LTCGVN (18.10.2013)TÌM HIỂU Ý NGHĨA CỦA TÊN GỌI “MAI KHÔI”
Mai Khôi, hay còn được nhiều nơi gọi là Mân Côi, Mai Côi, Môi Khôi, Văn Côi... đều xuất xứ từ tiếng Latinh là Rosarium có từ thời Trung Cổ, tiếng Ý là Rosario, tiếng Pháp là Rosaire, tiếng Anh là Rosary, có 3 nghĩa như sau:
Ngày xưa, tràng chuỗi Hoa Hồng là một hình thức của lễ dâng lên các vị thần linh, hay một vòng hoa quàng vào thân mình người được thiên hạ ngưỡng mộ tôn vinh.
Sang đến Việt Nam, chuỗi Rosarium được người miền Bắc gọi là “Chuỗi Mân Côi”, hoặc “Chuỗi Văn Côi”; riêng người miền Nam và miền Trung lại gọi là “Chuỗi Môi Khôi”. Ngoài mấy cách gọi thông thường của từng địa phương nêu trên, các cha Dòng Đa Minh chi Lyon Pháp, còn có cách gọi là “Chuỗi Mai Khôi”. Cách gọi này hiện nay được khá nhiều người dùng, nhất là các tu sĩ và giới trẻ, đặt thành nhiều bài hát hay viết các bài suy niệm.
Vậy, phải dùng cách gọi nào cho thật đúng trên bình diện ngôn ngữ học và việc đạo đức thiêng liêng của người Công Giáo chúng ta ? Học giả Đào Duy Anh dịch chữRosaire của tiếng Pháp trong ba từ gọn lỏn là: “Tràng hạt dài”. Từ Điển Pháp-Việt của nhà xuất bản Thanh Hóa in năm 1994 dịch ra hai nghĩa là:
1. Chuỗi hạt lớn có khoảng 150 hạt, tràng hạt.
2. Kinh lần tràng hạt.
Tổng hợp các từ điển Việt-Nam, Hán-Việt và Trung-Hoa, chúng ta không tìm được từ ngữ nào là “Mân Côi”. Vậy từ đâu mà có tên gọi này, cũng như đã có những cách đọc trại ra, na ná giống nhau ?
Thật ra, “Mân” là tên một thứ đá rất đẹp, bên ngoài có vân như ngọc nhưng lại không có giá trị bằng ngọc. Có nơi lại gọi loại đá này là “Văn” có nghĩa là có vân, một thứ đá có vân đẹp. Còn “Môi” hay đọc đúng chính âm là “Mai” lại là tên một thứ ngọc quý màu đỏ. “Côi”, hay còn đọc là “Khôi” chính là tên một thứ đá kém giá trị hơn ngọc ( danh từ ). Ngoài ra, còn một nghĩa khác nữa là hiếm, quý, lạ ( tính từ ).
Nếu ghép thành “Mai Côi”, chúng ta còn có thêm ý nghĩa là: một loài hoa rất thơm, sắc đỏ hoặc trắng, nhánh có gai, ngày nay người ta dùng hoa này chưng cất lấy hơi tẩm ướp vào rượu để sản xuất ra một thứ rượu quý nổi tiếng của Trung Hoa, gọi là “Mai Côi Lộ Tửu”, thường được gọi trại ra là “Mai Quế Lộ”. Riêng ông Nguyễn Văn Khôn và ông Đào Duy Anh đều viết đúng chữ “Mai Khôi Hoa” và giải thích đúng là Hoa Hồng.
Vậy, chúng ta có thể khẳng định các cách gọi “Mai Côi”, “Mai Khôi” hay “Môi Khôi” đều là những âm Hán tự có nghĩa đích xác là Hoa Hồng, trong khi cách gọi “Mân Côi” lại không bao giờ có nghĩa là Hoa Hồng, mà chỉ là nói đến một thứ đá !
Trong việc đạo đức sùng kính Đức Maria, mỗi lời nguyện, mỗi lời kinh là một của lễ xứng đáng, là một đóa Hồng xinh tươi, là một chuỗi Hoa Hồng, là cả một vườn Hồng tuyệt vời mà chúng ta kính cẩn dâng lên Mẹ. Quả là chúng ta không thể dùng từ “Mân” với nghĩa không được cao quý trong “Mân Côi” để tìm lấy một mùi hương ngát thơm lâng lâng bay lên tòa Thiên Chúa được.
Người quân tử quý ngọc, nhưng lại coi thường đá Mân. Thế tại sao chúng ta lại giữ lấy đá Mân thiếu giá trị làm một của lễ cho Mẹ Thiên Chúa ? Chúng tôi chủ trương dùng“Mai Khôi”, hay “Mai Côi”, thậm chí “Môi Khôi” là để thay thế cho từ ngữ “Mân Côi” mà có thể vì chưa hiểu thấu đáo ý nghĩa, chúng ta đã vô tình quen dùng một cách không xứng đáng với Mẹ Maria. Rất mong được các bậc học giả uyên thâm đóng góp thêm nhiều ý kiến chính đáng hầu trang hoàng cho tòa Hoa Thơm của Mẹ.
Lm. Giacôbê PHẠM VĂN PHƯỢNG, Dòng Đa Minh
Theo EPHATA số 582
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét