Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Truyền giáo và đối thoại


Hai mươi bốn giờ sau khi đắc cử, đức tân giáo hoàng Phanxico đã dâng Thánh lễ đồng tế với các hồng y ngay tại nguyện đường Sixtine nơi đã diễn ra cuộc bầu chọn. Về mặt hình thức việc cử hành Thánh Lễ một cách đơn sơ biểu lộ lối điều hành công việc tương lai của ngài. Về mặt nội dung ngài muốn cổ xúy việc thực thi triệt để sứ điệp Phúc Âm. Để cổ xúy cho việc thực thi sứ điệp, đức Thánh cha nêu lên ba ý hướng căn bản, đó là lên đường, xây dựng và tuyên xưng. Ngài nói = Cuộc sống chúng ta là lên đường, nếu chúng ta ngừng đi thì có cái gì đó sai rồi. Nên phải luôn bước đi với Chúa và dưới ánh sáng của Chúa. Sau đó là xây dựng Giáo Hội, nhưng xây dựng với những viên đá sống động, những viên đá được Chúa Thánh Thần xức dầu, không phải xây dựng trên nền tảng bất kỳ nào. Nhưng xây Giáo Hội trên “ Viên đá gốc” đó là chính Chúa”. Còn về việc tuyên xưng ngài nói = đây là lúc phải tuyên xưng, tuy nhiên cần phải cảnh giác “ Chúng ta có thể bước đi tùy ý, chúng ta có thể xây dựng nhiều công trình nhưng nếu chúng ta không tuyên xưng Đức Giesu Kito thì có điều gì đó không phải rồi” ( Nguồn Lamhong.Org ngày 16/3/2013 – Về bài giảng đầu tiên của đức giáo hoàng Phanxico tại nhà nguyện Sixtin ).

Tuy gọi là ba việc nhưng chúng không riêng rẽ mà hòa quyện với nhau. Lên đường tức ra đi truyền giáo nhưng truyền giáo thế nào được nếu không có Giáo Hội để sai đi ? Công việc sai đi này đã được chính Đức Kito truyền cho các Tông đồ “ Rồi ngài mở tâm trí họ để hiểu Kinh Thánh, lại phán cùng họ rằng = Có chép rằng Đấng Kito phải chịu khổ hại, ngày thứ ba sẽ từ kẻ chết sống lại và phải nhân danh Ngài mà rao giảng sự ăn năn và sự tha tội cho muôn dân muôn nước, bắt đầu từ Gierusalem. Các ngươi là chứng nhân về mọi việc đó” ( Lc 24, 45 -48). Là chứng nhân có nghĩa là người tuyên xưng Chúa Giesu là Đấng Kito.

Bởi vì ba việc = lên đường, xây dựng Giáo Hội và tuyên xưng tương tác với nhau như thế nên nếu có sự trắc trở ở bất cứ việc nào thì hai việc còn lại tất nhiên cũng bị ảnh hưởng. Truyền giáo là làm theo lệnh truyền của Chúa, bởi đó cần bước đi với Chúa và dưới ánh sáng của Chúa. Còn nếu ngưng không truyền giáo hoặc truyền giáo mà không có Chúa thì như lời đức Thánh cha nói đã có cái gì đó sai rồi. Bản chất Giáo Hội là truyền giáo và việc truyền giáo ấy đã được thực hiện trải qua suốt hai mươi thế kỷ nay với biết bao thành quả rực rỡ. Đạo Chúa đã có mặt tại hầu hết các quốc gia, từ lục địa cho đến các hải đảo xa xăm. Thế nhưng công việc vĩ đại ấy trong thế kỷ hai mươi và nhất là vào thập niên đầu thế kỷ hai mốt này quả thực đã có vấn đề. Trong dịp thường huấn ngày 15/6/2012 tại giáo phận Xuân Lộc, đức ông Giuse Đinh Đức Đạo đã chia sẻ với các linh mục về ý nghĩa và thực tại của việc truyền giáo như sau “ Sau CĐ Vaticano II có rất nhiều suy tư và ý kiến về việc truyền giáo. Điều này nói lên sự quan trọng của việc truyền giáo vì chiếm được sự quan tâm của nhiều người và cũng nói lên sự phong phú của công việc vì các suy tư nói đến rất nhiều khía cạnh của việc truyền giáo. Tuy nhiên cũng chính trong bối cảnh này, việc truyền giáo đã gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều người nói đến việc truyền giáo nhưng mỗi người lại gán cho việc truyền giáo một ý nghĩa khác nhau hoặc thu hẹp hoặc đồng hóa việc truyền giáo với một khía cạnh của nó. Chẳng hạn người thì đồng hóa việc truyền giáo với việc phục vụ người nghèo. Người khác thì đồng hóa truyền giáo với việc đối thoại liên tôn hoặc thu hẹp truyền giáo vào công tác hội nhập văn hóa. Do đó sự phong phú đã trở thành sự hỗn độn và thoái hóa’ ( Nguồn Truyền giáo và Tân Phúc Âm Hóa ( Missio et Nova Evangelizatio ) Tài liệu học tập của GP Xuân Lộc ).

Thật sự thì đồng hóa hay thu hẹp việc truyền giáo cũng đều có nguyên do của nó. Sở dĩ có sự đồng hóa hay thu hẹp truyền giáo với việc phục vụ người nghèo là bởi người ta căn cứ vào lời tiên tri Esai để rồi hiểu không đúng về tính chất giải thoát của Đức Kito “ Có người trao sách tiên tri Êsai cho Ngài, Ngài giở ra nhằm chỗ có chép rằng = Thánh Thần Chúa ngự trên Ta. Vì Ngài đã xức dầu cho Ta để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó. Sai Ta rao giảng cho kẻ bị giam cầm được giải phóng, kẻ mù được sáng, kẻ , kẻ bị áp bức được tự do” ( Lc 4, 17 -18 ). Phải chăng cũng chính vì căn cứ vào những lời này mà đã xuất hiện cái gọi là Thần Học Giải Phóng vào những thập niên giữa thế kỷ hai mươi ? Mặc dù thần học này đã bị Giáo Hội phê phán nhưng quan niệm truyền giáo để dành cho người nghèo vẫn còn ảnh hưởng không nhỏ. Lại nữa truyền giáo còn bị thu hẹp vào việc đối thoại liên tôn, đại kết. Đây là điểm mấu chốt khiến công cuộc truyền giáo bị…khựng lại hoặc không còn ý nghĩa. Lý do bởi vì trong việc đối thoại này không thể không nhìn nhận chân lý ở nơi các tôn giáo “ HT Công Giáo không loại bỏ những gì chân chính và Thánh Thiện trong các tôn giáo khác” ( Tuyên ngôn Thời Đại Chúng Ta” ( Nostra Aetate ). 

Không loại bỏ có nghĩa là đã nhìn nhận chân lý và sự Thánh thiện ở nơi các tôn giáo khác. Đây là một thứ trở lực rất lớn cho việc truyền giáo bởi như thế, có khác chi nói đạo nào cũng như đạo nào ? “ Các cuộc tranh luận thần học về giá trị của các tôn giáo sớm muộn gì cũng đưa tới những hệ luận thực hành. Một cách cụ thể, phàm ai đã nhìn nhận các tôn giáo có giá trị trung gian cứu độ thì tất nhiên không thể nói tới chuyện truyền giáo, khuyến khích các tín đồ của các tôn giáo hãy trở thành Kito hữu làm chi ? Đạo ai người ấy giữ, mỗi người hãy cố gắng sống trung thực với đạo của mình” ( Nguồn Lamhong.Org ngày 07/4/2013 – Kito giáo với các tôn giáo )

Đối với Đạo Công Giáo thì không thể coi đạo nào cũng như đạo nào, bởi lẽ nó hoàn toàn trái với nguyên tắc “ Ngoài Hội Thánh không thể có ơn cứu độ” ( Extra Ecclesiam nulla salus ). Thật sự thì nguyên tắc này chỉ là tóm tắt lời tuyên xưng đức tin do đức giáo hoàng Innocento III gửi buộc những người Vaudois rối đạo trở về “ Chúng tôi xưng thật trong lòng và tuyên xưng ra ngoài miệng rằng chỉ có một HT không phải là giáo hội của những người rối đạo nhưng là HT La Mã Công Giáo Tông Truyền, ngoài HT ấy chúng tôi tin rằng không ai được cứu độ” ( Xem T.Cẩm – Kito giáo với các tôn giáo khác) Lý do khiến chúng ta vững tin vào HT Công Giáo có thể đem lại ơn cứu độ bởi lẽ chính Đức Kito đã trao trọn quyền bính cho Thánh Phero khi ngài tuyên xưng Chúa là Đấng Kito “ Simon con Giona ơi, ngươi thật có phúc, vì chẳng phải thịt và huyết bày tỏ điều đó cho ngươi đâu, bèn là Cha ta ở trên trời vậy. Còn Ta lại bảo ngươi rằng ngươi là Phero Ta sẽ lập HT Ta trên vầng đá này, cửa Hỏa Ngục cũng chẳng thắng được nó” ( Mt 16, 17 -18).

Qua việc tuyên xưng và sự tán dương của Chúa đã cho ta thấy đây là việc vô cùng hệ trọng có quan hệ mật thiết đến Ơn Cứu Độ. Thật vậy chính nhờ việc tuyên xưng ấy Thánh Phero đã được đặt làm đầu cai quản Giáo Hội với năng quyền tuyệt đối “ Ta sẽ giao chìa khóa Nước Trời cho ngươi, điều gì ngươi cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc. Điều gì ngươi cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở. Đoạn Ngài truyền cho các môn đệ cấm không được tỏ cho ai biết Ngài là Đấng Kito” ( Mt 16, 19 -20 ). Ở đây có điều khó hiểu, tại sao một mặt Chúa Giesu tán dương Phero vì đã xưng Ngài là Đấng Kito, mặt khác lại cấm môn đệ không được nói cho ai biết điều ấy ? Trong việc tuyên xưng này như Chúa nói đó không phải do ý riêng con người ( thịt và huyết )nhưng do Thánh Ý Thiên Chúa mạc khải. Đối với dân chúng đang còn chấp giữ quan niệm sai lầm về Đấng Messia thì tất nhiên họ sẽ không bao giờ có thể chấp nhận Chúa Giesu như là Đấng Cứu Độ họ. Tuy nhiên điều mà lúc đương thời Chúa cấm thì sau Phục Sinh đó lại là công việc các môn đệ cần thiết phải làm “ Vậy các tông đồ ra khỏi Công Hội đều lấy làm vui mừng vì mình được kể là xứng đáng chịu nhục vì Danh Chúa Giesu. Mỗi ngày tại đền thờ hoặc ở các tư gia, họ không ngớt dạy và giảng Chúa Giesu là Đấng cứu Độ” ( Cv 6, 41 -42).

Giảng dạy Chúa Giesu là Đấng Cứu Độ, đây chính là công việc đồng thời cũng là sứ mạng của Giáo Hội tại khắp mọi nơi mọi thời. Tuy nhiên để có thể chu toàn sứ mạng này Giáo Hội đã gặp phải vô vàn khó khăn trở ngại và trở ngại lớn nhất không đến từ bên ngoài nhưng ngay ở bên trong tức là sự chia rẽ về thần học của các bè rối ly khai. Những chia rẽ đó sở dĩ phát sinh đều có cùng một nguyên nhân do không nhìn nhận Chúa Giesu là Đấng Cứu Độ. Phái Ngộ Đạo ( Gnosticisme ) cho rằng Đức Giesu chỉ là một con người. Sự kết hợp giữa ông Giesu và Đức Kito trong phép rửa ở sông Giodan chỉ là tạm thời. Đức Kito rời bỏ ông Giesu trước cuộc khổ nạn. Phái Ario thì cho rằng chỉ một mình Chúa Cha là Đấng không được sinh ra, còn Chúa Con là Đấng được tạo thành có khởi đầu bởi hư vô. Phái Apolinaire cũng công nhận Đức Kito là Ngôi Lời nhưng Ngôi Lời này đảm nhận một bản tính nhân loại không có linh hồn. Đức Kito là Ngôi Lời thần linh nhập thể nghĩa là ở trong thân xác con người….v.v…( Xem đgm Phaolo Bùi Văn Đọc – Đức Kito Hôm qua hôm nay và mãi mãi ).

Tính đến nay Giáo Hội đã triệu tập được hai mươi mốt Công Đồng thì duy chỉ có CĐ Vatican II là không chống lạc giáo “ Khác hẳn với các CĐ trước, CĐ Vatican II không bận tâm đến việc biện minh giáo lý và lên án lạc giáo mà chỉ có một mối quan tâm duy nhất là làm sao phục vụ nhân loại, phục vụ Nước Trời, phục vụ con người. Chính đường hướng Mục Vụ này đã chi phối toàn bộ công việc của CĐ và đem lại thành quả lớn lao cho GH và cho thế giới loài người hôm nay” ( Nguyễn Văn Nội – Giáo Dân với CĐ Vatican II ). Cho rằng đường hướng Mục Vụ của Giáo Hội hiện nay là “ phục vụ nhân loại, phục vụ Nước Trời, phục vụ con người” như vậy là đã đương nhiên phủ nhận con đường Cứu Độ của Đức Kito, lý do bởi vì để có thể …đi trên con đường này thì chỉ có một cách thế duy nhất đó là tuyên xưng Chúa Giesu là Đấng Cứu Độ duy nhất “ Chẳng có sự cứu rỗi nào khác. Vì dưới gầm trời này chẳng có Danh nào khác ban cho loài người để chúng ta cần phải nhờ đó mà được cứu” ( Cv 4, 12 ).

Công Đồng Vatican II chủ trương đối thoại đại kết, thế nhưng chủ trương này sẽ không bao giờ có thể đem lại kết quả nếu theo đuổi đường hướng Mục Vụ bằng việc phục vụ nhân loại, phục vụ Nước trời, phục vụ con người như thế. Vì rằng Đức Kito không truyền dạy chúng ta phục vụ nhưng là rao giảng Nước Trời “ Hãy ra đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng nước Trời cho muôn dân. Ai tin và chịu Phép Rửa thì được cứu. Còn ai không tin thì bị luận phạt” ( Mc 16, 15 -16 ). Tin là yếu tố quan trọng bậc nhất đem lại Ơn Cứu Độ. Thật vậy có tin và chịu Phép Rửa tức gia nhập Hội Thánh mới được cứu. Còn như không tin sẽ bị luận phạt. Tin thì được cứu, điều ấy đã đành, thế nhưng tại sao không tin lại bị luận phạt ? Điều này quả thật khó hiểu nếu không nhận ra Tin Mừng Nước Trời mầu nhiệm nội tại của Đức Kito. “ Người Pharisieu hỏi Chúa Giesu về Nước ĐCT chừng nào đến thì Ngài đáp = Nước ĐCT không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng sẽ không nói được đây này hay đó kia. Vì này Nước ĐCT ở trong các ngươi” ( Lc 17, 20 -21). Đây này đó kia ám chỉ cho vị trí trong không gian thời gian. Không thể nói đây này đó kia bởi vì Nước Trời là một thực tại Tâm không hạn cuộc ở bất cứ một không gian thời gian nào. Thực tại ấy cũng chính là Bản Tâm Vô Phân Biệt hằng hữu ở nơi mỗi người. Đức Kito rao giảng Nước Trời và đòi buộc con người phải có lòng tin vào Tin Mừng ấy “ Thời đã mãn, Nước ĐCT đã gần, các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15).

Lòng tin và sự ăn năn sám hối luôn song hành bồi bổ cho nhau, có nhận ra tội lỗi mình để rồi quyết tâm chừa cải thì lòng tin mới có thể phát khởi. Ngược lại lòng tin càng mạnh mẽ bao nhiêu thì càng nhận biết tội lỗi mình bấy nhiêu. Sám hối là điều kiện phát khởi lòng tin và lòng tin ấy là tin vào Tin Mừng của Chúa = Quả thật Nước Trời vốn có ở nơi mình mà mình chẳng có hay có biết. Tin vào lời rao giảng của Chúa quay về với Nước Trời ở nơi cõi lòng mình thì sẽ có được sự sống đời đời. Trái lại không tin để rồi cứ mải mê hướng ngoại tìm cầu những cái phù phiếm chóng qua tất không sao tránh khỏi luận phạt. Được cứu thoát hay bị luận phạt tất cả đều do Tâm chứ chẳng hề có một đấng thần linh nào ở bên ngoài quyết định. Đức Kito là Đấng được sai đến ( Thiên Sai )thế gian với mục đích để rao giảng Tin Mừng “ Có quần chúng kéo đi tìm Ngài, muốn giữ lại không cho rời khỏi họ. Nhưng Ngài nói = Ta còn cần phải rao giảng Tin Mừng Nước ĐCT cho các thành thị khác. Vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 42 -43).

Mục đích xuống thế của Đức Kito là để rao giảng Tin Mừng và Ngài cũng sai chúng ta thực hiện cùng một công việc ấy cho muôn dân muôn nước. Chúa truyền dạy rao giảng Tin Mừng và đồng thời cũng báo trước những gian nguy mà môn đệ Ngài sẽ gặp “ Hãy nhớ lại lời Ta đã nói cùng các ngươi = Tớ chẳng hơn chủ. Nếu họ đã bắt bớ Ta ắt cũng sẽ bắt bớ các ngươi. Bằng họ đã giữ lời Ta ắt cũng sẽ giữ lời các ngươi. Nhưng vì cớ Danh Ta họ sẽ làm mọi điều ấy cho các ngươi, bởi họ không biết Đấng đã sai Ta” ( Ga 15, 20 -21). Chúa báo trước những bách hại phải chịu và Ngài cũng nói cái nguyên nhân của sự bách hại ấy là vì thế gian không nhận biết Thiên Chúa Đấng đã sai Ngài. Lịch sử truyền giáo của Giáo Hội trải qua suốt hai ngàn năm nay đã chứng minh cho lời tiên báo của Đức Kito về sự bách hại, tất cả là do thế gian đã không nhận biết Thiên Chúa. Bởi không biết thế nên người đời mới đối xử với những người đem Tin Mừng Cứu Độ đến cho họ như thế. Còn về phần những môn đệ mang sứ mạng truyền giáo của Đức Kito, chúng ta không vì thế mà sợ hãi hay tránh né công việc được trao nhưng phải luôn trong tư thế của người đối thoại “ Hãy sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em, nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng” ( 1Pr 3, 15 -16).

Phùng Văn Hóa
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét