Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Đức tin và việc làm




Liên tiếp mấy ngày qua, báo chí đã phanh phui về đường đi nẻo đến của thịt heo chết  và dĩ nhiên heo chết ở đây là heo bệnh.  Heo bệnh không đem đi tiêu hủy  lại  bán cho người ta ăn thì thật  vô lương tâm. Tuy nhiên sự vô lương tâm ấy bây giờ người ta cho là rất ư bình thường ngay cả với những người gọi là…có đạo. Vừa rồi cha Vĩnh Sang DCCT đọc phóng sự trên báo Tuổi Trẻ có ghi địa chỉ các lò mổ heo chết thì thấy toàn là những địa chỉ rất quen, rất đặc trưng của khu  vực người có  Đạo thuộc tỉnh Đồng Nai. Cha bèn gọi điện nhờ người quen ở vùng đó xác minh về tên tuổi chủ nhà cũng như địa chỉ ghi rõ trên báo, các gia đình ấy có phải người dân Đạo mình không. Câu trả lời làm cho cha choáng váng = Số người buôn heo chết ở GK đông lắm, toàn là dân Công Giáo. Như vợ chồng H.P là giáo dân của GX PN. M. là người VD, vợ chồng Th. Người ở GY, H, người xứ KT. Sáng nay báo Thanh Niên đưa tin phát hiện thịt thối ở GX GM thuộc xã GT 1( bản tin nhắn vào máy ngày 5/10/2012 – Xem Ephata 530).


Báo chí  mới chỉ…khui ra ít vụ ở mấy giáo xứ vùng Công giáo Gia Kiệm Dốc Mơ mới đây thôi, chứ còn thực tế thì từ lâu cái vụ mổ heo lậu, heo chết  ở đâu chẳng có. Hễ cái gì có tiền nhanh và nhiều là người ta làm, bất chấp hậu quả của nó là  như thế nào, bay chết  mặc  bay tiền thầy bỏ túi !!! Làm mà bất chấp hậu quả tức là không sợ tội và khi  đã không sợ tội thì người ta cứ  mãi ở  trong đường tội mà không biết.  Điều đáng sợ nhất đối với mỗi một con người không phải là tội nhưng là không  biết sợ tội. Lý do không biết sợ tội là điều đáng sợ   bởi vì nó làm cho người ta bị mất đức tin. Đức tin là cánh cửa vào Đạo, không còn đức tin thì toàn bộ ơn sủng của Thiên Chúa đã ra như vô ích cho người đó. Ơn sủng là bởi việc làm do đức tin. Ngược lại đức tin cũng cần thể hiện bởi việc làm “ Hỡi anh em, nếu ai nói mình có đức tin song không có việc làm thì có ích chi chăng ? Đức tin há cứu người được chăng ? Ví thử có anh hoặc chị em nào trần truồng thiếu ăn uống hàng ngày mà có kẻ trong anh em nói với họ rằng = Hãy đi bằng an, hãy ấm và no nhưng không cho họ đồ cần  dùng về thân thể thì có ích gì không ? Đức tin cũng vậy nếu nó không có việc làm thì tự mình sẽ chết” ( Gc 2, 14 -17).

Lý do tại sao đức tin cần có việc làm ? Đó là bởi đức tin ấy là tin vào Đấng ở nơi mình. Nói cách khác chính bởi vì Thiên Chúa là Đấng …ở nơi mình  nên mới cần phải tin và thể hiện đức tin ấy ra bên ngoài. Một khi đã tin Thiên Chúa ở nơi mình thì làm sao ta có thể làm những gì trái với Đấng  tuyệt đối là chân là thiện là mỹ ấy được ? Giáo Hội hiện lâm cơn khủng hoảng trầm trọng mà nguyên nhân là do đã không còn tin vào đấng cần phải tin “ Trong thư gửi các giám mục liên quan tới cuộc tranh luận sau khi đức Thánh cha cất án tuyệt thông cho nhóm giám mục bảo thủ ly khai Lefebre ( 2009 ) ngài viết = Ngày nay trong những vùng rộng lớn trên địa cầu, đức tin có nguy cơ tắt ngúm như một ngọn lửa không còn được tiếp liệu nữa. (…) Vấn đề đích thực trong thời điểm này của lịch sử chúng ta, đó là Thiên Chúa biến mất khỏi chân trời của con người” ( Nguồn Nguoitinhuu.com – Lm Nguyễn Hồng Giáo OFM ).

Thiên Chúa là Đấng Hằng Hữu Tự Hữu không thể biến mất, cái làm cho biến mất chính là óc duy lý của con người. Với duy lý thì Thiên Chúa không thể tồn tại như một thực tại mà đó chỉ là quan niệm. Thực tại  hoàn toàn khác với quan niệm ở chỗ một đàng là cái nó là ( như thị ) một đàng là cái phải là. Cái nó là thì bao giờ cũng bất biến luôn là như vậy bất kể không gian thời gian nào. Ngược lại cái phải là tức các quan niệm thì hoàn toàn tùy thuộc vào nhận thức của mỗi nền văn hóa học thuật tôn giáo, hay nói cách triệt để hơn là của mỗi người. Thiên Chúa nếu là …của tôi tức theo quan niệm của tôi thì tất nhiên phải khác với Thiên Chúa tức Thánh Allah của Hồi Giáo. Hơn nữa chẳng những khác với Hồi giáo mà Thiên Chúa của người Công Giáo cũng khác với người Tin Lành mặc dầu cả hai cùng dùng chung một cuốn Kinh Thánh có phân đoạn giống nhau từng câu từng đoạn v.v…

Thiên Chúa không thể không là khác biệt bao lâu con người còn theo đuổi một thứ Thiên Chúa của quan niệm và như thế thì không thể nói gì đến đức tin cũng như việc làm của đức tin. Tại sao ? Bởi vì đức tin chân thật là tin vào Đấng chưa ai từng thấy biết ( Ga 1, 18 ) đồng thời đó cũng  là niềm hy vọng của Kito hữu chúng ta “ Vì chúng ta được cứu trong sự hy vọng nhưng sự hy vọng đã thấy được thì chẳng phải  hy vọng vì ai lại hy vọng điều mình đã thấy rồi ư ? Song nếu chúng ta hy vọng điều mình chưa thấy thì chúng ta mới nhẫn nại mà đợi trông” ( Rm 8, 24 -25). Có tin có hy vọng vào điều chưa biết, chưa thấy chúng ta mới nhẫn nại mà đợi trông và sự nhẫn nại đợi trông ấy không phải là điều chi khác mà  đó chính là  việc làm của đức tin.

I/-  Tìm  kiếm  trong  đức  tin

Người Công Giáo vẫn tự nhận mình là người có đạo, thế nhưng có đạo thì phải thực hành đạo, nếu không đó chỉ là cái danh…hão không có thực chất. Đạo là đường nhưng đường này không như những con đường đời. Với đường đời thì có nơi đi nơi đến rõ ràng. Trái lại đường đạo thì nơi đi cũng là tâm mà nơi đến cũng là tâm. Sở dĩ nói nơi đến là tâm bởi vì Thiên Chúa không hiện hữu ở bất cứ nơi nào khác ngoài tâm “ Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi nhận Giesu là Chúa và lòng ngươi tin ĐCT đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu. Vì bởi lấy lòng tin mà được nên công chính và bởi lấy miệng mà thừa nhận mà được cứu rỗi” ( Rm 10, 8 -10).

Đạo Chúa là đạo đức tin và đức tin ấy luôn đòi hỏi cần có sự ra đi tức phải tìm kiếm lấy cho mình con đường.  Như đã nói đường đời không giống như đường đạo. Đường đời  có nơi đi nơi đến rõ ràng, còn đường đạo thì nơi đi nơi đến  cũng chỉ ở nơi tâm, bởi vậy để  có thể …đi trên đường này là rất khó, cần hết lòng tìm mới gặp. Đức Kito nói “ Các ngươi chớ có lo lắng ăn gì uống gì mặc gì. Vì mọi điều đó dân ngoại vẫn lo. Song Thiên Phụ các ngươi biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi. Nhưng trước hết hãy lo tìm kiếm Nước ĐCT và sự công chính của Người còn mọi điều ấy sẽ được thêm cho các ngươi” ( Mt 6, 31 -33).

Chúa nói hãy lo tìm kiếm Nước Trời, điều ấy chứng tỏ đó là một nơi chốn có thật chứ không phải ảo tưởng,  mặc dầu vậy …nước ấy lại chẳng có gì  giống như các nước thế gian có biên cương lãnh thổ, có nhà cầm quyền v.v..Nước Trời không phải là ảo tưởng bởi lẽ Đức Kito là đấng Chân Thật không khi nào Ngài lại truyền cho ta đi kiếm ảo tưởng làm gì ?. Một khi Nước Trời không là ảo tưởng  lại không giống các nước thế gian, vậy..nước ấy là gì, ở đâu ? Đây chính là điều phải hết lòng tìm và  chúng ta chỉ có thể tìm và gặp ( Ngộ ) được nước ấy khi nào biết trở nên như con trẻ “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi  nếu các ngươi không xoay lại trở nên như con trẻ thì hẳn chẳng vào được  Nước Trời đâu” ( Mt 18, 3 ).

Xoay lại như con trẻ ở đây có nghĩa chúng ta phải  sống với tâm hồn  ấu thơ tin tưởng,  không mặc cảm,  không thành kiến cố chấp vào bất kỳ điều gì. Có hai trở ngại lớn nhất mà con người nếu không vượt qua  thì sẽ không thể tìm ra chân lý đó là dục vọng và những kiến thức lầm lạc. Dục vọng khiến cho ta không thể cố gắng tiến bước trên con đường lành. Cứ mải lo ăn lo uống thì làm sao mà có thể nghiêm chỉnh giữ được Mười Điều Răn ĐCT cùng sáu luật điều Hội Thánh ? Dục vọng đúng là làm cho tâm trí  ra  mờ mịt, tuy nhiên nó lại không nguy hại cho bằng những kiến thức lầm lạc do lý trí  mang lại. Lý trí xem ra rất được coi trọng, bởi nó là sự khôn ngoan thế gian, thế nhưng Thánh Phaolo nói  đó  là sự điên  đảo “ Người khôn ngoan ở đâu, thầy thông giáo ( thần học gia) ở đâu, biện sĩ đời này ở đâu ? Có phải ĐCT đã làm cho sự khôn ngoan thế gian này ra điên đảo hay không. ? Vì tại thế gian cậy sự khôn ngoan mình chẳng cậy sự khôn ngoan ĐCT mà nhận biết ĐCT nên Ngài đã dùng sự ngu dại của đạo chúng ta mà cứu rỗi những kẻ tin” ( 1C 1, 20 -21).

Lý trí đối với thế gian là khôn ngoan nhưng với Thiên Chúa đó lại là  ngu dại. Tại sao ? Bởi vì lý trí là sự thấy biết mang tính phân biệt = cái nhà không phải là dòng sông, dòng sông không phải con thuyền, ta không phải người, người không phải  ta….Tóm lại vật là vật chứ không phải là không vật….Đang khi đó sự thấy biết khôn ngoan Thiên Chúa là cái thấy của vô phân biệt. Cái nhà, dòng sông, con thuyền, ta người, người ta v.v..tất cả trong thực tướng vốn chỉ là một, không khác. Thế gian bởi cho sự vật là khác, ta khác với người  người khác với ta nên cứ mãi  sống trong điên đảo, thật lại cho là giả, giả lại cho là thật. Bởi lẽ thế gian mê muội  chấp trước như thế nên Đạo Chúa chỉ có thể cứu những kẻ có lòng tin.  Kẻ có lòng tin ấy Đức Kito gọi đó là những kẻ bé mọn, họ đơn sơ chất phác tin tưởng tất cả, phó thác tất cả và sự phó thác ấy đã được thể hiện bằng sự cầu nguyện.

II/-  Cầu nguyện trong đức tin

Chỉ có hai loại người có lòng tin tôn giáo, một là hạng trí thức thực là trí thức và hai là  hạng thất học dốt nát. Người trí thức họ biết con đường đi của mình. Còn người dốt nát thì chỉ biết tin nơi người dẫn đường. Ngoài hai hạng đó ra là hạng trí thức …dởm tức những người tự cho mình có nhiều hiểu biết, bất cứ  lãnh vực nào từ thiên văn đến địa lý cái nào cũng thông. Tuy nhiên tất cả những cái gọi là biết ấy chỉ là do học ở nơi người khác hoặc do sách vở báo chí phim ảnh mang lại chứ không phải do tự mình khám phá chiêm nghiệm. Đối với loại… trí thức này thì đức tin không thể có chỗ đứng bởi một lẽ đơn giản là vì tâm của họ đã bị nghẹt cứng bởi đủ loại  kiến thức vay mượn, càng đa văn chừng nào thì càng không có đức tin chừng ấy, chẳng thể cứu.

Để được cứu thì trước hết cần phải có lòng tin, thế nhưng làm sao có thể tin nếu không có người khai mở đức tin ? Giáo Hội thông qua các linh mục chính là người khai mở đức tin cho ta khi lãnh nhận Bí Tích Thánh tẩy hay còn gọi là Bí Tích Khai Tâm.. Cuộc đời tín hữu dù ở bất cứ địa vị hay hoàn cảnh nào cũng  đều phải sống và thể hiện đức tin ra bên ngoài bằng việc cầu nguyện. Chúng ta cần  xác định một điều rằng người không cầu nguyện thì không phải là tín hữu. Lý do bởi vì cầu nguyện chính là một đầu mối dẫn đưa ta đến với Thiên Chúa. Cầu nguyện khi nào thì gặp được Ngài khi ấy, không có cầu nguyện thì  không có Chúa ở với mình.

Mặc dầu cầu nguyện là việc vô cùng quan hệ,  nhưng đây lại là  việc rất khó, cần có Thánh linh trợ giúp “ Cũng một lẽ ấy Thánh Linh giúp đỡ sự yếu đuối của chúng ta. Vì chúng ta chẳng biết  thế nào là cầu nguyện cho xứng đáng nhưng chính Thánh Linh lấy sự than thở không nói ra được mà cầu thay nguyện giúp cho chúng ta” ( Rm 8, 26).

Tự mình không thể cầu nguyện nhưng chính Thánh Linh cầu thay cho chúng ta. Việc cầu thay đó chính là đọc kinh bởi Kinh là Lời Chúa; đọc kinh có nghĩa là sử dụng Lời Chúa để gặp gỡ với Chúa Đấng ở trong ta. Về việc đọc kinh này hiện nay cũng lại đang có…vấn đề. Đa phần giới trí thức cũng như giới trẻ không thích đọc kinh nhất là việc lần chuỗi Mân Côi bởi cho rằng kinh kệ dài dòng chỉ để dành cho hạng…đàn bà trẻ con. Thật ra quan điểm này cũng không phải là không đúng bởi lẽ sự thực là chỉ có các bà và trẻ em mới còn có đức tin chân thật. Tuy nhiên điều này cho thấy một khía cạnh khác của cơn khủng hoảng đó là người ta đã không còn nhận ra ơn ích của việc đọc kinh hoặc nếu có bất dĩ phải đọc thì cũng chỉ  ở ngoài môi ngoài miệng  để rồi ngày càng xa cách Chúa “ Dân này chỉ thờ kính Ta ngoài môi ngoài miệng còn lòng trí chúng thì xa Ta lắm. Chúng tôn thờ Ta vô ích” ( Is 29, 13).

Gần hay là xa cách Chúa cũng chỉ do ở nơi Tâm, muốn gần Chúa thì phải luôn nhớ đến Chúa, đọc kinh chăm chỉ sớm tối với cộng đoàn, với gia đình, siêng năng tham dự Thánh Lễ rước Chúa vào lòng mỗi ngày. Trái lại mỗi tuần chỉ đến nhà thờ cho có lệ, chẳng kinh hạt gì cả thì ngày càng mãi xa Chúa. Nhớ đến Chúa cũng tức là trở lại cùng Chúa, ta có trở lại  cùng Chúa thì Chúa mới trở lại cùng ta và đây chính là luật đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu ./.

Phùng  Văn  Hóa
Tác giả gửi trực tiếp cho LTCGVN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét