LTCGVN (31.08.2012)
.
Tôi trở thành người tiếp dân oan bất đắc dĩ.
Chẳng hiểu từ đâu, thỉnh thoảng những người dân oan tìm đến nhà tôi. Tôi ít có điều kiện tiếp xúc với dân oan vì nhà tôi ở xa, sức tôi thì yếu, tuổi tác đã cao. Tôi ít đưa thông tin về dân oan là vì thế. Tuy vậy, tôi vẫn thường xuyên quan tâm đến chuyện dân oan ở khắp mọi nơi.
Trớ trêu thay, bản thân tôi cũng là một dân oan. Việc của tôi, tôi không làm gì được thì tôi làm được gì cho họ? Tôi đã có rất nhiều đơn từ với đầy đủ bằng chứng của nhiều vụ việc, không kẻ nào bác bỏ được cho nên thường là chúng thoái thác không tiếp hoặc khất lần, hoặc lờ đi.
Đi khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đã nhiều, tôi rất hiểu nỗi bức xúc của những dân oan.
Có thể nói, đất nước này, chỗ nào cũng có dân oan. Không có phường xã nào không có dân oan. Tiếp xúc với họ, nghe họ kể, họ đưa ra bằng chứng, chỉ còn biết nghiến răng mà căm hờn.
Chúng mặc dân sống thế nào thì sống. Chúng chầy bửa. Làm láo lấy được nhưng đối thoại với dân thì sợ.
Tại sao chúng dám làm láo đến như thế? Câu trả lời ai cũng dễ thống nhất: Chúng có mạng lưới bảo kê chằng chịt từ trên xuống dưới, từ trung ương đến phường xã, thậm chí đến tận tổ dân phố, cụm dân cư.
Một trong những cái khốn nạn của đất nước này là ở chỗ đó. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao hay nói đến quyền con người đang được đảm bảo khi bị nước ngoài chỉ trích. Không ai nghe được.
Tôi không phải nhà báo của một tờ báo của Nhà nước. Mà có là nhà báo, trên tôi còn có ban bệ, tổng biên tập. Trên tổng biên tập còn có những người quản lý báo chí và những người bên trên nữa.
Tôi không có quyền giải quyết nỗi oan ức cho người dân. Quyền lực cứng không có, quyền lực mềm cũng không. Mà nếu tôi có quyền và giải quyết đến nơi đến chốn cho họ, sớm muộn gì thì tôi cũng bị bật ra khỏi cương vị công tác, tất nhiên trong trường hợp này, tôi sẵn sàng chấp nhận.
Mặc dù vậy, dân oan họ vẫn tìm đến tôi. Tôi ngồi nghe họ giãi bày. Họ muốn tìm đến tôi để chia sẻ, để giải tỏa phần nào nỗi uất ức. Họ cho biết đã từng bị xua đuổi, bắt nhốt, bị đánh đập, bị đốt hết cả nồi niêu, cơm gạo khi đi khiếu kiện.
Đặc biệt có một dân oan kể bị Trung Quốc đào hầm lò bên dưới lòng đất để khai thác quặng dẫn đến sập nhà. Cô bảo nhà cô sập chỉ là một phần của chuyện khiếu kiện thôi. Vấn đề lớn hơn là cô lên tiếng cảnh báo nguy cơ trước việc Trung Quốc làm đủ mọi chuyện gây hại cho đất nước. Nhưng không ai đếm xỉa đến tiếng kêu của cô. Cô từng bị bố trí gây tai nạn khi đi khiếu kiện.
Qua câu chuyện của họ có thể thấy, ở Hà Nội, chính quyền làm những việc liên quan trực tiếp đến dân đã láo, các tỉnh khác còn láo hơn gấp bội. Chúng xử sự, hành hạ dân theo ý muốn chứ không theo pháp luật.
Có nhiều người người bỏ nhà đi khiếu kiện quanh năm. Như thế đủ biết nỗi oan của họ là lớn lắm.
Hôm nay, có 5 dân oan tìm đến tôi. Họ trong số khoảng ba bốn chục người túc trực thường xuyên ở Mai Xuân Thưởng. Tôi bảo: Trụ sở tiếp dân ở Mai Xuân Thưởng đã chuyển về Cầu Giấy sau đó lại chuyển về Hà Đông rồi cơ mà. Nhưng họ trả lời: Chúng em biết, nhưng chúng em vẫn phải ở Mai Xuân Thưởng rồi hàng ngày mới đến các nơi để khiếu kiện. Chúng em ở Mai Xuân Thưởng nhiều năm rồi. Bây giờ chuyển chỗ lạ, chúng nó diệt chết ngay.
Tôi lại hỏi tiếp: Thế các cô định khiếu kiện đến bao giờ. Các cô bảo: Chúng em khiếu kiện khi nào đòi bằng được công lý mới thôi
Họ đã đi khắp nơi, từ cơ sở đến trung ương. Giờ họ tìm đến tôi dù biết tôi không thể làm gì được cho họ, nghĩa là họ đã cùng đường.
Tôi viết mấy lời này để cảm ơn họ vì đã có lòng tin vào tôi, họ chọn tôi để giãi bày. Đồng thời, tôi cũng có lời xin lỗi họ, tôi không thể làm gì được cho họ, cho tôi.
Người ta hay nói đến chuyện Việt Nam là quốc gia hạnh phúc nhất nhì thế giới, là dân chủ hơn vạn lần dân chủ tư sản. Lại có ông nào đó khoe Việt Nam là cường quốc thơ.
Sao không nói Việt Nam là cường quốc dân oan? Nhưng nói thế, sẽ có những kẻ ngu trung chuyên rình rập blog này bắt bẻ: Nhiều dân oan sao lại gọi là cường quốc? nên tôi xin đổi lại: Việt Nam đất nước của dân oan hoặc đất nước có tỉ lệ dân oan cao hàng đầu thế giới.
.
29/8/2012
0 nhận xét:
Đăng nhận xét