Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Hoa Kỳ không nên bán đứng nhân quyền tại Việt Nam





Washington Post - Ông Allen S. Weiner là giáo sư ngành luật thuộc Đại Học Stanford. Ông cũng là giám đốc của Chương Trình Luật Quốc Tế và So Sánh. Ông vừa đệ đơn lên Ủy Ban Điều Tra Liên Hiệp Quốc về Bắt Giữ Tùy Tiện, thách thức tính hợp pháp của việc bắt và giam 17 nhà hoạt động Việt Nam vào năm ngoái.
Dưới đây là bài viết của ông mới đăng trên một tờ báo lớn nhất tại Mỹ: Washington Post. Mới đây, 12 tổ chức Quốc tế có uy tín trên thế giới đã gửi thư cho TT Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu thả ngay lập tức và vô điều kiện 17 thanh niên Công giáo và Tin Lành bị bắt giữ từ năm ngoái.

———————–
Trải dài suốt năm ngoái, chính phủ Việt Nam đã bắt giữ các thành viên của một nhóm thân hữu những nhà hoạt động chính trị và xã hội. Những người bị giam giữ có liên kết với Dòng Chúa Cứu Thế tại Việt Nam. Điều này cũng phản ảnh nếp kỳ thị các thành phần tôn giáo tại nước này. 11 trong số những người đệ đơn bị cáo buộc là thành viên của Việt Tân, một đảng tranh đấu cho dân chủ của người Việt. Những người bị giam giữ đã phải chịu đủ loại vi phạm nhân quyền, kể cả những vi phạm các quyền căn bản về ngôn luận, hội họp, và lập hội. Hơn thế nữa, việc bắt và giam giữ những nhà hoạt động này cũng vi phạm các quyền của họ về tiến trình tố tụng đúng đáng và xét xử công bằng, được bảo đảm theo bản Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị cũng như các hiệp ước luật pháp quốc tế khác; vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế bao gồm cả việc bắt mà không có trát tòa, và giam giữ dai dẳng trước ngày ra toà mà chẳng cần lập cáo trạng. Sau ngày bị bắt, những người này bị giam cách ly nhiều tháng trời. Một vài người bị kết án bằng các “buổi xử” mà họ không được phép có luật sư. Hiện nay, hầu hết các người đệ đơn đang mòn mỏi trong tù, không được giao tiếp gì với bên ngoài, không được biết tại sao họ bị bắt và giam giữ. Họ được giao tiếp rất hạn chế với thân nhân, và trong vài trường hợp, hoàn toàn không được liên lạc.
Đúng theo chiều hướng gia tăng vi phạm nhân quyền của chính phủ Việt Nam, các nhà hoạt động này bị bắt vì tội vi phạm các điều luật hình sự cấm “những hành vi nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, “phá hoại đoàn kết quốc gia”, và tham gia “tuyên truyền chống Cộng Hoà XHCN Việt Nam”.
Tất cả những người bị bắt đều là các ký giả trên mạng, bloggers, hoặc là học viên của những khóa huấn luyện về dân báo. Họ viết blogs, ký các thỉnh nguyện thư và tham gia các hình thức phản đối bất bạo động về một số vấn đề, bao gồm cả các kêu gọi dân chủ đa đảng và chống các dự án khai thác bô-xít rộng lớn có thể tàn phá môi sinh vĩnh viễn và buộc dân cư trong vùng phải ra đi. Tóm tắt lại, họ chỉ liên hệ tới những hình thức bày tỏ chính trị hợp pháp.
Những hình thức bày tỏ chính trị như vậy được bảo vệ bởi các luật lệ quốc tế về nhân quyền và bởi Hiến pháp Việt Nam. Điều khoản 53 của Hiến pháp bảo đảm công dân “có quyền tham gia vào việc điều hành nhà nước và xã hội, tham gia vào các thảo luận về những vấn đề của cả nước hay của địa phương.” Điều khoản 69 của Hiến pháp Việt Nam xác nhận công dân “có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí” và có “quyền hội họp, lập hội, và biểu tình theo đúng pháp luật”. Tuy nhiên, thay vì bảo vệ các quyền này, chính phủ Việt Nam lại dùng luật để ngăn cấm các quyền tự do căn bản về ngôn luận, hội họp, và lập hội.
Một thành tích đáng ghi nhận, [Ngoại trưởng] Clinton đã nêu các quan tâm về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trong chuyến viếng thăm gần đây, bao gồm cả việc giam giữ các nhà hoạt động, luật sư, bloggers, những người chỉ có tội đã bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa. Bà nói: “Tôi biết có người sẽ tranh luận rằng để phát triển kinh tế thì cần phải đặt sự tăng trưởng kinh tế lên hàng đầu và lo chuyện cải sửa chính trị và dân chủ sau, nhưng đó là một tính toán thiển cận.”
Hoa Kỳ phải tiến xa hơn là chỉ bảo vệ bằng lời nói đối với nhân quyền tại Việt Nam. Đất nước [Hoa Kỳ] chúng ta không nên đóng góp vào cái “tính toán thiển cận” mà bà Clinton cảnh báo qua việc thắt chặt thêm quan hệ thương mãi mà không cùng lúc đòi buộc Việt Nam phải tôn trọng các ràng buộc quốc tế về nhân quyền. Các viên chức Hoa Kỳ nên đòi hỏi Việt Nam bắt đầu bằng việc thả các nhà hoạt động bị bắt năm ngoái và những người khác đã bị giam giữ chỉ vì muốn lên tiếng vì tương lai đất nước. Hoa Kỳ không nên khen thưởng Việt Nam qua việc đưa họ vào Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương trong khi chính phủ Hà Nội dùng hệ thống pháp luật để đàn áp đối lập và chà đạp nhân quyền.

Allen S. Weiner

0 nhận xét:

Đăng nhận xét