữu trên toàn thế giới, sau khi có ý kiến của Bộ Phong Thánh, và sau khi suy nghĩ chín chắn, và đạt tới sự xác tín hoàn toàn và chắc chắn, với toàn bộ thẩm quyền Tông Đồ, tôi tuyên bố Thánh Gioan Avila, linh mục triều, và Thánh Nữ Hildegard von Bingen, nữ đan sĩ đã khấn thuộc dòng thánh Biển Đức, là Tiến Sĩ Hội Thánh. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã nói đến ý nghĩa việc tái truyền giảng Tin Mừng, cuộc khủng hoảng của hôn nhân ngày nay gắn liền với khủng hoảng đức tin, sau cùng là vai trò của các thánh trong việc tái rao giảng Tin Mừng. Ngài quảng diễn bài Tin Mừng của Chúa Nhật 27 thường niên, trong đó có đoạn “Vì thế người nam sẽ bỏ cha mẹ và kết hiệp với vợ mình và cả hai trở thành một xác thể duy nhất”. 

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi:

“Lời này nói gì với chúng ta hôm nay? Tôi thấy Lời ấy dường như mời chúng ta ý thức hơn về một thực tại đã được biết đến nhưng không được hoàn toàn đề cao giá trị, đó là hôn nhân; Lời này của Chúa đã là một Phúc Âm, một Tin Mừng cho thế giới ngày nay, đặc biệt là một thế giới xa lìa Kitô giáo.”

Đức Thánh Cha ghi nhận rằng hôn nhân, ngay tại những vùng Kitô Giáo kỳ cựu, đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu đậm và có một sự tương ứng hiển nhiên giữa cuộc khủng hoảng đức tin và khủng hoảng hôn nhân. 

Theo Đức Thánh Cha, Công Đồng Chung Vatican 2 đã mang lại một động lực mới cho việc truyền giáo qua việc nhấn mạnh đến ơn gọi nên thánh của mọi người trong gia đình và xã hội. Các thánh thực sự là những người nắm vai chính trong việc truyền giáo theo mọi ý nghĩa. 

Ngài nói thêm:

“Việc nhìn đến lý tưởng của đời sống Kitô, được biểu lộ trong ơn gọi nên thánh, thúc đẩy chúng ta khiêm tốn nhìn nhận sự dòn mỏng của bao nhiêu Kitô hữu, đúng hơn là cơ man những tội lỗi của họ, tội cá nhân và cộng đoàn, đã tạo nên một chướng ngại lớn cho công cuộc rao giảng Tin Mừng. Vì thế, ta không thể nói về công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng mà không có một tâm trạng hoán cải chân thành. Để cho mình được hòa giải với Thiên Chúa và tha nhân chính là con đường tốt nhất để tái truyền giảng Tin Mừng. Chỉ khi được thanh tẩy, các tín hữu Kitô mới có thể tìm lại niềm hãnh diện hợp pháp về phẩm giá làm con cái Thiên Chúa, được dựng nên theo hình ảnh của Chúa và được cứu chuộc bằng máu của Đức Giêsu Kitô, và họ mới có thể cảm nghiệm được niềm vui của Chúa để chia sẻ với mọi người gần xa.” 

2. Kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật 7 tháng 10

Cuối thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, tôn vinh lên hàng Tiến Sĩ Hội Thánh cho Thánh Gioan Avila và thánh nữ Hildegard von Bingen, Đức Thánh Cha đã chủ sự Kinh Truyền Tin. 

Đức Thánh Cha nói:

“Tôi mời gọi mọi người cầu nguyện cho công việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục, trong những ngày tới sẽ suy tư về Tân Phúc Âm Hóa để loan truyền đức tin Kitô."

Sau đó, Đức Thánh Cha đã khích lệ anh chị em tín hữu noi giương hai vị tân Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngài nói:

“Xin cho cuộc sống và việc làm của các ngài tiếp tục là ánh sáng hướng dẫn chúng ta trong việc loan báo Nước Thiên Chúa. Xin các ngài phù trì để tất cả chúng ta thăng tiến mỗi ngày trong một cuộc sống đức tin đích thực. "

Nhắc đến Năm Đức Tin sẽ bắt đầu từ ngày 11 Tháng Mười, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã kêu gọi anh chị em tín hữu Công Giáo đọc kinh Mân Côi như là lời cầu nguyện chính thức của Năm Đức Tin.

