LTCGVN (21.10.2013)
Sài Gòn – Tuần thứ 28 (Tuần lễ từ 14/10 đến 18/10/2013), Văn phòng nhận được hồ sơ của Dân Oan các Tỉnh, Thành: Trà Vinh, Sài Gòn, Tây Ninh. Ngoài ra còn rất nhiều hồ sơ bổ sung, yêu cầu soạn thảo đơn…Văn Phòng sẽ lần lượt giải quyết…
1. Trà Vinh:
Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, H. Càng Long: Bà yêu cầu Văn phòng giúp Bà đòi lại diện tích đất 4.470m2 (trong tổng số diện tích 6.300m2 Cha Bà là Ông Dương Đăng sang nhượng hợp pháp của Ông Phạm Ngọc Hiện). Lúc đầu Nhà cầm quyền cưỡng chế nói “sử dụng vào mục đích công cộng”, nhưng sau lại phân lô, xẻ thịt bán nền cho dân và một số cán bộ cất nhà ở. Hồ sơ kèm theo có giấy tờ chứng nhận Quyền sở hữu đất của Ông Dương Đăng do mua của Ông Phạm Ngọc Hiện từ năm 1958. Hồ sơ có nhiều đơn thư, xác nhận, các bài báo… của nhiều người dân xác nhận nội dung Ông Dương Đăng là người có công với Cách mạng, trước 30/4/1975 Ông có đóng góp tiền của, vật dụng… cho công cuộc Cách mạng. Các văn bản lấy đất của gia đình Ông là “áp đặt lý do sai sự thực để lấy đất của dân rồi phân lô, bán nền trái phép”, là “khuất tất…”. Hiếm có trường hợp mấy chục hộ dân đứng đơn tập thể xác nhận “Ông Dương Đăng là gia đình cần cù, chất phác, bám đất trong chiến tranh, nuôi chứa cách mạng rất tốt…lấy đất của Ông là điều không tốt cho đất nước ta hiện nay…”. Đáng chú ý là Trụ sở tiếp công dân của TW đảng và NN trong vòng hơn 2 tháng có 2 văn bản “yêu cầu xem xét. Giải quyết…” trường hợp “trong quá trình diễn ra việc tranh chấp, UBND huyện Càng Long ra báo cáo số 69/BC-UBND với nội dung hoàn toàn không đúng sự thật nhằm chiếm đoạt diện tích đất trên để chia cho con em một số cán bộ có chức, có quyền tại UBND huyện Càng Long sử dụng, thêm vào đó báo cáo có nội dung bôi nhọ thanh danh người đã mất (Ông Dương Đăng) càng gây thêm bức xúc đối với gia đình Bà Sương…”. Văn phòng hướng dẫn bà gửi đơn (đã có) kèm theo Văn bản số 4020/TDTW ngày 4/10/2013 của Trụ sở tiếp Công dân của TW đảng và NN đến UBND Tỉnh, nếu vẫn không được giải quyết, Bà tiếp tục gửi đơn nhờ Trụ sở tiếp công dân… can thiệp. Bà củng có thể gửi đơn tố cáo đến Thủ tướng về hành vi không giải quyết hoặc giải quyết không đúng sự thực, không đúng pháp luật của chủ tịch UBND Tỉnh Trà Vinh (là cán bộ thuộc quyển quản lý của TT).
2. Sài Gòn:
a) Ông Nguyễn Văn Thìn, Huyện Đạ Huoai: Ông kêu oan cho con là Nguyễn Bá Duy, bị TAND Quận 8 và TAND TP. xét xử tội “cướp tài sản”, tuyên án 4 năm tù giam. Hồ sơ thể hiện rất nhiều chứng cứ chưa được làm rõ, mâu thuẫn, chưa đủ căn cứ kết tội… Đặc biệt các dấu hiệu công an vi phạm, đánh người, lập biên bản khống, người gọi là bị hại có lời khai tại Tòa đầy mâu thuẫn, chính Viện Kiểm sát phải thốt lên tại Tòa: “Tại phiên Tòa hôm nay, Ông luôn thay đổi lời khai của mình, lúc khai thế này, lúc khai thế khác…” Đáng chú ý là lời khai nhận của Ông này tại Tòa: có trực tiếp chứng kiến cán bộ lấy lời khai đạp cùm vào chân Duy, gây đau đớn… Biên bản chỉ đưa giấy trắng cho Ông ký mà không ghi nội dung…. Còn bị cáo khẳng định: quá trình điều tra chỉ được trích xuất hỏi cung… 2 lần… và ký vào giấy trắng? (trang 7, trang 8, trang 9 Biên Bản phiên Tòa). Do Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, Văn phòng hướng dẫn Ông nhờ Luật sư (đã bào chữa cho con Ông tại Tòa) viết đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm.
c) Ông Vũ Khắc Tới, Quận 12: Ông yêu cầu chủ đầu tư Dự án Khu nhà ở ngã tư Ga, Thạnh Lộc (TANIMEX) thực hiện nghĩa vụ tái định cư cho gia đình Ông bị “cướp nền nhà”. Vụ việc còn nhiều tình tiết cần làm rõ. Văn phòng mời Ông vui lòng gặp Luật sư vào 9 giờ sáng thứ bảy ngày 26/10/2013 để được hướng dẫn trực tiếp.
d) Tu sỹ Phật Giáo, Pháp danh Loma, thế danh Đoàn Nên: Thầy khiếu nại có hộ khẩu gốc tại Chùa Kỳ Viên số 610 Nguyễn Đình Chiểu, Q. 3. Năm 1981, do đi vượt biên, Thầy bị bắt giam 8 tháng và bị xóa hộ khẩu thường trú, đến nay vẫn chưa được đăng ký thường trú. Theo qui định tại khoản 7, Điều 10 Nghị định 04/HĐBT năm 1988; điểm h khoản 3 Điều 12 Nghị định 51/CP năm 1997: “Những người đã là nhân khẩu thường trú ở thành phố đi tù, đi thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại các trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hết hạn trở về không thuộc diện cấm cư trú ở thành phố.” Được nhập hộ khẩu TP. và hiện tại là khoản 4 Điều 20 Luật cư trú (Điều khoản này sẽ được sửa đổi bổ sung có hiệu lực từ 1/1/2014 với nội dung tương tự): Những trường hợp được đăng kỳ thường trú tại TP là “Trước đây đã đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, nay trở về thành phố đó sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.”… Theo các qui định pháp luật kể trên, Thầy đủ điều kiện đăng ký thường trú tại TP. Tuy vậy, để đăng ký lại vào Chùa Kỳ Viên số 610 Nguyễn Đình Chiểu, Q. 3 như nguyện vọng của Thầy, phải có sự đồng ý bằng văn bản của Thầy trụ trì Chùa.
3. Tây Ninh:
Ông Nguyễn Thành Phước, H. Hòa Thành: Ông kiến nghị “chỉ xin lại diện tích 4.638m2 đất để sinh sống và kỷ niệm của Cha mẹ tôi quá dày công với phần đất này” và “cam đoan không đòi hỏi gì về lò gạch nữa”. Diện tích đất này- theo Ông- là không hề kê khai, hóa giá, khi lò gạch bị buộc đưa vào “hợp doanh”. Ông viết “những dòng chữ bằng máu mong Quí cấp lãnh đạo giải quyết thấu tình đạt lý giúp gia đình tôi trong hoàn cảnh khốn cùng, muốn cạn tỏ có ngọn có gốc…”. Chưa xem xét nội dung đúng sai, các cơ quan có trách nhiệm đã đùn đẩy, đầy mâu thuẫn và vô trách nhiệm: (i) Năm 2004, Ông nộp đơn khiếu nại (yêu cầu giải quyết KN lần 2) đến Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường. (ii) Hơn một năm sau, ngày 10/11/2005, Thanh Tra Bộ TN&MT hướng dẫn căn cứ Luật Đất đai Ông phải “nộp đơn ra Tòa”. (iii) Lại hơn một năm sau, ngày 22/12/2006, Thanh tra Tỉnh Tây Ninh khẳng định “Ông nộp đơn ra Tòa là đúng”. (iv) Nhưng hai năm sau, ngày 25/2/2008, TAND Tỉnh lại “trả lại đơn” cho Ông vì căn cứ Luật KN&TC, thẩm quyền giải quyết là Chủ tịch UBND Tỉnh. (v) Lại mất hơn một năm, ngày 4/5/2009, Văn phòng UBND Tỉnh lại “xin được trả lời Ông… căn cứ Luật Đất đai…. Ông phải nộp đơn khiếu nại Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường…”. (vi) Bốn tháng sau, ngày 24/9/2009, Trụ sở tiếp công dân của TW đảng và NN lại “hướng dẫn Ông Nguyễn Thành Phước gửi đơn đến TAND Tỉnh Tây Ninh là cơ quan có thẩm quyền giải quyết…”. (vii) Nhưng, sau khi nộp đơn, Tòa án thụ lý, ba năm sau, ngày 26/4/2012, TAND Tỉnh “đình chỉ vụ án” vì không thuộc thẩm quyền Tòa. (viii) Sau khi Ông kháng cáo, ba tháng sau, ngày 23/7/2012, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Sài Gòn “không chấp nhận kháng cáo của Ông”…
4. Hồ sơ bổ sung:
a) Tỉnh Tây Ninh:
Ông Bùi Văn Día, H. Dương Minh Châu: Sau khi nhận được hồ sơ bổ sung của Ông, Văn phòng chúng tôi cảm nhận Ủy ban Tỉnh Tây Ninh đã cố tình “dối trên, gạt dưới”. Vụ việc Ông tố cáo “lãnh đạo UBND Huyện cưỡng chế tài sản gia đình Ông sai pháp luật, gây thiệt hại…”. Ngày 7/8/2013, Đoàn đại biểu QH Tỉnh Tây Ninh chuyển đơn của Ông đến Chủ tịch UBND Tỉnh “xem xét, giải quyết theo thẩm quyền”. Ngày 13/8/2013, tức một tuần sau, UB Tỉnh “Giao Chánh Thanh tra tỉnh tham mưu …báo cáo Tỉnh trước ngày 30/9/2013”. Nhưng ngay sau đó, cũng một tuần sau, ngày 20/8/2013, UB Tỉnh đã có văn bản bác hết khiếu nại của Ông (mà hầu hết nằm trong nội dung tố cáo), đồng thời khẳng định: “Mọi khiếu nại của Ông trong trường hợp này, UBND Tỉnh chấm dứt việc xem xét giải quyết”. Đáng chú ý là theo Ông, UB Tỉnh không gửi Văn bản cho Ông. Ngày 5/9/2013, Thanh Tra Tỉnh vẫn có Thư mời Ông đến “gặp Thanh tra viên” làm việc về nội dung Tố cáo của Ông. Sau 30/9/2013, không thấy Thanh tra Tỉnh báo cáo gì, ngày 10/10/2013, Ông lên Phòng tiếp dân UB Tỉnh hỏi mới được trả lời và biết “Tỉnh đã chấm dứt việc xem xét giải quyết từ ngày 20/8/2013”. Văn phòng sẽ xem kỹ hồ sơ và hướng dẫn Ông.
b) Sài Gòn:
Bà Nguyễn Thị Liêng, Quận 7: Vụ việc Tố cáo Bà Dương Hoàng Bích Ngọc, Phó Thanh tra Quận 7; tố cáo Ông Lê Hồng Quân, Phó chủ tịch UBND P. Tân Hưng; tố cáo Ông Nguyễn Ngọc Thành, nguyên trưởng phòng TN&MT Q. 7; do còn nhiều tình tiết, chứng cứ cần xác định rõ, Văn phòng sẽ trao đổi với Bà trước khi có hướng dẫn.
c) Tiền Giang:
Bà Nguyễn Thị Liêng, ở Q. 7, Sài Gòn: Vụ việc tranh chấp đất tại Huyện Châu Thành, Tiền Giang giữa Bà và Ông Trần Văn Lang, Bà Trần Thị Yến – như Văn Phòng đã hướng dẫn – do đã có Bản án Phúc thẩm có hiệu lực pháp luật từ năm 2007, TAND Tối cao cũng đã có văn bản “thấy không có cơ sở chấp nhận yêu cầu khiếu nại Bản án dân sự phúc thẩm của Bà…” (năm 2007 và năm 2010). Do vậy, Bà chỉ có thể yêu cầu xem xét lại Bản án phúc thẩm theo trình tự tái thẩm nếu có các căn cứ theo luật định là: “1. Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án;
2. Có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ;
3. Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;
4. Bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Toà án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Toà án căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị huỷ bỏ.”
Bà có thể nhờ Luật sư đã bảo vệ quyền lợi cho Bà tại hai cấp Tòa sơ và phúc thẩm tư vấn thêm
d) Cần Thơ:
Ông Nguyễn Văn Bá, huyện Cờ Đỏ: Trường hợp đòi “đất đổi đất, hoặc phải bồi thường bằng khung giá 1.250.000đ …” đối với diện tích đất tại Nông trường Sông Hậu của Ông, Văn phòng sẽ trao đổi trực tiếp với Ông.
Văn Phòng Công Lý & Hòa Bình
Dòng Chúa Cứu Thế- Sài Gòn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét