Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Thăm lại Sơn La


Thăm lại Sơn La
Chúng tôi lên đường thăm lại Sơn La, mảnh đất khá nhiều kỷ niệm bởi một thời gian dài nằm trong sự trấn áp trắng trợn quyền tự do tôn giáo của người dân với câu trả lời ráo hoảnh từ chính quyền: “Sơn la không có nhu cầu tôn giáo”. Thực trạng đó đã một thời được nói đến nhiều trên các phương tiện thông tin của thế giới, lan tràn trên mạng Internet. Với chúng tôi, đó là chuỗi ngày có nhiều kỷ niệm đầy cam go, khó khăn và khó quên trong đời.
Chuyến xe đưa chúng tôi dọc theo đường 6 qua Hòa Bình, Mộc Châu rồi lên Sơn La, trên con đường nắng nhạt, cảnh vật lùi dần về phía sau như qua chiếc màn ảnh nhỏ. Anh bạn nhà thơ ngồi bên cạnh ngâm ngợi mấy câu thơ tình Nguyễn Bính, thật dễ chịu và thư thái. Những người bên cạnh tha hồ thả hồn theo gió, theo mây và theo từng cảnh vật đi qua. Nhưng, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi khi nhớ tới những chuyến xe của năm 2008 ngược Tây Bắc.
Đường lên Sơn La

Bốn năm đã qua kể từ những ngày đó, mỗi chuyến xe chúng tôi ra đi đều có dăm bảy “người lạ” bám theo ngay sau khi ra khỏi Hà Nội. Qua từng chặng đường, từng thị xã, chúng tôi đều được quan tâm hết sức đặc biệt. Năm đó, đúng đêm Noel 2008 chúng tôi có mặt ở Thành phố Sơn La để chứng kiến một Noel lạ lùng. Ở đó có “lệnh giới nghiêm” của Chủ tịch Phường, ở đó có hàng đoàn người ngăn cản khách bộ hành, giáo dân đến nơi có cây thông Noel trong nhà giáo dân. Cũng ở đó có những đoàn người đeo bám, canh gác gia đình các giáo dân công giáo những ngày lễ trọng như Noel, Phục Sinh với những chỉ thị, những bài bản từ Tỉnh, Thành phố đưa xuống trước đó hàng tháng trời. Theo đó, ở Sơn La quyền tự do tôn giáo được thực hiện bằng cách “tu tại gia”. Cũng giữa đêm Noel đó, chúng tôi phải ra giữa núi rừng ngủ qua đêm.

Trước cửa nhà giáo dân đêm Noel 24/12/2008
Những ngày tháng đó, bao nhiêu nỗi nhọc nhằn của giáo dân khi đi xa cả mấy chục cây số giữa đêm đông mong chờ một Thánh lễ rồi trở về không, có nỗi đau khổ của giáo dân người H’Mông từ đỉnh núi cao xuống phố hơn 40 km đường rừng rồi buộc leo lên núi giữa đêm đông giá buốt. Tất cả họ đã nếm đủ, tất cả chỉ càng làm thêm nghị lực của giáo dân nơi đân kiên cường chứng minh lòng tin tuyệt đối của mình vào Thiên Chúa. Cũng trong khó khăn đó, lòng người, tình người càng thêm ấm, càng thêm đậm và lời dậy của Đức Giêsu đã được thực hiện nhiệt thành nhất: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”.
Giáo dân Sơn La và vùng Tây Bắc không chỉ khó khăn bởi từ phía chính quyền luôn muốn bóp nghẹt đời sống đức tin của họ, mà họ còn kẹt giữa hàng rào ngăn chặn thông tin, ngăn chặn tiếng thét đau đớn của họ vang ra thế giới. Thậm chí, một số mõ làng quốc doanh mạo danh Giáo hội như tờ “Công giáo dân tộc” đã được sử dụng để xuyên tạcchính nỗi thống khổ của giáo dân nơi đây. Những khi đó, giáo dân Sơn La chỉ biết dâng lời cầu nguyện của mình thống thiết nhất.
Bằng phương tiện Internet, truyền thông lên tiếng, những thảm cảnh của giáo dân nơi đây được vạch trần trước dư luận quốc tế đã gây chấn động mạnh mẽ, cả thế giới biết đến Sơn La, nơi quyền tự do tôn giáo đơn giản nhất, cơ bản nhất của con người bị tước đoạt trắng trợn. Những lời ngụy biện, xuyên tạc bị vạch trần, những tên cò mồi bồi bút như Lê Phủ Cam đã phải câm miệng hến. Nhiều hệ thống truyền thông quốc tế vào cuộc và Sơn La được đưa lên thành một vùng nóng. Thế rồi ngày 19/5/2009 phái đoàn Tự do tôn gíao quốc tế Hoa Kỳ đã đến thăm bà con Sơn La để chứng kiến nỗi thống khổ của họ. Riêng câu chuyện phái đoàn này đến Sơn La và gặp được giáo dân nơi đây, cũng đã là câu chuyện khá thú vị. Nhưng tất cả đã diễn ra tốt đẹp, sự thật được phơi bày.
Video phái đoàn Tự do tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ thăm giáo dân Sơn La ngày 19/5/2009:

Thế rồi, lòng mến Chúa của giáo dân Sơn La, sự đấu tranh không mệt mỏi của giáo dân nơi đây và truyền thông quốc tế đã làm nên những kỳ tích thay đổi. Một phần tự do của giáo dân bị đánh cắp đã phải trả lại cho họ.
Ngày hôm nay, ngồi xem lễ vẫn trong một căn nhà mượn của giáo dân, nhưng khi nhìn linh mục dâng Thánh lễ trên bàn thờ, tôi bồi hồi xúc động lạ thường.
Chín năm đã trôi qua kể từ khi những tu sĩ, linh mục Dòng Chúa Cứu thế đến vùng này để gom từng giáo dân, từng người dân thiểu số quy tụ lại với nhau thành một mối trong những hoạt độngtruy lùng, bắt bớ ráo riết của công an và chính quyền. Chín năm với từng giáo dân kiên cường, dũng cảm miệt mài có thể đi hàng ngày đường rừng để chỉ tìm đến một địa chỉ người dân tộc khi nghe tin ở đó có con cái Chúa.
Từ những ngày đi lại phải ngụy trang, Thánh lễ dâng khi Linh mục đang ăn mặc như người thiểu số… đến nay, linh mục của Giáo phận Hưng Hóa đã có thể lên tận bản người dân tộc, thậm chí Giám mục đã có thể lên tận vùng cao dâng Thánh lễ thêm sức.
Bốn năm đã trôi qua, kể từ những ngày đó chúng tôi lên Sơn La để chứng kiến một “Nhà nước Sơn La” là vùng trắng tôn giáo, đến nay, Sơn La đã có những xứ đạo được thành lập, có những cộng đoàn giáo dân được tập trung tham dự Thánh lễ dù chưa đầy đủ. Đời sống Đức Tin được đánh thức, nhiều giáo dân do lo sợ đàn áp, ẩn mình thật kỹ trong bóng tối đã bước đến dưới ánh sáng của bàn thờ. Từ những Thánh lễ được dâng trong nhà kho, trong hầm tối, giờ đây, có những nhà nguyện được cất lên khỏi mặt đất.
Đó là một điều kỳ diệu của sự thay đổi nơi đây.
Chắc chắn rằng, chẳng một giáo dân Sơn La nào có thể nói đó là nhờ ơn Đảng, ơn Chính phủ đã rộng tay với họ hoặc tôn trọng quyền con người, quyền tự do tôn giáo của họ. Họ biết rất rõ rằng đây cũng chẳng phải là thành quả của bất cứ sự “đối thoại” nào khi một bên chỉ biết cầm vũ khí và huy động vũ lực với một bên chỉ có niềm tin.
Nhưng, ai cũng tin rằng đó là ơn Chúa đã đổ xuống trên họ, trên cộng đoàn giáo dân đau khổ nơi đây. Đó là thành quả lớn lao của Đức Tin, của sự hiệp thông mạnh mẽ, của truyền thông quốc tế đã buộc chiếc dây thòng lọng phải nới ra mà thôi.
Thế mới hay rằng, lời Chúa đã hứa rằng “Ai xin sẽ được, ai gõ cửa sẽ mở” cho những người kiên định lòng tin mến vào Người.
Một Thánh lễ ở nhà dân tại Sơn La ngày nay
Nơi cách đây 4 năm có “lệnh giới nghiêm” của Chủ tịch Phường, giờ thêm Chủ tịch Cay Sỏn Phôm Vi Hản sống mãi.
Nhà nguyện Mộc Châu đã nổi lên mặt đất
Hà Nội, 12/10/2012
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn: Blog J.B Nguyễn Hữu Vinh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét