Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Phương Tiện Và Mục Đích

LTCGVN (16.05.2012)     


Để đạt được một mục đích nào đó trong cuộc sống, dĩ nhiên người ta phải dùng phương tiện. Mục đích dĩ nhiên là cần, là quan trọng nhưng phương tiện như thế nào để đạt được mục đích đó cũng cần phải cân nhắc chứ không phải nhắm mắt nhắm mũi để đạt được mục đích mà không xem phương tiện là gì.

Mỗi ngày mỗi người đều phải đối diện với việc dùng phương tiện nào đó để đạt mục đích cho cuộc sống của mình.

Ai có con ắt một lần sẽ hiểu việc "chạy trường, chạy lớp" cho con nó khổ là dường nào. Có khi là vì khác tuyến nhưng cần gần nhà để tiện việc đưa đón, có khi là cho anh học chung với em họ để hai gia đình thay nhau đón ... và cũng có khi là cho con vào trường điểm, trường chuyên. Khác tuyến cho gần nhà hay học chung để đón rước cho tiện đã là khó, vào trường chuyên hay trường tốt là đoạn trường có ai "qua cầu" mới hiểu
.

Những ngày này, hình ảnh không mấy là đẹp đang diễn ra ở các trường chuyên và trường điểm, đặc biệt là những trường đón các bé vào lớp 1.

 
Năm nào cũng thế, không ít phụ huynh phải vất vả sớm hôm để canh cho có được một tờ đơn để đăng ký cho con mình được học lớp 1 ở cái trường nổi tiếng. Đặc biệt ngày 12 tháng 5 vừa rồi tại trường thực nghiệm Hà Hội, không ít phụ huynh chen lấn đến độ làm đổ cả cổng trường ! Việc làm này của phụ huynh đã để lại trong mắt con trẻ điều gì ? Phải chăng đã để lại cho con trẻ gương xấu về văn hóa ứng xử.

Những hình ảnh này vẫn còn đó và lớp trẻ sẽ cảm nhận thế nào và học tập được gì khi thấy các bậc phụ huynh thế này. Liệu chúng có biết đoàn kết cảm thông và chia sẻ hay không khi chứng kiến người lớn chen lấn xô đẩy nhau như thế. Đây là hình ảnh quá phản cảm, bởi ngay cả thời bao cấp ngày trước đi xếp hàng mua lương thực cũng không đến nỗi như vậy.

Gia đình là gốc rễ đầu tiên của sự hình thành nhân cách và trí tuệ con người. Bản thân làm cha làm mẹ mà không gương mẫu, có hành động thiếu văn hoá như vậy thì con cái nào mà nên người được.

Thật ra không chỉ có chuyện đăng ký cho con vào lớp 1 mà còn rất nhiều chuyện phản cảm, thiếu văn hóa và thậm chí vô lương tâm trong cách hành xử trong cuộc sống thường ngày.

Để đạt được nguồn lợi người ta sẵn sàng dùng độc tố để chế biến thực phẩm. Trước khi thực phẩm thành phẩm thì người ta cũng đã dùng biết bao nhiêu hóa chất để đưa vào trong thực phẩm. Ngày hôm nay đỏ con mắt có được mớ rau sạch, cân gạo sạch, con cá sạch, miếng thịt sạch ... và nhiều thứ nữa trong cuộc sống.

Bước chân ra khỏi ngõ nhìn thấy ly cà phê cũng thấy hóa chất, ly trà đá cũng chỉ là phẩm màu. Vào chợ thì cũng phải nhắm mắt để mua thực phẩm vì không biết thực hư rằng trong mớ thực phẩm mà mình mua đó nó có chứa bao nhiêu chất độc. Người ta có thể biến một miếng thịt ôi thành thịt tươi với công nghệ chẳng có gì là khó. Người ta có thể làm một nồi phở, nồi bún mà chẳng cần chút xương. Chỉ với chút bột nêm đầy độc chất có thể biến thành một nồi nước lèo thật thơm ngon và hấp dẫn.

Cũng chỉ vì mục đích là có nguồn lợi thật lớn để rồi người ta nhắm mắt làm ngơ với biết bao nhiêu phương tiện xấu.

Lần nọ, ngồi chung xe với một nữ tu nọ, trong dòng chảy thao thức về chăm sóc sức khỏe cho người nghèo sơ mới kể chuyện rằng hội dòng của sơ muốn gửi một chị vào làm trong bệnh viện kia để giúp người nghèo nhưng phía bên bệnh viện vòi 10 triệu . Sơ nói rằng với số tiền 10 triệu thì không lớn với hội dòng nhưng hội dòng đã quyết định không chi 10 triệu để được vào làm một chân y tá trong bệnh viện. Sơ nói không phải vì mình giúp người nghèo như thế mà mình đánh mất đi lương tâm của người kitô hữu và luân lý kitô giáo. Đành chấp nhận không được vào còn hơn là đánh mất lương tri.

Trong khi đó vẫn có những người bỏ cả chục triệu, cả trăm triệu để có một chỗ trong bệnh viện. Sau đó, họ lại tìm cách này cách nọ để họ lấy lại cái chục, cái trăm mà họ bỏ lúc ban đầu. Cũng vì thế mà những ai vào bệnh viện sẽ hiểu được những chuyện mà không ai hiểu được khi vào bệnh viện.

Không chỉ bệnh viện mà đâu đó một vị trí việc này việc nọ trong xã hội. Có thể là một anh cảnh sát giao thông đứng đường phải tìm bằng mọi cách để lấy lại những gì anh đã đầu tư thuở ban đầu. Nhiều và nhiều ngành khác cũng không tránh khỏi hậu quả của lối sống dùng phương tiện xấu để đạt mục đích của mình.

Vẫn là sự tự do lý luận, vẫn là sự tự do để chọn lựa phương tiện sống trong cuộc sống để đạt mục đích của mình.

Thử nghiệm lại xem có bao nhiêu phương tiện xấu lại đạt được mục đích tốt thật sự. Có thể đạt trước mắt nhưng hậu quả thật khôn lường.

Cũng vì với phương tiện xấu để đạt được mục đích mà hậu quả như thế nào trong cuộc sống hiện tại. Câu trả lời xin để mỗi người nhìn và nghiệm ra từ cuộc sống của mình.



Vũ Hưu Dưỡng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét