Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Trước vành móng ngựa

LTCGVN (20.10.2013)

Trước vành móng ngựa
Khi nói tới cụm từ “trước vành móng ngựa”, người ta có ý nói tới tòa án, liên quan pháp luật và công lý, tất nhiên “dính líu” tới tội lỗi. Gọi là “vành móng ngựa” vì “tấm chắn”, nơi bị cáo đứng, có hình bán nguyệt như móng sắt đóng vào chân ngựa.
Chẳng ai dám ham cái “của nợ” ấy. Người đứng trước vành móng ngựa là phạm nhân hoặc tội nhân. Tất nhiên cũng có những người bị xử oan, và có những người “được” xử đúng tội, vì thế thẩm phán và hội đồng xét xử phải là người chân chính. Các phạm nhân lãnh án khác nhau về mức án: Tử hình, chung thân khổ sai, chung thân, vài chục năm, vài tháng, vài tuần, vài ngày, hoặc án treo.
Cân Thiên Bình là biểu tượng của tòa án. Cân này có độ chính xác cao, nhưng nó phải được điều khiển bởi người chí công, vô tư và nhân hậu. Nếu không thì rất nguy hiểm!

Tính theo Tân ước, có thể coi Chúa Giêsu là người đầu tiên phải ra trước tòa án và bị người ta kết án, thậm chí là án tử nhục hình – dù chính Ngài đã chứng kiến một phụ nữ ngoại tình bị người ta xét xử (Ga 8:1-11), kiểu “tòa án lưu động”. Tất nhiên là Chúa Giêsu đã bị kết án sai một cách oan uổng vì ý đồ thâm độc của bọn thủ ác!
Tòa án là đại diện công lý. Tóa án đời có nhiều cấp độ, từ thấp tới cao, tới tối cao, và đặc biệt là Tòa án Quốc tế. Nhưng có một loại tòa án vô hình mà rất quan trọng, hơn cả tòa án thượng cấp hoặc tối cao. Tòa án này không có thẩm phán, không có luật sư bào chữa, không có nguyên đơn, mà chỉ có bị cáo. Đó là “tòa án lương tâm”. Và người ta phải tự xử hàng ngày!
Ai cũng một lần phải ra trước vành móng ngựa, đúng ra là hai lần. Thật ư? Nghe nói vậy, người ta sẽ cãi tới bến: “Tôi không hề phạm pháp, chưa hề đi tù hoặc đứng trước vành móng ngựa bao giờ!”. Đúng vậy! Nhưng đừng vội nóng. Vì đó là sự thật minh nhiên, thật 100%. Ngày bạn phải ra trước vành móng ngựa là Ngày Phán Xét Chung. Lần thứ nhất là lúc chết, lúc chịu “xét xử” riêng. Tại Tòa Công Lý này không có nguyên đơn, không có luật sư bào chữa và không ai được kháng cáo.
Thật đáng sợ, vì “Thiên Chúa cứ theo sự thật mà xét xử” (Rm 1:2) và “Thiên Chúa không thiên vị ai” (Rm 1:11; Hc 35:12). Đừng biện hộ rằng tôi thế này hoặc thế nọ, tôi đã thực hiện nhiều thứ công ích xã hội. Không thể biện minh hoặc biện hộ, không thể ỷ công súc hoặc tài năng, tất cả mọi chi tiết đều được “ghi âm” và “thu hình” bằng laoị “máy” cực kỳ tối tân là loại máy “siêu vô hình”. Và đừng giả nai hoặc cố ý quên rằng Thiên Chúa là “Đấng thấu suốt mọi sự” (2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 15:2; 1 Cr 2:10).
Trình thuật Mt 25:31-46 là cảnh Phán Xét Chung với hai hình ảnh đối nghịch: Chiên và Dê. Hai hình ảnh quen thuộc, rõ ràng và thực tế.
Như một vở bi-hài-kịch, Thánh sử Mátthêu kể: Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.
Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải: “Nào, những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25:34-36). Bấy giờ những người công chính sẽ thưa: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?” (Mt 25:37-39). Người chân chính thì khiêm nhường, không dám nhận mình là người tốt lành, đạo đức hoặc thánh thiện. Họ thật dễ thương! Dù họ nói vậy, nhưng Đức Vua sẽ đáp lại: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40).
Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái: Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng” (Mt 25:41-43). Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?” (Mt 25:41-44). Kẻ xấu nào cũng “già mồm”, nói dối như Cuội, cãi như xé vải. Nhưng vô ích! Và Người sẽ đáp lại họ: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:45).
Cuối cùng, hai năm rõ mười, và hai thái cực khác nhau: “Người bất chính ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25:46). Mức án đã rõ, không thể thay đổi!
Thánh sử Mátthêu tường trình rõ ràng như một vở kịch hoặc một bộ phim sống động. Chúng ta thấy Thiên Chúa không xét đến chức vụ, công to việc lớn, tài năng,… mà Ngài chú trọng việc bác ái thực sự (dạng “cao cấp” hơn bố thí và công bằng), biết chạnh lòng thương tha nhân, biết chân thành yêu thương và chia sẻ mọi thứ với những người khốn khổ.
Thánh sử Luca là một lương y nên ngài cũng có lòng nhân hậu. Trình thuật Lc 10:30-37 là câu chuyện về người Samari nhân lành. Chính người Samaria là người đã động lòng trắc ẩn và hành động cụ thể. Dụ ngôn này cũng là dụ ngôn “khó ưa”, vì ai cũng cảm thấy “nhột gáy”, càng làm lớn càng sợ tái mặt! Có người “sợ phát run”, nhưng có người lại “sợ phát điên”. Còn may, nếu thấy “sợ phát run”; nhưng rất nguy hiểm nếu thấy “sợ phát điên”.
Thánh sử Luca kể: Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác”.
Chúa Giêsu hỏi ai trong ba người đó đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp. Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”. Nếu là chúng ta thì chắc hẳn chúng ta cũng trả lời ngay như vậy, dù chúng ta không giỏi, chỉ là dân đen thôi. Và Đức Giêsu bảo mỗi chúng ta: “Hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.
Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4:8). Luật Chúa là Luật Yêu. Cả cuộc đời chỉ cần YÊU là đủ, là giữ trọn các luật khác. Thật vậy, đức mến quan trọng nhất, cả đời này và đời sau, vì trong Nước Chúa không cần đức tin và đức cậy, mà chỉ còn đức mến.
Lạy Thiên Chúa tình yêu, chúng con xấu hổ quá! Xin thương xót, tha thứ và biến đổi chúng con. Xin Chúa Thánh Thần tác động để chúng con chấn chỉnh cho cho kịp Giờ Chúa Đến, trước khi chúng con phải đứng trước vành móng ngựa. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Khánh Nhật Truyền Giáo, CN XXIX TN – 2013

0 nhận xét:

Đăng nhận xét