Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Tôn giáo và việc kiếm tìm hạnh phúc



Có một nghịch lý luôn diễn ra nơi mỗi con người đó là một đàng thì muốn hạnh phúc, một đàng lại cứ phá hỏng nó đi. Muốn có sức khỏe nhưng miệng lại phì phèo điếu thuốc mặc dầu trên mỗi bao  đều có ghi hút thuốc có hại cho sức khỏe. Muốn được trọng nể  nhưng lại làm cho người ta khinh thường bằng những lời khoác lác dối trá hợm mình. Muốn giàu có đủ đầy nhưng lại biếng lười lao động hoặc lúc nào cũng chỉ rắp tâm trộm cắp cướp giật của người. Muốn có hòa bình nhưng lại cứ gây chiến với nhau v.v…

          Thâm tâm muốn hạnh phúc nhưng việc làm  thì  trái ngược, điều ấy khiến cho con người là loài khốn khổ nhất trong các loài thụ tạo. Có thể nói khổ đau hay sướng vui tất cả đều do nơi lòng muốn, muốn khổ thì sẽ có khổ, muốn vui thì sẽ có vui. Nói như vậy có vẻ như …quá ư duy tâm thế nhưng sự thật lại đúng như vậy lý do bởi vì khổ hay vui tất cả đều  không ngoài tâm mà có. Chẳng vậy mà thi hào Nguyễn Du nói người buồn cảnh có vui đâu bao giờ ?

          Cảnh ( ngoại vật ) thì không vui không buồn, chỉ có tâm vui hay tâm buồn. Nhận thức được điều ấy là bước đầu vô cùng quan hệ trên con đường kiếm tìm hạnh phúc. Tại sao ? Bởi lẽ một khi hạnh phúc chỉ có ở  nơi tâm thì ngoài tâm, làm sao ta có thể tìm thấy nó  ở đâu bây giờ ? Mặt khác nếu hạnh phúc chỉ ở nơi tâm thì hẳn nhiên ta không thể ỷ lại vào người khác, có ai mong muốn hạnh phúc cho ta ngoài ta ? Có  người đã phát hiện và nói lên điều ấy đó là Uông Dương bí thư tỉnh ủy Quảng Đông. Mới đây trong một cuộc họp đảng bộ, ông ta đã phát biểu “ Chúng ta phải vứt đi ý tưởng sai lầm  cho rằng hạnh phúc của nhân dân là do đảng và chính phủ mang lại. Chưa hết nhân vật được tiếng thuộc phe cải cách còn bổ túc thêm = Mưu tìm hạnh phúc là quyền lợi của người dân. Còn vai trò của chính phủ là để cho dân được tự do dũng cảm đi tìm hạnh phúc bằng con đường riêng của mình” ( Nguồn LTCGVN 13/5/2012).

          Rất nhiều người trên các trang mạng đã nhiệt liệt tán đồng câu nói của bí thư Uông Dương và dự báo câu nói ấy “ sẽ đi vào lịch sử” Tuy nhiên vấn đề ở chỗ là tại sao cả một dân tộc đông hàng tỷ người lại cam tâm trao phó vận mạng mình vào tay một đảng có toàn quyền sinh sát như thế ?  Sống trong một chế độ mà tất cả quyền con người đều bị hạn chế, nếu không muốn nói là bị bóp nghẹt  liệu chừng có thể có được hạnh phúc hay không ? Câu trả lời nhất định là đã rõ mười mươi, chính bởi vậy  câu nói của  viên bí thư này mới được hưởng ứng như vậy. Phải vứt đi ý tưởng sai lầm rằng hạnh phúc của nhân dân là do đảng và chính phủ mang lại. Thật ra câu nói này không chỉ đúng cho trường hợp người dân Trung Quốc mà còn cho tất cả những ai vẫn  còn ỷ lại nơi người khác  trong việc kiếm tìm hạnh phúc.

          Nói đến hạnh phúc thì tưởng như ai cũng biết, cũng hiểu nhưng sự thực đó là một khái niệm hết sức mông lung, mù mờ nhiều khi hoàn toàn trái ngược nhau. Có người cho ăn ngon là hạnh phúc vì thế họ ra công ra sức  kiếm tiền để nay nhà hàng này, mốt quán đặc sản kia thả dàn. Người khác lại cho ăn uống nhậu nhẹt vừa hao tốn tiền bạc vừa hao tổn âm đức vì  tội giết hại chúng sanh …Có người cho hạnh phúc là chơi bời gái gú vì vậy tìm hết thuốc này thuốc khác kể cả..thịt người ( thai nhi ) để bổ dương tráng thận. Người khác lại cho hạnh phúc là diệt dục để mong đắc đạo tiên đạo Thánh v.v…

          Không thể có một quan niệm nhất quán nào về hạnh phúc, dẫu vậy nó vẫn có  một  ý niệm chung đó là tất cả những gì mà con người  được như ý sở cầu. Đang đói rét lại có cơm ăn áo mặc đó chẳng phải hạnh phúc ư ? Đang thất nghiệp lại có công ăn việc làm đó chẳng phải hạnh phúc ư ?  Thế nhưng bởi con người là người nên nó không thể chỉ thỏa mãn về vật chất mà còn về tinh thần. Nhu cầu tinh thần tuy vô hình nhưng nó lại thiết yếu còn hơn cả cơm ăn áo mặc. Một người có thể chịu ngồi tù, bị đánh đập bỏ đói cho đến chết để đấu tranh cho một  lý tưởng nào đó. Tướng quân Trần Bình Trọng đã có câu nói để đời = thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất  Bắc.  Con người khác con vật ở chỗ nó còn có nhu cầu tinh thần, nhưng cũng chính vì nhu cầu này mà đã gây ra không biết bao nhiêu là thảm họa cho đời sống nhân loại và điều mà nó đặt hết hy vọng vào đó rút cục chỉ là ảo tưởng.

I/-  Hạnh phúc thế gian chỉ là ảo tưởng
         Hạnh phúc hiểu như là những gì mà con người sở nguyện , tựu chung chỉ bao gồm trong hai phạm vi giác quan và lý trí. Giác quan thể hiện qua đời sống xác thân = mắt nhìn tai nghe mũi ngửi lưỡi nếm thân đụng chạm. Giác  quan khi được thỏa mãn thì cho là hạnh phúc trái lại thì đau khổ = no thì vui đói thì khổ, v.v..Nếu chỉ bó hẹp trong phạm vi giác quan thì con người cũng chẳng  khác  chi con vật nghĩa là cũng có những nhu cầu  ăn uống ngủ nghỉ động dục v.v..Thế nhưng khác với con vật ở chỗ con người luôn tìm cách thỏa mãn những nhu cầu ấy một cách vô độ. Ăn no mặc ấm rồi lại phải ăn ngon mặc đẹp. Ăn ngon lại muốn ăn ngon hơn. Ăn phở chắc là ngon hơn bánh đúc nhưng ăn phở bò một tô hai mươi ngàn chưa ..đã còn muốn ăn phở bò Kobe tám trăm ngàn một tô…ở nhà xây cấp bốn cố nhiên tốt hơn ở nhà tranh vách đất nhưng còn muốn ở biệt thự villa có tường hoa bao quanh, có chó bẹc giê canh giữ v.v..

          Chính bởi để thỏa mãn  những nhu cầu giác quan vô độ đó, con người đã phải lao tâm khổ trí kể cả mưu mô tàn độc với đồng loại.  Thế nhưng  tất cả đó chỉ là sự đánh lừa của dục vọng. Miếng ăn dù thơm ngon đến đâu khi vừa nuốt qua cuống họng thì đã trở thành đồ bất tịnh, còn nếu ở trong dạ dày chỉ vài tiếng đồng hồ sẽ trở thành phẩn uế hôi thối không chịu được. Vui thú gái trai  chỉ trong chốc lát  thì đã chán chường nhờm tởm….

         Thỏa mãn giác quan chẳng những không thể đem lại hạnh phúc mà còn gây  khổ đau. Ăn uống vô độ sinh ra đủ thứ bệnh hoạn, chơi bời dâm dật  chẳng chóng thì chầy cũng vướng bệnh thế kỷ không thuốc chữa. Mặc dầu vậy tất cả  khổ đau do việc chạy theo dục lạc ấy xét cho cùng nó chỉ diễn ra trong phạm vi cá nhân mang tính  biệt nghiệp ai làm nấy chịu. Nhưng còn một thứ khổ đau khác bao trùm hơn mang tính cộng nghiệp hầu như cho cả nhân loại do lý trí đem lại.

         Câu định nghĩa “ Người là con vật có lý trí ( l’homme raisonnable ) của Aristote thật vô cùng tai hại cho cả triết lẫn thần học. Con người từ trong bản chất, nó luôn muốn kiếm tìm hạnh phúc cho mình thế nhưng thay cho hạnh phúc lại  là khổ đau mà nguyên nhân đưa đến  chính là lý trí.  Lý trí trong triết học Kant gọi đích danh nó là “ Cái Tôi Tưởng” ( Que je pense )Tôi tưởng, tôi cho là, khẳng định, kết luận nó là như thế  nhưng thực sự  đó  đâu phải thực tại nó là. Tôi gọi cái nhà nhưng nhà chỉ là tổng tướng của những cái gọi là gạch ngói, xi măng sắt thép công thợ v.v…hợp lại. Rời bỏ những cái biệt tướng gạch ngói sắt thép …ấy ra thì nhà đâu còn là nhà ….? Cái “ Tôi Tưởng” gây tác hại lớn lao nhất trong suốt thế kỷ qua và cho đến nay vẫn  còn tiếp diễn đó là chủ nghĩa duy vật vô thần Các Mác.

         Theo quan điểm của nhà phê bình Lữ Phương thì tội không phải do Mác, đó chỉ là một thứ tư biện hoàn toàn không  mang tính khả thi. Điều làm cho chủ nghĩa ấy trở thành khả thi để gây nên tội là do Lênin Stalin và Mao Trạch Đông đã áp dụng nó vào cuộc sống.  Lập luận như vậy là đã không nhận thức được vai trò của chủ nghĩa Mác luôn đặt nặng vấn đề hành động “ Triết học của Mác chứa đầy tham vọng giải phóng trần gian. Từ sự mâu thuẫn giữa tư bản và công nhân, giữa chủ và thợ trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vào thế kỷ 19 ở phương tây. Mác đã khái quát thành những mâu thuẫn xâu xé lịch sử loài người từ khởi thủy cho đến ngày nay. Mâu thuẫn giữa  người nghèo và  người giàu, giữa người bị áp bức và đi áp bức, giữa dã man lạc hậu và văn minh tiến bộ, giữa ý thức hư huyễn và ý thức chân thực….Từ những mâu thuẫn ấy đưa ra triết lý về lao động và lao động bị tha hóa để giải quyết một lần cho xong tất cả. Dấu ấn  tinh thần lạc quan của thế kỷ 18, 19 đã biểu hiện trong học thuyết Mác khá rõ rệt, đó là niềm tin mạnh mẽ về sự tất thắng của lý trí, Khoa học và Tiến bộ trong việc tạo dựng  tương lai. Để thể hiện niềm tin đó và với ý hướng muốn thoát khỏi phương pháp tư biện trong các triết học duy tâm Mác  đã kêu gọi người ta trở về với cái hiện thực thời ông đang sống và dấn thân thay đổi nó” ( Nguồn Danlambao.org - Lữ Phương bảo vệ Mác chống độc tài toàn trị )

         Làm sao chủ nghĩa Mác lại không đi vào hành động  cho được, nếu không có những Lênin, Stalin Mao Trạch Đông này thì cũng phải có những con người khác đại loại như thế chứ ? Cái tệ hại do chủ nghĩa Mác đem đến cho nhân loại một phần là do tự thân nó  trước sau vẫn chỉ là cái “ Tôi Tưởng”. Phần khác là do còn có những  con người như Lữ Phương và một số không nhỏ những …trí thức kể cả đạo lẫn đời vẫn còn tin tưởng rằng triết học Mác là triết mang tính giải phóng, theo kiểu cánh chung luận !!!.

        Giải phóng đồng nghĩa với việc đem  lại hạnh phúc cho con người, tin rằng chủ nghĩa Mác sẽ đem lại hạnh phúc,  đó là niềm tin chẳng những  viển vông mà còn góp phần vào sự tồn tại của một  thứ thế lực đen tối nhất trong lịch sử nhân loại. Sự giải phóng đích thực không thể  có trong những cái “ Tôi Tưởng”, ngược lại cần phải tiêu hủy nó đi, thế nhưng điều này lại chỉ có thể thực hiện  ở trong tôn  giáo.

II/-   Hạnh  phúc  Nước  Trời
         Điều Lữ Phương nói triết học Mác có tham vọng giải phóng…trần gian bằng cách khai thác mâu thuẫn giữa người nghèo và giàu, giữa ý thức hư huyễn và ý thức chân thực thì ý thức hư huyễn  ám chỉ cho tôn giáo, còn ý thức chân thực là lý trí. Bởi cho tôn giáo chỉ là ý thức hư huyễn thế nên Mác thẳng thừng nói nó chỉ là thứ thuốc phiện đầu độc quần chúng cần tiêu diệt. Chủ nghĩa Mác luôn coi tôn giáo là kẻ thù bởi lẽ nó cùng với người anh em song sinh Nhân Bản của nó đều là con đẻ của Duy Lý. Trong cuộc cách mạng Pháp 1789, một tôn giáo đã được thiết lập để thờ Thần Lý Trí và Thánh đường Notre Dame de Paris được đổi tên là “ Đền thờ Lý Trí”.

        Thoát thai từ cách mạng Pháp, Nhân Bản Chủ Nghĩa cũng lấy ba nguyên tắc Bình Đẳng Tự Do Huynh Đệ làm phương châm hành động, thế nhưng thực tế đến nay nhân loại ngày càng đi đến chỗ phân hóa, mâu thuẫn cùng cực. Các khái niệm Bình đẳng – Tự do – Huynh đệ người ta cũng chẳng buồn nhắc tới nữa.  Nguyên nhân sâu xa khiến  Nhân Bản chủ nghĩa  thất bại là bởi nó đã lấy con người làm cứu cánh thay cho Thiên Chúa. Một khi Thiên Chúa đã bị khai tử như thế thì đương nhiên cũng làm mất đi niềm  hạnh phúc chân thật  hướng về vô biên  của con người.

         Sống trên  cõi đời ai mà chẳng có những mối lo, người nghèo có những mối lo của phận nghèo, người giàu cũng vậy cũng có mối lo của người giàu. Ngoài những mối lo nghèo, lo giàu đó con người còn phải đối mặt với những nỗi lo thiên tai  bão lụt động đất khí hậu biến đổi, vật giá leo thang v.v  và v.v…Trong tất cả những mối lo ấy có những cái con người có thể lo nhưng có cái không thể lo đó là  sự  chết. Sự chết chấm dứt mọi sự, không một ai có thể lo cho điều này, bởi vậy Đức Kito truyền dạy “ Trước hết hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi. Vậy nên chớ lo lắng chi về ngày mai, vì ngày mai sẽ tự lo lắng cho ngày mai. Sự khó ngày nào đủ cho ngày ấy” ( Mt 6, 33 -34).

         Ngày nào cũng có nỗi lo, thật vậy có thể nói cuộc sống con người được dệt bởi những nỗi lo, ấy vậy nhưng nếu biết phó thác tin vào lời Chúa, hết lòng tìm kiếm Nước Trời thì lại  chẳng còn chi  lo lắng nữa, mà đã hết lo thì đó là hạnh phúc chứ còn gì nữa ?  Con người nếu chỉ biết lo cho phần giác quan thì chẳng bao giờ hết lo. Đói ăn vào thì no nhưng cái no ấy chỉ được vài giờ lại đói, mà nếu không…đói thì đúng là bệnh tật chi đó rồi, thế nên đói cũng lo mà không đói cũng lo. Chúa dạy hãy tìm kiếm Nước Trời mục đích là để cho ta  được hưởng  hạnh phúc đời đời trên Nước Hằng Vui Hằng Sống bất diệt đời đời. Hạnh phúc ấy chúng ta tin rằng  nếu trung thành sống trong ơn nghĩa Chúa  thì sẽ được hưởng sau khi chết “ Vì chúng ta biết rằng nếu nhà đất tạm trú của chúng ta đổ nát thì chúng ta lại có nhà đời đời trên trời do bởi ĐCT chứ không phải bởi tay người ta làm ra. Vì chúng ta thật than thở trong nhà ( tạm bợ ) này tha thiết mong mỏi mặc lấy nhà chúng ta trên trời miễn là chúng ta được mặc lấy, thấy không bị trần truồng” ( 2C 5, 1 -3).

         Nhà đất tạm trú đổ nát để chỉ cho thân xác có ngày phải chết, còn nhà trên trời tức Nước Trời đời đời. Được mặc lấy không đến  nỗi trần truồng tức là những công phúc chúng ta làm được khi còn sống trên cõi đời. Sống  nơi trần gian khổ lụy, người Công Giáo chúng ta chỉ có một mong ước là được về trời sống bên Thiên Chúa  Tình Yêu.  Đó hoàn toàn chẳng phải là ảo tưởng viễn mơ, bởi chưng một mặt chúng ta tin vào Lời Chúa không bao giờ hư dối. Mặt khác chính trong đời sống  thực hành tâm linh của ta từng ngày từng giờ chứng minh cho sự hiện hữu  Nước Trời. Thực vậy Nước Trời được Chúa hứa ban ấy sẽ được hưởng sau khi chết  đã đành nhưng Nước ấy cũng đến ngay tại  TÂM  ta ở đây lúc này nếu ta  chuyên tâm thực hành lời Chúa. Khi yêu thương mà không phân biệt kẻ thân người thù thì Nước Trời tức thời  thể hiện.  Khi làm phúc bố thí mà không phân biệt có kẻ cho người nhận thì Nước Trời đã có ngay ở nơi ta v.v..

         Hiểu như vậy thì Nước Trời  chẳng phải chi khác mà đó chính là bản tâm vô phân biệt  vốn có ở nơi mỗi người,  đồng thời cũng là Vườn Địa Đàng khi nguyên tổ chưa phạm tội. Nếu khi xưa nguyên tổ chỉ vì không vâng lời nên đã đánh mất hạnh phúc Địa Đàng  thì nay chúng ta nguyện vâng theo Thánh Ý  Chúa  hầu được trở về chốn xưa vườn cũ  ấy, bởi chưng trong tất cả mọi việc thì chỉ  việc ấy là cần yếu nhất “ Chẳng phải mỗi kẻ nói cùng Ta rằng lạy Chúa lạy Chúa mà vào  được Nước Trời đâu nhưng chỉ những kẻ biết vâng theo Thánh Ý Cha Ta ở trên trời mà thôi” ( Mt 7, 21 ).

Phùng  văn  Hóa  
Tác giả gửi trực tiếp cho Lương Tâm Công Giáo Việt Nam
         

0 nhận xét:

Đăng nhận xét