Đức Thánh Cha nói:

“Tôi muốn đề nghị tất cả mọi người canh tân việc cầu nguyện bằng kinh Mân Côi trong Năm Đức Tin sắp tới. Với kinh Mân Côi, chúng ta để cho mình được hướng dẫn bởi Đức Maria, là gương mẫu đức tin, khi suy niệm về các mầu nhiệm của Chúa Kitô. Ngày qua ngày chúng ta được giúp đỡ hấp thụ Tin Mừng, để trọn cuộc sống chúng ta được uốn nắn và đổi mới”.

3. Phiên họp Thứ Nhất của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới

Sáng thứ Hai, cùng với 262 nghị phụ là con số đông đảo chưa từng có trong lịch sử các Thượng Hội Đồng Giám Mục, Đức Thánh Cha đã khai mạc diễn đàn thảo luận về Tân Phúc Âm Hóa. Sau kinh giờ 3 khởi sự lúc 9 giờ, Đức Thánh Cha đã trình bày một bài suy tư ứng khẩu về việc rao giảng Tin Mừng

Đức Thánh Cha nói:

“Suy tư của tôi đề cập đến từ 'evangelium-evangeliae' Phúc Âm. Trong Thượng Hội Đồng này, chúng ta muốn khám phá ý nghĩa của từ ngữ này, những gì từ ngữ ấy nói với chúng ta, những gì chúng ta phải làm, hoặc nên làm”.

Trước 262 nghị phụ, các quan sát viên và các chuyên gia, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng các Kitô hữu không xây dựng Giáo Hội từ con số không, nhưng trái lại, họ đi theo con đường do Thiên Chúa đặt ra bằng cách rao giảng Tin Mừng. Vai trò của Giáo Hội, do đó, là nói cho người khác về cuộc đời Chúa Giêsu, và đó là cốt lõi của Tân Phúc Âm Hóa.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng có một câu hỏi lớn trong tâm hồn rất nhiều người: “Thiên Chúa là ai? Ngài có liên hệ gì với nhân loại? Nhiều người ngước mắt lên trời, họ không thấy gì và tiếp tục tự hỏi: đàng sau sự thinh lặng của vũ trụ, đàng sau những đám mây của lịch sử, có Thiên Chúa hay không? Và nếu có Thiên Chúa, thì Ngài có biết đến chúng ta hay không, Ngài có liên hệ gì với chúng ta? Vị Thiên Chúa ấy có tốt lành và thực sự có quyền năng gì trong thế giới hay không? Câu hỏi này ngày nay rất thời sự cũng như xưa kia. Bao nhiêu người tự hỏi: Thiên Chúa phải chăng chỉ là một giả thuyết? Ngài có phải là một thực tại không? Tại sao Chúa không lên tiếng?”

Đức Thánh Cha nói tiếp:

Tin Mừng có nghĩa là Thiên Chúa đã phá vỡ im lặng của Ngài: Thiên Chúa đã nói, Thiên Chúa hiện hữu, Thiên Chúa biết chúng ta, Ngài đã đi vào lịch sử. Chúa Giêsu là Lời của Thiên Chúa, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là Thiên Chúa tỏ cho chúng ta thấy Ngài yêu thương chúng ta, chịu đau khổ với chúng ta đến độ chịu chết và sống lại. Đó chính là câu trả lời của Giáo Hội cho vấn nạn lớn này.

Ngài đưa ra tiếp câu hỏi thứ hai, một câu hỏi sinh tử đối với các nghị phụ: “Thiên Chúa đã nói, đã thực sự phá vỡ im lặng, đã tỏ mình ra. Nhưng làm sao chúng ta có thể đưa thực tại ấy tới con người ngày nay để trở thành ơn cứu độ?”

“Các Tông Đồ không thành lập Giáo Hội bằng cách đề ra một hiến pháp, nhưng các vị tụ họp nhau cầu nguyện trong lúc chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chúng ta không thể tạo ra Giáo Hội, chúng ta chỉ có thể làm cho người ta biết đến điều mà chính Chúa đã làm. Giáo Hội không bắt đầu bằng công việc của mình, nhưng bằng việc làm và lời nói của Thiên Chúa. Chỉ Thiên Chúa mới có thể sáng tạo Giáo Hội của Ngài. Nếu Thiên Chúa không hành động, thì những việc chúng ta làm chỉ là của chúng ta, và không đủ. Chỉ Thiên Chúa mới có thể làm chứng rằng chính Ngài đang nói và đã nói”.

“Chỉ có Thiên Chúa mới có thể bắt đầu. Chúng ta chỉ có thể hợp tác, vì mọi khởi đầu đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Vì vậy, không phải là vấn đề đơn thuần hình thức khi chúng ta bắt đầu mỗi ngày của Thượng Hội Đồng này, với lời cầu nguyện. Đó là một phản ánh của thực tế. Chỉ thông qua sự khởi đầu của Thiên Chúa, thì con đường của chúng ta và sự hợp tác của chúng ta mới có thể. Nhưng đó không phải là quyết định của chúng ta.”

4. Thế tục hóa cũng giống như một cơn sóng thần phá hủy tất cả mọi thứ trước mặt nó

Đức Hồng Y Donald Wuerl của tổng giáo phận Washington, có một vai trò đặc biệt trong Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc Âm Hóa. Ngài là Tổng Tường Trình Viên của Thượng Hội Đồng Giám Mục, trình bày những vấn đề và hướng đi của Công nghị Giám Mục này. Ngài tóm tắt về các chủ đề sẽ được thảo luận hàng ngày trong tài liệu gọi là “Relatio ante disceptationem.” 

Trong cuộc gặp gỡ với các ký giả hôm 7 tháng 10, Đức Hồng Y Wuerl nói rằng vấn đề chính của phương Tây là thế tục hóa. Ngài đã so sánh chủ nghĩa thế tục như một cơn sóng thần phá hủy tất cả mọi thứ trước mặt nó.

Ngài nói:

"Hình ảnh của sóng thần bởi vì nó rất sống động. Khi sóng thần càn qua một miền đất, nó cuốn phăng mọi thứ theo nó và tôi có cảm giác rằng hiện tượng tục hoá mới đang kéo theo nó tất cả những điều mà chúng tôi cậy dựa vào. "

Thượng Hội Đồng cho Tân Phúc Âm Hóa đã tập hợp một con số đông nhất các tham dự viên trong lịch sử các Thượng Hội Đồng Giám Mục với 262 nghị phụ, 45 chuyên gia, 49 quan sát viên và 15 đại biểu đến từ các giáo hội khác. 

Đức Hồng Y Wuerl cũng đã nói về cách thế các công nghệ thông tin mới có thể giúp đỡ trong việc Tân Phúc Âm Hóa.

Ngài nói:

"Tân Phúc Âm Hoá là cơ hội cho tất cả mọi người nói về tình yêu của Chúa Kitô và để loan truyền thông điệp này tới tất cả mọi người xung quanh chúng ta và mời họ trở lại cảm nghiệm Chúa Kitô và Giáo Hội của Người."

Đây là phiên họp đầu tiên của Thượng Hội Đồng về Tân Phúc Âm Hoá sẽ keó dài đến 28 tháng 10. Mục tiêu của các cuộc họp này là để tái rao giảng Tin Mừng trong các nước nơi chủ nghĩa thế tục đang phát triển mạnh và tôn giáo đang trên đà suy sút.

5. Các Giám Mục Hoa Kỳ mời gọi người Công Giáo hiệp nhất bảo vệ sự sống và tự do

Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ sẽ khởi đầu Năm Đức Tin với một “Tuần Cửu Nhật cho sự sống và tự do”, đặc biệt là với thánh lễ và cuộc tuần hành ủng hộ sự sống và tự do lương tâm lúc 12 giờ trưa ngày Chúa Nhật 14 tháng 10 tại đền thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội Hoa Kỳ.

Đức Tổng Giám Mục William E. Lori của tổng giáo phận Baltimore, chủ tịch Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ sẽ chủ tế trong thánh lễ. 

Sáng kiến của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ là để đáp trả lại những tấn kích dữ dội và liên tục của chính quyền Obama vào các định chế hôn nhân gia đình truyền thống, cũng như việc ép buộc mọi thành phần dân chúng Hoa Kỳ phải tài trợ cho các chương trình phá thai. Sáng kiến của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng nhằm kêu gọi người Công Giáo hiệp nhất trong lời đáp trả đối với những tấn kích này.

Thật vậy, trong các lời nguyện sẽ được đọc lên trong thánh lễ ngày 14 tháng 10 tại đền thánh Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội có lời nguyện sau:

“Xin Chúa chúc lành cho chúng con trong cuộc chiến bảo vệ tự do tôn giáo. Xin ban cho chúng con sức mạnh trí tuệ và tâm hồn để sẵn sàng bảo vệ tự do khi nó bị đe dọa. Xin ban cho chúng con ơn can đảm dám lên tiếng nhân danh các quyền của Hội Thánh và tự do lương tâm của mọi người có đức tin. 

Lạy Cha trên trời, xin ban cho tất cả con cái Cha đang quy tụ trong Hội Thánh có một tiếng nói rõ ràng và hợp nhất trong giờ phút quyết định này của lịch sử đất nước chúng con, vì chỉ có như thế, mọi thử thách mới có thể vượt qua, và mọi nguy hiểm mới có thể lướt thắng - vì con cháu chúng con và vì mọi người đến sau chúng con - mảnh đất vĩ đại này sẽ luôn luôn là "một Quốc gia, không phân chia, dưới ơn che chở của Thiên Chúa, với tự do và công bằng cho mọi người."”

6. Vài nét về Thượng Hội Đồng Giám Mục Kỳ Thứ 13

Trong lịch sử của Giáo Hội, các Thượng Hội Đồng Giám Mục chỉ được hình thành từ sau Công Đồng Chung Vatican II. Thực vậy, ngày 15 tháng 9 năm 1965, khi gần kết thúc Công Đồng Chung Vatican II, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã thiết lập Thượng Hội Đồng Giám Mục. Thượng Hội Đồng đầu tiên đã nhóm vào năm 1967 dưới thời Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục. Thượng Hội Đồng Giám Mục lần này là lần thứ 21.

Các Thượng Hội Đồng Giám Mục được chia thành bình thường (ordinary), ngoại thường (extraordinary) trong những trường hợp khẩn cấp, và đặc biệt (special) khi những vấn đề đem ra thảo luận chỉ liên quan đến một khu vực trên thế giới như trường hợp Thượng Hội Đồng Giám Mục Đặc Biệt về Trung Đông mà trong tháng qua Đức Thánh Cha đã công bố tông huấn hậu Thượng Hội Đồng tại Li Băng. Thượng Hội Đồng Giám Mục kỳ này là Thượng Hội Đồng Giám Mục bình thường kỳ thứ 13.

Trong cuộc họp báo sáng ngày 5 tháng 10, Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic, người Croatia, Tổng thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, cho biết Thượng Hội Đồng Giám Mục kỳ này sẽ có 400 tham dự viên bao gồm 262 nghị phụ, là con số đông đảo chưa từng có trong lịch sử các Thượng Hội Đồng Giám Mục. Trong số này có 103 vị từ Âu Châu, 63 từ Mỹ châu, 50 từ Phi châu, 39 từ Á châu và 7 vị từ Úc châu. 

Ngoài 80 nghị phụ do Tòa Thánh mời, trong đó có 36 vị do chính Đức Thánh Cha mời, có 182 nghị phụ do các Hội Đồng Giám Mục và Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền dòng nam bầu lên và được Đức Thánh Cha phê chuẩn. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có hai Giám Mục đại biểu là Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Giám Mục Phát Diệm, và Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục Phan Thiết.

Xét về thứ bậc các nghị phụ bao gồm 6 Thượng Phụ, 49 Hồng Y, 3 Tổng Giám Mục trưởng của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, 71 Tổng Giám Mục, 120 Giám Mục và 14 Linh Mục.

Đức Thánh Cha là Chủ tịch của Thượng Hội Đồng Giám Mục. Ngài đã bổ nhiệm 3 vị Hồng Y theo lượt sẽ thay ngài chủ tọa các khóa họp, đó là Đức Hồng Y Gioan Thang Hán, Giám Mục Hongkong, Đức Hồng Y Francisco Robles Ortega, Tổng Giám Mục Guadalajara Mễ Tây Cơ, và Đức Hồng Y Laurent Monsengwo Pasinya, Tổng Giám Mục Kinshasa, thuộc Cộng hòa dân chủ Congo.

Vị Tổng Tường Trình Viên của Công nghị này là Đức Hồng Y Donald Wuerl, Tổng Giám Mục Washington, Hoa Kỳ, và vị Tổng thư ký là Đức Cha Pierre-Marie Carré, Tổng Giám Mục giáo phận Montpellier bên Pháp.

Tham dự công nghị còn có 45 chuyên gia và 49 dự thính viên nam nữ. Các chuyên gia gồm các linh mục, nữ tu và giáo dân, hầu hết là các giáo sư đến từ năm châu, có nhiệm vụ trợ giúp Đức Hồng Y Tổng Tường Trình Viên và Đức Tổng Giám Mục Tổng thư ký. 

Ngoài ra còn có các Đại biểu Anh em, đại diện cho 15 Giáo Hội và Cộng đoàn Giáo Hội chưa hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, trong số này đặc biệt có Đức Thượng Phụ Bartolomaios I, Giáo chủ Chính Thống Constantinople kiêm Giáo chủ danh dự chung của toàn Chính Thống giáo, và Đức TGM Rowan Williams, của Giáo phận Canterbury, Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo. 

Sau cùng có 3 vị được mời đặc biệt, đó là thầy Alois, Tu viện trưởng tu viện đại kết Taizé bên Pháp, Mục sư Lamar Vest, Chủ tịch Hội Kinh Thánh Hoa Kỳ, và Ông Werner Arber, Giáo sư môn vi sinh học tại Trung tâm Sinh học thuộc đại học Bâle, Thụy Sĩ kiêm Chủ tịch Hàn Lâm Viện Khoa Học của Tòa Thánh.

7. Sắc lệnh ban ơn Toàn Xá

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ngày 5 tháng 10, Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã phổ biến Sắc Lệnh ký ngày 14-9 trong đó Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 ban ơn toàn xá cho các tín hữu nhân dịp Năm Đức Tin từ ngày 11-10-2012 đến ngày 24-11-2013, theo những điều kiện được nêu trong thông báo của Tòa Ân Giải Tối Cao.

Trong thông báo được đưa ra trong cuộc họp báo, Tòa Ân Giải đã nhắc lại chủ đích của Đức Thánh Cha khi ấn định Năm Đức Tin nhân dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Chung Vatican 2 là để “mời gọi Dân Chúa và các Giám Mục toàn thế giới, hiệp với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô, tưởng niệm Hồng Ân đức tin quí giá trong thời kỳ ân phúc Chúa ban cho chúng ta, để tất cả các tín hữu được cơ hội tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Phục Sinh.. tại các nhà thờ chính tòa và các thánh đường trên toàn thế giới, tại tư gia và trong gia đình họ, để mỗi người mạnh mẽ cảm thấy nhu cầu am tường hơn và thông truyền cho các thế hệ tương lai đức tin ngàn đời.. Ngoài ra, Năm Đức Tin cũng có mục đích kêu gọi tất cả các tín hữu, riêng rẽ hoặc chung với cộng đoàn, làm chứng công khai về đức tin của mình trước mặt tha nhân trong những hoàn cảnh đặc thù của đời sống thường nhật”.

Sau khi nhắc lại giáo lý của Hội Thánh Công Giáo về ân xá, Sắc Lệnh khẳng định rằng Ơn toàn xá được ban cho các tín hữu để hỗ trợ họ về đàng thiêng liêng trong việc theo đuổi các mục đích nói trên: Giáo Hội dùng quyền quản lý ơn cứu chuộc do Chúa Kitô thực hiện, thông ban cho các tín hữu sự tham phần vào sự sung mãn ấy của Chúa trong cộng đồng hiệp thông của các thánh, cung cấp dồi dào cho họ các phương thế để đạt tới ơn cứu độ”.

Những trường hợp được ơn toàn xá

Sau lời dẫn nhập trên đây, Tòa Ân Giải tối cao cho biết trong trọn Năm Đức Tin tức là từ 11/10/2012 đến 24/11/2013, các tín hữu có thể được hưởng ơn toàn xá, tha các hình phạt tạm vì tội lỗi, nhờ lòng từ bi của Chúa, và có thể nhường các ơn này cho các linh hồn nơi luyện ngục, nếu họ thành tâm thống hối, xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha.

1. Các tín hữu nhận được ơn Toàn Xá mỗi khi họ tham dự ít là 3 bài giảng trong tuần đại phúc hoặc ít là 3 bài học về các Văn kiện Công Đồng Chung Vatican hay và về những khoản trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, tại bất kỳ nhà thờ nào hoặc một nơi chốn thích hợp.

2. Các tín hữu cũng nhận được ơn Toàn Xá mỗi khi họ hành hương tại một Vương Cung Thánh Đường Giáo Hoàng, một hang toại đạo Kitô, một nhà thờ chính tòa, một nơi thánh do bản quyền địa phương chỉ định cho Năm Đức Tin, ví dụ các Tiểu Vương Cung Thánh Đường, các Đền Thánh dâng kính Đức Mẹ, các Thánh Tông Đồ và các Thánh Bổn mạng và tham dự tại đó một lễ nghi Phụng Vụ hoặc ít là dừng lại suy niệm một lúc và kết thúc bằng kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính dưới bất kỳ hình thức nào hợp pháp, trong khi kêu cầu Đức Trinh Nữ Maria, và các Thánh Tông Đồ hoặc Thánh Bổn mạng, tùy theo trường hợp;

3. Các tín hữu cũng nhận được ơn Toàn Xá mỗi khi họ tham dự thánh lễ trọng thể hoặc Phụng vụ giờ kinh, kèm theo việc tuyên xưng đức tin, dưới bất kỳ hình thức nào hợp pháp, trong những ngày do Bản quyền địa phương ấn định cho Năm Đức Tin (ví dụ vào những lễ trọng kính Chúa Giêsu, Đức Mẹ, lễ kính các Thánh Tông Đồ và Bổn mạng, lễ kính Tòa Thánh Phêrô) tại bất kỳ nơi thánh nào.

4. Các tín hữu cũng nhận được ơn Toàn Xá vào một ngày do họ tùy ý chọn lựa, trong Năm Đức Tin, để kính viếng giếng rửa tội hoặc nơi khác, mà họ đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, và lập lại những lời hứa khi chịu phép rửa, theo bất kỳ hình thức nào hợp pháp.

Các Giám Mục giáo phận, và các vị tương đương theo luật, nhân các buổi cử hành chính yếu, ví dụ ngày 24-11-2013, lễ Chúa Kitô Vua, kết thúc Năm Đức Tin, có thể ban Phép Lành Tòa Thánh với ơn Toàn Xá, cho tất cả các tín hữu thành tâm lãnh nhận Phép Lành này.

Tòa Ân Giải Tối Cao nói thêm rằng “Những tín hữu thành tâm thống hối và không thể tham dự các lễ trọng vì lý do hệ trọng, như tất cả các nữ đan sĩ sống trong Đan viện kín vĩnh viễn, những người sống ẩn dật, các vị ẩn tu, các tù nhân, người già yếu, bệnh tật, cũng như những người phục vụ tại các nhà thương, bệnh xá, cũng được hưởng ơn Toàn Xá với cùng điều kiện nói trên, nếu tại tư gia hoặc tại nơi mà họ bị ngăn trở, họ hiệp ý với các tín hữu hiện diện, đặc biệt trong những lúc lời Đức Thánh Cha và các GM giáo phận được truyền hình hoặc truyền thanh, họ đọc Kinh Lạy Cha, kinh Tin Kính dưới bất kỳ hình thức nào, và các kinh khác phù hợp với mục đích của Năm Đức Tin, dâng những đau khổ và khó khăn trong cuộc sống của họ”. 

8. Tước hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh.

Tiến Sĩ Hội Thánh là một trong những danh hiệu cao nhất Đức Giáo Hoàng dùng để tôn vinh một vị thánh. Tước hiệu này công nhận vị thánh ấy có những giáo huấn về thần học luôn mang tính thời sự với người Công Giáo, bất kể thời gian. Đó cũng là những giáo huấn mang lại cảm hứng cho những tiến bộ đáng kể trong Giáo Hội.

Giáo sư. LUIGI Borriello của Khoa Thần học tại Đại Học Teresianum cho biết để trở thành một Tiến Sĩ Hội Thánh, thường là ba điều kiện sau phải được đáp ứng.

"Đầu tiên là sự thánh thiện trong cuộc sống. Người này phải là một vị thánh. Thứ hai là cuộc sống và học thuyết của họ là chính thống. Thứ ba là học thuyết nổi tiếng của họ phải được nhìn nhận. Nó phải mang lại một điều gì đó cho thế giới đức tin, chẳng hạn như là làm sâu sắc thêm sự hiểu biết của chúng ta về một hoặc nhiều chân lý. "

Trong một vài trường hợp, Đức Giáo Hoàng cũng có thể thêm một tiêu đề đặc biệt cho một vị Tiến Sĩ Hội Thánh. Ví dụ, Thánh Albert Cả được gọi là ‘Tiến Sĩ Hoàn Vũ’. Thánh Thomas Aquinas, là “Tiến Sĩ Thiên Thần” và Thánh Têrêxa thành Lisieux, là "Tiến Sĩ Tình Yêu”.

Sau khi có ý kiến của Bộ Phong Thánh đề nghị tôn vinh một vị thánh với tước hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh, Đức Thánh Cha tham khảo ý kiến các Giám Mục và nhiều tín hữu trên toàn thế giới, và suy nghĩ chín chắn, cho tới khi đạt tới sự xác tín hoàn toàn và chắc chắn.

Trong thực tế, hiện nay Vatican đang nghiên cứu cuộc đời và tác phẩm của một số vị thánh khác để tôn vinh các ngài với tước hiệu Tiến Sĩ Hội Thánh.

Giáo sư. LUIGI Borriello đã kể tên một vài vị như Thánh Julian của Norwich, Thánh Veronica Giuliani, Thánh Gioan Bosco, Thánh Louis Marie Grignon de Montfort, và Thánh Inhaxiô Loyola.

Sau biến cố tôn phong Tiến Sĩ Hội Thánh cho Thánh Gioan Avila và Thánh nữ Hildegard thành Bingen ngày 7 tháng 10, Giáo Hội có 35 vị Tiến Sĩ Hội Thánh.

9. Chuỗi Mân Côi

Trong nhiều thế kỷ qua, các tín hữu Công Giáo trên toàn thế giới đã cầu nguyện với kinh Mân Côi. Nhưng lịch sử và các biểu tượng đằng sau kinh Mân Côi là gì?

Cha Salvatore M. PERRELLA, chủ nhiệm Khoa Thần Học Giáo Hoàng về Đức Mẹ tại Rôma cho biết:

"Kinh Mân Côi là việc chiêm ngắm cuộc sống và các hoạt động của Chúa Giêsu Kitô, và Thân Mẫu Người vì Đức Maria đã hiện diện tại tất cả những khoảnh khắc lịch sử này."

Các Kitô hữu tiên khởi đã luôn có một lòng sùng kính mạnh mẽ dành cho Đức Maria. Trong lịch sử Giáo Hội, đã có ba khoảnh khắc quyết định nên việc hình thành kinh Mân Côi như hiện nay.

Vào thế kỷ thứ 13, Thánh Đôminicô đã kêu gọi mọi người cầu nguyện với kinh Mân Côi. Cùng với sự phát triển của dòng Đa Minh, kinh Mân Côi được phổ biến càng ngày càng rộng rãi. Sau đó, vào thế kỷ 16, Đức Giáo Hoàng Piô thứ Năm đã thiết định một cấu trúc xác định cho kinh Mân Côi.

Cha Salvatore M. PERRELLA nói:

"Thánh Giáo Hoàng Piô thứ Năm đã đưa ra cấu trúc của 150 Kinh Kính Mừng. Ngài đã soạn theo 150 Thánh Vịnh trong Cựu Ước, với 10 Kinh Kính Mừng theo sau kinh Lạy Cha và kết thúc bằng kinh Sáng Danh."

Kinh Mân Côi được chia thành ba mầu nhiệm gọi là Năm Sự Vui, Năm Sự Thương và Năm Sự Mừng để kính nhớ thời niên thiếu, cuộc thương khó và sự sống lại của Chúa Giêsu, như những gì Đức Maria đã trải qua. Năm 2002, Đức Gioan Phaolô II thêm một mầu nhiệm thứ Tư gọi là Năm Sự Sáng. 

Cha Salvatore M. PERRELLA giải thích:

" Năm Sự Sáng do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thêm vào thuật lại những khoảnh khắc trong cuộc đời Chúa Giêsu như là Đấng Mêsia và Đấng Cứu Thế."

Cả hai Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô thứ 16 đều đã nhấn mạnh đến sự đơn giản nhưng có chiều sâu của Kinh Mân Côi trong việc suy niệm về Chúa Kitô và Thân Mẫu Người.

VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét