Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

Chan chứa một niềm vui

LTCGVN (16.04.2013)

Chan chứa một niềm vui
Nói tóm lại, việc vĩ đại Chúa làm khi xưa cho dân Do thái là cho họ thoát cảnh lưu đầy và đưa họ về cố hương. Còn đối với tôi và có lẽ nhiều người khác nữa, việc vĩ đại hiện nay là Chúa đã thay đổi phần nào cung cách hành xử của HĐGMVN trước thời cuộc, và đặt lên cai quản Hội Thánh một vị Giáo Hoàng như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô.
“Ấy thiên hạ cùng nhau to nhỏ:
“ Việc Chúa làm cho họ vĩ đại thay !”
Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chưa một niềm vui. “   (Tv 125,2cd)
Đó là niềm vui của dân Do thái khi dược Chúa đưa về quê cha đất tổ, sau 70 năm bị lưu đầy ở Ba-bi-lon. Phải nghĩ đến trường hợp của họ: cả một dân tộc bị bứng khỏi nơi “chôn nhau cắt rốn”, phải lưu đầy trong 70 năm tại nơi đất khách quê người mới hiểu được niềm vui của họ lớn lao chừng nào, nhất là khi không có nhà anh hùng cứu quốc nào đã nổi lên để giải thoát họ. Cứ đà này chắc họ sẽ còn phải làm nô lệ không biết đến bao giờ. Thế mà tự nhiên vua Ki-rô[1] lại tha cho họ, đưa họ về cố hương. Chẳng những thế, vua lại còn ra lệnh xuất công quĩ cho họ xây cất lại đền thờ Giê-ru-sa-lem. Chính vì thế, họ mới nói

“Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại
Ta thấy mình chan chứa nột niềm vui.”
Đây thật là một biến cố vĩ đại cho dân tộc Do thái xưa, khiến họ vui mừng khôn xiết kể, sánh với những khi họ  phải than thở:
“ Bên sông Ba-by-lon,
Ta ra ngồi nức nở
Mà tưởng nhớ  Xi-on” (Tv 134,1)
Gần đây, khi đọc thánh vịnh 125, tôi cũng thấy lòng chan chứa một niềm vui. Niềm vui của tôi là Bản Góp Ý của  HDGMVN gửi Ban Dự Thảo Sửa Đổi Hiến Pháp năm 1992. Tôi đọc di đọc lại nhiều lần và thấy từ nội dung đến cách hành văn bố cục, tất cả đều chặt chẽ, xác đáng, trước khi được xem những bài phản ánh dư luận của giới công giáo cũng như ngoài công giáo, đồng bào trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài.
Giáo dân Giáo xứ Ngọc Long, GP Vinh nô nức ký tên vào Bản Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp của Nhân sĩ, trí thức.
Tôi vui vì qua bản góp ý kiến này, HĐGMVN đã thực sự bận tâm đến vận nước và nói lên mối bức xúc của mình trước tiền đồ dân tộc. Đã đến lúc HĐGMVN thấy không thể còn yên lặng được nữa. Nếu cứ kéo dài sự yên lặng triền miên như bao năm qua, từ những vụ như Đồng Đinh, Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Đồng Chiêm, Tam Tòa, Cồn Dầu v.v.. một sự yên lặng thật khó hiểu, thậm chí còn bị coi là một sự thoái thác trách nhiệm thì uy tín của HĐGM sẽ mất đi nhiều lắm và có ngày sẽ tiêu tan. Nay bản góp ý này đánh dấu một giai đoạn mới, một thời kỳ HĐGMVN không còn đắn đo e ngại nữa, mà thực sự dấn thân, chấp nhận những bất trắc có thể xẩy ra cho mình. Cộng đồng công giáo cảm thấy nhẹ mình và phấn khởi theo dõi hành vi can đảm này. Tiếp theo đó là lá thư can thiệp của ĐC Phao-lô Nguyễn Thái Hợp và ĐC Giu-se Vũ văn Thiên gủi cho Tòa An Nhân Dân thành phố Hải Phòng yêu cầu trả tự do và bồi thường thiệt hại thỏa đáng cho ông Đoàn văn Vươn.
Đó là những cách hành xử mới của hai vị gíám mục, chứng tỏ một sự chuyển mình đáng khích lệ, gây tin tưởng cho giáo dân, đem lại đôi chút an ủi cho người lâm nạn đang phải chịu sự đè nén bất công, và vô hình trung vạch ra cho cộng đồng dân Chúa một cách hành xử thích đáng trong tình thế hiện thời, thay vì hoang mang mất định hướng. Ảnh hưởng tinh thần của những hành dộng trên đây không phải là nhỏ.
Đây thiết tưởng chính là hoạt động của Chúa Thánh Thần, là việc của Chúa làm, vì trong những lúc phải nói là “dầu sôi lửa bỏng”, người ta không thấy HĐGM nói năng hay làm gì cả, dù chỉ là một lời chia sớt cảm thông, trước những cơn bất bằng như đã nói. Nay là lúc đã “đến thời đến buổi”, Chúa hành động theo chương trình và dự định của Người.
Ai theo dõi thời cuộc, chắc cũng nhận thấy niềm vui và sự phấn khởi của phần đông độc giả khăp nơi, do Bản Góp Ý đem lại. Nguyên ảnh hưởng đó cũng có thể nói được là do Chúa tác động, cũng như sự chuyển đổi dư luận khác thường và mau lẹ của giới truyền thông quốc tế đối với Tòa Thánh Vatican, từ khi Hội Thánh có vị Tân Giáo Hoàng là Đức Thánh Cha Phan-xi-cô. Hẳn chúng ta còn nhớ trước đó it lâu, vụ Vatileak đã làm cho giáo triều chao đảo thế nào và nhiều người công giáo đã tỏ ra hoang mang lo lắng ra sao, trước sức tấn công của mấy đài truyền thanh truyền hình và báo chí quốc tế, vốn tiên thiên có ác cảm với công giáo. Nhưng cũng chính những cơ quan này đã thay đổi thái độ và đưa ra những nhận xét và lời bình đầy trân trọng đối với Đức Tân Giáo Hoàng. Đây cũng lại là một niềm vui không nhỏ cho các người công giáo ở khắp nơi và là việc Chúa làm.
Nói tóm lại, việc vĩ đại Chúa làm khi xưa cho dân Do thái là cho họ thoát cảnh lưu đầy và đưa họ về cố hương. Còn đối với tôi và có lẽ nhiều người khác nữa, việc vĩ đại hiện nay là Chúa đã thay đổi phần nào cung cách hành xử của HĐGMVN trước thời cuộc, và đặt lên cai quản Hội Thánh một vị Giáo Hoàng như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô.
Xưa khi dân Do Thái được Chúa đưa về từ chốn lưu đầy, họ tưởng mình như giữa giấc mơ, nghĩa là không thể tưởng tượng nổi. Nhưng đối với chúng ta thi sự thay đổi thái độ của HĐGMVM và quà tặng Chúa ban cho Hội Thánh nơi con người Đức Thánh Cha Phan-xi-cô không phải là một giấc mơ mà chính là một hiện thực.
Hiện thực đó vừa là một ơn huệ lại vừa là một dấu hiễu: ơn huệ vì là do Chúa ban, và dấu hiệu vì là lời nhắc nhở cho các vị cầm quyền trong Hội Thánh phải lưu tâm và hoạt động cho những người kém thân kém phận đang phải chịu nhiều nỗi bất công và khổ cực như Đức Tân Giáo Hoàng nói: “Tôi mong muốn lắm thay một Giáo Hội nghèo và cho người nghèo”
L.m. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.


[1] Những việc này đều được ghi trong sách Ét-ra  (1,1-11; 6,2-5)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét