Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Nhân quyền VN 2012 (4): Chính sách bao hành công an trỊ


Sài Gòn - Chính sách bạo hành không những chỉ dùng để trấn áp những cá nhân hay tổ chức không cùng chính kiến với ĐCSVN [Xem phần tự do chính trị và tự do ngôn luận trong báo cáo nầy]; mà đã trở thành cách ứng xử của bộ máy công an nhà nước đối với dân. Vào cuối tháng 9 năm 2010, tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch đã lên tiếng báo động về tình trạng bạo hành của công an VN, và liệt kê 19 vụ gây thiệt mạng 15 người, trong đó có những trường hợp nạn nhân bị đánh chết khi đang còn bị câu lưu thẩm vấn, có những trường hợp chết sau khi được thả về, và cũng có những trường hợp tử vong  ở nơi công cộng khi công an lạm dụng vũ lực một cách quá mức không cần thiết. (Xem Báo cáo của Human Rights Watch “Vietnam: Widespread Police Brutality, Deaths in Custody” September 22, 2010)
Hơn hai năm sau, tình trạng bạo hành của công an không những không cải thiện, mà lại được khai triển một cách có hệ thống hơn bởi sự gia tăng khối lượng và quyền lực của bộ máy công an. VN chưa bao giờ công bố con số nhân viên phục vụ trong ngành công an. Tuy nhiên, bằng phương pháp gián tiếp dựa vào số liệu thống kê của Tổng Cục Thống Kê, người ta cũng có thể ước tính được quân số của ngành công an VN vào khoảng 678 ngàn người; nếu tính cả các cộng tác viên thì con số có thể lớn hơn nhiều.[1] Chỉ riêng tại trung ương hiện có hơn 180 nhân viên mang cấp tướng và 200 cấp đại tá.[2] Cuối năm 2012, Bộ Công an VN đã làm lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho 48 sĩ quan cấp lãnh đạo trong ngành công an lên  hàm cấp tướng.[3] Về phương diện số lượng bộ máy công an vũ trang của VN vượt hẳn các quốc gia có dân số tương đương.
Tại VN, nhiệm vụ chính của công an không phải là bảo vệ luật pháp và giữ gìn vệ trật tự xã hội, mà là bảo vệ Đảng. Khẩu hiệu “chỉ biết còn Đảng, còn mình” của ngành công an VN tự nó đã tố giác tính công cụ của hệ thống trấn áp bằng bạo lực mà ĐCSVN sử dụng để đương đầu với người dân hầu duy trì độc quyền cai trị của mình. Chính sự tương thuộc đó là đầu mối của chính sách công an trị và tác phong bạo hành của công an VN hiện nay.
Tình trạng sỉ nhục và đả thương người dân nơi công cộng hay bắt người vào đồn công an, dùng nhục hình tra tấn đôi khi đến chết mà người có trách nhiệm không bị một chế tài thực sự của luật pháp vẫn tiếp tục gia tăng. Điều đáng chú ý là hầu hết các trường hợp tử vong khi bị công an giam giữ thường chỉ liên hệ đến các lỗi phạm không đáng kể, như xích mích giữa hàng xóm, trộm cắp vặt, v.v. Hầu hết các trường hợp tử vong khi bị tạm giữ tại đồn công an đều được cho là do tự tử, trong lúc gia đình các nạn nhân đều ghi nhận nhiều dấu vết bị hành hạ và tra tấn còn lại trên thi thể nạn nhân. Trong Năm 2012, ít nhất có đến 15 trường hợp chết do bạo hành của công an và dân phòng được tiết lộ qua mạng truyền thông như sau:
  • § 26-1-2012: Ông Nguyễn Văn Hùng, 50 tuổi, ngụ tại xóm 2 thôn Quyết Tiến, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ông Hùng  bị công an đánh trọng thương khi chính quyền đến cưỡng chế đất. Ông qua đời ngày 26 tháng 1,tức mùng 4 Tết âm lịch sau khoảng hơn 3 tuần cầm cự. [4]
  • § 19-2-2012: Ông Hoàng Gia Đạt Phước (tức Đen), 35 tuổi, ngụ phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. khoảng 2 tháng trước khi chết, ông Phước bị Công an quận 9 bắt tạm giam. Hơn 9 giờ ngày 19-2-2012, gia đình Phước nhận được tin báo ông Phước bị sốt, co giật, sau đó nhận được hung tin là ông Phước đã tử vong. Gia đình cho biết, Phước chưa có tiền án, tiền sự, trước khi bị tạm giam, ông Phước rất khỏe mạnh. [5]
  • § 19-3-2012: Ông Lê Ðình Trọng, 25 tuổi, ở xóm Hồng Tân, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông Trọng bị công an huyện Can Lộc bắt giữ chiều 16 tháng 3. Ðến khoảng 16 giờ 30 ngày 19 tháng 3, gia đình nhận được tin ông Trọng chết trong phòng tạm giữ. Công an huyện Can Lộc cho rằng ông Trọng chết do thắt cổ tự tử, còn người nhà thì cho rằng chết do nguyên nhân khác nên mới có việc cản trở khám nghiệm tử thi.[6]
  • § 29-3-2012: Ông Bùi Hữu Vũ, 19 tuổi, ở huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An, được gia đình dẫn đến trụ sở công an huyện Nam Ðàn theo lời yêu cầu của công an ngày 29-3-2012. Ðến 11 tháng 4 thì công an xã đến báo ông Vũ đã tử vong với nhiều vết bầm tím trên thân thể, xung quanh cổ tay, cổ chân có vết bầm, trầy xước.[7]
  • § 28-4-2012: Ông Dương Chí Dũng, 35 tuổi, phạm nhân đang bị cải tạo tại trại giam A2, xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Ông Dũng đang bị bệnh AIDS, sáng 28-4-2012, cáo bệnh, không đi lao động. Ông Dũng bị Công an và y sĩ trại giam dùng gậy đánh gây tử vong.[8]
  • § 13-5-2012: Ông Ngô Thanh Kiều, 31 tuổi, ngụ tại xã Hòa Đồng huyện Tân Hòa tỉnh Phú Yên. Đêm 13-5- 2012 một toán công an bắt ông Kiều đi, nói với gia đình là mượn ông Kiều đi sáng trả lại chứ không phải là bắt hay điều tra. Vợ của nạn nhân lúc đó mang thai chỉ còn 5 ngày nữa là tới ngày sinh nở. Chiều cùng ngày, ông Kiều được đưa tới Bệnh xá công an rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cấp cứu nhưng đã tử vong. Theo kết quả giám định của pháp y tỉnh Phú Yên, ông Kiều chết do chấn thương sọ não, chấn thương phần mềm…[9]
  • § 31-5-2012: Ông Đặng Đình Bình, 41 tuổi, ngụ tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Đêm 23-5-2012, ông Bình nghe tin cháu của ông bị tai nạn giao thông tại phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, nên chạy tới xem xét. Tại đây một toán dân phòng đã dùng bạo lực ngăn trở ông đến hiện trường dẫn tới việc ông Bình phải cấp cứu do dập não, lòi tròng mắt. Ngày 31-5-2012, nạn nhân đã tử vong sau hơn một tuần lễ hôn mê tại Bệnh viện Chợ Rẫy.[10]
  • § 23-7-2012: Ông Dương Tấn Thường, 28 tuổi, ở xã Đông Hưng B, An Minh, Kiên Giang. bị bắt tạm giam lúc 10 giờ ngày 23-7-2012, về hành vi cố ý gây thương tích. Trong khi bị tạm giam tại Công an Thới Bình, Cà Mau, Ông Thường bị tử vong lúc 16 giờ 30 cùng ngày. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy ông Thường bị đa chấn thương phần mềm, vùng ngực bị ngoại lực làm dập, tràn dịch (máu) phổi. Công an cho rằng ông Thường bị các bị can khác đánh.[11]
  • § 6-8-2012: Bà Dương Mỹ Linh, 54 tuổi, ngụ tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 4-8-2012, bà Linh bị bắt vì bị nghi có liên quan đến một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sáng ngày 6 tháng 8, cán bộ trại tạm giam Công an tỉnh Cà Mau phát hiện bị can Dương Mỹ Linh đã tử vong do treo cổ bằng vải mùng. Vụ việc xảy ra khi bà Linh bị giam một mình trong phòng tạm giam tỉnh Cà Mau.[12]
  • § 30-8-2012: Ông Nguyễn Mậu Thuận, 54 tuổi, trú tại Thôn Đoài, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ngày 30-8-2012 ông Thuận bị công an xã đến bắt lên công an xã làm việc vì có có mâu thuẫn và xô xát nhỏ với hàng xóm. Đến chiều thì gia đình nhận được tin Ông bị “ốm nặng”. Khi người nhà đến nơi, ông Thuận đang nằm trên sàn nhà, tay chân lạnh ngắt, tim đã ngừng đập, trên người có nhiều vết sưng, bầm tím, các cổ tay, cổ chân còn hằn dấu còng siết chặt. Khám nghiệm tử thi cho biết, trên thi thể ông Thuận có nhiều vết bầm dập ở tay chân, đầu bị thương, xương sườn bị gãy.[13]
  • § 8-9-2012: Ông Nguyễn Thanh Hiền, 43 tuổi, trú tại khu hành chính, 13 Tô Hiệu, phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.  Tối 6-9-2012, công an phường Ngô Quyền đến đưa ông Hiền và hai người trong gia đình lên trụ sở làm việc vì có xô xát giữa ông Hiền và người trong gia đình. Khoảng 21giờ 20, em trai ông Hiền là Nguyễn Thanh Hiếu mang chăn màn lên trụ sở công an phường cho ông thì thấy ông Hiền ngất lịm. Người nhà được phép đưa đi cấp cứu tại bệnh viên đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc trong trạng thái bất tỉnh. Các bác sĩ cho biết nạn nhân bị chấn thương sọ não, trên cơ thể có nhiều vết bầm tím. Đến sáng ngày 8 tháng 9 thì ông Hiền tử vong.[14]
  • § 14-9-2012: Ông Hồ Long Giang, 27 tuổi, ngụ phường Xuân An, thị xã Long Khánh bị công an bắt tạm giữ hôm 14-9 vì “hành vi tàng trữ ma túy”. Theo báo cáo của công an, ông đã dùng chiếc áo của mình thắt cổ chết tại phòng giam giữ buổi tối cùng ngày.[15]
  • § 17-9-2012: Ông Phạm Thế Hiền, 28 tuổi, ngụ khóm 4, thị trấn Trà Cú, huyệnTrà Cú, tỉnh Trà Vinh. Chiều 17-9-2012, ông Hiền bị công an huyện Tiểu Cần tạm giữ hành chính vì tình nghi tàng trữ trái phép chất ma túy. Sáng hôm sau, ông Hiền qua đời trong nhà tạm giữ. Khi gia đình đến Công an huyệnTiểu Cần thì xác ông Hiền đã được khám nghiệm (không có sự chứng kiến của gia đình). Nguyên nhân cái chết được thông báo là do treo cổ tự tử.[16]
  • § -12-11-2012: Bà Hà Thị Nhung, 76 tuổi, ở xóm 6, xã Xuân Thành, huyện Thọ Xuân, Tỉnh Thanh Hóa. Bà là một trong số hàng trăm dân oan từ các tỉnh kéo về Hà Nội để khiếu kiện bị cướp đất. Trong cuộc biểu tình sáng ngày 12-11-2012 tại vườn hoa Lý Tự Trọng, Bà Hà Thị Nhung đọc lớn những câu vè dân gian tố cáo tham nhũng. Ngay lập tức, một nhóm công an, dân phòng tiến đến giựt biểu ngữ rồi lôi kéo bà Nhung đi. Ít phút sau, người ta thấy bà gục xuống ngất xỉu. Mọi người vội chạy đến sơ cứu nhưng nạn nhân đã từ trần.[17]
  • § 10-12-2012: Ông Bùi Văn Lợi, 45 tuổi, ở phố Gia Lâm, Bố Hạ, Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Ngày 10-12-2012, lực lượng Công an huyện Yên Thế bố ráp bắt đánh bạc dưới hình thức chọi gà tại nhà một người dân. Khi lực lượng công an tới có khoảng 30 người đang tụ tập xem gà chọi, ông Lợi sợ hãi, vùng bỏ chạy ra bãi ruộng bên cạnh đó. Một công an mặc thường phục đuổi theo bắt ông Lợi và dùng còng số 8 còng tay ông Lợi. Ông Lợi bị bắn chết khi tay còn bị còng.[18]

Việc lạm dụng bạo lực của nhân viên công lực không chỉ nhằm vào những cá nhân riêng rẽ mà còn nhằm vào nhiều đối tượng rộng lớn hơn trong nhiều môi trường xã hội khác nhau. Để đương đầu với những đòi hỏi chính đáng của dân oan tụ tập khiếu kiện tập thể hoặc ngăn chặn việc cưỡng chiếm đất đai một cách bất công mỗi ngày mỗi gia tăng, thay vì đối thoại với người dân, chính quyền đã điều động cảnh sát cơ động, chó nghiệp vụ, và xe cơ giới đến trấn áp một cách dã man, gây thương tích và ngay cả thiệt hại đến tính mạng [Xin xem phần phần dân oan trong báo cáo nầy]. Bạo hành công an cũng được triệt để sử dụng đối với sinh hoạt tôn giáo không nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước, bất kể tôn giáo nào, Công giáo, Phật giáo, Tin lành, hay Phật giáo Hòa Hảo [Xin xem phần tôn giáo trong báo cáo nầy].
Một loại hình thức bạo lực mới xuất hiện những năm gần đây là việc sử dụng “quần chúng tự phát” thay thế công an. Đây là một thủ đoạn đàn áp và khủng bố thông qua bàn tay của các phần tử côn đồ của xã hội đen. Với thủ đoạn “quần chúng tự phát” nầy, lực lượng công an đứng ngoài ra lệnh và điều khiển những vụ đánh đập các thành phần bất đồng chính kiến và đàn áp các sinh hoạt chính đáng của người dân mà sự can thiệp lộ liễu của lực lượng công an sắc phục tạo bất lợi cho chính quyền. Tuy nhiên trong nhiều vụ đàn áp, chính các thành phần xã hội đen tham dự thú nhận họ đã nhận tiền công an để tham gia các hành vi bạo hành đó.[19]
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

[1] Nguyễn Quang A, “Văn hóa cảnh sát,” http://anhbasam.wordpress.com/2013/01/14/1555-van-hoa-canh-sat/  (Truy cập 2-2-2013)
[2] Bùi Tín, “Bốn mươi chín tướng công an mới,” Thông Luận, http://www.ethongluan.org/index.php?option=com_content&view=article&id=2192:b-n-muoi-chin-49-tu-ng-cong-an-m-i-bui-tin&catid=44:tham-lun  (Truy cập 20-1-2013)
[3] CAND Online, “Công bố, trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thăng cấp bậc hàm cấp Tướng CAND năm 2012,” http://www.baomoi.com/Home/DoiNoi-DoiNgoai/cand.com.vn/Cong-bo-trao-Quyet-dinh-cua-Thu-tuong-Chinh-phu-thang-cap-bac-ham-cap-Tuong-CAND-nam-2012/10048067.epi  (Truy cập 15-1-2013)
[4] RFA, “Công an Bắc Giang lại đánh chết người,” http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/death-beating-by-bgiang-police-01262012065721.html  (Truy cập 15-12-2012)
[5] Pháp Luật, “Điều tra vụ một nghi phạm tử vong ở quận 9,”http://www.baomoi.com/Home/HinhSu/www.phapluattp.vn/Dieu-tra-vu-mot-nghi-pham-tu-vong-o-quan-9/7911182.epi  (Truy cập 15-12-2012)
[6] Người Việt, “Lại thêm một người chết trong tay công an,” http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=146187&zoneid=1  (Truy cập 15-12-2012)
[7] Pháp Luật, “Một bị can chết bất thường trong buồng tạm giam,” http://www.phapluatvn.vn/phapluat/201204/Mot-bi-can-chet-bat-thuong-trong-buong-tam-giam-2065776/  (Truy cập 17-12-2012)
[8] Pháp Luật, “Một phạm nhân chết, nghi do bị đánh,” http://phapluattp.vn/20120430021925366p0c1015/mot-pham-nhan-chet-nghi-do-bi-danh.htm  (Truy cập 17-12-2012)
[9] Dân Luận, “Công an lại đánh người đến chết, luật pháp ở đâu?” https://danluan.org/tin-tuc/20120515/cong-an-lai-danh-nguoi-den-chet-luat-phap-o-dau  (Truy cập 22-12-2012)
[10] Pháp Luật, “Bảo vệ dân phố đánh người dập não,” http://phapluattp.vn/2012052911454639p0c1015/bao-ve-dan-pho-danh-nguoi-dap-nao.htm  (Truy cập 22-12-2012)
[11] VTC News, “Nam thanh niên chết tại nhà tạm giữ công an do bị đánh,” http://vtc.vn/7-342227/phap-luat/nam-thanh-nien-chet-tai-nha-tam-giu-cong-an-do-bi-danh.htm  (Truy cập 22-12-2012)
[12] Người Lao Động, “Treo cổ trong trại tạm giam,” http://www.baomoi.com/Home/PhapLuat/nld.com.vn/Treo-co-trong-trai-tam-giam/9076720.epi  (Truy cập 22-12-2012)
[13] Người Lao Động, “Chết bất thường ở trụ sở công an,” http://nld.com.vn/20120831103013281p0c1042/chet-bat-thuong-o-tru-so-cong-an.htm  (Truy cập 22-12-2012)
[14] Pháp Luật Xã Hội, “Một người dân phải đi cấp cứu từ trụ sở CA phường”.http://phapluatxahoi.vn/20120909084032471p1002c1019/mot-nguoi-dan-phai-di-cap-cuu-tu-tru-so-ca-phuong.htm  (Truy cập 26-12-2012)
[15] Dân Luận, “Bị tạm giữ, một thanh niên chết tại trụ sở công an”. http://danluan.org/lien-ket/20120917/bi-tam-giu-mot-thanh-nien-chet-tai-tru-so-cong-an  (Truy cập 26-12-2012)
[16] Thanh Niên Online, “Điều tra vụ nghi phạm ‘treo cổ tại nhà tạm giữ’”.http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120921/mot-thanh-nien-nhap-vien-sau-khi-roi-tru-so-cong-an.aspx  (Truy cập 26-12-2012)
[17] RFI. “Hà Nội: Một bà cụ khiếu kiện thiệt mạng khi bị công an xô đẩy”. http://www.viet.rfi.fr/node/75826  (Truy cập 26-12-2012)
[18] Lao Động, “Công an bắt sới đá gà, một người bị bắn chết”. http://laodong.com.vn/Phap-luat/Cong-an-bat-soi-da-ga-mot-nguoi-bi-ban-chet/95193.bld  (Truy cập 12-12-2012)
[19] Nữ Vương Công Lý. “Thông tin và hình ảnh Nghệ An dùng quân đội đàn áp tôn giáo đẫm máu tại Con Cuông”.  http://www.nuvuongcongly.net/xa-hoi/binh-luan/quandoi_concuong/ (Truy cập 26-12-2012)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét