Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

Bài Giảng của Lm. Tôma Vũ Minh Đức trong buổi Lễ Giỗ Tổng Thống NGÔ ĐÌNH DIỆM &Cố Vấn NGÔ ĐÌNH NHU tại Thánh đường Most Holy Trinity, San Jose, ngày 3.11.2012



LTCGVN (09.11.2012)

Năm 1285, quân Nguyên xâm chiếm đất Đại Việt. Vì quân địch quá mạnh vua Trần Nhân Tông và Thái Thượng Hoàng Thái Tông phải bỏ kinh đô mà chạy. Tam bề thụ địch, Trần Nhân Tông lên thuyền nhỏ ra biển thuộc vùng Hải Dương và triệu Hưng Đạo Đại Vương đến vấn kế.Nhân Tông nói:
- Thế giặc lớn như vậy chống với nó e dân sự sẽ tàn hại, hay là hàng chúng nó để cứu lấy dân? Trần Hưng Đạo khẳng khái trả lời:
- Bệ hạ vì lòng thương dân mà nghĩ như vậy nhưng Tôn Miếu và Xã Tắc thì sao?Nếu bệ hạ muốn hàng thì hãy chém đầu thần trước đã!
Vào những ngày cuối cùng của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng tam bề thụ địch. Mũi dùi từ phương Bắc của họ Hồ và tay sai Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thì không có gì là lạ. Cộng Sản và Quốc Gia thì không bao giờ đội chung trời. Mũi dùi đáng sợ hơn là từ cường quốc đồng minh Hoa Kỳ. Họ muốn đem quân vào Miền Nam. Ông Diệm nhất quyết từ chối, dù nhiều lần bị nói bóng, nói gió là chắc chắn người Mỹ sẽ đem quân vào miền Nam, có hay không có sự chấp thuận của ông Diệm. Mũi dùi thứ ba đáng sợ nhất. Đó là các tướng lãnh dưới quyền mà nếu ông không hết lòng thương yêu và tin tưởng thì cũng dung dưỡng bao che. Trong số đó ai sẽ là Giu-đa phản thầy?
Ngày 26 tháng 10, 1963, khi tiếp kiến phái đoàn quân chính, ông Diệm nói đượm vẻ ai oán, buồn bã:
- Chế độ này tuy còn nhiều khuyết điểm, cũng còn hơn nhiều chế độ khác... Người ta chê là độc tài nhưng chỉ ngại còn những thứ độc tài khủng khiếp hơn. Tôi tiến thì theo tôi, tôi lui thì bắn tôi, tôi chết thì trả thù cho tôi.
Ông Nhu thì nét mặt già hẳn đi, đầy vẻ căm giận. Ông biết người Mỹ có thể làm gì và ông cũng đoán được sẽ không thiếu kẻ sẵn sàng làm tay sai cho ngoaị bang để đổi lấy quyền chức. Linh cảm cho một ngày không hay sẽ đến. Đúng một tuần sau thì hai ông chỉ còn là hai cái xác không hồn với đôi tay bị còng sau lưng.
Trần Nhân Tông có được bầy tôi thà chết hơn đầu hàng nên đã phá tan được quân địch mạnh gấp chục lần. Còn ông Diệm thì hoàn cảnh trái ngược hẳn. Là vị lãnh đạo quốc gia, ông thà chết chứ không đầu hàng Cộng Sản mà cũng chẳng để đồng minh Hoa Kỳ dung túng miền Nam. Bầy tôi của ông thì thà làm tay sai cho đồng minh và gián tiếp tiếp tay cho Cộng Sản hơn là bỏ mất cơ hội để tiếm quyền lãnh đạo. Định mệnh éo le dường như đã được an bài cho nửa hình chữ S khi minh quân thì có mà trung thần thì không.
Thực ra cái ngày thảm khốc đó đã nằm trong linh tính ông Diệm ngay từ ngày ông đồng ý ra chấp chánh. Bài thơ “Nỗi Lòng” của ông ghi lại tâm trạng ấy vào năm 1953:
"Gươm đàn nửa gánh quẩy sang sông
Hỏi bến: thuyền không, lái cũng không!
Xe muối nặng nề thân vó Ký
Đường mây rộng rãi tiếc chim Hồng
Vá trời lấp biển người đâu tá?
Bán lợi mua danh chợ vẫn đông!
Lần lữa nắng mưa theo cuộc thế
Cắm sào đợi khách, thuở nào trong?"

Hẳn chúng ta còn nhớ Nguyễn Du đã miêu tả Từ Hải,
"Đội trời đạp đất ở đời
Họ Từ tên Hải vốn người Việt đông
Giang hồ quen thói vẫy vùng
Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo"
Từ Hải nhận Thúy Kiều làm tri kỷ, vì Kiều cũng tài sắc vẹn toàn. Con Kiều thì biết được chí khí của một anh hùng chưa tạo được thời cơ để dựng nghiệp lớn. Kiều mặc nhiên chấp nhận cuộc quật khởi của họ Từ. Nhưng khi thấy cuộc khởi dậy của họ Từ tạo ra nhiều chết chóc, Kiều cho là Từ gian ác gây nhiều tội ác nên khuyên Từ đầu hàng.
Ngẫm từ việc dấy binh đao
Đống xương vô định đã cao bằng đầu
Làm chi để tiếng về sau
Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào!
Hoàng Sào là một lãnh tụ nông dân quật khởi gần cuối đời nhà Đường (618- 907). Vốn là con của một nhà bán muối, nhưng rất thông minh, văn võ toàn tài, chỉ có dung mạo thật xấu xí. Đời vua Hy Tông, Hoàng Sào đỗ võ cử Trạng nguyên. Nhưng vua thấy hình dung xấu xí của Hoàng Sào nên không dùng, đuổi Sào đi. Họ Hoàng uất hận nổi loạn, chiếm được cả Đông Đô, nhưng rồi sinh hiếu sát, cuối cùng bị đại bại phải tự tử.
Hoàng Sào có hai câu thơ,
Nửa vai cung kiếm tận trời cao
Một chèo non sông tràn đất rộng
Nguyễn Du cho cái văn võ toàn tài “nửa vai cung kiếm” và “một chèo non sông” của Hoàng Sào còn thiếu nên phải được bồi đắp bằng sự thanh nhã của nghệ nhân. Vì thế, Từ Hải không chỉ là anh hùng với kiếm cung và mái chèo tung hoành khắp chốn, mà còn là một tài tử phong lưu với cây đàn.
Kiều nghe lời dụ dỗ của Hồ Tôn Hiến đánh vào tâm lý thích cuộc sống an nhàn nên đã tìm mọi cách thuyết phục Từ Hải đầu hàng. Kiều đã ví người anh hùng bao dung khí phách như kẻ bạo tàn sát sinh là Hoàng Sào. Còn Từ Hải siêu lòng, bị Hồ Tôn Hiến bao vây, mắc mưu, chết đứng giữa trời. Riêng Kiều chẳng còn chi ngoài cuộc sống làm công cụ giải sầu cho kẻ lỗ mãng thấp hèn, cuối cùng đành kết liễu đời mình bằng cái chết dưới giòng sông.
Ông Diệm cũng chất chứa trong lòng nỗi lòng Từ Hải là đem hết tài năng gánh vác sơn hà. Còn cây đàn và tiếng hát của ông lại là tiếng đàn phong cầm du dương của những ngôi thánh đường cổ kính và tiếng hát bình ca lâng lâng của các đan sĩ khổ tu.Tuy nhiên, lòng nhân hậu từ bi của bậc chân tu lại là một yếu điểm chết người cho kẻ cầm cương chính trị. Ông Diệm đành đền bù cho sự thiếu xót này của mình bằng cái cứng rắn khôn lanh của người em là ông Nhu. Hai anh em như Ying và Yang cùng nhau hài hòa chu toàn trách nhiệm lèo lái con thuyền quốc gia. Không đa nghi như Tào Tháo – thà mình phụ người chứ không để người phụ mình – và cũng chẳng hiểm độc như Hồ Chí Minh – thủ tiêu tay chân thân tín khi cần thiết – hai ông Diệm Nhu lại đề cao chữ tín của kẻ sĩ. Nhưng trong chính trường chữ tín là con dao hai lưỡi: tin kẻ bất trung hay gian tà là tự sát. Chính Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô cũng đã quá tin cậy người quản gia nên mới có Vaticanleak.
Đồng minh Hoa Kỳ như Hồ Tôn Hiến chỉ một mực tiến hành chính sách của mình là đem quân vào miền Nam nên đã không ngần ngại mua chuộc bầy tôi bất trung của ông Diệm. Giống như Kiều, đám phản thần đã tô màu và phóng đại cái sắt máu đôi lúc không thể thoát được trong chính trị của ông Nhu thành cái sát sinh tàn độc của Hoàng Sào. Nhưng tệ hơn Kiều là đám phản thần không chỉ muốn sống an phận như Kiều mà muốn cướp lấy quyền lèo lái quốc gia. Đã không có cái tâm của Kiều, lại càng không có cái tài của Từ Hải, đám phản thần khờ dại đã vô tình dẫn đến cái chết của mấy chục ngàn binh sĩ Hoa Kỳ và cuối cùng là cái chết của miền Nam. Còn chính bản thân họ đã được những gì?
Puccini là nhà soạn nhạc kịch opera trứ danh của Ý. Những vở nhạc kịch cổ điển nổi tiếng như “Madame Butterfly” và “La Boheme” đều do ông sáng tác. Ngay từ lúc còn trẻ ông đã bị chứng ung thư hoành hành. Khi biết những ngày cuối đời đã gần kề, ông quyết định hoàn tất tác phẩm cuối cùng “Turnandot”. Các bạn bè đều can ngăn nài nỉ ông đừng quá lao lực. Ông trả lời, “Tôi sẽ làm hết sức mình cho tác phẩm để đời này, và nếu tôi không hoàn tất, số phận nó tùy thuộc vào các bạn tôi.” Trước khi xong vở nhạc kịch thì ông qua đời.
Những người thân thuộc của ông có sự chọn lựa. Một là than khóc cho một nhân tài mệnh yểu và trở lại cuộc sống bình thườngHai là thay vì than khóc thì dồn hết nỗ lực tài năng hoàn tất tác phẩm để đời đóHọ chọn con đường thứ hai. Thế là vào năm 1926, tại hí viện nổi tiếng La Scala Opera House thuộc thành phố Milan bên Ý, vở Turnandot được ra mắt khán giả dưới sự điều khiển của nhạc trưởng xuất chúng Arturo Toscanini.
Khi trình diễn đến chỗ Puccini ngừng lại vì cái chết, Toscanini ngưng cây gậy nhạc trưởng, quay đầu về phía khán giả, vừa nói nước mắt vừa ứa ra, “Đây là nơi vị nhạc sư đã ngừng lại.”Rồi ông ta khóc.Một vài phút sau, ông ngẩng đầu lên, mỉm cười rạng rỡ, và bắt đầu múa chiếc gậy nhạc trưởng, “Và đây là chỗ các bạn thân ông bắt đầu". Rồi ông hoàn tất vở nhạc kịch.
Giống như Puccini, chí sĩ Ngô Đình Diệm cũng đã ra đi.Trong ngày tưởng niệm và cầu nguyện cho hai anh em ông, tôi thiết nghĩ từ lâu bên cạnh Chúa, hai ông hằng cầu bầu cho quê hương dân tộc. Hai ông không cần lòng tiếc thương cũng chẳng cần ai phải khen tặng, bênh vực hay bào chữa. Nếu chúng ta có tri ân và tiếc thương thì hãy tiếp tục di sản mà hai ông đã để lại.
Trong giai đoạn hiện tại, chắc chắn hai ông hằng cầu bầu cùng Chúa cho các nhà đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam như Lê Thị Công Nhân, Việt Khang, và các bloggers như Điếu Cày. Nhưng có lẽ trước hiểm họa xâm lăng của Tàu Cộng, hai ông cũng muốn gióng lên tiếng trống Diên Hồng, “Toàn dân nghe chăng – Sơn Hà nguy biến – Hận thù đăng đăng – Nên hòa hay chiến?” Tiền nhân chúng ta đã từng một lần thét vang, “Quyết chiến!” thì chúng ta không thể nào làm ô danh tiền nhân bằng một câu đáp khác.
Câu hỏi mà mỗi người Việt hải ngoại cần trả lời là: “Khi sự sống còn của quê hương đòi hỏi, tôi có dám trở về để cùng đồng bào máu mủ một lần nữa thét vang, ‘Quyết chiến!’ hay không – hay tôi chỉ đứng ngoài làm kẻ bàng quan cổ võ miệng?”
Riêng bản thân tôi, vì là người tu sĩ với đức vâng lời tôi không thể tự quyết định. Nhưng nếu được phép bề trên, tôi sẵn sàng trở về đất Mẹ để đứng vào hàng ngũ đồng bào cầm súng lên đường. Ai cũng một lần chết.Chết chứ không đầu hàng. Chết mà để lại tiếng thơm như anh em ông Diệm hơn là sống tủi nhục, mất chủ quyền, nô lệ.
Lm. Tôma Vũ Minh Đức
Nguồn: Ba Cây Trúc

0 nhận xét:

Đăng nhận xét