Chị Tạ Phong Tần nhận bí tích Rửa Tội tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài gòn ngày 16.06.2009
LTCGVN (24.08.2012)
NHỮNG NGƯỜI VIỆT CÔNG GIÁO MỚI (2)
(Tiếp theo)
Thân phụ bạn Trịnh Kim Tiến là ông Trịnh Xuân Tùng, ngày 28.02.2011, bị công an chặn phạt và đánh tại Hà Nội vì gỡ mũ bảo hiểm ra để gọi điện thoại khi đi xe ôm. Ông đã qua đời vào ngày 08.03.2011 tại bệnh viện Việt Đức do chấn thương cột sống gây ra liệt tứ chi dẫn đến liệt hô hấp. Ngày 29.03.2012, qua Đài Á châu Tự do, chị đã kể lại sự việc cho phóng viên Khánh An (xin trích): « Bố bảo ông xe ôm dừng xe lại để bố em lấy điện thoại gọi cho một người bạn. Vừa gỡ mũ bảo hiểm ra để gọi điện thoại thì trung tá công an Nguyễn Văn Ninh đã bắt giữ xe và hẹn chiều quay lại. Khi trở lại, ông xe ôm cãi là không sai nên không nộp phạt. Cuộc cãi vã bắt đầu và công an bóp cổ ông xe ôm. Thấy vậy, bố gỡ tay công an ra và nói ‘ông là công an mà ông đánh người như thế à?’ và chấp nhận sai cùng xin nộp phạt 100.000 đồng, nhưng ông ấy đòi 150.000 đồng. Sau đó hai bên giằng co và chẳng may tay bố vung phải mặt ông ấy, thế là ông ấy dùng dùi cui và đồ vật cứng đập bố vào đầu, vào gáy và bố ngã xuống. Khi đó, ông hô hào thêm 5, 6 dân phòng nữa lao vào đấm đá bố túi bụi. Sau khi đấm đá xong thì xích bố vào một gốc cây rồi sau đó gọi xe đưa về phường. Khi biết chuyện, khoảng 17 giờ, sau ba lần em van xin cho bố được đi khám, nhưng công an phường Thịnh Liệt nhất định không cho. Đến hơn 21 giờ 30, thương tích bố em trở quá nặng khi kêu lên ‘Con ơi, cho bố đi khám. Bố đau lắm rồi, bố muốn đi khám con ơi. Bố liệt hết hai chân hai tay rồi’, họ mới cho đi khám. Em xin vào để đút phở cho bố em ăn, họ cũng không cho. Khi bố ngã, khát nước và xin ‘Đỡ tôi dậy, cho tôi uống ngụm nước’ thì trung tá Ninh bảo ‘Đỡ vài cái vả ấy!’. Bệnh viện Bạch Mai chụp chiếu và cho biết là xương có vấn đề ở cổ. Đến ngày mùng 1 thì bệnh tình bố ngày càng nặng, bụng cứ trướng lên dần và đau đớn. Gia đình em phải chuyển bố em vào bệnh viện Việt Đức ».
Phiên tòa sơ thẩm ngày 13.01.2012 tại Tòa án nhân dân Hà Nội diễn ra rất nhanh chóng, sơ sài và bất công với tội danh ‘làm chết người trong khi thi hành công vụ’ với bản án chỉ 4 năm tù giam tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Ninh, tất cả những người đồng phạm đều không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào. Đây phải kể là một trường hợp gia trọng vì bị cáo đã đánh đập người dân không phương tiện tự vệ và người này là cột trụ chính một gia đình có mẹ trọng tuổi, vợ và hai con còn đi học. Gia đình đã phản đối kịch liệt và kháng cáo.
Nhưng rồi với loại ‘Tòa án robot’, ngày 14.05.2012, tại phiên tòa phúc thẩm trong một phiên xử kín, anh chị em ruột nạn nhân không được tham dự, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự vì không triệu tập đầy đủ nhân chứng…, nên gia đình yêu cầu hoãn lại phiên tòa và đề nghị triệu tập đầy đủ những người liên quan. Trong phiên phúc thẩm ngày 17.07.2012, bạn Kim Tiến đã tự tham gia tranh luận trong phiên tòa, không luật sư. Bị cáo Ninh nói ông làm đúng chức trách và nhiệm vụ, không làm sai qui trình. Về sự việc đánh chết ông Tùng thì ông ta trả lời là ông rất bình tĩnh để xử lý. Chỉ sau 4 giờ xử án, Toà tuyên bố y án.
Để so sánh tính cách bất công của Pháp đình cộng sản Việt Nam, chúng tôi xin nhắc đến bản án Tòa án Nhân dân Hà Nội, ngày 04.04.2011, tuyên phạt 7 năm tù và 3 năm quản chế cho ông Cù Huy Hà Vũ về tội gọi là ‘tuyên truyền chống nhà nước XHCNVN’, sau khi bị bắt ngày 04.11.2010 tại khách sạn Mạch Lâm, TP. Hồ chí Minh, với bằng cớ rõ ràng là tìm thấy hai bao cao su đã được sử dụng (?). Ông có bằng Tiến sĩ luật đại học Sorbonne (Paris, Pháp), thuộc một gia đình của những nhà thơ lớn và là những công thần của Nhà nước Cộng sản như Huy Cận (cha), Xuân Diệu (cậu ruột). Do đó, Hội đồng Xét xử đã đánh giá bị cáo là người có trình độ, có kiến thức pháp luật mà còn lợi dụng để nói xấu, đòi đa nguyên đa đảng. Sinh trưởng trong một gia đình có công với nước nhưng đã đi ngược lại truyền thống gia đình.
Ngày 31.07.2012, Tòa phúc thẩm miền Trung, họp tại Gia Lai, đã giữ nguyên mức án 11 năm tù giam đối với mục sư Nguyễn Công Chính về tội danh mà Tòa sơ thẩm đã tuyên là phát tán tài liệu cho các tổ chức chống nhà nước, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc... Hôm 09.08.2012, ông Lê Thanh Tùng, nhà hoạt động dân chủ và giúp đỡ dân oan, bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên xử 5 năm tù giam, 4 năm quản chế về tội tuyên truyền chống Nhà Nước.
C. Bị giam vì cho làm đon khiếu kiện giúp người khác.
Đó là trường hợp chị Maria Tạ Phong Tần. Sinh năm 1968 tại Bạc Liêu, chị đã là đảng viên cộâng sản và Đại úy công an cơ quan điều tra Bạc Liêu. Chị Tần đã viết bài gởi cho Đài BBC, như: ‘5 căn bệnh của công chức Việt Nam’, ‘Chuyện thi cử ở Việt Nam’, ‘Đừng tận thu thuế để bần cùng hóa người dân’… Sau khi rời công an, chị học Luật để trở thành luật sư. Do đó, với tư cách trợ tá luật sư Lê Trần Luật biện hộ tám giáo dân Thái Hà bị truy tố về tội ‘Gây rối trật tự công cộng và Hủy hoại tài sản’ tại phiên tòa sơ thẩm nhóm ở Ủy Ban Nhân Dân phường Ô Chợ Dừa Hà Nội ngày 08.12.2008. Bên cạnh đồng bào các tôn giáo, giáo dân Thái Hà và tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, chị đã kể cho phóng viên Đài RFA và, qua đài này, đến thính giả người Việt toàn thế giới những diễn tiến ngày ‘Công Lý và Sự Thật’ bắt đầu từ lúc 5 giờ với Thánh Lễ mừng kính Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, đặc biệt cầu nguyện cho các giáo dân vô tội, những tranh luận tại tòa và khi trở về Nhà thờ Thái Hà lúc 17 giờ : ề Hiện nay tất cả giáo dân đã tập trung về nhà thờ Thái Hà và rất là vui vẻ. Ngày 16.06.2009, chị đã nhận bí tích Rửa Tội tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài gòn.
Sau đó, chị thành lập Blog ‘Công lý–Sự thật’ và bị bắt ngày 05.09.2011. Lúc trước, Tòa án TP.Hồ chí Minh dự trù xử ngày 07.08.2012 cùng với hai blogger Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) và Phan Thanh Hải (Anh Ba Sài Gòn). Nhưng sau khi bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ chị Tần, ngày 30.07.2012, tự thiêu (có nhiều nghi vấn về sự kiện và lý do), Tòa đã đình phiên xử do yêu cầu của luật sư ‘ai ?’).
Xin trích vài đoạn trong bài ‘Tìm hiểu cái chết uẩn khúc của bà Đặng Thị Kim Liêng’ để chúng ta cùng biết tại địa chỉ :
http://danlambaovn.blogspot.fr/2012/08/tim-hieu-cai-chet-uan-khuc-cua-ba-ang.html
- Ngay sau khi an táng bà Đặng Thị Kim Liêng xong, nhà cầm quyền đã đến yêu cầu các con bà phải nộp hết tiền phúng điếu lại cho họ, với lý do phải làm như vậy cho cô Tần nhẹ tội. Gia đình đã dứt khoát từ chối yêu cầu và hăm doạ phi pháp đó. Sau đó, nhà cầm quyền xúi giục các em trai của cô Tạ Phong Tần đến đòi hai cô em gái phải chia tiền phúng điếu, tạo ra xung đột gia đình, nhưng may mắn, anh chị em đã kịp nhận ra sự tàn ác của nhà cầm quyền, nên đã ngưng, không căng thẳng chuyện đó nữa, mà cùng nhau lo cho mẹ những việc còn lại.
- Vào dịp giáp cuối năm âm lịch vừa qua, bà Liêng nói với VRNs: “Con Tần nó dại, nó làm đơn khiếu kiện giúp người ta, rồi chúng ghét”. Chúng tôi hỏi, nhưng bà thấy đó là việc làm đúng hay sai? Bà trả lời ngay: “Đúng chớ !” Rồi bà Liêng hỏi: “Quý vị có biết tại sao nó tên là Tạ Phong Tần không?” Thấy không ai trả lời được, bà nói tiếp: “Lúc mang thai nó, tôi đọc tiểu thuyết thấy nhân vật Phong Tần sao mà phong lưu và tốt bụng, nên khi sanh ra là tui đặt nó là Tạ Phong Tần. Bây giờ nó đúng vậy”.
Ngày 24.07.2012, chị Tạ Phong Tần đã viết bài ‘Khát khao công lý sẽ gặp Chúa’ http://www.chuacuuthe.com/archives/34947 cho Hoàng Vi, Thục Vi và Kim Tiến (xin trích):
« Ngục tù không làm chị nản lòng, khổ đau không làm các em chậm chân bước. Sức mạnh của chúng ta là sự thật, là tình thương, là công lý. Chưa bao giờ chị hoảng sợ khi đối diện với sự gian tà và giả dối, chị luôn nhìn thấy Chúa mỉm cười gọi chị bước đi. Chúng ta cùng nhau cám ơn Chúa, cám ơn Đức Mẹ, cám ơn Giáo Hội đã cho chúng ta niềm tin và sự sống, đặc biệt chị muốn cám ơn các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đã làm cầu nối để chúng ta đến được với Chúa. Bất cứ ai tha thiết với công lý, sự thật và tình thương đều có thể gặp được Chúa, qua kinh nghiệm của chúng ta, chị tin như thế.
Bốn chị em mình mỗi người được gặp Chúa theo nhiều kiểu khác nhau. Chị khác các em, chị bước ra từ vũng lầy của tuổi trẻ sai định hướng, chị đến với Chúa trong một cuộc gặp gỡ tình cờ, tuổi xuân của chị có quá nhiều sai lầm mà ngày ấy chị ngỡ tưởng mình đúng hướng. Hăng say cuồng nhiệt trong công việc, chị như con ngựa bị bịt hết các hướng nhìn, tự hào một cách lố bịch ngu ngốc, tưởng mình có lý tưởng, tưởng mình có lập trường đúng đắn, chị đã sai lầm. Ngày bước chân vào trường luật, chị ngu xuẩn nghe người ta nhồi sọ, chị hời hợt theo chúng bạn nhạo báng tôn giáo, ngôi trường chị học là ngôi nhà thờ Công giáo, các phòng chức năng dành cho việc lễ nghi tôn giáo, các tượng ảnh của nhà thờ dùng trong việc thờ phượng, người ta tước đoạt một cách thô bạo, báng bổ niềm tin của người khác, đánh lừa tuổi trẻ tụi chị theo sự báng bổ họ tuyên truyền. Chị thật xấu hổ khi nghĩ đến những hành vi dại khờ ngày ấy, đùa nghịch một cách vô ý thức trên các tượng ảnh. Lạy Chúa rất nhân từ, lạy Mẹ Maria giàu xót thương, tha thứ cho con, tha thứ cho tuổi xuân dại khờ ngu ngốc của con.
Mắt chị bừng mở, chị như người mù vừa được sáng mắt, chị thấy được cả hai mặt thiện ác của cuộc đời và chị nhận thức rõ đâu thiện đâu ác, đâu tà đâu chánh, đâu sai đâu đúng. Chị bị choáng ngợp và bắt đầu thay đổi cuộc đời.
Các em cũng như chị, mỗi người trong chúng ta được gặp Chúa bằng nhiều cách khác nhau, nhưng hình như có cùng một quá trình cuộc sống. Tất cả chúng ta đều được gặp Chúa trong hành trình tìm kiếm chân lý, sự thật và công bằng ».
II. TRƯỚC KHI TRỞ THÀNH NGƯỜI CÔNG GIÁO, CHÚNG TA LÀ NGUỜI VIỆT NAM.
Ngày 06.08.2012, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TP.HCM, đã viết bài: ‘Lãnh đạo TP HCM đã giải quyết như thế nào về đề nghị ngày 27/7/2012 của 42 công dân Thành phố? – Những ghi nhận bước đầu’ và gởi đăng boxitvn.net : “… tôi nhớ lại một kỷ niệm. Sau 1975, giới Công giáo Thành phố có một bài hát rất cảm động:
‘Trước khi là người Công giáo, tôi đã là người Việt Nam’. Khi các nữ tu ra Hà Nội hát, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nghe đã rơm rớm nước mắt… Ừ. Sự ‘rơm rớm nước mắt’ của ông Đồng là quyền của ông, nhưng sự bất tín là ông cũng những người cộng sản vẫn kỳ thị đẫm máu người Công giáo khắp nước, nhất là tại Giáo phận Vinh và Kontum [Ngày 12.08.2012, nhà cầm quyền đến nhà nguyện làng Đak Pnan (tỉnh Gia Lai), bắt giáo dân tháo dở Thánh giá, mang bàn thờ, nhà tạm cùng ảnh Đức Mẹ đi nơi khác, rồi bắt treo ảnh ông Hồ thế vào những nơi trước đây treo tượng và ảnh thánh. Hôm sau, họ trở lại bắt giáo dân tháo chuông nhà nguyện. Giáo dân dứt khoát không thực hiện, cán bộ xã đã tự tháo xuống].
Chúng ta là Người Việt Nam từ khi được sinh ra bằng huyết thống (từ cha mẹ) hay lãnh thổ (đất thuộc chủ quyền Việt Nam, kể cả nơi đặt các cơ sở ngoại giao, tàu thủy hay phi cơ đăng danh tại Quê hương…). Một số ít do xin nhập tịch như các cầu thủ bóng tròn Phi châu.
Là người Việt-Nam, chúng ta thừa hưởng gia sản văn hóa, giá trị đạo đức của tổ tiên Việt-Nam. Chúng ta có một tổ quốc Việt-Nam với non sông gấm vóc, lịch sử vẻ vang với bao tiền nhân hào hùng. Chúng ta yêu quê hương Việt-Nam. Do đó, làm sao chúng ta không khỏi rung động tận con tim khi nghe Thái Thanh hát bài ‘Tình Ca’ của Phạm Duy (Sài Gòn 1953). Lại càng thắm thía hơn khi chúng ta lang thang nơi hải ngoại. Mỗi người Việt-Nam phải xác tín mình là cái vốn đầu tư của Đất Nước, nếu không thành công trong tư cách đạo đức, tri thức… thì chúng ta làm thiệt hại cho Đất Nước.
Là người Công giáo, chúng ta càng phải yêu quê hương Việt-Nam gấp bội. Khi ông bà, cha mẹ chúng ta qua đời để lại cho chúng ta những vật lưu niệm. Vì lòng kính hiếu các đấng sinh thành, chúng ta luôn quý trọng, nâng niu các kỷ vật này, dù có trị giá lớn hay không.
Tương tự như vậy, Điều răn thứ 4 trong 10 điều răn Đức Chúa Trời ‘Thảo kính Cha mẹ’ dạy người Công giáo không chỉ yêu mến, vâng lời và tôn kính Tổ tiên mà còn phải yêu Tổ quốc. Hơn thế nữa, chúng ta còn có nhiệm vụ tô điểm Quê hương và, đặc biệt, phải tránh những hành động xấu như tham ô hay đánh giết đồng bào trước con, cháu chúng ta. Non sông gấm vóc Việt Nam chạy dài từ Aũi Nam Quan đến Mũi Cà Mau mà thế hệ hiện tại đã nhận từ thế hệ trước bị mất những phần đất biển nào rồi? Bị xâm lăng có chống trả hay nhượng bán. Quê hương Việt Nam không thuộc quyền sở hữu của ai hay thế hệ nào mà được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ kế tiếp những công dân Việt Nam. Thật vô phúc cho những ai hay tập thể người Việt nào vô cảm trước hiểm họa mất nước cũng như những kẻ bán nước. Lịch sử muôn đời sẽ ghi lại để trăm ngàn thế hệ cháu chắt chê trách.
Ngày 15.05.2012, kỷ niệm 121 năm Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) ban hành bởi Đức Thánh Cha Léon XIII, Ủy ban Công lý và Hòa bình Hội đồng Giám mục Việt Nam đã cho phổ biến bản ‘Nhận định về một số tình hình tại Việt Nam hiện nay’. Trong đó, số 5 có tiểu tựa ‘Biên cương, hải đảo và chủ quyền quốc gia’ được viết nguyên văn như sau :
Vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, Biển Đông đã một vài lần nổi sóng. Nhưng trong những năm gần đây, sự căng thẳng đã lên đến mức độ nguy hiểm. Nhà cầm quyền Trung Quốc một mặt dùng lời lẽ hoa mỹ, với thông điệp rất êm tai, nhưng mặt khác, các hành động của họ về chủ quyền trên Biển Đông ngày càng phản ánh rõ rệt chủ trương Đại Hán.
Trong khi đó, bên Việt Nam, phản ứng của Nhà nước xem ra quá yếu ớt, tạo cớ cho các lực lượng thù nghịch lấn tới. Khó hiểu hơn nữa là việc chính quyền đã mạnh tay đàn áp các tổ chức và các cá nhân yêu nước phản đối hành động xâm lược trắng trợn. Thái độ lập lờ, thiếu nhất quán của các nhà lãnh đạo trong vấn đề phân định lãnh thổ vùng biên giới và bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông đang gây bất bình trong dư luận. Nhiều nhân sĩ và các nhà trí thức tâm huyết đã lên tiếng cảnh báo những nguy cơ về an ninh quốc gia do một số dự án cho nước ngoài khai thác bô-xít và thuê đất, thuê rừng. Mặt khác, các thông tin về lĩnh vực này không đầy đủ, chậm chạp và thiếu công khai. Điều trước mắt đã xảy ra là “lao động phổ thông” nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam để thực hiện các dự án trên đang gây bất ổn cho xã hội hiện tại và về lâu dài.
(Còn tiếp)
Hà Minh Thảo
0 nhận xét:
Đăng nhận xét