Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

[Video] Thế Giới Nhìn Từ Vatican 18-24/08/2012


1. Buổi triều yết chung sáng thứ Tư 22 tháng 8, tại Castel Castel Gandolfo

Lúc 10h30, sáng thứ Tư 22 tháng 8, tại Castel Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã có buổi triều yết chung với các tín hữu điạ phương và khách hành hương. Trong bài huấn đức hàng tuần, Đức Thánh Cha đã đề cập đến lễ trọng Kính Đức Maria Trinh Nữ Vương.

Ngài nói:

"Tôi chào đón tất cả các khách hành hương đang hiện diện tại buổi triều yết ngày hôm nay, đặc biệt là các nhóm từ Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Tôi cũng chào đón các bạn trẻ giúp lễ từ Malta và gia đình của họ.

Hôm nay Giáo Hội cử hành lễ trọng Kính Đức Maria Trinh Nữ Vương. Xin những lời cầu nguyện của Đức Mẹ hướng dẫn chúng ta trên cuộc lữ hành đức tin, để chúng ta có thể cùng chia sẻ chiến thắng của Con Mẹ và được vinh hiển với Ngài trong vương quốc vĩnh cửu của Ngài. Xin Chúa tuôn đổ muôn ơn lành của Ngài trên anh chị em! "

2. Buổi đọc kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật 19 tháng 8

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 19 tháng 8, Đức Giáo Hoàng đã kêu gọi anh chị em tín hữu và khách hành hương đang tụ tập tại Castel Gandolfo hãy tái khám phá Bí tích Thánh Thể.

Đức Thánh Cha nói:

"Chúng ta hãy tái khám phá vẻ đẹp của Bí Tích Thánh Thể, nơi chúng ta có thể thấy tất cả sự khiêm tốn và thánh thiện của Thiên Chúa, Đấng đã trở nên bé nhỏ".

Trong Tin Mừng Máccô, Chúa Giêsu phán: "Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta. Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người". Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nhận định rằng những lời này của Chúa Giêsu không phải lúc nào cũng được chào đón bởi con người.

Ngài nói:

"Rõ ràng rằng những lời này không được đón nhận nồng nhiệt. Chúa Giêsu biết điều này nhưng Ngài cố tình nói ra những lời ấy. Trong thực tế đây là một thời điểm quan trọng, một sự thay đổi căn bản trong đời hoạt động công khai của Người. "

Ngài kết thúc kinh Truyền Tin, bằng cách nhắc nhở khách hành hương rằng sức mạnh của lời cầu nguyện và Đức Trinh Nữ Maria có thể mang các Kitô hữu lại gần với Chúa Giêsu hơn.

3. Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Lazzarotto làm tân sứ thần Tòa Thánh tại Israel.

Trong một diễn biến quan trọng, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Lazzarotto, trước đây là sứ thần Tòa Thánh tại Úc làm sứ thần Tòa Thánh tại Israel và Khâm sứ Toà thánh tại Giêrusalem và Palestine.

Tòa Thánh đã công bố quyết định này hôm thứ Sáu 17 tháng 8. Đức Cha Giuseppe Lazzarotto sinh ngày 24 tháng Năm năm 1942 là vị đại diện của Đức Thánh Cha tại Australia rất thân thiết với cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Úc Đại Lợi. Ngài là Giám Mục phụ phong trong thánh lễ tấn phong Giám Mục cho Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long tại tổng giáo phận Melbourne và đã từng thăm viếng nhiều cộng đoàn Việt Nam tại đây. 

Trước khi là sứ thần Tòa Thánh tại Australia từ 22 tháng 12 năm 2007 đến 18 tháng Tám năm nay, ngài đã từng là sứ thần Tòa Thánh tại Ireland và trước đó tại Jordan và Iraq.

Phát biểu với đài phát thanh Vatican hôm 18 tháng 8 vừa qua, ngài cho biết: "Tôi biết đó là một thách đố lớn lao. Nhưng đó là một thách đố tôi chấp nhận với niềm vui, bởi vì tôi nghĩ rằng điều quan trọng hiện nay là tiếp tục thực hiện các công việc đầy những khó khăn trong những năm qua đã được người tiền nhiệm của tôi thực hiện với đầy lòng quảng đại. Tôi sẽ hành xử theo chiều hướng của ngài và đưa ra những nỗ lực tốt nhất của tôi cho đối thoại và hòa bình. "

Đức Tổng Giám mục Lazzarotto không xa lạ với với khu vực này. Ngài từng là sứ thần Tòa Thánh tại Jordan và Iraq, từ 1994 đến 2000. Ngài cũng đã từng phục vụ tại Giêrusalem từ 1982 đến 1984.

4. Nhà Thờ Đức Mẹ An Giấc tại Giêrusalem

Tại Giêrusalem các tu sĩ người Đức thuộc dòng Biển Đức đang cố gắng xây dựng một nhà thờ Công Giáo gọi là Nhà Thờ Đức Mẹ An Giấc trên đống đổ nát của một loạt các đền thờ Kitô Giáo có từ thời xa xưa.

Những trình thuật ban đầu từ đất thánh của các Kitô hữu tiên khởi, những người có một lòng sùng kính Đức Mẹ đặc biệt nói rằng Đức Mẹ đã an giấc trên núi Siôn tại Giêrusalem, ngay phía nam của Cổ Thành. Điạ điểm này được biết đến với tên gọi là Hagia Maria, đến nay vẫn tiếp tục là nơi tôn kính và cầu nguyện với Đức Mẹ.

Một số văn bản khác ghi nhận Đức Mẹ đã an giấc tại thành Ephêsô ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Các truyền thống khác nhau cho rằng Đức Trinh Nữ Maria đã giã biệt cuộc sống trần gian này từ ba năm đến mười lăm năm sau khi cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Đức Mẹ được cất lên trời đang khi an giấc trong giấc ngủ vĩnh hằng – tại Giêrusalem hay tại Ephêsô, Thổ Nhĩ Kỳ.

5. Ngôi nhà của Thánh Inhaxiô Loyola ở Rôma

Nhà thờ Gesù ở Rôma đón nhận hàng trăm khách du lịch mỗi ngày đến xem ngôi mộ của Thánh Inhaxiô Loyola tiếng Việt gọi là thánh I Nhã. Nhưng ít người thực sự hiểu biết rằng ngay bên cạnh nhà thờ là ngôi nhà nơi vị sáng lập dòng Tên đã từng sinh sống.

Đó là ngôi nhà đầu tiên của Dòng Tên, nằm gần cung điện Venetian cũ được sử dụng là nhà của Đức Thánh Cha tại thời điểm đó. Khi sông Tiber ở Rôma bị ngập năm 1598, chỉ có bốn phòng trong ngôi nhà đã không bị hủy hoại. Ngày nay, đó là hành lang nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Andrea Pozzo, trong đó mô tả một số phép lạ của Thánh I Nhã.

Giáo sư DIEGO Alonso-LASHERAS thuộc Đại học Giáo hoàng Grêgôriô cho biết:

"Bốn phòng này được bảo tồn nguyên thủy như lúc Thánh I Nhã sống vào 17 năm cuối đời của ngài. Đây là nơi ngài qua đời. Bốn vị tổng quyền Dòng Tên cũng đã từng sống tại đây vào thời điểm xảy ra những phát triển nền tảng ban đầu của Dòng Tên"

Trong những phòng đơn giản này, Thánh I Nhã đã thảo ra Hiến pháp của Dòng Tên. Bên cạnh đó là hơn 7000 lá thư có chữ ký và con dấu của của chính ngài và các vị tổng quyền. 

Du khách cũng tìm thấy một bức tượng cao bằng người thật của thánh nhân và một số các đồ dùng cá nhân và Luật Dòng do ngài phác hoạ năm 1649.

Thánh nhân qua đời ngày 31 tháng 7 năm 1556. Nơi ngài qua đời ngày nay là một nhà nguyện.

6. Sứ điệp của Đức Thánh Cha gởi các tham dự viên đại hội Rimini.

Hôm Chúa Nhật 19 tháng 8, tại Rimini đã diễn ra Đại Hội Các Dân Tộc, một cuộc gặp gỡ văn hóa và tôn giáo với sự tham gia của các tham dự viên từ khắp nơi trên thế giới.

Trong ba thập kỷ qua, Đại Hội Các Dân Tộc hay gọi tắt là Hội Nghị Rimini do phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng tổ chức đã mang các nhà kinh tế, các nghệ sĩ, các nhà lãnh đạo tôn giáo, thậm chí các vận động viên lại với nhau để giúp tạo nên một diễn đàn trao đổi văn hóa ngõ hầu góp phần xây dựng một xã hội nhân bản hơn. 

Nhiều nhân vật thế giá như cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và Đức Hồng Y Antonios Naguib là Thượng Phụ thành Alexandria của Ai Cập đã từng là những tham dự viên tại hội nghị này.

Năm nay, hội nghị được tổ chức với chủ đề "Tự bản chất, con người có mối quan hệ với vô hạn". Các tham dự viên đã và đang trao đổi về những thách đố của nền văn hóa trong thời đại khủng hoảng kinh tế và giá trị.

Trong sứ điệp gởi Hội Nghị, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã đề cao lòng khao khát của con người đối với Thiên Chúa, mặc dù ngày nay có nhiều toan tính gạt bỏ Chúa ra ngoài lề cuộc sống.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha đã được Đức Cha Francesco Lambiasi, Giám Mục giáo phận Rimini sở tại, tuyên đọc trong thánh lễ khai mạc cuộc gặp gỡ vào Sáng Chúa nhật 19 tháng 8. 

Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha viết:

“Nói về con người và khát vọng của con người đối với vô tận, trước tiên có nghĩa là nhìn nhận quan hệ cấu thành của con người với Đấng Tạo Hóa. Con người là một thụ tạo của Thiên Chúa. Ngày nay, từ “thụ tạo” dường như bị coi là lỗi thời: người ta thích nghĩ đến con người như một hữu thể tự viên mãn nơi mình và là chủ vận mệnh của mình.”

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Dù con người cố gắng tránh né quan hệ cấu thành với Thiên Chúa, nhưng con tim của con người vẫn đi tìm kiếm vô cùng, tuy là theo những chiều hướng sai lầm: họ bắt đầu cuộc tìm kiếm vất vả đối với những gì là vô cùng giả tạo, chúng có thể mang lại thỏa mãn nhất thời cho con người, nhưng rồi chúng dẫn đến những mục tiêu nguy hiểm như ma túy, lạc thú nhục dục tháo thứ, thành công với bất kỳ giá nào, thậm chí cả những hình thức lường gạt về tôn giáo”.

Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng: “Để thực sự tìm lại bản thân và căn tính của mình, con người cần tái nhìn nhận mình là thụ tạo, tùy thuộc Thiên Chúa. Khi nhìn nhận sự lệ thuộc ấy, xét cho cùng con người tái khám phá mình là con cái của Thiên Chúa, con người có thể tìm được một cuộc sống thực sự là tự do và sung mãn”. 

Cuộc gặp gỡ các dân tộc ở Rimini, tương tự như Đại hội Công Giáo toàn nước Đức (Katholikentag), và do Phong trào Hiệp thông và Giải phóng tổ chức. Các sinh hoạt này diễn ra trên một khu vực hội chợ triển lãm rộng 170 ngàn mét vuông, và gồm có hơn 100 cuộc gặp gỡ đủ loại, từ văn hóa tôn giáo, đến chính trị và xã hội, 21 buổi trình diễn văn nghệ, 9 cuộc triển lãm, 281 diễn giả và đặc biệt có sự cộng tác của 3.300 người thiện nguyện góp phần vào việc tổ chức các sinh hoạt.

Ban tổ chức cho biết có nhiều nhóm đến từ nước ngoài và người ta ước lượng số tham dự viên trong 1 tuần gặp gỡ sẽ lên tới 800 ngàn người, giống như hồi năm ngoái.

Phí tổn tổ chức cuộc gặp gỡ này vào khoảng 8 triệu 400 ngàn Euro, trong số này có 6 triệu do các xí nghiệp tài trợ, phần còn lại do tiền lời của các hoạt động thương mại, tiền vào cửa một số sinh hoạt có trả tiền và các dịch vụ ẩm thực.

Chiều Chúa Nhật 19 tháng 8 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Italia, ông Mario Monti, đã đến nói chuyện về vấn đề người trẻ, sự phát triển và tăng trưởng kinh tế.

7. Các Giám Mục tiên khởi của Trung Hoa

Các Giám Mục tiên khởi của Trung Hoa đầu tiên được tấn phong vào năm 1926 khi vị đại diện đầu tiên của Đức Thánh Cha là Đức Cha Celso Costantini được cử làm khâm sứ Tòa Thánh tại quốc gia này. Đức Cha Celso Benigno Luigi Costantini, người Ý, sinh ngày 3 tháng Tư năm 1876 và qua đời ngày 17 tháng 10 năm 1958.

Ngài là khâm sứ Tòa Thánh tại Trung Hoa từ năm 1922 đến 1935. Trong thời gian này, sáu giám mục Trung Quốc đã được tấn phong.

Đức Ông Juan Ignacio ARRIETA tổng thư ký Hội đồng Giáo hoàng giải thích các văn bản luật cho biết:

"Cho đến khi đó, Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc tuy là một thực tại thiêng liêng, nhưng vẫn còn phải nhờ đến sự bảo vệ của các quyền lực quốc tế, đặc biệt là nước Pháp. Khi Đức Cố Hồng Y Costantini được cử làm khâm sứ Tòa Thánh, ngài đã muốn Giáo Hội là một thực tại thiêng liêng mong muốn những điều tốt nhất cho đất nước Trung Quốc. Nhưng Giáo Hội ấy phải vượt lên trên phạm vi chính trị đảng phái. "

Cha BRUNO FABIO PIGHIN cho biết:

"Chính Đức Hồng Y Costantini là người đã thành lập Giáo Hội tại Trung Quốc, và trở nên người rao giảng Tin Mừng chính của Giáo Hội tại đó. Đó là một vấn đề mà vẫn còn rất thú vị trong mối quan hệ giữa Giáo Hội và nhà nước ".

Ngài đã làm việc tại Trung Quốc trong 13 năm. Cho đến nay, các tác phẩm của ngài vẫn còn sống động trong ký ức nhiều người, phần lớn nhờ những nỗ lực của Hiệp hội các thân hữu của Đức Hồng Y Costantini.

ALBERTO MARCHIOLI chủ tịch hiệp hội các thân hữu của Đức Hồng Y Costantini cho biết:

"Hiệp hội tôi có được vinh dự đại diện, và trao đổi trong việc đề cao những lời dạy của Đức Hồng Y Celso Costantini, người đã qua đời vào năm 1958. Ngài là một nhân vật then chốt đã để lại dấu chân của ngài trong thế giới của văn hóa, nghệ thuật và Giáo Hội. Ngài đã làm việc cật lực và thực sự tất cả các tác phẩm của ngài xứng đáng được công bố. "

Cha BRUNO FABIO PIGHIN nói thêm:

"Costantini hướng đến thiên niên kỷ thứ ba, đó là lý do tại sao công việc của ngài vẫn còn có tính thời sự. Ngài phác họa các dự án ngày nay vẫn còn có thể được áp dụng. "

Vì vậy, ngày hôm nay, mặc dù tình hình của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc vẫn còn khó khăn, công việc của Đức Hồng Y Costantini đang tỏa sáng qua. Đặc biệt là vì ngài đã mở ra nhiều con đường trong việc giúp đỡ thành lập Giáo Hội tại Trung Quốc theo những cách thế đa dạng, bao gồm cả việc đưa các giám mục đến Rôma để tấn phong cho các ngài.

8. Mạng lưới Assisi của người Công giáo được vinh danh vì những trợ giúp dành cho người Do Thái trong Thế chiến II

Danh dự Người Công Chính Giữa Các Dân Nước được Yad Vashem Holocaust phong tặng cho những người không phải là người Do Thái đã dám liều mình cứu giúp dân tộc Do Thái trong Thế chiến II thoát khỏi sự bách hại của Đức Quốc Xã.

'Mạng lưới Assisi' vừa được trao tặng danh hiệu vừa nêu. Như thế, hơn 500 các trường hợp được phong tặng danh hiệu này đến từ Ý. 

Trong thời gian chiếm đóng của Đức Quốc xã tại Ý và Đức Ông Giuseppe Placido Nicolini đã ra lệnh cho cha Aldo Brunacci giúp đỡ người Do Thái bằng cách giấu họ trong các tu viện và dòng tu.

Nhiều người đã được cung cấp giấy tờ giả, xác nhận rằng họ đến từ miền nam nước Ý, trong một khu vực đã được các lực lượng Mỹ giải phóng. Điều này gây khó khăn cho quân đội Đức quốc xã trong việc xác minh.

Các linh mục Công giáo trong khu vực cũng nhận được sự giúp đỡ của người dân địa phương để in các tài liệu giả và hỗ trợ trong việc giúp người Do Thái trốn tránh.

Khoảng 300 người Do Thái đã được sự giúp đỡ của Mạng Assisi. Vì sự dũng cảm của họ, cả Đức ông Nicolinie lẫn cha Brunacci đều nhận được Danh dự Người Công Chính Giữa Các Dân Nước vào năm 1977. Những người khác trong Mạng Assisi cũng vừa được công nhận vì những nguy cơ mà họ phải gánh chịu khi xả thân giúp đỡ người Do Thái đến được những nơi an toàn.

9. Một cái nhìn bên trong Hội Đường Do Thái tại Rôma

Có hơn 900 nhà thờ ở Rôma, và trong số đó có Đại Hội Đường Do Thái tọa lạc tại khu phố 'The Ghetto’ của người Do Thái. Hội Đường được xây dựng lại vào năm 1904. Tuy nhiên, cộng đồng Do Thái ở đây có một lịch sử lâu dài hơn rất nhiều.

Người Do Thái đã bắt đầu đến Ý vào thế kỷ thứ hai trước Chúa Giáng Sinh.Vì thế cộng đồng người Do Thái tại Ý là cộng đồng Do Thái lâu đời nhất trong thế giới phương Tây.

Riccardo di Segni là Rabbi trưởng Do Thái Giáo tại Rôma. Ông đã cho biết một phần lịch sử của việc phát triển cộng đồng Do Thái tại đây:

"Đến tận năm 1870 họ dưới sự cai trị của Đức Giáo Hoàng và họ không được phép sống bên ngoài bất cứ nơi nào ở Rôma, chỉ được cư trú quanh khu vực này."

Hội Đường mở cửa hàng ngày cho du khách, nơi họ có thể vào xem mái vòm vuông của Hội Đường. Hình dạng độc đáo của mái vòm khiến từ xa người ta có thể xác định ngay đây là một Hội Đường Do Thái. Hội Đường có một bảo tàng với các bản Kinh Thánh trong nhưng cuộn giấy và các đồ trang trí cổ.

Hội Đường này cũng có một nét lịch sử độc đái vì là Hội Đường Do Thái duy nhất trên thế giới đã được hai vị Giáo Hoàng đến thăm.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã viếng thăm vào tháng Giêng năm 2010 như là một dấu chỉ của mối quan hệ tốt đẹp giữa hai tôn giáo. Tuy nhiên, mở đường cho ngài là chuyến thăm lịch sử của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị vào năm 1986. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đã làm như vậy.

Rabbi Riccardo DI Segni nói:

"Lần đầu tiên là một cuộc cách mạng. Và thay đổi cách nhìn trong tâm trí của các Kitô hữu trong thế giới Công Giáo đối với người Do Thái chúng tôi. Điều đó cho thấy rằng một kỷ nguyên mới của sự tôn trọng lẫn nhau và tình hữu nghị bắt đầu. "

Sau chiến tranh thế giới thứ II, cộng đồng người Do Thái của Rôma rất nhỏ bé. Tuy nhiên, dân số Do Thái đã tăng lên khoảng 15.000 người. Với nhiều người trong số họ di cư từ Libya vào năm 1967 sau cuộc Chiến Tranh Sáu Ngày.

Hôm nay, họ vẫn tụ tập tại đền thờ đã được xây dựng một thế kỷ trước và đã chứng kiến nhiều thay đổi trong thời gian đó.

10. Schoenstatt bắt đầu kế hoạch cho Hội nghị vào năm 2014 để kỷ niệm 100 năm

Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, linh mục Đức Joseph Kentenich đã thành lập Phong Trào Schoenstatt với sự giúp đỡ của một số người trẻ. Đó là ngày 18 tháng 10 năm 1914.

Bây giờ, 98 năm sau đó, phong trào này đang chuẩn bị để chào mừng kỷ niệm 100 năm. Đó là lý do tại sao họ đã dành nhiều tháng làm việc để chuẩn bị Hội nghị năm 2014, một sự kiện sẽ quy tụ các thành viên từ 40 quốc gia khác nhau.

Cha Gerardo CARCAR thành viên ban tổ chức hội nghị 2014 tại Rôma cho biết:

"Năm 2014 sẽ đánh dấu 100 năm của Phong trào Schoenstatt, chúng tôi muốn ăn mừng và cảm tạ những hồng ân của Thiên Chúa, đồng thời cũng để khám phá ra lệnh truyền của Thiên Chúa cho chúng ta tại thời điểm này."

Các thành viên của phong trào này chủ yếu là các gia đình và thanh thiếu niên, nhưng nó cũng bao gồm các linh mục và những vị sống đời thánh hiến. Họ đã lên kế hoạch về việc xây dựng các điểm thông tin tại các thành phố để thông báo với mọi người về công việc của họ trong các trường học, các trường đại học và các dự án xã hội.

Cha Gerardo CARCAR nói thêm

"Điều quan trọng với chúng tôi là tổ chức được một cuộc hành hương tại Schoenstatt ở Đức và Rôma trong năm 2014".

Trong suốt thời gian tại Kinh Thành Vĩnh Cửu, nhóm sẽ có một buổi triều yết với Đức Thánh Cha nhân dịp kết thúc hội nghị 2014.

Trong gần một trăm năm qua, điều làm cho phong trào này nổi bật là các hòm bia thánh hay còn gọi là các nhà chầu thánh thể nhỏ do họ xây dựng trên cung thánh. Trên toàn thế giới có khoảng 200 nhà chầu như thế, tất cả đều là bản sao của bản gốc tại thung lũng Schoenstatt, bên Đức. Họ đã mở cửa cho du khách và mang một ý nghĩa đặc biệt.

Cha Gerardo CARCAR nhận xét:

"Nguồn gốc của Schoenstatt là nhỏ bé và đơn giản. Cũng giống như nguồn gốc của sự canh tân trong đời sống của Giáo Hội là đơn giản. Thiên Chúa luôn luôn chọn sự nhỏ bé và cung thánh nhắc nhở chúng ta về thực tại này. "

Với các hoạt động này, các thành viên của Schoenstatt cũng theo dõi chặt chẽ quá trình phong chân phước cho vị sáng lập của họ là cha Joseph Kentenich.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét