Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Nước Việt buồn và gia tài để lại của bọn mafia đỏ



“Chúng ta hãy cứ để cho những người cộng sản ăn cắp, họ sẽ cho chúng ta dân chủ” – Adam Michnik
 Một tuần sau vụ bê bối của của ông chủ ngân hàng ACB và “bầu” Kiên bị bắt giữ hôm 20/8, trong con mắt bi quan và thất vọng của người dân Việt bình thường, tất tần tật các đại gia sống trong những biệt thự nguy nga, đi xe siêu sang trọng, ăn xài hoang túng, đều có thể là những tên ăn cắp. Trước bầu Kiên ít ngày, họ đã chứng kiến những đại gia khác được cho là “làm ăn đàng hoàng” cũng… bất chợt dính vòng lao lý. Lùi xa hơn thì nhiều.
Sản xuất ra một rừng luật và các nghị định vi hiến để trị dân, nhưng bản thân thì không chịu sự chi phối nào của cơ chế nhà nước pháp trị, trong những năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã tạo ra một xã hội tư bản vô chính phủ, mọi rợ, một bộ máy cai trị dung dưỡng tham nhũng, nơi mà các quan chức chóp bu cấu kết với giới tư nhân để tư bản hoá khu vực kinh tế công, làm giàu riêng bằng cái giá phải trả của 90 triệu người.

Tờ Tuổi Trẻ ngày 23/8 vạch ra thủ đoạn kiếm tiền của “bầu” Kiên là bằng cách thành lập các công ty con có vốn điều lệ lớn, phát hành cổ phiếu bán cho ngân hàng để “huy động” vốn, rồi lấy tiền từ ngân hàng mua cổ phiếu ngân hàng, cầm cổ phiếu này thế chấp vay tiếp mua trái phiếu, trả nợ ngân hàng, hoặc dùng vào mục đích khác, song song với những trò đầu cơ bằng các liên kết ảo thuật đẩy giá thị trường chứng khoán, vàng, ngoại tệ lên xuống theo ý đồ, lừa gạt dân chúng nhẹ dạ, cả tin.
Những tay chơi bạc là những tay tổ sư của trò các trò ma giáo “mượn đầu heo nấu cháo”, “lấy mỡ nó rán nó”, dù chẳng lạ lẫm gì trong giới làm ăn, vì đã từng được các tay trùm mafia đỏ ở nước Nga áp dụng trong thập niên 90, nhưng là sân chơi riêng vô cùng hạn hẹp của giới quyền lực đầu sỏ. Những con bạc máu mê đặt cược hàng trăm triệu, hàng tỷ đôla, nhưng “khi thua có người cứu, ngân hàng thương mại mà chết thì có Ngân hàng Nhà nước cứu. Như vậy là anh đem tiền của nhân dân đi đánh bạc, thắng anh ăn, anh thua – nhân dân chịu. Nói chung, đó là đánh bạc không sợ mất vốn” – Ông Bùi Văn, cựu Phó Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nhận định trên tờ Pháp Luật.
Điều này được khẳng định chẳng thèm giấu giếm qua tuyên bố của Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rằng, “chủ trương của chính phủ không để cho bất kỳ ngân hàng thương mại nào đổ vỡ trong giai đọan này“. Trong khi Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB nói “NHNN cũng đã hỗ trợ thanh khoản cho ACB, chúng tôi cần bao nhiêu thì NHNN sẽ hỗ trợ bấy nhiêu“.
Không những che chắn, quẳng phao cứu nhau đến cùng, các quan chức của ĐCSVN còn biểu hiện sự kiêu căng, coi dân chúng không ra gì. Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói rằng, “do dân trí, tập quán ở VN chưa cao như ở một số nước, nên dân chúng không biết ngân hàng nào xấu, tốt (…) Cách làm của chúng tôi là tái cấu trúc từ bên trong để NH lành mạnh lên“. Điều này có khác gì nói thẳng vào mặt dân rằng, đám dân đen ngu ngơ kia, hãy biết thân phận ngồi im để các con bạc vần vũ trên tấm lưng lam lũ đáng thương của họ?
Ở một quốc gia dân chủ, trong trường hợp một ngân hàng tư nhân có bê bối như ACB, những tuyên bố trên đây của các quan chức bảo đảm sẽ là quả bom nguyên tử của nổi giận xã hội có thể làm nổ tung cả bộ máy cầm quyền. Thế nhưng, ở VN, trong tâm lý hỗn loạn, đám đông ngơ ngác, ngoài sự xao xác săn tin đồn hầu thoả mãn sự tính tò mò chuyện cung đình, chỉ biết giương mắt ếch nhìn tiền bạc và của cải của đất nước bị cướp giật, mà dường như chẳng biết làm bất cứ điều gì chống lại nó.
Cuối năm 2011 hậu quả của khủng hoảng Vinashin với món nợ khổng lồ 4,5 tỷ đôla và thanh toán đáo hạn chậm trễ, VN đã bị tổ chức xếp hạng tín dụng S&P hạ mức uy tín đồng nội tệ từ BB xuống mức BB-, cho thấy đất nước đang đối mặt với những rủi ro, bất ổn kinh tế và tài chính. Đầu tư nuớc ngoài trong những tháng vừa qua của năm 2012 giảm đi 1/3, nợ xấu của ngân hàng cao chót vót nhưng mơ hồ, các doanh nghiệp nhà nước nợ như chúa chổm, hàng chục ngàn doanh nghiệp tư phá sản vì thiếu vốn, giá cả hàng tiêu dùng và dich vụ gia tăng mạnh theo xăng dầu, nợ nước ngoài tăng hơn gấp đôi trong nhiệm kỳ 2006-2011 của Nguyễn Tấn Dũng (32,5 tỷ USD). Các biện pháp chống lạm phát bằng xiết chặt một cách phi lý quản lý vàng, ngoại tệ, bơm 29 ngàn tỷ đồng cho các doanh nghiệp, chưa cải thiện được bức tranh kinh tế xám xịt là bao, thì vụ bê bối của ngân hàng ACB trong sự phản chiếu của vụ đại tá tình báo Lương Ngọc Anh, được báo Úc cho là tay chân thân cận của Nguyễn Tấn Dũng, trong vụ sex scandal Securency, càng làm cho bộ mặt kinh tế VN vốn ảm đạm, lại càng thê thảm hơn và hổ thẹn chưa từng thấy trong con mắt của giới doanh nghiệp thế giới.
Hãy lướt qua một số tiêu đề trên báo chí quốc tế:
Chính trường Việt Nam nóng lên cũng như kinh tế đang rúng động” (Jakarta Post 26/8/12);  -”Sự sụp đổ tiếp tục ở Ngân hàng Việt Nam” (New Yorl Times 24/8/12); -”Fitch: Các lỗ hổng của bề mặt ngân hàng Việt Nam; RTG rủi ro gia tăng” (Reuters 24/8/12); -”Cổ phiếu Việt Nam giảm nhiều nhất ở châu Á” (Bloomberg 23/8/12); -”Ngân hàng của Việt Nam: lòng tự tin bị mục nát” (Financial Times 23/8/12); -”Việt Nam bị nghiền nát bởi bong bóng bất động sản” (Business Insider 23/8/12); -”Tại Việt Nam: Những lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế” (New York Times 22/8/12)…
Nhìn những tiêu đề trên, khó có nhà đầu tư nước ngoài nào còn cảm hứng nhiệt tình của mấy năm trước đó để nhảy vào một thị truờng đầy bất trắc và bị khuynh loát trong bóng tối của các liên kết mafia ma quỷ.
Trong bối cảnh nghiêm trọng như thế, nguời dân chỉ được ban phát những thông tin không gây bất lợi cho giới cầm quyền, nhân danh sự ổn định. Hai ngày sau khi bầu Kiên bị bắt, có vẻ ồn ào chút ít, nhưng liền sau đó báo chí lề đảng chỉ còn đăng tải những gì được cơ quan điều tra công bố chính thức. Tin Tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải bị bắt được báo đảng đăng lên, rút xuống như kẻ ăn trộm thập thò rình chủ vắng nhà, tờ Tuổi Trẻ cho tin Online 12 giờ sau khi hãng AFP chạy bài “Second tycoon arrested amid bank run in Vietnam” (23/8/12). Nhà cầm quyền run sợ rằng, chút niềm tin mong manh còn lại nơi dân chúng sẽ rách nát không thể vá víu, và sự ai oán của xã hội chất chồng cao thêm do nung nấu tích luỹ từ các vụ cưỡng chế tước đoạt đất đai gần đây và các cuộc biểu tình yêu nước chống Trung Quốc bị đàn áp.
Tôi cho rằng, vụ bê bối của ACB sẽ không dẫn đến một sự thay đổi gì đáng nói trong hệ thống chính trị hiện hành. Có chăng nhân vật nào đó bị suy yếu hoặc giảm quyền lộng hành. Sự tồn tại của đảng là máu thịt của họ, “còn đảng, còn mình”, đảng tan rã là mất hết, không chừa ai, nên trong sự chính xác nhất của kịch bản thì cao lắm một ai đó sẽ bị hạ bệ, nhưng rồi sẽ có thoả hiệp để không làm con tàu bị đắm, chết chìm tất cả. Trong quá khứ, có rất nhiều các ông trùm không thua kém “bầu” Kiên bao nhiêu, cũng dính líu mật thiết với giới đầu sỏ cầm quyền, đã vào tù, thậm chí bị tử hình, nhưng chưa bao giờ cấu trúc thượng tầng của ĐCSVN lung lay.
Ngay cả khi tiến trình điều tra, có thể phanh phui thêm những liên kết ma quỷ, như dư luận đồn thổi, giữa “bầu” Kiên với Nguyễn Thanh Phượng, ái nữ của Nguyễn Tấn Dũng thì, bằng mọi giá, kể cả thủ tiêu đối tác hay thí tốt, Nguyễn Tấn Dũng sẽ làm mọi thứ để cứu mình và con gái. Nếu như Trung tướng Phan Văn Vĩnh Tổng cục trưởng Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Trưởng ban chuyên án vụ “bầu” Kiên cho hay “nội dung cụ thể thuộc phạm vi bí mật Nhà nước“, thì người ta có thể suy luận rằng, các nhân vật thế lực trong nhóm lợi ích ngân hàng này sẽ tìm mọi biện pháp che chắn những gì có thể để bảo vệ Nguyễn Tấn Dũng, ngăn cặn phản ứng của dư luận.
Vì vậy, sự xuất hiện của Nguyễn Tấn Dũng ngay sau khi “bầu” kiên bị bắt với vai trò Trưởng ban phòng Chống Tham nhũng (dù đã bị Bộ Chính Trị bãi nhiệm từ hơn 3 tháng trước), khen ngợi Bộ công an, cùng với việc Bộ Công an thông báo “quá trình bắt, khám xét và tổ chức điều tra đảm bảo đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và nhận được sự chỉ đạo chặt chẽ của Thủ tướng Chính phủ”, chỉ là màn diễn để phủ nhận tin đồn vụ bắt giữ “bầu” Kiên nằm ngoài tầm kiểm soát của Nguyễn Tấn Dũng, phủ nhận “bầu” Kiên không có mối liên hệ thân thiện với ông, đồng thời cũng muốn chứng tỏ cho dư luận thấy mình còn đủ mạnh trước Trương Tấn Sang và Nguyễn Phú Trọng.
Suy cho cùng, với sự can thiệp sâu rộng của an ninh, tình báo mà Nguyễn Tấn Dũng đã đầu tư nuôi dưỡng nhiều chân rết, trong tay ông ta vẫn còn những lá bài làm con tin với các đối thủ chính trị. Có ai dám bảo đảm 13 vị còn lại của Bộ Chính Trị hoàn toàn trong sạch? Có bàn tay nào mà không nhúng chàm, ít hay nhiều mà thôi, chí ít thì cũng những người thân trong gia đình. Thoát sao nổi trong cái ổ sâu mọt cộng sinh đầy rẫy dối trá, gian lận từ xài bằng cấp, danh vị, huân chương rởm, đến mua bán chức quyền.
Adam Michnik (*), nhà đối lập nổi tiếng của của Ba Lan thời cộng sản, một trong 20 nhà báo có ảnh hưởng nhất của thế giới được “Financial Times” bình chọn năm 2006, vào năm 1989 đã đề ra chiến lược cho lộ trình chuyển hoá chế độ CS Ba Lan như sau:
Tôi hiểu ý ông rằng, sự ăn cắp sẽ làm thối nát hệ thống kinh tế, đánh mất lòng tin của dân chúng, làm tăng cao bất bình và dẫn tới sự phản kháng của xã hội. Điều này đã đúng, khi Ba Lan bấy giờ các cửa thực phẩm trống rỗng, thiếu thốn đủ điều, lạm phát phi mã, đã khiến 10 triệu người Ba Lan đã tập hợp trong phong trào “Solidarność” (Đoàn Kết) liên tục biểu tình, bãi công làm tê liệt đất nước, buộc nhà cầm quyền CS phải ngồi vào bàn thương lượng, chấp nhận bầu cử tự do, xoá sổ chế độ cộng sản vào năm 1989.
Nhưng chiến lược “hãy cứ để cho những người cộng sản ăn cắp, họ sẽ cho chúng ta dân chủ” của Adam Michnik xem ra không phù hợp vơi thực tế Việt Nam, mặc dù nhiều người Việt cũng nghĩ tương tự rằng, chế độ càng thối nát thì càng nhanh chóng sụp đổ.
Với kinh tế thị trường, trong hai thập niên qua, ở VN hàng hoá không thiếu, những ai biết “sống chung với lũ” vẫn có thể tạo đuợc cho mình cuộc sống vật chất khá hơn nhiều so với thời chiến tranh. Đa số dân chúng cam phận hoặc bằng lòng với cái lồng chật hẹp sơn đỏ phết vàng và sẵn sàng nhảy hót líu lo khi chủ cho ăn, chằng cần quan tâm tới bầu trời tự do vuông tròn như thế nào.
Sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, trong tình cảnh vật lộn đứt hơi với món nợ nươc ngoài hơn 40 tỷ USD, chính phủ dân chủ non trẻ của Ba Lan đã phát hiện ra rằng, trong hai ngân hàng nhà nước chủ chốt bấy giờ, Ngân hàng Thương mại (Bank Handlowy) và Ngân hàng Pekao, nhà cầm quyền cộng sản đã xài hết sạch 4 tỷ USD tiền gửi tiết kiệm của dân chúng. Không dám công bố vì sợ dẫn đến tình cảnh hoảng loạn, sau hơn một thập niên khôi phục kinh tế, kiếm đủ tiền bù cho dân, chính phủ Ba Lan mới dám tiết lộ. Chính quyền dân chủ Ba Lan đã phải đi đổ vỏ ốc cho những tên cộng sản ăn cắp như thế đấy!
Người Ba Lan kiên cường đấu tranh như vậy, mà còn bị những người cộng sản móc túi đến đồng xu cuối cùng. Thì, tôi tin rằng, với mấy chục triệu dân “ngoan ngoãn” ngồi im nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình mặc sức xài xể, sẽ có một tương lai bi thảm hơn nhiều. Tới khi có dân chủ, túi tiền dân Việt không những bị móc hết, mà e rằng thân tàn ma dại. Thế hệ con cháu sẽ phải tìm ra công nghệ chế biến đống vỏ ốc vĩ đại mà bọn mafia đỏ để lại, để xuất khẩu kiếm tiền sống và trả nợ.
Rồi một lúc tỉnh tảo mới cảm nhận hối tiếc và nhục nhã khi thấy khoảng cách giữa VN với nền văn minh nhân loại sao quá dài.
 © 2012 Lê Diễn Đức – RFA Blog
———————————————
 (*): Adam Michnik hiện là Tổng biên tập nhật báo “Gazeta Wyborcza”, lớn nhất Ba Lan và có uy tín ảnh hưởng tại Ba Lan và Đông Âu, được Viện báo chí quốc tế (IPI) năm 2000 xếp vào danh sách “50 Anh hùng của báo chí tự do”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét