Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Chuyến hành hương La Vang ngày 11-10-2012 nhân dịp Khai mạc Năm Đức Tin của một số giáo dân TGP Huế



Như thường lệ vào mùa thu hàng năm, ông bà Nguyễn Đức Tuynh và nhóm thân hữu tại Hoa Kỳ lại bày tỏ lòng tôn kính Đức Mẹ La Vang bằng cách biếu tặng một số tiền, để nhờ linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi, hiện sống tại Thừa Thiên, tổ chức hành hương La Vang cho một số giáo dân nghèo trong Tổng giáo phận Huế (di chuyển và ăn uống miễn phí hoàn toàn). Năm nay, 100 giáo dân thuộc các giáo xứ An Vân, Đá Hàn, Ngọc Hồ, Phủ Cam (vùng phụ cận thành phố Huế), dưới sự hướng dẫn của cha Lợi, đã lên đường từ lúc 13 giờ ngày 11-10-2012, trên hai chiếc xe khách.
            Cuộc khởi hành thật vất vả, vì phải đi theo đường tránh (tức đường vòng đai thành phố). Hoàn thành từ năm 2003, đường tránh này - do tham nhũng, rút ruột- đã hư hỏng nặng hơn 5 năm nay với vô số ổ voi, ổ gà, đến nỗi được mệnh danh là "đường phải tránh" và là đoạn đường tồi tệ nhất Quốc lộ 1. Điều này khiến nhiều xe khách, xe tải buộc phải đi vào thành phố. Báo Tiền Phong Online ngày 25-07-2012 tường thuật: "Theo các tài xế đường dài cho biết, mặc dù đi vào nội thành tốn kém rất nhiều nhưng thà tốn kém còn hơn xe bị hỏng hóc và bị phạt hợp đồng do chậm trễ. Theo đó, mỗi chuyến “vượt cạn” qua nội thành Huế, nếu hên thì được làm luật, còn xui thì bị phạt cả triệu bạc, rồi còn bị thu bằng, bắt quay đầu xe v.v..."
            Thành thử mất hơn 2 tiếng rưỡi đồng hồ, đoàn người mới vượt qua chặng đường 60km để tới đích. Vừa bước vào Nhà Hành hương của Trung tâm Thánh mẫu, mọi người đã được "dàn chào" bởi khoảng 10 công an mặc thường phục, có anh còn đội mũ „Trật tự Linh địa“ (lưỡi trai màu gạch) nhưng mắt đeo kính râm (dù trời đã về chiều, khiến bà con nhận ra quá dễ). Vài anh quay phim lia lịa, nhất là nhắm vào linh mục trưởng đoàn. Điều này đã thành lệ từ mấy năm nay (xin xem lại các bản văn cũ). Chính vị phó xứ La Vang cũng đề cập chuyện này với cha Lợi khi cha vào gặp xin phép làm lễ.
Chụp hình khi vừa xuống xe, tới Linh địa
           
Kết thúc buổi lần hạt chung là bắt đầu Thánh lễ (vào lúc 16g) tại Linh đài. Mở đầu, vị chủ tế loan báo mục đích và ý nghĩa cuộc hành hương: kính Đức Mẹ Mân Côi, chào mừng ngày khai mạc Năm Đức Tin của Giáo hội (11-10-2012), cầu nguyện cho Hội đồng Giám mục VN đang họp thường niên kỳ 2 tại Thanh Hóa (8-12/10), cầu nguyện cho những ai đang bị bách hại vì công lý, cầu nguyện cho các ân nhân đã tài trợ cuộc hành hương. Ngồi quanh và rảo quanh giáo dân vẫn là các „bạn dân“ mẫn cán, hoặc để nghe ngóng, hoặc để quay phim (cách ngang nhiên chứ không chùng lén như trước nữa) (Xin xem hình).

   
  Các "bạn dân" đang ngang nhiên và mẫn cán theo dõi và quay phim dân
            Sau đây là nguyên văn bài giảng của linh mục chủ lễ, được trình bày với giọng âm vang, cốt để cho mọi người tín hữu hay mọi kẻ tò mò đều có thể nghe rõ. Toàn bộ bài giảng và lời nguyện đại đồng đều được ghi âm, ghi hình vừa bởi người trong đoàn, vừa bởi „người trong đảng“ !?! (Ai muốn có, xin liên lạc với công an tỉnh Quảng Trị). (Bài giảng có đưa lên YouTube, nhưng trong video clip có vài chỗ không như nguyên văn).
Bài giảng lễ
            Kính thưa Anh Chị Em
            Hôm nay, chúng ta được về bên Mẹ La Vang vào một ngày rất đặc biệt, đó là ngày khai mạc Năm Đức Tin của Hội Thánh. Như Anh Chị Em biết, Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã quyết định công bố Năm Đức Tin, bắt đầu vào ngày 11-10-2012 hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công Đồng Vaticanô II và 20 năm ban hành sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo. Năm Đức Tin này sẽ kết thúc vào ngày 24-11-2013, dịp lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ và cũng là ngày lễ Các Thánh Tử Vì Đạo Việt Nam. Thật là một sự trùng hợp đầy ý nghĩa về thời gian và về không gian.
            Thứ nhất là trùng hợp về không gian, bởi vì La Vang chính là nơi, cách đây 214 năm, tức vào năm 1798, dưới thời Tây Sơn, Đức Mẹ đã hiện ra giữa lúc tổ tiên của chúng ta đang bị bách hại về đức tin, đang nao núng về đức tin để củng cố đức tin cho họ. Quả thế, cuộc tàn sát năm 1798 là ghê gớm hơn cả, vì đã khai diễn những màn tra tấn dã man như tẩm dầu vào các đầu ngón tay hay đổ vào rốn, trước khi châm lửa, hoặc treo ngược đầu "tội nhân" xuống. Các cơ sở Công Giáo tại Bố Chính, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Trị như nhà thờ, nhà xứ, tu viện, trường học, đều bị cướp phá, tín hữu phải chạy trốn lên rừng. Các tín hữu tại Quảng Trị đã chạy trốn lên rừng La Vang này. Đức Mẹ đã chọn thời điểm Giáo hội Việt Nam bị nhà cầm quyền đàn áp dữ dội như thế để hiện ra, không ngoài 2 mục đích: tiên báo đức tin con cái Mẹ tại Việt Nam sẽ bị thử thách bách hại dài dài -mãi tới hôm nay- đồng thời mời gọi chúng ta sống niềm tin và củng cố niềm tin chính trong bối cảnh, bầu khí bị bách hại đó, bởi vì đức tin phải như vàng thử trong lửa. Sứ điệp La Vang chính là như vậy.
            Thứ hai là trùng hợp về thời gian, bởi vì chính ngày hôm nay, toàn thể Giáo hội Công giáo hoàn vũ bắt đầu bước vào Năm Đức tin, theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha, để củng cố và đào sâu đức tin trên bình diện cá nhân và cộng đoàn, vì hiện tại đang có những khủng hoảng đức tin sâu xa nơi nhiều người. Quả thế, trong Tự sắc "Cánh cửa đức tin" (Porta fidei), Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi Kitô hữu hãy “tái khám phá hành trình đức tin để ngày càng làm nổi bật niềm vui và lòng hăng say phấn khởi được đổi mới nhờ được gặp gỡ Chúa Giêsu” (PF, số 2). Ngài xác định Năm Đức Tin là “lời mời gọi thực hiện một cuộc trở về cùng Chúa, Đấng duy nhất cứu độ thế giới, một cách chân thực và mới mẻ” (PF, số 6), là cơ hội “thúc đẩy chúng ta loan báo Tin Mừng”, một mệnh lệnh không bao giờ cũ (x. PF, số 7). Cuối cùng Năm Đức Tin còn là cơ hội để chúng ta “tìm hiểu một cách có hệ thống về nội dung đức tin” (PF, số 11), qua sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, và đào sâu Giáo huấn của Công đồng Vaticanô II, xem Công đồng nầy như là “hồng ân lớn lao mà Giáo Hội được hưởng trong thế kỷ 20” (PF, số 5)
            Thưa Anh Chị Em
            Sứ điệp Đức Mẹ La Vang ngày xưa và Giáo huấn Hội thánh hôm nay nhắc nhở chúng ta phải sống đức tin thế nào trong hoàn cảnh hiện tại. Trước hết, chúng ta nhớ lại lời thư thứ nhất của thánh Gioan (1Ga 5,4): Đức tin của chúng ta đưa đến chiến thắng, và lời thư của thánh Giacôbê (Gc 2,17-18): Đức tin của chúng ta dẫn đến việc làm
            - Đức tin của chúng ta đưa đến chiến thắng
            Không ai không thấy rằng đức tin của người Công giáo Việt Nam hôm nay đang bị thử thách nặng nề bởi nếp sống duy vật, thế tục hóa và đang bị bách hại tinh vi bởi một chế độ vô thần đấu tranh. Cả hai đang làm cho đức tin của chúng ta không còn là muối ướp mặn trần đời, men làm dậy khối bột thế gian, không còn là ánh sáng soi chiếu xã hội. Cả hai đang làm cho đức tin chúng ta rút lui vào tháp ngà của một thứ tôn giáo lễ hội, chỉ biết bằng lòng với những ngôi thánh đường nguy nga lộng lẫy, với những cuộc rước xách rùm beng, với những cuộc hành hương đông đảo. Cả hai đang làm cho đức tin chúng ta thu mình trong một thái độ sốt sắng cầu nguyện trong nhà thờ nhưng dửng dưng vô cảm trong xã hội, sẵn sàng làm việc bác ái cho những ai khó nghèo về cơm áo, của cải, sức khỏe, tức là những kẻ túng đói bệnh tật, nhưng ngần ngại lên tiếng bênh vực cho những ai khó nghèo về nhân phẩm và nhân quyền, tức là những kẻ bị áp bức bóc lột.
            Đức tin đưa đến chiến thắng là đức tin làm cho chúng ta bỏ thói ù lì, giữ đạo hình thức, để đi vào thực chất của đức tin là làm chứng cho tình thương, cho công lý và cho sự thật giữa một xã hội tràn ngập hận thù vô cảm, áp bức bất công và gian manh xảo trá. Đức tin đưa đến chiến thắng là đức tin làm cho chúng ta rũ bỏ mọi sợ hãi, từ sợ mất an nhàn, không dám xả thân vì anh em, sợ hy sinh, không dám từ bỏ bản thân để can đảm làm chứng cho Tin Mừng, đến sợ những kẻ giết được xác mà không giết được hồn, chẳng dám nói cho họ biết những sai lầm và thậm chí tội ác của họ, để giải cứu anh em mình đang bị áp bức và cũng để giải cứu những kẻ gây tội ác khỏi án phạt đời đời đang chờ họ.
            - Đức tin của chúng ta dẫn đến hành động.
            Đức tin của chúng ta không phải chỉ là những hiểu biết về giáo lý trong đầu óc, không phải chỉ là những hành vi thờ phượng trong nhà thờ, cũng chẳng phải chỉ là những tâm tình thương xót tha nhân cách kín đáo, lặng lẽ. Đức tin cần đưa đến hành động. Trước nhất là hành động chia cơm sẻ áo cho người túng đói, vốn ngày càng nhiều trong xã hội hôm nay, một xã hội đang bị suy thoái về kinh tế. Điều này anh chị em thấy rõ hơn chúng tôi. Thứ đến là hành động dũng cảm nói lên sự thật, sự thật của Thiên Chúa, sự thật của Tin Mừng, sự thật về mọi vấn đề xã hội khi những vấn đề này bị trình bày sai lạc, sự thật về những cảnh đời oan trái, bị áp bức bất công mà không thể mở miệng. Tiếp nữa là hành động can trường để đòi hỏi công lý không những cho mình mà nhất là cho anh em mình.
            Đọc báo, nghe đài, lên mạng, chúng ta thấy biết bao câu chuyện đau lòng trong Giáo hội và xã hội hôm nay. Ở trong Giáo hội, nào là tại giáo điểm Con Cuông, thuộc giáo phận Vinh. Cách đây hơn một tháng, đã có những anh chị em của chúng ta tới nhà thờ dự lễ ngày Chúa nhật nhưng đã bị công an, dân phòng, quân đội đánh cho tơi tả, thậm chí đánh cả cha xứ là cha Nguyễn Đình Thục. Nào là giáo điểm Mang Yang thuộc giáo phận Kontum. Nơi đó những giáo dân người Thượng có một ngôi nhà nguyện đã dùng để thờ phượng Chúa từ bao năm nay, nhưng rồi có những kẻ dùng quyền lực bắt họ đem Mình Thánh Chúa ra khỏi đó, đem tượng ảnh Chúa ra khỏi đó, để đặt lên hình ảnh của những lãnh tụ chính trị. Hoặc là tại giáo xứ Cồn Dầu thuộc Giáo phận Đà Nẵng, cách chúng ta một đèo Hải Vân. Từ bao năm nay, giáo xứ Cồn Dầu đó đã bị người ta cướp đất, đã bị người ta cướp nhà. Có một giáo dân bị đánh chết, 60 giáo dân bị bắt, 6 giáo dân bị cầm tù và hiện nay đã có 140 người phải thoát khỏi chỗ đó, chạy sang Thái Lan vì không thể sống nổi với sự áp bức. Hoặc là vụ 17 thanh niên thuộc Giáo phận Vinh ở Nghệ An, đã bị giam tù hơn một năm nay chỉ vì can đảm làm chứng cho sự thật, chỉ vì muốn sống xứng đáng là một con người, chỉ vì muốn đòi hỏi công lý cho mình và cho xã hội. Đó là trong Giáo hội. Còn trong xã hội, nào là vụ các nhà dân chủ đứng lên đòi hỏi nhà cầm quyền thực thi Hiến pháp và Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà nay đang lãnh án tù. Cách đây hơn một tuần, ba nhà dân báo là anh Nguyễn Văn Hải, anh Phan Thanh Hải và chị Tạ Phong Tần đã bị những bản án rất nặng nề và bất công, từ 4 cho tới 12 năm tù. Nào là những lãnh đạo tinh thần đứng lên đòi hỏi nhà cầm quyền trả lại các quyền cho người dân nhưng nay cũng đang bị tù tội. Cụ thể trong đó có linh mục Nguyễn Văn Lý, Giáo phận chúng ta, Mục sư Nguyễn Công Chính, Giáo hội Tin Lành và nhiều vị chức sắc tôn giáo khác đã bị tù vì đòi hỏi công lý, vì đòi hỏi tự do tôn giáo. Nào là vụ các công dân yêu nước xuống đường để phản đối lân bang Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa và Trường Sa, mà rồi bị đàn áp, bị sách nhiễu, bị đuổi việc, bị đuổi học. Đấy là những sự thật mà chúng ta cần biết, đấy là những sự thật mà chúng ta cần nói, đấy là những sự thật mà chúng ta cần phải loan cho mọi người. Bởi vì Chúa Giê-su nói rằng: "Thầy là Đường, là Sự Thật". Ai không dám công bố Sự thật là từ chối Chúa Giê-su, là phủ nhận Ngài, để rồi một ngày nào đó Ngài sẽ nói với chúng ta rằng: "Ta không biết các ngươi".
            Cho nên, đức tin của chúng ta phải đưa chúng ta tới hành động. Hành động đó tóm lại trong ba chuyện: làm chứng cho tình thương, làm chứng cho công lý và làm chứng cho sự thật. Chúng ta vừa mới nghe lời của Đức Mẹ trong bài ca nói trước mặt bà Elidabét : "Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh. Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng". Đó là một thái độ làm chứng cho công lý và cho sự thật mà chúng ta cần phải noi gương. Đức Mẹ đã đi trước. Đức Mẹ đã sống cuộc đời làm chứng. Chúa Giê-su đã sống cuộc đời làm chứng. Vì thế Ngài mới sống được một phần ba đời người thì đã bị những kẻ cầm quyền giết chết.
            Chúng ta hôm nay đến với Đức Mẹ trong ngày khai mạc Năm Đức tin của Giáo hội. Chúng ta xin Chúa, nhờ lời cầu bàu của Đức Mẹ, cho chúng ta có một đức tin vững mạnh, một đức tin không chỉ là ý nghĩ trong đầu nhưng là một đức tin bằng lời nói, một đức tin bằng việc làm. Và những việc làm đó là gieo rắc tình thương, là công bố sự thật, là bênh vực lẽ phải, để cho Thiên Chúa và Đức Mẹ được vinh hiển qua chúng ta. Amen".
            Có thể xem video clip ở đây: http://youtu.be/UNht7hUlKHg


            Tiếp nối bài giảng của vị chủ tế là lời cầu nguyện đại đồng của các giáo dân. Sau đây là nguyên văn các lời nguyện đó, do 4 giáo dân đọc lên sang sảng, trong nắng chiều xào xạc gió của Linh địa, dưới ánh mắt trìu mến của Mẹ La Vang:
Lời nguyện đại đồng (lời nguyện giáo dân)
            1- Hội đồng Giám mục Việt Nam đang họp Hội nghị thường niên kỳ 2 tại Thanh Hóa giữa lúc xã hội đang có nhiều khủng hoảng và đất nước đang có nhiều biến động. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các Giám mục và các Linh mục Việt Nam biết quan tâm hơn nữa về công lý và nhân quyền. Xin cho các ngài luôn mãi là mục tử nhân lành và ngôn sứ can đảm, trở thành lãnh đạo tinh thần đích thực không những cho dân Chúa mà còn cho cả dân Việt, mạnh dạn đem Tin Mừng soi chiếu vô số vấn đề của xã hội và dũng cảm lấy đức tin để bênh vực cho công lý.    
            2- Toàn thể Giáo hội đang bước vào Năm Đức tin theo lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi Ki-tô hữu Việt Nam biết sống Năm Đức tin này một cách có ý nghĩa trong hoàn cảnh hiện tại. Xin cho mọi con cái Chúa biết chọn con đường nên thánh trong thời đại này, trên đất nước này là mạnh dạn công bố Sự thật, can trường bênh vực Lẽ phải, dũng cảm thực thi Tình thương. Không dửng dưng trước bất công trong xã hội, không vô cảm trước đau khổ của anh em mình, không run sợ trước sự đe dọa của quyền lực sự dữ.
            3- Đức Mẹ đã hiện ra để an ủi đàn con cái Việt Nam bị bách hại, một cuộc bách hại đã kéo dài từ bao thế kỷ và đau đớn thay, còn mãi tới hôm nay. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các anh chị em chúng ta bị đàn áp vì đức tin tại Con Cuông thuộc giáo phận Vinh, tại Cồn Dầu thuộc giáo phận Đà Nẵng, tại Măng Giang thuộc giáo phận Kontum và nhiều nơi khác. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những đồng bào chúng ta đang bị đàn áp vì công lý tại nhiều địa phương, bị bỏ tù vì đã dám đứng lên đòi hỏi tự do, vì đã dám hiên ngang cất tiếng kêu gọi tôn trọng nhân quyền.   
            4- Quê hương Việt Nam của chúng ta đang trải qua nhiều biến động và khủng hoảng về chính trị, kinh tế, xã hội. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhà cầm quyền biết thương nước thương dân, biết ý thức trách nhiệm lãnh đạo, biết sáng suốt làm theo công lý và sự thật. Chúng ta hãy cầu nguyện cho bao nhiêu đồng bào đang đau khổ vì nghèo đói bệnh tật, vì thất nghiệp vô nghề, vì mất đất mất nhà, vì bị chèn ép bất công, vì thiếu tình yêu thương, thông cảm và chia sẻ của đồng loại, vì thấy tương lai của mình và con cháu mình mờ mịt.

Chụp hình kỷ niệm sau Thánh lễ
            · Thánh lễ tiếp tục trong tâm tình thờ phượng sốt sắng và cầu nguyện thiết tha. Mọi người lên xe trở về Huế lúc 17g30, khi màn đêm khởi sự buông xuống. Trên xe, ai nấy bắt đầu thưởng thức món quà ngon ngọt từ các tấm lòng đạo đức và quảng đại phương xa. Các anh „bạn dân“ cũng trở về báo cáo sự việc cho các thủ trưởng và nghiên cứu cuộn phim ghi tiếng ghi hình.
            Nhóm Phóng viên FNA Khối 8406 tường trình từ Huế ngày 12-10-2012, lúc 7g00.
           
           

0 nhận xét:

Đăng nhận xét