LTCGVN (01.08.2012)
“Các anh chị lên đây, ở đây chỉ có nước mắt và thinh lặng”. Đó là câu nói của anh Tống Viết Hiếu khi chúng tôi đến viếng Nghĩa Trang Anh Hài tại làng Hương Hồ, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Khác với Nghĩa Trang Đồng Nhi của Buôn Ma Thuột, nơi có những vần thơ nghe nhức nhối lương tâm, lại khác với Nghĩa Trang Đồng Nhi trên Gia Lai, nơi nắng gió cao nguyên phủ dài đến ngút ngàn, cũng khác với Nghĩa Trang Đồng Nhi ở Nha Trang, nơi sỏi đá còn ghi đậm dấu vết của sự đập phá bởi những kẻ giầu quyền lực nhưng nghèo lương tri. Một Nghĩa Trang Đồng Nhi của Huế trầm tư, tĩnh mịch, lặng lẽ ẩn mình tới tận cùng sâu thẳm bên dòng sông Hương, kín đáo nép kín trên đồi. Như muốn giấu đi với thế gian này một chiều sâu đen tối của tình người đối xử nghiệt ngã với nhau.
NƯỚC MẮT
Dưới chân Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, một hình tượng của bào thai như chực rơi ra khỏi quả địa cầu, phía sau là hàng ngàn nấm mộ của 45.000 sinh linh bé nhỏ chưa kịp chào đời đã được chôn cất nơi đây, mỗi ngôi mộ nhỏ có khoảng 60 em nằm chen chúc, hết lớp này đến lớp khác chồng chất lên nhau. Lời cầu nguyện rất chân thành và đầy yêu thương của Anh Hiếu vang lên trong không gian tĩnh mịch. Tiếng lòng thổn thức của con người như bỗng ngân lên vượt khỏi tâm hồn. Dù đã được báo trước rằng nơi đây chỉ có nước mắt và thinh lặng, Nhưng chúng tôi không thể nén lại những tiếng thở dài trong khóe mắt rưng rưng thương cảm cho những số phận hẩm hiu này.
Thay cho những dòng tên tuổi là những con số ghi ngày tháng năm sinh tử, Dấy lên trong tôi niềm thao thức về một nơi đầy nước mắt như lời chủ nhân nghĩa trang này báo trước. Nhưng nào có thấy gì đâu: Các thai nhi này làm gì được khóc để ghi dấu ấn được sống giữa đời, có mấy ai biết đến nơi này để mà khóc cho dòng nước mắt sám hối được tuôn trào, có mấy cha mẹ nào đã đặt chân đến đây so với con số 45.000 nạn nhân tý hon để khóc thương cho giọt máu bị bỏ rơi.
Nước mắt ở đâu ? Nhìn quanh tìm chẳng thấy, chỉ thấy cỏ dại phủ kín ven mộ, chỉ thấy những nén hương tàn trơ trụi gãy guộc với thời gian. Tôi chỉ thấy vang vang trong xã hội con người là tiếng cười khanh khách đầy dục vọng trong các bữa tiệc rượu thịt ê chề, tôi chỉ thấy tiếng cười mãn nguyện của những vị bác sĩ lạnh lùng chai đá đếm tiền mỗi khi hết ngày trong phòng thủ thuật nạo phá thai, tôi chỉ thấy tiếng cười đắc thắng của những kế hoạch, những chương trình diệt chủng… Những tiếng cười quyện lại như tiếng của loài ma quái hoang dại xa xôi vọng về. Mấy mươi vạn sinh linh nhưng đã mấy ai đã khóc ở nơi này. Nước mắt ở đâu ? Hay đây chỉ là nơi đợi chờ những dòng nước mắt sám hối ! Tôi tự hỏi lòng mình như thế.
THINH LẶNG
Một nghĩa trang ở giữa núi đồi trùng điệp, bao quanh phía trước là một dòng sông huyền thoại, khiến đã bao lần anh Hiếu phải bơi qua sông để mang các thai nhi về chôn cất. Đường vào nghĩa trang khấp khểnh đủ làm nản lòng khách viếng thăm, một nơi nhiều bậc mẹ cha chẳng đủ tấm lòng phụ mẫu tìm về, một nơi chôn cất những con người bị xã hội chối từ. Hỏi sao không thinh lặng ? Một lần nữa, có điều gì cứ trào lên trong tôi.
Nơi đây thinh lặng nhưng ẩn chứa trong lòng một đại dương đang ầm ào gào thét, tiếng thét của công lý đòi quyền được sống, quyền được làm người cộng hưởng cùng tiếng thét của một đất nước đang hấp hối vật mình bởi những u nhọt nhức nhối đã làm mục ruỗng những giá trị tinh thần và tâm linh thiêng liêng.
Chếch về phía phải của nghĩa trang, một đài Đức Mẹ tuyệt đẹp giang tay che chở ôm trọn hình hài một thai nhi đứng giữa 10 vị Thiên Thần đang vui vẻ ca hát làm cho không gian nơi này như sinh động hẳn lên.
Ngược lại, ra xa ba góc khác của nghĩa trang, 3 Thiên Thần cô đơn ngồi ôm mặt khóc, những Thiên Thần Bản Mệnh thất nghiệp cô đơn chẳng đành lòng bỏ lại các thai nhi này một mình lặng lẽ.
Anh Hiếu giải đáp rất mộc mạc rằng, những Thiên Thần vui tượng trưng cho những thai nhi bị giết hại mà trong lòng không gợn chút lòng thù hận, còn những Thiên Thần buồn trong nghĩa trang này tượng trưng cho những thai nhi xấu hổ vẫn còn uẩn ức cho số phận của mình.
Sự thinh lặng bao trùm cả nhóm 6 người chúng tôi, mỗi người như theo đuổi một ý nghĩ riêng tư nào đó trong lòng, nhưng tất cả hiện thực đau buồn trước mắt sẽ chỉ là hiện lên trong tâm tư một tương lai buồn cho Đất Việt, một mảng tối mập mờ cho những thế hệ hôm nay và mai sau, khi 90 triệu người sống hôm nay vẫn còn bị nhấn chìm trong một xã hội không còn tự do, không tôn trọng nhân quyền, không coi sự sống của con người là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm…
Sự thinh lặng ấy bao trùm mạnh mẽ khiến cho ai nấy cảm thấy tâm hồn mình trĩu nặng… Cho đến khi, sự thinh lặng ngột ngạt ấy bị phá vỡ, Thái Dương, người lần đầu tiên viếng nghĩa trang của các thai nhi bật chiếc loa điện thoại, một bài Thánh Ca vang lên giữa núi rừng vắng lặng như ru hồn những thai nhi còn thao thức vì kiếp nhân sinh ngắn ngủi.
“Về với Ngài, vì con đây tội lỗi. Về với Ngài, để con nên sạch trong… Về với Ngài, lòng sướng vui hạnh phúc, Về với Ngài, hồn con được nghỉ ngơi…”
Cùng với nắng, cùng với gió, cùng với lời nhạc trầm buồn, Tôi đang nghe, tôi đang hát hay các thai nhi này đang nghe, đang hát, tôi còn không phân biệt nổi nữa. Tất cả nhạt nhòa cảm nhận trong một thời khắc linh thiêng như đang bao trùm cả khu nghĩa trang, nơi dành cho các thai nhi bị giết hại khi chưa kịp cất tiếng khóc chào đời.
Đất nước tôi, một đất nước có quá nhiều thập giá. Nay thì thêm những thập giá của các thai nhi này đã mọc lên khắp đất nước này, từ Bắc – Trung – Nam, từ đồng bằng cho đến cao nguyên, từ vùng duyên hải trải dài đến những vùng đồi núi âm u. Đâu đâu cũng thấy những Nghĩa Trang Anh Hài mọc lên từ những tấm lòng nhân ái ít ỏi của những thiện nguyện viên Bảo Vệ Sự Sống. Lại còn có cả một Lăng Anh Hài được các cha các thầy DCCT xây dựng bằng tro cốt hàng mấy trăm ngàn thai nhi. Cứ trung bình mỗi 6 giây qua đi lại có một thai nhi bị giết hại ở đâu đó, mỗi năm qua đi lại có thêm hàng triệu bào thai vô tội bị hủy hoại. Đến với những Nghĩa Trang Anh Hài, thì đôi câu thơ “Trái đất ba phần tư nước mắt, đi như giọt lệ giữa không trung” của thi sĩ nào đó đã trở nên lạc hậu mất rồi.
Như để chờ cho những xúc động qua đi, anh Hiếu vừa đi vừa giới thiệu cho chúng tôi lịch sử từng ngôi mộ, từng khu vực và kể những kỷ niệm của những ngày đầu thành lập nghĩa trang này. Anh lại mau mắn lượm sạch những rác thải của ai đó vô tình đánh rơi tại nghĩa trang. Một mảng vườn lớn ngay sau nghĩa trang vẫn còn vết tích của trận cháy rừng cách đây chưa lâu. Anh kể, hôm đó, một số người đốt nhang đã vô tình làm bén lửa thiêu rụi cả một diện tích khá rộng cây trồng, mất của đã đành, nhưng anh nháo nhào tìm cách dập lửa cứu cho những ngôi mộ của các em khỏi bị lửa đỏ xâm phạm đến nỗi anh ngất xỉu ngã quỵ tại chỗ. Thật kinh hoàng !
Tạm biệt các thai nhi, chúng tôi trở lại nhà anh Hiếu, ngôi nhà ẩn sâu trong một vườn bưởi xanh um, Mấy chục đứa trẻ ùa ra ríu rít, hỏi ra mới biết là con em của hàng xóm quanh đây tụ lại, làm thành một lớp học Anh ngữ dễ thương do anh phụ trách. Mẹ anh, một cụ già có lẽ đã ngoài thất thập cổ lai hy, trên tay là chuỗi Mai Khôi đón chúng tôi bằng nụ cười nhẹ vốn dĩ của người dân xứ Huế, Bé gái con của anh trạc bảy, tám tuổi gì đó bẽn lẽn chào, sau này có dịp nói chuyện với Sơ Hoa, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế mới biết rằng cháu bé có bệnh gì đó rất khó chữa chạy.
Anh Hiếu nói về những công việc của anh nghe thật giản dị, thật khiêm tốn, nhưng những con số đã nói lên tất cả, Người đã làm nên một huyền thoại “Danh sách Schindler” của Bảo Vệ Sự Sống. Hơn 1.500 trẻ được anh cùng nhóm cứu sống và nuôi nấng tử tế, trên 45.000 thai nhi được chôn cất, hai mươi năm trời hy sinh tuyệt đối, và không khỏi đối mặt với nhiều chiêu thức khủng bố tinh thần từ những sức mạnh của bóng đêm chết chóc. Thật cảm phục !
Chúng tôi lại tạm biệt nhau bằng lời cầu chúc bình an trong Đức Kitô. Một sức mạnh tràn ngập tâm hồn chúng tôi, Sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Những mặc khải về Thiên Chúa Tình Yêu, Thiên Chúa của lòng thương xót đã hiển hiện rõ ràng qua tấm lòng nhân ái nơi nghĩa trang này. Nghĩa trang của thinh lặng thánh thiện và nước mắt tình yêu.
Đaminh PHAN VĂN DŨNG,
Theo EPHATA số 519
0 nhận xét:
Đăng nhận xét