Nhiều người dâng cúng tiền vào trong đền thờ. Đức Kitô ngồi đó quan sát họ. Trong số đó nhiều người giầu có cho những món tiền to; còn bà nghèo này cho gì mà khiến Đức Kitô vừa suy nghĩ lại lên tiếng làm đề tài giáo huấn cho các môn đệ. Rất khiếm có hành động của con người Đức Kitô mượn làm đề tài hướng dẫn, giáo dục, các tông đồ nhưng bà nghèo này đã làm được việc quan trọng đó. Bà đã dâng cúng thứ gì vào Đền thờ khiến Đức Kitô cho đó là quan trọng? Thưa bà dâng cúng hai đồng tiền kẽm có giá trị một xu bạc.
Xã hội chúng ta thường quan niệm người dâng cúng nhiều tiền vào đền thờ là người hảo tâm vì đã cho nhiều và kẻ cho ít hơn thì ít hảo tâm hơn. Đại đa số định giá trị trên số lượng tiền bạc dâng cúng mà ít quan tâm đến phẩm chất của tấm lòng chân thành người dâng cúng. Điều này không có gì sai trái vì xã hội chúng ta sống ảnh hưởng, lệ thuộc rất nhiều vào đồng tiền. Không có nó mọi sinh hoạt trong xã hội bị đình trệ và cuộc sống hàng ngày cũng gặp khó khăn. Đức Kitô không ngụ í chê trách nghĩa cử bác ái cao đẹp của người giầu có dâng cúng tiền vào đền thờ Ngài đưa ra nhận xét về tấm lòng của những người làm công việc bác ái. Chúng ta chú trọng vào số lượng vật chất dâng cúng, Ngài chú trọng vào tấm lòng của người dâng cúng. Bởi vì không phải tất cả mọi hành động, cử chỉ bác ái đều đến từ con tim yêu mến, đầy tình thương. Nhiều hành động bác ái thúc đẩy bởi hoàn cảnh và ảnh hưởng bởi suy tính của khối óc hơn là đến từ con tim yêu mến.
Đối với Đức Kitô chân giá trị của việc bác ái không được đo lường bằng số lượng vật chất dâng cúng mà đo bằng tấm lòng chân thành phát xuất tự con tim. Vật chất có giá trị vì con người tạo giá trị cho nó trong khi hành động bác ái thúc đẩy bởi con tim chân thành luôn phảng phất tình thương và lòng mến. Hành động đến từ con tim chân thành luôn mang hai giá trị tuyệt vởi thương và mến. Đức Kitô ca ngợi hành động bác ái của bà nghèo khó vì hành động đó đến từ con tim yêu mến, chân thành. Bà dâng cúng chỉ trị giá một xu nhưng đó là tất cả những gì bà có thể cho. Dù có muốn cho hơn nữa cũng không thể vì bà không còn gì để cho. Thực ra bà đã cho tất cả những gì bà có trong khi những người giầu có kia chỉ cho một phần của để dành được. Điều khác biệt nằm ở chỗ cho tất cả, không sót lại và cho một phần của dư để dành. Như thế hành động của bà đến từ tận trong con tim sâu thẳm vả cho tận tình; trong khi hành động của những người giầu có kia rất có thể đến từ con tim nhưng họ không cho tận tình. Nói cách khác người giầu có cho nhưng vẫn còn tính toán lo cho ngày mai, bà nghèo khó cho luôn cả ngày mai, những gì nuôi sống tương lai không được giữ lại nhưng mang cho. Có thể nói bả cho cả tương lai đời mình.
Bà không mặc cảm vì sống nghèo. Bà cũng không lo lắng về phẩn thưởng nhận lại từ việc bác ái. Bà chi biết cho mà không mong nhận trong khi người giầu có cho món tiền lớn nhận tiếng khen của đại chúng. Vì cho đi tất cả những gì mình có bả trở nên dại khùng trước cách lí luận của xã hội nhưng trước mắt Đức Kitô bà là người khôn ngoan biết đặt tương lai mình vào tình yêu Thiên Chúa.
Cách định giá việc làm của Đức Kitô không đặt nặng vào cho nhiều hay ít và cho thứ gì nhưng Ngài chú trọng vào việc làm thúc đẩy bởi con tim. Việc làm đến từ con tim luôn được Ngài cổ võ, khuyến khích. Bà nghèo được ngợi khen vì việc làm của bà thúc đẩy bởi con tim và làm với tâm lòng khiêm nhu.
Lm Vũđình Tường
0 nhận xét:
Đăng nhận xét