Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Luật sư Lê Quốc Quân, nhân tài người Việt?

LTCGVN (01.10.2013)

Trong những ngày qua, hai cuộc thảo luận quan trọng về ‘Hiện trạng kinh tế Việt Nam’ được tổ chức hầu các học giả, kinh tế gia và giới chức Việt Nam có cơ hội để phát biểu nhận định của mình về đề tài sống còn này của Đất Nước nơi đồng bào Việt đang sinh sống. Tiếp theo, chúng ta xin được chia sẻ sự lo buồn với gia đình Luật sư Lê Quốc Quân, người vừa được tuần báo Nouvel Observateurs ngày 13.09.2013 vinh danh là một trong 50 người góp phần làm cho khuôn mặt nhân loại thay đổi trong tương lai (Les 50 qui changent le monde), đang bị tạm giam do bị ghép tội ‘trốn thuế’ : một trong những nhân tài Người Việt ?

I.- HIỆN TRẠNG KINH TẾ VIỆT NAM.

A./ ‘Nguy cơ vỡ kế hoạch kinh tế 5 năm’

Đó là tựa đề bài của Express.online ngày 24.09.2013 khi viết về cuộc Hội thảo Khoa học ‘Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011- 2015 và những điều chỉnh chiến lược’ được phối hợp tổ chức ngày 23.09.2013 bởi Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội.

Do dự báo kém, không dám nhìn thẳng vào những sai lầm thực sự, nên sau gần 3 năm thực hiện kế hoạch phát triển này, chính phủ lẫn chuyên gia đều nhận định rất khó để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: ‘Nhiều mục tiêu của kế hoạch 5 năm có khả năng không thực hiện được. Ngay trong năm 2013, có tới 7 trên 15 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra như tốc độ tăng trưởng Tổng sản lượng quốc gia (TSLQG), giá trị gia tăng công nghiệp, xây dựng, giải quyết việc làm. Dư địa chính sách cho mô hình tăng trưởng hiện tại không còn nhiều’. « Việc nhiều chỉ tiêu kinh tế 5 năm dự kiến không đạt kế hoạch dẫn đến nguy cơ Việt Nam ngày càng tụt hậu so với các nước trong khu vực. », Trưởng Ban kinh tế trung ương Vương Đình Huệ nhận định. Điều này cũng được thể hiện qua nghiên cứu của nhóm chuyên gia kinh tế trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Hiệu Phó Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng nhận định, nửa chặng đường đã qua đi nhưng khả năng thực hiện được các mục tiêu theo đúng kế hoạch là ‘rất mong manh’. Mức tăng TSLQG giai đoạn 2011- 2015 được hy vọng 6,5-7%, lạm phát ở mức 5-7% so với năm trước. Tuy nhiên, tính toán hiện thực cho thấy TSLQG thời gian này chỉ ước tăng 5,8% và lạm phát lên tới 9,2%. Tốc độ tăng trưởng trung bình Việt Nam bắt đầu giảm nhanh và liên tục từ cuối năm 2007, đến năm 2012 nằm ở mức thấp nhất kể từ năm 2000. Trong khi đó, tốc độ tương ứng tại bốn trong năm nước quan trọng khác thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN-5 gồm : Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) đều khởi sắc hơn kể từ cuối 2009, sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Cũng vậỵ, về lạm phát, dù đã giảm trong năm 2012 nhưng thống kê tại Việt Nam vẫn là cao nhất so với các thành viên ASEAN này. « Trong khi tăng trưởng khu vực đang có xu hướng gia tăng, lạm phát thấp thì Việt Nam đối diện với tốc độ tăng trưởng suy giảm liên tục nhưng giá cả lại cao. Không những thế, biến động lạm phát ở Việt nam cũng cao hơn nhiều, điều này phản ánh sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát tại Việt Nam là lớn so với các nước trong khu vực và bất ổn vĩ mô vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát », nhóm chuyên gia phản ánh. Do đó, ông đề nghị : « Nên lùi thời gian này thêm 15-20 năm nữa đến năm 2035-2040. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam năm 2015 khoảng 2.200 mỹ kim và đến năm 2020 khoảng 4.000 mỹ kim/năm, song ở các nước công nghiệp hiện đại thì thu nhập ít nhất phải 10.000 mỹ kim/năm, do đó, cần phải đợi 10-20 năm nữa ».

Đề nghị này đã gặp phải sự phản bác của cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan và các chuyên gia kinh tế ‘Tôi không chấp nhận đề nghị này vì điều chỉnh thì dễ nhưng để làm gì khi những yếu kém vẫn chưa được giải quyết. Tương tự, việc trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2020 cũng không phải vấn đề cấp bách mà trọng tâm là phải bằng cách nào thực hiện công nghiệp hóa, tránh tình trạng đi lệch đường’. Ngoài ra, ông còn nhận định : « Tôi không tin khủng hoảng kinh tế là nguyên nhân chủ yếu vì nhiều quốc gia cũng bị ảnh hưởng nhưng đâu đến nỗi như Việt Nam. Bên cạnh đó, những vấn đề liên quan đến thế giới như xuất khẩu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng không sụt giảm. Vậy tại sao lại đổ cho nó. Ngoài ra, khó khăn nội tại của nền kinh tế cũng đã tồn tại từ lâu rồi, nhưng trước đây không đến nỗi bộc lộ như hiện nay ». 

B./ Vì sao kinh tế mãi tụt dốc?

Đó là tựa đề bài VnEconomy.online ngày 27.09.2013 tường trình về Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2013 mang chủ đề ‘Kinh tế Việt Nam 2013, triển vọng 2014, nỗ lực thực hiện 3 đột phá chiến lược’ do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức ngày 26 và 27.09.2013 tại Huế. 

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận định nền kinh tế Việt Nam đang một mình nghẽn mạch, nhưng số liệu thống kê luôn có độ ‘bí ẩn’ và nhiều ‘đại vấn đề’ của nền kinh tế vẫn còn nguyên. Ông đề nghị giải pháp chiến lược là nhân dịp sửa đổi Hiến pháp 1992 cần chấm dứt sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, không ghi thành phần kinh tế ‘chủ đạo’ trong Hiến pháp. Ngoài ra về đất đai thay vì sở hữu toàn dân nên chuyển sang đa sở hữu.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự báo, năm 2014 nền kinh tế vẫn chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ. Những khó khăn gặp phải trong năm 2013 vẫn tiếp tục kéo dài sang năm 2014, nhưng có thể bớt hơn để có thể đạt tốc độ tăng TSLQG khoảng 5,5% và lạm phát tăng khoảng 7% so với năm 2013. Ông cũng nhấn mạnh nhiệm vụ chính trong năm 2014-2015 vẫn là giữ ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế. Khi cho rằng đây là thời điểm hệ trọng của nền kinh tế Việt Nam, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành nêu lại quan điểm với ổn định kinh tế vĩ mô thì phải kiên trì nhất quán, phục hồi không quá vội vã, tái cấu trúc thì phải kiên quyết và mạnh mẽ.

Sự bất ổn kinh tế năm 2013, bắt nguồn từ năm 2008 đến nay, khi các chính sách kinh tế vĩ mô đều nhằm chống lạm phát. Sự thay đổi chính sách liên tục (lúc thắt chặc, lúc nới lỏng nhất là chính sách tiền tệ) đã làm cho thị trường mất phương hướng dài hạn. Có 4 thách thức mà nền kinh tế đang phải đối diện được nêu tại Diễn đàn là : 1. Nguy cơ tái lạm phát cao kèm theo sự trì trệ của thị trường sẽ làm cho tình hình khó khăn thêm ; 2. Tình hình nợ xấu chưa được cải thiện, nên tình trạng thừa tiền thiếu vốn còn kéo dài ; 3. Sự giảm lãi suất cho vay thấp do hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp lẫn hệ thống ngân hàng thương mại ; 4. Nỗ lực để làm ấm thị trường bất động sản chưa mang lại kết quả, nên thanh khoản của thị trường này khó được cải thiện kéo theo việc xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại vẫn còn khó khăn.

II.- NHÂN TÀI NGƯỜI VIỆT KHÔNG ĐƯỢC TRỌNG DỤNG.

Nền kinh tế Việt Nam sẽ không bao giờ ‘cất cánh’ được để thành ‘Rồng’ như nhiều người ngoại quốc khen nịnh để người cộng sản mơ mộng. Sau khi được nhận là thành viên thứ 150 Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007, kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn. Đó không phải chỉ là do dự báo kém, không nhìn thẳng những sai lầm thực sự, tham nhũng hay các số liệu thống kê không khả tín mà còn do cái chủ trương gọi là ‘hồng hơn chuyên’. Hậu quả, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy những trường hợp Vinashin hay Vinalines đã xảy ra. Trong khi đó, bao nhiêu nhân tài không chịu ‘câm miệng’ đừng đòi nhân quyền hay ‘Hoàng sa Trường sa Việt Nam’ bị cấm tham gia việc giúp nước hoặc bị giam cầm vô tội… 

A./ Những người siêu giàu ở Việt Nam. 

Theo công ty tư vấn Wealth-X và ngân hàng UBS (Thụy Sỹ), số người siêu giàu ở Việt Nam tăng lên 195 người (tài sản từ 30 triệu mỹ kim trở lên) trong năm 2012, với tổng tài sản ước tính là khoảng 20 tỷ mỹ kim trong khi Việt Nam có khả năng không đạt được mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Trao đổi với VOA Việt Ngữ (ngày 26.09.2013), Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết ông không ngạc nhiên : « Trong khi kinh tế khó khăn thì một số người, do có những mối quan hệ và có thể tiếp cận được với các tài nguyên, họ vẫn tiếp tục giàu lên một cách nhanh chóng. Tôi nghĩ rằng xu thế đó hiện nay vẫn đang tiếp tục… Họ có thể khai thác tài nguyên, họ có thể khai thác gỗ, họ có thể giàu lên nhờ bán đất, hoặc nhờ các lý do khác. Điều ấy cho thấy thực tế rằng xã hội Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng lên... Mới đây, có hiện tượng một gia đình cho một đứa bé một tuổi làm chủ tịch hội đồng quản trị và có gia sản rất lớn. Đấy là một trong các điều mà chúng ta thấy rằng là người giàu lên ở Việt Nam khác với những người giàu lên trên thế giới như thế nào. Trên thế giới, người ta muốn giàu lên, người ta phải giỏi về quản trị hay người ta phải làm chủ về khoa học công nghệ, người ta phải đóng góp rất lớn về tiến bộ của cộng đồng. Nhưng trong trường hợp của Việt Nam, những người giàu lên ở Việt Nam là những người giàu lên vì đất ».

B./ Luật sư Lê Quốc Quân.

Chăm lo làm ăn, Luật sư Lê Quốc Quân góp phần tăng trưởng kinh tế Đất Nước bằng thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn ‘Giải pháp Việt Nam’ từ năm 2001 chuyên nghiên cứu và cung cấp thông tin thị trường. Tuy nhiên, sáng ngày 27.12.2012, ông bị bắt khẩn cấp khi đang trên đường đưa con đi học. Sau đó, một đội công an đến đọc lệnh khám xét văn phòng và nhà riêng của anh vì liên quan đến tội ‘trốn thuế’ vi phạm Điều 161 Bộ luật Hình sự. Hai tiếng đồng hồ sau, họ ra đi mang theo toàn bộ máy tính, đồ đạc gia đình và một số giấy tờ liên quan. Tuy nhiên, giới quan sát cũng như mọi người thiện chí, khi biết rõ quá trình hoạt động xuất phát từ con tim yêu nước và thương đồng bào của ông, đều nhận định đây là một sự trả thù của người cộng sản đối với một ‘người Công Giáo tốt và Công dân tốt’. Giới hữu trách sẽ kéo anh Quân ra Tòa án Hà nội để được xét xử dưới sự chủ tọa của thẩm phán Lê Thị Hợp. Ba luật sư Hà Huy Sơn, Trần Thu Nam và Bùi Quang Nghiêm sẽ bảo vệ cho người bị cáo gian. Hy vọng phiên tòa có Công lý ! Công lý được thực thi có nghĩa là ông phải được trả tự do, cũng như ba lần bị bắt trước. Hơn nữa, việc ‘trốn thuế’ đã được điều tra bởi các công an chính trị và, kết quả ngược lại, cho thấy nhà nước còn thiếu nợ ông 172 triệu đồng. Phiên tòa được ấn định vào ngày 09.07.2013, sau hơn sáu tháng tạm giam.

Bổng nhiên, ngày 08.07.2013, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội gởi văn thư cho các luật sư bào chữa báo hoãn phiên xử vì thẩm phán Lê Thị Hợp đã bị cảm đột xuất phải đưa đi cấp cứu và, theo chỉ thị của bác sĩ, bà cần nằm điều trị tại bệnh viện để theo dõi.

Ngày 03.09.2013, Luật sư Hà Huy Sơn gời 'Yêu cầu của người bào chữa' tới Chánh án Tòa án Nhân dân và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội để trình sự việc: « Thời hạn xét xử theo khoản 2 Điều 176 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định là hạn 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng. Đối với vụ án phức tạp có thể gia hạn nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng » và « phiên tòa ngày 9/7 bị hoãn tối đa 30 ngày phải mở lại ». Do đó, « Cộng tất cả các khoản trên, nếu tính từ ngày ra cáo trạng 09.04.2013 là 93 ngày, tức ngày 12.08.2013 phải mở phiên tòa xét xử; nhưng nay đã quá thời hạn chuẩn bị xét xử 20 ngày ». Chiếu Điều 177 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định 'thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 của bộ luật này, nên yêu cầu ‘trả tự do ngay cho ông Lê Quốc Quân’ vì không có lý do để tiếp tục tạm giam đương sự.

Tuần báo Pháp ngữ ‘Le Nouvel Observateur’, ngoài ấn bản điện tử còn phát hành hơn 500.000 báo giấy có ‘Hồ sơ đặc biệt’ giới thiệu 50 khuôn mặt khắp Năm châu, gồm những người trẻ tuổi, hy sinh bản thân, vận động đấu tranh từ Nhân quyền đến bảo vệ môi trường. Trong đó, có Luật sư Lê Quốc Quân : « Từ tháng 12.2012, ông bị tạm giam vì bị cáo buộc ‘trốn thuế’, nhưng lý do thật là bị bắt chỉ sau 9 ngày sau khi ông phổ biến trên trang mạng đài BBC bài viết ‘Hiến pháp hay là bản hợp đồng điện nước?’. Trong đó, ông đề nghị sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt điều 4 cho phép đảng cộng sản độc quyền cai trị quốc gia. Ông Quân đã lập văn phòng luật sư bênh vực Nhân quyền và văn phòng này đã bị đóng cửa từ 6 năm qua và ông bị cấm hành nghề luật sư. Trong một quốc gia vừa gia tăng các biện pháp trừng trị giới sử dụng các mạng xã hội. Ông là một trong 35 blogueurs đang bị tù và là một trong 7 luật sư bị cấm hành nghề. Nguyên thủy, phiên xử được định vào ngày 09.07.2013, nhưng đã được đình chỉ vô thời hạn. Hiện nay, ông được biết khắp thế giới và có thể bị từ ba đến bảy năm tù ».

Ngày 20.09.2013, Luật sư Hà Huy Sơn đã được Tòa án thông báo lên nhận quyết định xét xử ông Lê Quốc Quân vào sáng ngày 02.10.2013 tại 43 Hai Bà Trưng quận Hoàn Kiếm Hà Nội. 

Chúng ta cùng cầu nguyện cho một nhân tài vô tội.

Hà Minh Thảo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét