LTCGVN (18.10.2013)
1. Đức Thánh Cha danh dự Bênêđíctô thứ 16 cung nghinh tượng Đức Mẹ FatimaDiễn biến đáng chú ý trong tuần qua là nghi thức tái thánh hiến cho Trái Tim Đức Mẹ được tổ chức vào chiều ngày thứ Bẩy 12 và sáng Chúa Nhật 13 tháng 10 tại quảng trường Thánh Phêrô. Những buổi cử hành này được diễn ra trong khuôn khổ Ngày Thánh Mẫu trong Năm Đức Tin, và kỷ niệm đúng 96 năm Đức Mẹ hiện ra lần cuối cùng tại Fatima.
Theo lời yêu cầu của Đức Thánh Cha, nguyên bản Tượng Đức Mẹ đã được đưa ra khỏi Đền Thánh Fatima và đưa về Roma. Đây là biến cố rất họa hiếm. Lần trước đây vào ngày 8 tháng 10 năm 2000 tượng Đức Mẹ đã được đưa về Vatican vào dịp Đại Năm Thánh 2000, khi Chân phước Gioan Phaolô Đệ Nhị cử hành nghi thức phó thác thế giới và Giáo Hội cho Đức Mẹ tại Quảng trường Thánh Phêrô trước sự hiện diện của 1,500 Giám Mục thế giới. Trong triều thiên của tượng Đức Mẹ Fatima, có gắn viên đạn do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 tặng, đó là viên đạn mà tên Ali Agca đã bắn vào ngài trong cuộc mưu sát ngày 13 tháng 5 năm 1981.
Tượng Đức Mẹ Fatima được chở tới phi trường Fiumicino ở Roma chiều 12 tháng 10. Từ đây lúc 1 giờ rưỡi, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa đã đón rước và tháp tùng về Vatican trên một máy bay trực thăng tối tân của không quân Italia.
Những hình ảnh mà quý vị và anh chị em đang thấy đây là lúc máy bay trực thăng từ phi trường Fiumicino đang đáp xuống tu viện Mater Ecclesiae là nơi Đức Thánh Cha danh dự Bênêđíctô thứ 16 đang nghỉ hưu.
Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã chào đón bức tượng và đi cùng với tượng vào nhà nguyện bên trong tu viện.
Ngài cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ cùng với Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella và Đức Tổng Giám Mục Octavio Ruiz Arenas, thư ký của Hội đồng Tòa Thánh Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa.
Bức tượng sau đó được rước đến nhà nguyện Casa Santa Marta, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô cư ngụ. Từ đó, bức tượng đã được đưa đến Quảng trường Thánh Phêrô, nơi hàng trăm ngàn người đang chờ đợi.
2. Buổi canh thức Ngày Thánh Mẫu
Lúc gần 4 giờ chiều, tượng Đức Mẹ Fatima đã được long trọng rước ra Quảng trường thánh Phêrô. Dẫn đường là Đức Tổng Giám Mục Fisichella và Tượng được 4 Vệ Binh Thụy Sĩ và Hiến Binh Vatican tháp tùng. Các tín hữu đã tụ tập tại đây từ hàng giờ trước đó. Họ đứng tràn ra tới giữa đại lộ Hòa Giải. Hiện diện cạnh lễ đài có hơn 30 Hồng Y và Giám Mục.
Tượng Đức Mẹ được rước qua các khu vực khác nhau ở Quảng trường để các tín hữu chào kính. Họ vẫy khăn tay màu trắng khi Tượng Đức Mẹ đi qua, theo như thói quen tại Fatima, trong khi đó ca đoàn hát bài Ave Maria.
Mở đầu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón thánh tượng bằng cách hôn chân Đức Mẹ. Trong bài giáo lý, trình bày suy tư về sức mạnh đức tin của Đức Mẹ, Đức Thánh Cha đã đặt ra trước các Kitô hữu một câu hỏi rất trực tiếp.
Ngài nói:
"Đức tin của chúng ta như thế nào? Chúng ta có giữ ngọn lửa đức tin rực cháy ngay cả trong gian truân và bóng tối như Đức Mẹ hay không? Tôi thực sự có niềm vui đức tin không? "
Đức Thánh Cha nói rằng sự bất tuân phục và sự hoài nghi của chúng ta là những gút mắc giăng mắc đó đây trong linh hồn của mỗi người. Nhưng Đức Thánh Cha nói rằng những gút mắc này có thể được gỡ rối nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha nói:
"Những gút mắc này lấy đi sự bình an và thanh thản của chúng ta. Chúng nguy hiểm, vì nhiều gút mắc có thể hình thành một mớ càng lúc càng đau đớn và khó khăn để tháo gỡ hơn. "
Đứng cách tượng Đức Mẹ Fatima chỉ vài bước chân, Đức Giáo Hoàng, đã khuyến khích các Kitô hữu đừng xem việc Chúa Giêsu nhập thể như một biến cố đã lùi sâu vào quá khứ.
Đức Thánh Cha đưa ra những lời khích lệ sau:
"Tin vào Chúa Giêsu có nghĩa là dâng hiến cho Chúa trọn thân xác chúng ta với lòng khiêm nhu và can đảm của Đức Maria, để Chúa có thể tiếp tục ngự trong tâm hồn chúng ta."
Buổi canh thức chiều thứ Bẩy đã lôi cuốn khoảng 150,000 người từ 50 quốc gia.
Sau buổi cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô, Tượng Đức Mẹ Fatima đã được trực thăng của không quân Italia chở đến Đền Thánh Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa, cách trung tâm Roma hơn 10 cây số. Tại đây có buổi đọc kinh Mân Côi được nối qua truyền hình với một số Trung tâm Thánh Mẫu tại 10 nước trên thế giới, trong đó có Lộ Đức, Nazareth, Lujan (Argentina), Guadalupe (Mêhicô), Nairobi (Kenya), Banneux (Bỉ), Czestochowa (Ba Lan), Đền Thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm (Washington, USA), Akia (Nhật Bản) và Vailankani (Ấn Độ), Aparecida (Brazil).
Sau đó là buổi canh thức cầu nguyện với sự tham dự của các tín hữu hành hương thuộc giáo phận Roma, cho đến bình minh.
3. Thánh lễ dâng thế giới cho Đức Mẹ
Sáng Chúa Nhật trực thăng lại chở Thánh Tượng Đức Mẹ về Vatican. Tại đây từ lúc 9 giờ sáng. Tượng Đức Mẹ lại được rước qua các khu vực ở quảng trường Thánh Phêrô trước khi Đức Thánh Cha bắt đầu cử hành thánh lễ và nghi thức Phó Thác thế giới cho Đức Mẹ. Hơn một ngàn linh mục đã đồng tế với Đức Thánh Cha.
Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, và cũng là trưởng ban tổ chức Ngày Thánh Mẫu này cho biết có hơn 150 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ đặc biệt sáng Chúa Nhật 13 tháng 10, với Đức Thánh Cha. Phần lớn các tín hữu đến từ Italia, nhưng cũng có các đoàn đại biểu đến từ 48 nước có đăng ký chính thức, trong số này có cả những nước xa xăm như Australia, Ấn độ, Á Căn Đình, Nhật Bản, Hoa Kỳ và nhiều nước Nam Mỹ.
Trong bài giảng Thánh Lễ, dựa vào các bài đọc của Chúa Nhật thứ 28 thường niên năm C, Đức Thánh Cha nêu bật tấm gương của Mẹ Maria để cho Chúa làm kinh ngạc, trung thành với Chúa và xác tín Chúa là sức mạnh của chúng ta. Ngài nói:
“Hãy hát mừng Chúa một bài ca mới, vì Ngài đã thực hiện những việc diệu kỳ” (Tv 97,1).
Ngày hôm nay chúng ta đứng trước một trong những điều kỳ diệu của Chúa: đó là Đức Maria! Một thụ tạo khiêm hạ và yếu đuối như chúng ta, được chọn để làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đấng Tạo Hóa.
Chính khi nhìn Mẹ Maria, dưới ánh sáng các bài đọc chúng ta đã nghe, tôi muốn cùng với anh chị em suy tư về 3 thực tại: Thiên Chúa làm cho chúng ta ngạc nhiên, Thiên Chúa yêu cầu chúng ta trung thành, Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta.
I. Thứ Nhất: Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên. Sự tích Naaman, tư lệnh quân đội của vua Aram, thật là đặc biệt; để được khỏi bệnh phong cùi, ông ngỏ lời với vị Ngôn Sứ của Thiên Chúa là Eliseo, nhưng Người không làm những nghi thức ma thuật, cũng chẳng yêu cầu ông tướng những điều ngoại thường, nhưng chỉ tín thác với Thiên Chúa và dìm mình trong nước sông; nhưng không phải là những sông cả của thành Damasco, mà là dòng sông Giordan bé nhỏ. Đó là một lời yêu cầu làm cho tướng Naaman ngỡ ngàng, kinh ngạc; phải chăng Thiên Chúa có thể là vị yêu cầu những chuyện đơn giản như vậy sao? Ông muốn trở lui, nhưng rồi ông cũng đi dìm mình trong sông Giordan và tức thì ông được lành mạnh. Ta thấy Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên; chính trong sự nghèo hèn, yếu đuối, khiêm hạ mà Chúa tỏ mình ra và ban cho chúng ta tình yêu cứu độ của Ngài, chữa lành và ban sức mạnh cho chúng ta. Chúa chỉ yêu cầu chúng ta nghe lời và tín thác nơi Ngài.
Đó là kinh nghiệm của Đức Trinh Nữ Maria: trước lời loan báo của Thiên Thần, Trinh Nữ không giấu sự ngạc nhiên. Đó là sự ngỡ ngàng khi thấy rằng Thiên Chúa, để làm người, đã chọn một thiếu nữ tầm thường ở Nazareth, không sống trong các dinh thự của những người quyền thế và giàu sang, không thi hành những công trình ngoại thường, nhưng cởi mở đối với Thiên Chúa, biết tín thác nơi Ngài, cho dù không hiểu tất cả: “Này tôi là tôi tớ Chúa: xin xảy đến cho tôi theo lời Sứ Thần” (Lc 1,38). Đó là câu trả lời của Người. Thiên Chúa luôn làm cho chúng ta ngạc nhiên, Ngài phá vỡ những khung nền của chúng ta, làm cho những dự phóng của chúng ta bị khủng hoảng, và Chúa nói với chúng ta: con hãy tín thác nơi Cha, đừng sợ, hãy để cho con được ngạc nhiên, hãy ra khỏi chính mình và theo Cha!
Hôm nay tất cả chúng ta cũng hãy tự hỏi xem mình có sợ điều mà Thiên Chúa có thể yêu cầu chúng ta hoặc điều mà chúng ta xin Chúa hay không. Tôi có để cho Chúa làm cho ngạc nhiên, như Chúa đã làm với Mẹ Maria hay không, hoặc tôi khép kín mình trong những điều an toàn của tôi, an toàn vật chất, an toàn trí thức, an toàn ý thức hệ, an toàn các dự phóng của tôi? Tôi có để cho Chúa thực sự đi vào trong cuộc sống của tôi hay không? Tôi trả lời Chúa như thế nào?
II. Thứ Hai: Trong đoạn thư thánh Phaolô chúng ta đã nghe, thánh Tông Đồ ngỏ lời với môn đệ Timôthêo và nói rằng: “Con hãy nhớ Chúa Giêsu Kitô, nếu chúng ta kiên trì với Ngài, chúng ta sẽ được cùng Ngài hiển trị” (Xc 2 Tm 2,8-13). Và đây là điểm thứ hai: hãy luôn nhớ đến Chúa Kitô, kiên trì trong đức tin: Thiên Chúa làm cho chúng ta ngạc nhiên bằng tình thương của Ngài, nhưng Chúa yêu cầu chúng ta hãy trung thành theo Ngài. Chúng ta có thể “không trung thành”, nhưng Chúa thì không, Chúa là Đấng Trung Thành, và Ngài yêu cầu chúng ta hãy trung thành như vậy. Chúng ta hãy nghĩ đến bao nhiêu lần chúng ta hăng hái phấn khởi vì một điều gì, vì một sáng kiến, một sự dấn thân nào đó, nhưng rồi, trước những vấn đề đầu tiên xảy ra, chúng ta tháo lui. Và rất tiếc là điều này cũng xảy ra trong những chọn lựa cơ bản như hôn phối. Người ta khó kiên trì bền chí, khó trung thành với những quyết định đã đề ra, với những cam kết đã quyết tâm. Nói “xin vâng”, “đồng ý” thì dễ, nhưng rồi người ta không lập lại được quyết tâm đồng thuận như vậy.
Mẹ Maria đã thưa “xin vâng” với Thiên Chúa, một lời “xin vâng” đã đảo lộn cuộc sống khiêm hạ của Mẹ ở Nazareth, nhưng không phải là lời thưa 'xin vâng' duy nhất, nhưng đó là lời đầu tiên trong bao nhiêu lời thưa 'xin vâng' được xướng lên trong tâm hồn những lúc vui tươi, cũng nhưng trong những lúc đau khổ, bao nhiêu lời thưa ”xin vâng đạt tới đột đỉnh trong lời “xin vâng” dưới cây Thập Giá. Hôm nay, ở đây có bao nhiêu bà mẹ; chị em hãy nghĩ đến lòng trungthành của Mẹ Maria với Thiên Chúa tới mức độ nào: khi thấy Con duy nhất của Mẹ trên Thập Giá. Mẹ là phụ nữ trung thành, đứng đó, lòng tan nát, nhưng trung thành và can đảm.
Tôi có phải là một Kitô hữu tùy lúc hay là một Kitô hữu luôn luôn? Nền văn hóa tạm bợ, tương đối, cũng lẻn vào cuộc sống đức tin. Thiên Chúa yêu cầu chúng ta trung thành với Ngài, mỗi ngày, trong những hoạt động thường nhật và Ngài thêm rằng cả khi chúng ta không trung thành với Chúa, Chúa vẫn luôn trung thành, và với lòng từ bi, Ngài không ngừng giơ tay cho chúng ta để nâng chúng ta dậy, khuyến khích chúng ta hãy tiếp tục hành trình, trở về cùng Ngài và thưa với Ngài về sự yếu đuối để Ngài ban sức mạnh cho chúng ta.
III. Điểm sau cùng: Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta. Tôi nghĩ đến 10 người phong cùi trong Phúc Âm được Chúa Giêsu chữa lành: họ đến gặp Ngài, dừng lại từ xa xa và kêu lên: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng con!” (Lc 17,13). Họ là những người bệnh, đang cần được thương yêu, được sức mạnh và tìm kiếm người chữa trị họ. Và Chúa Giêsu đáp lại, giải thoát tất cả khỏi bệnh tật của họ. Nhưng thật là điều ngạc nhiên khi thấy chỉ có một người trở lại để lớn tiếng chúc tụng Thiên Chúa và cảm tạ Chúa. Chính Chúa Giêsu nhận xét điều đó: 10 người đã kêu lớn tiếng để được chữa lành và chỉ có một người trở lại để kêu lớn tiếng cảm tạ Thiên Chúa và nhìn nhận rằng Chúa là sức mạnh của chúng ta. Biết cảm tạ, chúc tụng vì những gì Chúa làm cho chúng ta.
“Chúng ta hãy nhìn Mẹ Maria: sau khi được truyền tin, cử chỉ đầu tiên Mẹ thực hiện là cử chỉ bác ái đối với bà chị họ cao niên Elisabeth; và những lời đầu tiên Mẹ nói lên là: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”, bài ca chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa, không những vì điều Chúa đã làm nơi Mẹ, nhưng vì hoạt động của Chúa trong toàn thể lịch sử cứu độ. Tất cả là hồng ân; Nếu chúng ta có thể hiểu tất cả là hồng ân của Chúa, thì tâm hồn chúng ta sẽ được hạnh phúc dường nào! Tất cả là hồng ân.
Chúa chính là sức mạnh của chúng ta! Cảm tạ thật là điều dễ dàng, nhưng cũng rất khó khăn! Bao nhiêu lần chúng ta nói cám ơn trong gia đình? Đó là một trong những lời chủ yếu của cuộc sống chung. “Xin phép”, “xin lỗi”, “cám ơn”: nếu trong một gia đình, có 3 lời ấy được người ta nói lên, thì gia đình tiếp tục tiến bước. Bao nhiêu lần chúng ta nói cám ơn người giúp đỡ chúng ta, người ở gần chúng ta, tháp tùng chúng ta trong cuộc sống. Nhiều khi chúng ta coi đó là điều dĩ nhiên! Và thái độ này cũng xảy ra đối với Thiên Chúa.
Tiếp tục Thánh Lễ, chúng ta hãy cầu xin sự chuyển cầu của Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng ta để cho mình được Thiên Chúa làm ngạc nhiên, không kháng cự, trung thành với Chúa hằng ngày, chúc tụng và cảm tạ Chúa vì Ngài là sức mạnh của chúng ta.
4. Nghi thức phó thác
Cuối thánh lễ, Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng, cũng là trưởng ban tổ chức đã đại diện mọi người chào mừng Đức Thánh Cha.
Rồi Đức Thánh Cha tiến đến trước Tượng Đức Mẹ Fatima và đọc kinh phó thác:
“Lạy Đức Trinh Nữ Fatima diễm phúc, với lòng biết ơn được đổi mới vì sự hiện diện từ mẫu của Mẹ, chúng con hợp tiếng với tất cả mọi thế hệ đã chúc tụng Mẹ là người diễm phúc.
Nơi Mẹ chúng con ngợi khen những công trình bao la của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ mệt mỏi, từ bi cúi mình trên nhân loại sầu muộn vì sự ác và tổn thương vì tội lỗi, để chữa lành và cứu vớt loài người!
Xin Mẹ vui lòng đón nhận hành động phó thác mà hôm nay, với lòng tin tưởng chúng con thực hiện trước ảnh tượng này của Mẹ mà chúng con rất quí mến.
Chúng con chắc chắn rằng mỗi người chúng con đều quí giá trước mắt Mẹ và không điều gì trong tâm hồn chúng con xa lạ đối với Mẹ. Chúng con để cái nhìn rất dịu dàng của Mẹ đi tới chúng con và đón nhận sự âu yếm an ủi qua nụ cười của Mẹ.
Xin Mẹ giữ gìn cuộc sống của chúng con trong vòng tay của Mẹ: xin chúc phúc và củng cố mọi ước muốn làm điều thiện; xin khơi dậy và nuôi dưỡng đức tin, nâng đỡ và soi sáng đức cậy, khích động và linh hoạt đức ái; xin Mẹ hướng dẫn tất cả chúng con trên con đường thánh thiện.
Xin dạy chúng con tình yêu thương của Mẹ ưu tiên dành cho những người bé nhỏ nghèo hèn, những người bị loại trừ và đau khổ, các tội nhân và những người có tâm hồn lạc hướng, xin tập họp tất cả dưới sự che chở của Mẹ và giao phó tất cả cho Con Yêu Dấu của Mẹ là Chúa Giêsu của chúng con. Amen
Sau kinh phó thác Đức Thánh Cha xông hương trước tượng Đức Mẹ. Trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã nhắc mọi người về phong chân phước Chúa Nhật hôm qua 13-10, tại thành Tarragona, Tây Ban Nha cho khoảng 500 vị tử đạo trong thời nội chiến, thập niên 1930. Ngài nói: “Chúng ta hãy chúc tụng Chúa vì những chứng nhân can đảm của Ngài và nhờ lời chuyển cầu của các vị, chúng ta hãy cầu xin Chúa giải thoát thế giới khỏi mọi bạo lực”.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành Tòa Thánh cho mọi người, Đức Thánh Cha còn bắt tay chào thăm rất nhiều người, các phái đoàn chính thức, đông đảo các linh mục, trước khi đi xe díp màu trắng mui trần tiến qua các lối đi và đến tận gần cuối đường Hòa Giải để chào thăm các tín hữu.
5. Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin không có mặt trong nghi thức nhậm chức Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh
Buổi lễ hôm thứ Ba 15 tháng 10 được dự kiến như buổi lễ chia tay với Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, và là lễ tuyên thệ của Đức Tổng Giám Mục Pietro Parolin, Tân Quốc Vụ Khanh, đã có một sự thay đổi.
Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích như sau:
"Chúng ta đang tập trung ở đây để cảm ơn Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, người sẽ kết thúc nhiệm vụ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và để chào đón Đức Cha Parolin. Nhưng chúng ta sẽ chào đón ngài cho dù ngài vắng mặt hôm nay. Đức Cha sẽ nhận nhiệm vụ mới này một vài tuần sau, vì một phẫu thuật nhỏ mà ngài phải thực hiện."
Phát biểu trước các nhân viên của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Giáo Hoàng đã lên tiếng cám ơn Đức Hồng Y Bertone trong bảy năm phục vụ của ngài.
Ngài nói:
"Tại thời điểm này, với tâm tình biết ơn tôi muốn được chia sẻ với tất cả anh chị em. Thưa Đức Hồng Y Tarcisio, tôi nghĩ rằng tôi cũng nói thay cho người tiền nhiệm yêu quý của tôi, là Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, để cám ơn Đức Hồng Y đã nhiệt tình trong công việc của ngài trong những năm gần đây . "
Tuy không còn là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng Y Bertone vẫn giữ chức Nhiếp Chính, và chủ tịch ủy ban các Hồng Y giám sát công việc của Viện Giáo Vụ IOR, tức là ngân hàng Vatican.
Trong lời đáp từ, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone nói:
"Tôi đã tới thăm Fatima nhân dịp cung hiến đền thờ cho Chúa Ba Ngôi chưa đầy một năm sau khi bắt đầu nhiệm kỳ của tôi. Tôi muốn rằng tất cả những năm phục vụ này được đặt dưới sự phù trì đặc biệt của Đức Mẹ."
Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh được giao trọng trách đảm nhận các công tác ngoại giao của Tòa Thánh và thực hiện các quyết định của Đức Giáo Hoàng. Là người đứng đầu bộ phận này, Quốc Vụ Khanh là cộng tác viên chính của Đức Giáo Hoàng.
Trong khi chờ Đức Tổng Giám Mục Parolin phục hồi sau giải phẫu, sẽ có hai người tạm thời điều hành Phủ Quốc Vụ Khanh. Nhân vật số 3 tại Vatican, Đức Tổng Giám Mục Angelo Becciu sẽ phụ trách về những công tác đối nội trong khi Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, Thư kí của Ban đối ngoại Tòa Thánh sẽ phụ trách ngoại giao của Vatican.
6. Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ gia đình người nữ bác sĩ bị giết vì giúp đỡ người bị tai nạn
Đêm Chúa Nhật 8 tháng 9, nữ bác sĩ Eleonora Cantamessa 44 tuổi đang trên đường trở về nhà, đã gặp một tai nạn đụng xe trên xa lộ có người bị thương, một số xe đã dừng lại quanh đó, và vì là một bác sĩ cho nên cô cũng lập tức dừng xe để giúp đỡ kẻ bị nạn.
Nạn nhân là một thanh niên di dân Ấn Độ tên là Baldev Kumar đang nằm uằn oại trên vũng máu vì bị đánh vào đầu bằng nhiều cây gậy sắt. Điều mà bác sĩ Eleonora không ngờ thì đây là một cuộc thanh trừng nội bộ cuả một băng đảng vì sự tranh giành lợi lộc hoặc chức vụ, mà kẻ hành hung lại không ai khác hơn chính là đứa em trai cuả nạn nhân có tên là Vicky.
Trước đó tên Vicky đã chặn xe cuả người anh trai trên xa lộ, và cùng với 4 đồng bọn dùng gậy sắt, lôi anh mình ra và đánh cho đến khi ngã gục.
Trong khi bác sĩ Eleonora còn đang lúi húi tìm cách cầm máu cho Baldev thì tên Vicky đã phóng xe tới với tốc độ thật nhanh và ủi vào cả hai người. Chiếc xe cuả hắn cũng gây thương tích cho 6 người khác.
Bác sĩ Eleonora đã chết ngay lập tức, thanh niên Baldev chết khi xe cấp cứu đến sau đó.
Bác sĩ Eleonora Cantamessa là một bác sĩ sản khoa làm việc tại bệnh viện Sant'Anna di Brescia và đồng thời cũng có một văn phòng tư ở phố Trescore Balneario, tại đó cô rất nổi tiếng là thương người, điều trị miễn phí cho người nghèo, trong đó có cả những người di dân Ấn Độ.
Cái chết cuả cô làm rúng động xã hội Ý, Thị Trưởng Alberto Finazzi đã tuyên bố một ngày để tang cho cô, Tổng Thống Giorgio Napolitano vả Thủ Tướng Enrico Letta cũng đã gửi vòng hoa phúng điếu.
Người ta đi dự đám tang cuả cô rất đông, đứng chật các đường phố chung quanh nhà thờ vì trong nhà thờ không còn chỗ chứa. Cộng đoàn người Ấn Độ cũng mặc quốc phục đến phúng điếu, họ giương cao biểu ngữ: "Cộng đoàn Ấn Độ chúng tôi cùng xin chia xẻ nỗi đau cuả quí vị".
Gia đình của cô cũng chứng tỏ là những Kitô hữu đầy phẩm giá trong nỗi đau, không thịnh nộ và oán giận, thân phụ cô là ông Mino tuyên bố: "Tất cả mọi sự đều nằm ở trong kế hoạch của Thiên Chúa và cộng đồng Ấn Độ cũng đã chia xẻ niềm tin vững chắc của chúng tôi là kế hoạch của Thiên Chúa bây giờ chính là xin ơn cứu chuộc và tái sinh cho các thủ phạm trong lúc và sau khi thụ án".
Để tiếp nối những nghiã cử cuả cô Eleonora đối với trẻ em nghèo, gia đình đã yêu cầu mọi người không mua hoa phúng điếu mà hãy dùng tiền đó để làm việc từ thiện.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong một bức thư gửi cho Giám Mục Luciano Monari, địa phận Brescia, được đọc trong đám tang, đã viết: "Cô ấy đã kết thúc cuộc sống nơi trần thế trong lúc thực hiện nghiã cử cuả một người Samaritanô nhân lành".
Ngày thứ Tư vừa qua tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã dừng lại thật lâu để an ủi gia đình cuả cô Eleonora Cantamessa. Ngài không ngớt vỗ về lên má cuả bà mẹ đầy nước mắt.
Sự ân cần cuả Đức Thánh Cha đã gây tác động mạnh mẽ cho gia đình bà và bà Mariella Cantamessa đã tâm sự với tờ báo Osservatore Romano:
"Chúng tôi có cảm tưởng khi được Đức Thánh Cha vỗ về là chính lúc khuôn mặt của Eleonora, tuy đã mất nhưng đang được Ngài vuốt ve vậy. Chúng tôi tuy mang một nỗi buồn lớn lao nhưng cũng tự hào đã chứng kiến một hành động hào hiệp của người Kitô giáo. Chúng tôi không oán trách bất cứ ai về cái chết của Eleonora, Thiên Chúa có kế hoạch riêng cuả Ngài mà Eleonora đã chấp nhận và thực hiện nó, thậm chí hy sinh cả mạng sống cuả mình. Bây giờ, việc quan trọng là truyền đạt thông điệp cuả sự vị tha đó, ngay cả việc phải giúp đỡ các gia đình Ấn Độ đang lâm vào thảm kịch này."
7. Đức Giáo Hoàng tiếp Tổng Giám Đốc của Tổ chức Di cư Quốc tế
Sáng thứ Hai 14 tháng 10, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp Tổng Giám Đốc William Lacy Swing của Tổ chức Di cư Quốc tế, gọi tắt là IOM, tại dinh Tông Tòa của Vatican.
Đây là một trong những hoạt động ráo riết của Đức Thánh Cha sau tai nạn đắm tàu mới đây tại Lampedusa khiến trên 200 người thiệt mạng. Hôm 11102013, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Nghị viện Châu Âu là ông Martin Schulz. Hai vị lãnh đạo đã thảo luận trực tiếp về các biện pháp cụ thể để tránh một thảm kịch Lampedusa trong tương lai.
Chào mừng ông Tổng Giám Đốc, Đức Thánh Cha nói:
"Tôi rất hạnh phúc khi nói chuyện với ông về những công việc quan trọng mà tổ chức của quý vị đang thực hiện."
IOM có 151 nước thành viên. Tổ chức này cung cấp sự hỗ trợ đa dạng cho những người nhập cư ở các miền trên thế giới trong rất nhiều trường hợp khác nhau như các dịch vụ tái định cư và các cuộc chiến chống lại nạn buôn người.
Ông Tổng Giám Đốc đã trao cho Đức Thánh Cha báo cáo mới nhất của IOM:
"Thưa Đức Thánh Cha, tài liệu này liên quan đến tình trạng của người di cư là một vấn đề rất Đức Thánh Cha rất quan tâm."
Đáp lại, Đức Thánh Cha nói:
"Quý vị nên tiếp tục làm việc này. Tôi đánh giá cao tất cả các công việc quý vị đang làm. "
Đức Giáo Hoàng đã tặng cho ông Tổng Giám Đốc một cây bút có hình dạng như những trụ cột chung quanh bàn thờ của Đền thờ Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha cũng tặng cho ông Swing và phu nhân những cỗ tràng hạt .
Trước khi tạm biệt, như thường lệ, Đức Thánh Cha yêu cầu họ cầu nguyện cho ngài.
"Đức Thánh Cha sẽ luôn luôn hiện diện trong lời cầu nguyện của con và trong trái tim con.", ông Swing và phu nhân đáp.
IOM đang thực hiện khoảng 2,300 dự án hỗ trợ người nhập cư. Tổ chức này có một đội ngũ nhân viên khoảng 7,800 phần lớn làm việc trực tiếp tại hiện trường.
8. Đức Giáo Hoàng tặng chiếc môtô Harley Davidson cho việc từ thiện
Hôm 14 tháng 10, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trao tặng một trong hai chiếc xe Harley Davidson cho các công tác từ thiện. Chiếc xe sẽ được bán đấu giá và số tiền này sẽ được dùng cho một nhà tạm trú do Caritas Rôma điều hành.
Mùa hè vừa qua gần 2,000 người lái môtô Harley Davidson đã đến Vatican để đánh dấu kỷ niệm năm thứ 110 của hãng xe môtô Harley Davidson. Họ đã tặng Đức Giáo Hoàng Phanxicô hai chiếc môtô.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định cho đi một chiếc để gây qũy từ thiện. Số tiền thu được sẽ giúp trung tâm 'Don Luigi di Lietro' tại Rôma cung cấp cả chỗ ở và thức ăn cho những người cần. Trong thực tế, trung tâm này đã giúp hơn 1,000 người mỗi ngày.
Đức Giám Mục Enrico Feroci, giám đốc Caritas của giáo phận Rôma, cho biết món quà thể hiện sự nâng đỡ của Đức Giáo Hoàng và gần gũi với người dân của giáo phận Rôma trong tình trạng kinh tế suy thoái hiện nay.
9. Đức Thánh Cha Phanxicô nói cha mẹ phải là người đầu tiên dạy giáo lý cho con em mình
Sáng thứ Hai, 14 tháng 10, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bày tỏ mối quan tâm của ngài đứng trước hiện trạng có những người đang rời xa Giáo Hội. Phát biểu trước Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Tân Phúc Âm Hóa, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giảng dạy giáo lý có tính sư phạm đồng thời phải đi kèm với những gương sáng.
Đức Thánh Cha nói:
"Trong thời đại hiện nay, chúng ta thường phải chứng kiến sự thờ ơ đối với đức tin, coi đó không còn là quan trọng trong cuộc đời của con người. Tân Phúc Âm Hóa có nghĩa là gợi lại niềm tin trong trái tim và tâm trí của những người quanh chúng ta. "
Đức Thánh Cha Phanxicô quảng diễn thêm rằng Giáo Hội phải chiến đấu chống lại "tình trạng mù chữ về đức tin”. Ngài nhấn mạnh đến vai trò của gia đình trong Tân Phúc Âm Hóa. Cụ thể, Đức Thánh Cha chỉ ra rằng cha mẹ phải là người thầy đầu tiên của con trẻ.
Đức Thánh Cha nói:
"Điều quan trọng đối với Kitô hữu là chúng ta phải sống đức tin của chúng ta cụ thể thông qua tình yêu, sự hài hòa, niềm vui và đau khổ. Bởi vì, điều đó nhắc nhở chúng ta phải đặt câu hỏi, như muôn dân đã từng đặt ra vào thời Giáo Hội tiên khởi: Tại sao họ sống như thế? Điều gì đã thúc đẩy họ? Đó là những câu hỏi đưa chúng ta đến trung tâm của việc truyền giáo, là những chứng tá về đức tin và đức ái."
Đức Giáo Hoàng cũng giải thích rằng Tân Phúc Âm Hóa không thể thực hiện theo ngẫu hứng nhưng điều quan trọng là phải có sự phối hợp tốt. Ngài đề nghị đi theo con đường đã được thiết lập bởi Công Đồng Vatican II, tập trung vào sứ điệp quan trọng của Kitô giáo, đó là cuộc gặp gỡ cá vị của mỗi người với Thiên Chúa.
10. Đức Thánh Cha nói với các vị lãnh đạo Do Thái: ‘Cầu mong cho chủ nghĩa bài Do Thái bị loại khỏi con tim Kitô hữu’
Hôm 11/10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mạnh mẽ lên án chủ nghĩa bài Do Thái khi tiếp các nhà lãnh đạo cộng đồng Do Thái nhân dịp kỷ niệm 70 năm sự kiện người Do Thái bị trục xuất ra khỏi Rôma trước Thế Chiến thứ hai. Cộng đồng Do Thái tại Thành phố Vĩnh cửu, được xem là cộng đồng Do Thái lâu đời nhất tại Tây Âu, có niên đại từ thời Đế quốc La Mã.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Trong nhiều thế kỷ, cộng đồng người Do Thái và Giáo Hội Rôma đã cùng chung sống trong thành phố này, với một lịch sử mà như chúng ta biết, thường bị hoen ố với những hiểu lầm và bất công thật sự. Tuy nhiên, nhờ sự trợ giúp của Thiên Chúa, giờ đây lịch sử này cũng bao gồm nhiều thập kỷ của sự phát triển các mối quan hệ hữu nghị và huynh đệ".
Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng khi những vụ trục xuất người Do Thái bắt đầu xảy ra, Giáo Hội Công Giáo đã mở cửa nhà thờ, tu viện của mình và thậm chí cả Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô để cung cấp nơi trú ẩn cho họ. Đức Thánh Cha nói thêm: "Một Kitô hữu không thể là người bài Do Thái! Cầu mong cho chủ nghĩa bài Do Thái bị loại khỏi con tim và cuộc sống của mỗi người nam và người nữ !"
Trước khi bắt đầu cuộc tiếp kiến với phái đoàn, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp riêng với Chủ tịch Cộng Đồng Do Thái tại Rôma, cũng là chủ tịch của Liên minh các cộng đồng Do Thái tại Ý.
Đức Thánh Cha nói: "Thật hân hạnh được tiếp đón ngài".
Đức Thánh Cha không xa lạ với việc đối thoại và xây dựng mối quan hệ với người Do Thái. Khi còn là Tổng Giám Mục của Buenos Aires, ngài đã thiết thành lập các mối liên kết chặt chẽ với cộng đồng người Do Thái lớn nhất Mỹ Châu Latin. Ngài cũng đã tham gia vào một chương trình truyền hình và viết một cuốn sách với Giáo sĩ Do Thái giáo Abraham Skorka từ Buenos Aires.
11. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến Chủ tịch Nghị viện Châu Âu
Hôm 11/10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Nghị viện Châu Âu là ông Martin Schulz. Hai vị lãnh đạo đã thảo luận làm thế nào để tránh một thảm kịch như Lampedusa, nơi hàng trăm người nhập cư Châu Phi bị chết đuối khi họ cố gắng tìm đường đến Châu Âu.
Sau cuộc hội kiến dài 30 phút, Chủ tịch Schulz nói chuyện với báo chí, nhấn mạnh sự cần thiết là các nước Châu Âu làm việc với nhau về vấn đề này.
Ông Martin Schulz, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu nói: "Chúng ta phải chiến đấu chống lại sự tuyệt vọng, chống lại các cuộc nội chiến, chống lại đói nghèo, với tinh thần liên đới hơn nữa, hợp tác rộng khắp hơn nữa, phát triển hơn nữa".
Chủ tịch Schulz nhắc đến việc Đức Gioan Phaolô II phát biểu trước Nghị viện Châu Âu 25 năm trước. Một trong ba cuốn sách mà ông Schulz tặng Đức Giáo Hoàng Phanxicô có liên quan đến chuyến thăm đó.
Ông Martin Schulz nói: "Như thế, ngài có thể chuẩn bị cho chuyến thăm của mình đến Nghị viện Châu Âu".
"Và tôi nghĩ đó là một cơ hội tuyệt vời và một cơ hội lớn để mời ngài một lần nữa, mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô phát biểu trước Nghị viện châu Âu trong tương lai gần và tôi nghĩ rằng lời mời của tôi đã được đón nhận và lắng nghe".
Trong suốt cuộc trò chuyện, Đức Thánh Cha đã nói với vị Chủ tịch về nước Đức. Ngài cũng đưa ra một số lời khuyên của ngài về Tây Ban Nha.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Tôi thực sự đánh giá cao chuyến thăm của ngài".
Chủ tịch Schulz: " Cảm ơn ngài rất nhiều ..."
Đức Thánh Cha Phanxicô: "Đừng bỏ qua âm nhạc mà các chính trị gia trẻ mang lại".
Ông Schulz đi cùng với các cộng sự của mình. Họ cũng đã được gặp Đức Giáo Hoàng. Sau cuộc hội kiến, vị chủ tịch cũng có cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y Tarcisio Bertone Quốc vụ khanh Tòa Thánh.
12. Đức Thánh Cha nói Hãy bảo vệ cảm xúc và suy nghĩ của mình, đừng dính dáng với ma quỷ
Trong Thánh lễ sáng ngày 11/10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về những nguy hiểm của những cơn cám dỗ. Ngài giải thích rằng Kitô hữu phải bảo vệ con tim và tâm trí của mình. Ngài cũng nói rằng họ phải thận trọng với những sách lược dối trá của ma quỷ.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Hãy thận trọng vì chiến lược của ma quỷ là: ‘Anh chị em đã trở thành Kitô hữu. Cứ tiến lên trong đức tin của mình. Ma quỷ sẽ chừa anh chị em ra. Nó sẽ để cho anh chị em được bình an. Nhưng sau đó khi anh chị em mất cảnh giác và cảm thấy an toàn, nó sẽ quay lại’. Tin Mừng hôm nay bắt đầu với việc ma quỷ bị ném ra và kết thúc với việc nó quay trở lại! Thánh Phêrô nói: ‘Nó giống như con sư tử hung tợn vây quanh chúng ta’. Nó giống như thế’. ‘Một số người nói rằng, nhưng thưa Cha, Cha quá lỗi thời. Cha hù doạ chúng con bằng những điều này... "Không, không phải là tôi! Đó là Tin Mừng! Và đây không phải là những điều dối trá: Đó là Lời Chúa! Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban ơn để nắm bắt những điều này một cách nghiêm túc. Ngài đã đến để chiến đấu vì sự cứu chuộc chúng ta. Ngài chiến thắng trước ma quỷ! Hãy đừng dính dấp tới ma quỷ! Nó muốn quay lại, để lấy của cải... Đừng chấp nhận thuyết tương đối, hãy thận trọng! Và hãy luôn ở cùng với Chúa Giêsu!".
Đức Thánh Cha cũng nói rằng con người cần phải liên tục nhắc nhở bản thân rằng Chúa Giêsu đã hoàn toàn chiến thắng tội lỗi.
13. Đức Giáo Hoàng thảo luận với Tổng thống Croatia về cuộc khủng hoảng kinh tế
Sáng thứ Năm 10 tháng 10, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Croatia tại Dinh Tông Toà Vatican. Chuyến viếng thăm Vatican lần này đánh dấu cuộc gặp gỡ ngoại giao đầu tiên của Tổng Thống Ivo Josipovic với Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Thông qua các thông dịch viên, hai vị lãnh đạo đã thảo luận về cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như truyền thống Công Giáo lâu đời của đất nước Croatia. Theo ước tính, hiện nay có khoảng 85 phần trăm dân số Croatia là người Công Giáo. Hai vị cũng nói về tình hình của người Croatia đang sinh sống ở Bosnia và Herzegovina.
Về quan hệ song phương, hai vị lãnh đạo đã thảo luận về bốn thỏa thuận gần đây nhằm thúc đẩy sự hợp tác cao hơn nữa giữa Giáo Hội và Nhà nước Croatia. Việc Croatia mới đây gia nhập Liên minh Châu Âu cũng nằm trong nghị trình của cuộc thảo luận.
Kết thúc cuộc gặp, Tổng thống Croatia đã tặng Đức Giáo Hoàng một bức hình, trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô tặngTổng thống một huy hiệu triều đại giáo hoàng của ngài.
14. Đức Thánh Cha nói: Để 'xin và nhận', chúng ta phải cầu nguyện với lòng can đảm
Trong Thánh lễ thường nhật sáng ngày 10 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy niệm về lời dạy nổi tiếng của Chúa Giêsu: "Hãy xin thì sẽ được". Đức Thánh Cha cho hay các Kitô hữu phải trực diện và mạnh dạn trong lời cầu nguyện của mình và Thiên Chúa sẽ giúp những người kêu cầu sự giúp đỡ của Ngài. Đức Thánh Cha cũng cho biết để lời cầu nguyện được nhậm lời, họ phải cầu nguyện với lòng can đảm.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Khi chúng ta can đảm cầu nguyện, Chúa ban ơn cho chúng ta, nhưng Ngài cũng ban chính mình cho chúng ta qua ân sủng của Chúa Thánh Thần! Chúa không bao giờ ban hoặc gởi ân sủng qua thư từ: Không bao giờ! Chính ngài mang ân sủng! Những gì chúng ta cầu xin chỉ là một ít như… phong bì dùng để gói ân sủng trong đó. Nhưng ân sủng thật sự là Ngài, Đấng mang lại những hồng ân cho chúng ta. Chính là Ngài. Nếu những lời cầu nguyện của chúng ta được thốt lên bằng sự can đảm thì chúng sẽ được nhậm lời, nhưng chúng ta cũng sẽ nhận được một điều quan trọng hơn: chính là Chúa".
Đức Thánh Cha cũng mời gọi các Kitô hữu đừng cầu nguyện theo thói quen mà hãy cầu nguyện với niềm tin, rằng Thiên Chúa đang thực sự lắng nghe.
15. Đức Thánh Cha cám ơn các Hiệp sĩ Columbus vì những lời cầu nguyện và 'sự ủng hộ bền bỉ'
Hôm 10/10, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến Ban Điều hành của Hội Hiệp sĩ Columbus tại Sảnh đường Clêmentê của Vatican. Cuộc gặp gỡ sáng thứ Năm được bắt đầu bằng bài phát biểu của Hiệp sĩ tối cao Carl Anderson.
Các Hiệp sĩ Columbus là tổ chức Công Giáo phục vụ mang tính huynh đệ lớn nhất thế giới, Đức Thánh Cha đã cám ơn Hội Hiệp sĩ vì những lời cầu nguyện và sự hỗ trợ cho các công việc bác ái của Tòa Thánh Vatican. Hội Hiệp sĩ Columbus hiện đã có hơn 1,8 triệu thành viên.
16. Đức Thánh Cha Phanxicô gửi điện cho Tổng thống Cristina Kirchner của Á Căn Đình
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một bức điện đến Tổng thống Á Căn Đình, là bà Cristina Fernández de Kirchner. Trong bức điện, ngài đảm bảo với bà Tổng thống rằng ngài đang cầu nguyện cho bà được nhanh chóng hồi phục.
Hôm thứ Ba 08/10, vị tổng thống 60 tuổi đã trải qua cuộc phẫu thuật để cắt một cục máu tụ ở giữa não và hộp sọ.
Trong bức điện của mình, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài "đảm bảo sự hiện diện của ngài qua lời cầu nguyện" và ngài đã cầu xin "Đức Mẹ Maria Luján ban sức mạnh" cho Tổng thống.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài cũng cầu nguyện cho gia đình tổng thống và các bác sĩ để "Chúa soi sáng trên những quyết định của họ".
Ngài kết thúc bức điện bằng cách nói rằng ngài hy vọng bà tổng thống có thể sớm "trở về với trách nhiệm hàng ngày của mình".
VietCatholic
0 nhận xét:
Đăng nhận xét