Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Quan điểm Tòa Thánh về tự do tôn giáo



Theo tin Zenit ngày 16 tháng 1 năm 2013, trước quyết định của Tòa Nhân Quyền Âu Châu về một số vụ liên quan tới tự do lương tâm và tự do tôn giáo, Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, ngoại trưởng của Tòa Thánh, trong một cuộc phỏng vấn của Đài Phát Thanh Vatican, đã lên tiếng cho biết quan điểm của Tòa Thánh về các vấn đề này. 

Bốn vụ án nói trên liên quan tới tự do lương tâm và tự do tôn giáo của một số nhân viên tại Vương Quốc Thống Nhất (Anh). Hai vụ liên quan tới các nhân viên bị sa thải vì đã khước từ không đeo cây thánh giá nhỏ quanh cổ. Hai vụ liên quan tới tự do phản kháng lương tâm đối với việc cử hành một cuộc phối hợp dân sự của những người đồng tính và đối với việc cố vấn hôn nhân cho những cặp đồng tính. 

Trước đó, Sứ Bộ của Tòa Thánh bên cạnh Hội Đồng Âu Châu đã công bố Bản Nhận Định về quyền tự do và độc lập về định chế của Giáo Hội. Đức TGM cho hay: ngữ cảnh của Bản Nhận Định này là vấn đề quyền tự do của Giáo Hội trong các liên hệ với các thẩm quyền dân sự hiện đang bị xem sét bởi Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu trong hai vụ có liên can tới Giáo Hội Chính Thống Lỗ Ma Ni và Giáo Hội Công Giáo. Đó là các vụ Sindacatul 'Pastorul cel Bun' chống Lỗ Ma Ni và Fernandez Martinez chống Tây Ban Nha. Nhân dịp này, Đại Diện Thường Trực của Tòa Thánh bên cạnh Hội Đồng Âu Châu đã cho công bố một bản nhận định tổng quát để giải thích giáo huấn chính thức của Giáo Hội về quyền tự do và sự độc lập về định chế của mình. 

Theo Đức TGM, trong các vụ này, Tòa Âu Châu phải phán quyết xem liệu có vi phạm Qui Ước Nhân Quyền của Âu Châu hay không khi bác bỏ không thừa nhận nghiệp đoàn linh mục (vụ Lỗ Ma Ni) và khi bác bỏ không cử nhiệm một giáo viên dạy môn tôn giáo nhưng công khai tuyên bố các chủ trương đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội (vụ Tây Ban Nha).

Trong cả hai vụ, các quyền lập hội và tự do phát biểu đã được đưa ra để buộc các các cộng đồng tôn giáo phải hành động ngược với các qui định giáo luật và Huấn Quyền của mình. Như thế, các vụ này đặt thành vấn đề quyền của Giáo Hội được tự do hành động theo các luật lệ riêng, chứ không lệ thuộc luật lệ dân sự, ngoại trừ những luật lệ cần thiết để bảo đảm ích chung và trật tự công cộng. 

Đức TGM tiếp tục cho hay: vấn đề chủ yếu hiện nay tại các nước Tây Phương là làm thế nào để nền văn hóa chủ yếu có tính duy vật, duy cá nhân và duy tương đối hiểu được và tôn trọng bản chất của Giáo Hội, một bản chất vốn đặt căn bản trên đức tin và lý trí. 

Ngoại trưởng của Tòa Thánh nhấn mạnh tới sự cần thiết phải duy trì quyền tự do tôn giáo trong chiều kích xã hội của nó. Ngài nói: “Chiều kích này tương hợp với bản chất xã hội của cả con người lẫn sự kiện tôn giáo nói chung. Giáo Hội không đòi để các cộng đồng tôn giáo thành những vùng vô luật lệ nhưng để chúng được thừa nhận như những không gian tự do, do chính quyền tự do tôn giáo mang lại, trong khi vẫn tôn trọng trật tự công cộng. Giáo huấn này không chỉ dành riêng cho Giáo Hội Công Giáo; vì các tiêu chuẩn của nó đặt can bản trên công lý và do đó, áp dụng cho mọi tôn giáo. 

Kết thúc buổi phỏng vấn, Đức TGM Mamberti nhấn mạnh rằng điều chủ yếu là Toà Nhân Quyền Âu Châu phải thừa nhận nguyên tắc pháp lý về quyền độc lập định chế của các cộng đồng tôn giáo, một nguyên tắc, theo ngài, các quốc gia từng tôn trọng tự do tôn giáo và luật lệ quốc tế đều đã thừa nhận. Ngài cũng cho rằng chính Tòa Nhân Quyền Âu Châu cũng đã nhiều lần nhắc đến nguyên tắc này trong khá nhiều phán quyết. Các định chế khác cũng thường khẳng định nguyên tắc này, nhất là Cơ Quan An Ninh và Hợp Tác Âu Châu và cả Ủy Ban Nhân Quyền LHQ nữa trong Văn Kiện Sau Cùng của Hội Nghị Vienna ngày 19 tháng Giêng năm 1989 và Nhận Định Tổng Quát Số 22 về Quyền Tư Do Tư Tưởng, Lương Tâm và Tôn Giáo ngày 30 tháng Bẩy năm 1993. 

Bốn vụ ở Vương Quốc Thống Nhất 

Nhân dịp này, Đức TGM Mamberti cũng đề cập tới 4 vụ vi phạm tự do lương tâm và tôn giáo của Toà Nhân Quyền Âu Châu tại Vương Quốc Thống Nhất (Anh). Hai trong bốn vụ này liên quan tới quyền tự do của công nhân được mang thánh giá nhỏ quanh cổ tại nơi làm việc. Hai vụ kia liên quan tới quyền tự do phản đối lương tâm đối với việc cử hành cuộc phối hợp dân sự giữa những người đồng tính và việc cố vấn hôn nhân cho các cặp đồng tính. 

Theo Đức TGM, những vụ này cho thấy các vấn đề liên quan tới tự do lương tâm và tự do tôn giáo rất phức tạp, nhất là trong xã hội Âu Châu, nơi càng ngày tính đa dạng tôn giáo càng gia tăng cũng như chủ nghĩa duy thế tục mỗi ngày một lớn mạnh thêm. Nguy cơ của chủ nghĩa tương đối luân lý là chuyện có thật. Chủ nghĩa này đang tự áp đặt thành qui phạm mới cho xã hội; nó sẽ phá hoại các nền tảng của tự do lương tâm cá nhân và tự do tôn giáo. Giáo Hội luôn tìm cách bảo vệ các quyền tự do lương tâm và tự do tôn giáo này trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là phải giáp mặt với nền độc tài của chủ nghĩa duy tương đối. Vì mục tiêu này, lý tính của lương tâm con người nói chung và hành động luân lý của Kitô hữu nói riêng đòi phải được giải thích. Liên quan đến các chủ đề có tính tranh cãi về luân lý, như phá thai và đồng tính luyến ái, tự do lương tâm phải được tôn trọng. Thay vì làm trở ngại cho việc thiết lập ra một xã hội khoan dung trong tính đa nguyên của nó, việc tôn trọng tự do lương tâm và tự do tôn giáo là một điều kiện cho việc thiết lập này. Lên tiếng với ngoại giao đoàn bên cạnh Tòa Thánh vào tuần trước, Đức GH Bênêđíctô XVI nhấn mạnh rằng: “Để có thể bảo vệ một cách hữu hiệu việc thực thi quyền tự do tôn giáo, điều chủ yếu là phải tôn trọng quyền phản đối lương tâm. Cái chiến tuyến tự do này bao gồm nhiều nguyên tắc hết sức quan trọng về đặc tính đạo đức và tôn giáo, bén rễ ngay trong phẩm giá của con người nhân bản. Có thể nói, chúng là các tường đệm (bearing walls) của bất cứ xã hội nào muốn thực sự tự do và dân chủ. Như thế, đặt ra vòng pháp luật việc phản đối lương tâm của cả cá nhân lẫn của định chế nhân danh tự do và đa nguyên tính, nghịch lý thay, sẽ mở rộng cửa cho chủ nghĩa bất khoan dung và buộc người ta phải trở thành nhất dạng”

Việc xâm thực tự do lương tâm cũng cho thấy một hình thức của chủ nghĩa bi quan liên hệ tới khả năng của lương tâm con người biết nhìn nhận sự thiện và sự thật, biết thăng tiến một mình luật lệ tích cực, là luật nhằm độc quyền hóa việc xác định ra luân lý tính. Giáo Hội cũng có vai trò nhắc nhở người ta rằng mọi người, bất kể thuộc tín ngưỡng nào, đều nhờ lương tâm mà có được khả năng phân biệt tốt xấu và hành động theo sự phân biệt ấy. Chính đó là nguồn gốc tự do đích thực của họ. 

Bản Nhận Định

Để quyền tự do của Giáo Hội được nhà cầm quyền dân sự hiểu biết hơn, Phái Bộ Đại Diện Thường Trực của Tòa Thánh tại Hội Đồng Âu Châu đã cho công bố một bản nhận định về hai phán quyết của Tòa Nhân Quyền Âu Châu nhằm giải thích quan điểm của Giáo Hội dựa trên 4 nguyên tắc sau đây: 1) sự phân biệt giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị; 2) tự do trong liên hệ với nhà nước; 3) tự do bên trong Giáo Hội; 4) tôn trọng trật tự công cộng chính đáng. Bản nhận định này dựa vào hai văn kiện của Vatican II: Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo Dignitatis Humanae và Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes.

1. Sự phân biệt giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị

Giáo Hội nhìn nhận sự phân biệt giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị, mỗi bên có những cùng đích khác biệt riêng; Giáo Hội không hề bị lẫn lộn với cộng đồng chính trị và không hề bị trói buộc vào bất cứ hệ thống chính trị nào. Cộng đồng chính trị phải lo ích chung và bảo đảm để các công dân có được một cuộc sống thanh thản và hoà bình ở trên đời. Giáo Hội thừa nhận rằng chính trong cộng đồng chính trị, việc thực thi ích chung một cách hoàn hảo nhất đã diễn ra (Xem Sách Giáo Lý Của GHCG số 1910); ích chung này phải được hiểu như “toàn bộ các điều kiện xã hội giúp người ta, cả trong tư cách cá nhân lẫn trong tư cách nhóm, đạt được các chờ mong của mình một cách đầy đủ và dễ dàng hơn” (cùng chỗ, số 1906). Nhiệm vụ của Nhà Nước là bảo vệ ích chung ấy và đảm bảo sự gắn bó, sự đoàn kết và việc tổ chức xã hội để ích chung kia có thể được thể hiện với sự đóng góp của mọi công dân và mọi tài nguyên văn hóa, luân lý và thiêng liêng cần thiết cho cuộc nhân sinh đích thực cần được mang đến cho mọi người. Về phần mình, Giáo Hội được thiết lập để dẫn đưa tín hữu tới cùng đích trường cửu của họ bằng việc giảng dạy, bằng các bí tích, bằng cầu nguyện và luật lệ. 

Sự phân biệt này dựa trên lời của chính Chúa Giêsu: “Hãy trả cho Xêda những gì thuộc Xêda, và hãy trả cho Thiên Chúa những gì thuộc Thiên Chúa” (Mt 22:21). Trong lãnh vực riêng của mình, cộng đồng chính trị và Giáo Hội độc lập và tự lập đối với nhau. Còn trong các lãnh vực có cả mục tiêu trần thế lẫn mục tiêu thiêng liêng, như trong hôn nhân hay trong việc giáo dục con cái chẳng hạn, thì quan điểm của Giáo Hội là: nhà cầm quyền dân sự phải thi hành thẩm quyền của mình cách nào đó để đừng xâm hại tới lợi ích thiêng liêng của tín hữu. Giáo Hội và cộng đồng chính trị không được làm ngơ nhau; vì quan điểm tuy khác nhau nhưng cả hai đều phục vụ cùng những con người như nhau. Hai bên sẽ càng phục vụ hữu hiệu hơn khi càng hợp tác với nhau cách lành mạnh hơn, như Công Đồng Vatican II đã nói trong Gaudium et spes, số 76. 

Sự phân biệt này sẽ được bảo đảm qua việc tôn trọng tính độc lập của nhau; việc tôn trọng này là điều kiện tạo nên tự do hỗ tương. Đối với Nhà Nước, giới hạn của tự do này là không được đưa ra các biện pháp gây hại cho sự cứu rỗi đời đời của tín hữu; còn đối với Giáo Hội, giới hạn là phải tôn trọng trật tự công cộng của Nhà Nước. 

2. Tự do đối với Nhà Nước

Giáo Hội không đòi bất cứ đặc quyền nào nhưng yêu cầu rằng quyền tự do thi hành sứ mệnh của mình trong một xã hội đa nguyên phải được tôn trọng và che chở đầy đủ. Giáo Hội tiếp nhận sứ mệnh và sự tự do này từ chính Chúa Giêsu Kitô, chứ không từ Nhà Nước. Do đó, quyền bính dân sự nên tôn trọng và che chở sự tự do và độc lập của Giáo Hội và bất cứ cách nào cũng không được ngăn cản Giáo Hội thi hành đầy đủ sứ mệnh của Giáo Hội; sứ mệnh này bao gồm việc dẫn dắt tín hữu tới cùng đích trường cửu của họ bằng giáo huấn, bí tích, cầu nguyện và luật lệ. 

Nhà cầm quyền dân sự phải tôn trọng tự do của Giáo Hội trong mọi khía cạnh liên quan tới sứ mệnh của Giáo Hội, bất kể đó là việc tổ chức Giáo Hội theo định chế (chọn lựa và huấn luyện nhân viên và hàng giáo sĩ, chọn lựa các giám mục, truyền thông nội bộ giữa Tòa Thánh, các giám mục và tín hữu, thiết lập và quản trị các viện tu trì, ấn hành và phân phối các văn kiện, sở hữu và quản trị các tài sản vật chất…), hay là việc chu toàn sứ mệnh của Giáo Hội đối với tín hữu (nhất là qua việc thi hành Huấn Quyền, cử hành việc thờ phượng công cộng, việc ban phát các bí tích và chăm sóc mục vụ). 

Đạo Công Giáo hiện hữu trong và qua Giáo Hội, vốn là nhiệm thể của Chúa Kitô. Muốn xem sét sự tự do của Giáo Hội, người ta phải đặc biệt chú ý tới chiều kích tập thể của Giáo Hội: Giáo Hội độc lập trong chức phận định chế, trong trật tự pháp lý và trong việc quản trị nội bộ. Với việc tôn trọng xứng đáng đối với các đòi hỏi của trật tự công cộng chính đáng, sự độc lập này phải được nhà cầm quyền dân sự tôn trọng; đây là điều kiện của tự do tôn giáo và của việc phân biệt giữa Giáo Hội và Nhà Nước. Nhà cầm quyền dân sự không được can thiệp vào lãnh vực hoàn toàn thuộc tôn giáo, nếu không sẽ vi phạm việc lạm quyền, thí dụ tìm cách thay đổi quyết định của một vị giám mục liên quan tới việc bổ nhiệm các chúc vụ của ngài.

3. Tự do trong Giáo Hội

Giáo Hội biết rõ việc một số tôn giáo và ý thức hệ đàn áp tự do của những người theo họ; tuy nhiên, về phần mình, Giáo Hội vẫn thừa nhận giá trị căn bản của tự do con người. Vì Giáo Hội thấy mọi con người nhân bản đều là tạo vật được phú bẩm một trí hiểu và một ý chí tự do. Giáo Hội thấy mình là một không gian của tự do và do đó đặt ra các qui định nhằm để bảo đảm cho quyền tự do này được tôn trọng. Như thế, mọi hành vi tôn giáo muốn có giá trị đòi những người thi hành chúng phải được tự do, nghĩa là có thể sử dụng được ý chí của họ. Xét chung với nhau và không kể tầm quan trọng cá thể, những hành vi được tự do thực hiện này nhằm đem “sự tự do của con cái Thiên Chúa” đến cho mọi người. Các liên hệ hỗ tương bên trong Giáo Hội (như các lời khấn hứa lúc kết hôn cũng như lúc khấn dòng) đều được sự tự do này điều hòa. 

Sự tự do này tùy thuộc sự thật (“sự thật sẽ giải phóng chúng con”, Ga 8:32): thành thử, ta không thể nại đến nó để biện minh cho việc tấn công vào sự thật. Do đó, một phần tử trong hàng ngũ giáo dân hay một tu sĩ không thể nại tới tự do để chống đối đức tin (như dùng công luận chống lại Huấn Quyền chẳng hạn) hay để phá hoại Giáo Hội (như tạo ra một nghiệp đoàn linh mục chống lại ý muốn của Giáo Hội). Đã đành mọi người được tự do trong việc thách thức Huấn Quyền hay các qui luật và qui định của Giáo Hội. Khi bất đồng, ai cũng có thể sử dụng các tài nguyên do giáo luật cung cấp và thậm chí cắt đứt liên hệ với Giáo Hội. Tuy nhiên, vì mối liên hệ với Giáo Hội chủ yếu có tính thiêng liêng trong bản chất, nên Nhà Nước không thể can thiệp vào lãnh vực này để giải quyết cuộc tranh chấp. 

4. Tôn trọng trật tự công cộng chính đáng

Giáo Hội không đòi cho các cộng đồng tôn giáo trở thành các khu vực vô luật lệ, nơi mà luật lệ Nhà Nước không còn được áp dụng nữa. Giáo Hội nhìn nhận năng quyền hợp pháp của thẩm quyền và quyền tài phán dân sự để bảo đảm việc duy trì trật tự công cộng. Trật tự này phải phù hợp với công lý. Do đó, Nhà Nước nên đảm bảo để các cộng đồng tôn giáo tôn trọng luân lý và trật tự công cộng chính đáng. Đặc biệt, Nhà Nước phải lo liệu sao để người dân không phải chịu các cư xử bất nhân hay mất nhân phẩm, sự vẹn toàn về thể lý và luân lý của họ được tôn trọng, bao gồm cả khả thể tự do lià bỏ cộng đồng tôn giáo của họ. Đó là chỗ sự độc lập của các cộng đồng tôn giáo khác nhau bị giới hạn, để quyền tự do tôn giáo của cả cá nhân lẫn tập thể và định chế được đảm bảo, trong khi vẫn tôn trọng ích chung và sự gắn bó của xã hội đa nguyên. Ngoài những trường hợp này ra, các nhà cầm quyền dân sự phải tôn trọng sự độc lập của các cộng đồng tôn giáo, nhờ thế, các cộng đồng này được tự do hành động và tổ chức theo các qui định riêng của họ. 

Về phương diện này, người ta phải nhớ rằng đức tin Công Giáo hoàn toàn tôn trọng lý trí. Kitô hữu nhìn nhận sự phân biệt giữa lý trí và tôn giáo, giữa trật tự tự nhiên và trật tự siêu nhiên, và tin rằng ơn thánh không tiêu diệt tự nhiên, nghĩa là, đức tin và các ơn phúc khác của Thiên Chúa không bao giờ biến bản nhiên con người và việc sử dụng lý trí của họ ra vô ích, không bao giờ làm ngơ chúng, đúng hơn, luôn cổ vũ và khích lệ chúng. Không giống các tôn giáo khác, Kitô Giáo không đưa ra các qui định tôn giáo có tính hình thức về thực phẩm, áo quần, cắt bỏ v.v… vốn chống lại nền luân lý tự nhiên và đi ngược lại luật lệ của Nhà Nước trung lập về tôn giáo. Dù sao, Chúa Kitô cũng đã dạy ta phải vượt lên trên những qui định tôn giáo hoàn toàn có tính hình thức này và thay thế chúng bằng việc sống luật bác ái, một luật mà trong trật tự tự nhiên, biết thừa nhận việc lương tâm có nhiệm vụ phân biệt giữa thiện và ác. Như thế, Giáo Hội Công Giáo vốn không áp đặt bất cứ qui định nào trái với đòi hỏi chính đáng của trật tự công cộng.

Vũ Văn An

0 nhận xét:

Đăng nhận xét