LTCGVN (24.08.2012)
Lão Xã luôn miệng lúc nào cũng lải nhải ‘tôi sống cốt sao để phúc cho con’. Lão lải nhải thế vì muốn dùng tiếng mình để lấn át tiếng lương tâm đang dày vò, đay nghiến, cào cấu, xâu xé gặm nhấm tâm hồn già nua, bệnh hoạn của một lão xã bất đắc chí. Ở cái tuổi bảy mươi lão nghĩ lại và ân hận vì những hành động chính lão còn cảm thấy lợm giọng. Suốt mấy mươi năm qua lão gieo không tả xiết đau thương, oán hận. Đời lão phúc đức kể chẳng là bao, tai họa lão gieo trùng điệp vô ngần. Cuộc đời ngang dọc của lão tạm chấm dứt kể từ lúc lão bước chân xuống thuyền đi vượt biên và đứt đoạn khi đến bến bờ tự do. Bây giờ ngồi rỗi, hưởng tiền hưu trí, lão nhớ lại những kỉ niệm oan khiên, gây tang tóc mà lão là tác giả hậu trường. Thời trai trẻ lão không bao giờ nghĩ là những việc làm của lão đi vào lịch sử cuộc đời lâu đến thế. Nhiều chuyện oái oăm lão làm lúc trước đã chôn đi, đã có thời quên đi, thiên hạ không ai nhắc đến. Thế nhưng cái tuổi gần đất xa trời, những hành động bỉ ổi đó lại được cải táng, tái xuất giang hồ. Lần này chúng không thể hiện qua việc làm nhưng luẩn quẩn trong đầu lão. Không sao quên đi được. Hình ảnh con mụ Hiên quỳ dưới chân lão khấu đầu xin tha cho chồng nó còn rõ ràng. Hình ảnh bà Đó ôm đám lông chó khóc thương tiếc con vật hiện đến trong đầu. Để đánh đuổi sự thật trong quá khứ lão tự an ủi về những ngày tháng ngang dọc và cũng tự bào chữa cho những hành động bất nhân, ném đá dấu tay, hành động bất chính, bất nghĩa. Nguyên nhân đưa đến tình trạng dối lòng, dối người, sống lừa dối thiên hạ chán. Về già lừa dối chính mình là vì lão sống trong tưởng tượng, ngày đêm mơ màng. Niềm mơ ước viển vông vì trong tận sâu cõi lòng lão ước ao danh vọng. Con người thật của lão là mong được thiên hạ trọng vọng. Để thỏa mãn cái danh vọng bánh vẽ đó, lão làm bất cứ gì miễn là có thể nhoi lên hơn thiên hạ một tí. Lão không ngại lừa lọc đảo điên, chẳng từ nói xỏ, nói xiên, không mệt khi vu khống, say sưa rình rập nhà người. Tanh hôi, bẩn thỉu đi bới lông tìm vết là chuyện thường, coi nhẹ gian nan trong kế hoạch và ranh mãnh trong lời ăn tiếng nói. Miễn sao lão đạt được mục đích: được thiên hạ trọng vọng hơn người. Lão lừa mọi người kể cả con cháu và người lão yêu mến nhất là vợ, lão cũng lừa luôn nếu cần. Niềm khao khát vĩ đại mấy mươi năm đó chất chứa trong lão những thèm muốn không được thỏa mãn, lão đâm cay cú đời, hận thù đời và tìm cách lừa lọc. Cái danh vọng hão lão cưu mang bấy lâu có lẽ bắt đầu từ cha mẹ lão.
May mắn lão sanh ra trong gia đình trưởng giả. Ngay từ nhỏ cha mẹ lão muốn cho con mình có chức tước trong làng, xã. Hai cụ lí luận một là để cho con mình tránh những công việc nặng nhọc do làng cắt cử cho dân đinh. Hai là để dễ dàng chọn dâu, vừa có con dâu vừa ý vừa có tiếng là cha mẹ dân, lại bạn bè với tuần phủ, lí trưởng, có bề thế ăn nói. Vì suy nghĩ như vậy nên hai cụ bỏ ra một thúng tiền mua cho lão chức xã tuần. Thiên hạ dè bửu coi thường nên ngoa ngôn cho một trăm hai chục thùng thóc là một trăm hai chục thùng tiền. Hai cụ còn mở tiệc khao tân chức mất hai tạ lợn béo. Đối với người thì một trăm hai chục thùng thóc vụ chiêm là to lắm, nuôi sống cả gia đình suốt năm. Nhưng đối với hai cụ thì một trăm hai mươi thùng thóc chẳng đáng là bao.
Kể từ ngày khao chức cả nhà lão từ trên xuống dưới ai cũng phải gọi lão là ‘cậu xã’. Để theo đúng thủ tục, luật làng hai cụ phải khao cho làng một bữa gọi là ăn mừng ‘tân chức’ trước khi làng cho phép dùng danh xưng cậu xã nơi làng. Thế là hai cụ mất toi thêm hai con lợn đổi lấy cái danh xưng ‘cậu xã’. Dân làng đồn thổi, xót xa vì số tiền quá lớn. Hai cụ nghĩ ngược lại cho là mua chức quá hời. Cả làng Thôn Dục từ nay ai cũng biết con mình là xã. Phong tục làng khác sao không rõ nhưng tại Thôn Dục mua chức tước có tiền cứ việc mua, chưa đến tuổi là chưa được ngồi tiệc làng. Mặc dù chức tước đã mua sòng phẳng, tiền trao cháo múc. Nhưng cậu xã chưa được đánh chén ngoài đình làng trong những ngày hội làng. Lí do cậu xã còn quá trẻ. Phải đợi mươi năm nữa cậu mới đủ tuổi ngồi chiếu cha mẹ dân trong làng.
Từ sau khi bữa tiệc khao, hai cụ lúc nào cũng nhồi vào đầu đứa con non nớt cái chức xã tuần, uy uyền nắm trong tay, đè đầu bóp cổ dân chúng. Uy quyền trong tay, vua con một cõi, muốn làm gì thì làm. Hai cụ từng sống trong cảnh hình ảnh oai phong lẫm liệt của một tay xã tuần trịnh thượng, hống hách, quyền bính đeo lủng lẳng quanh người. Phán ra câu nào là đinh đóng cột câu đó. Dân chúng đứa nào bướng thì cho tuần gông cổ nó vào cột đình, nện cho thập tử nhất sinh rồi thả cho khiêng về hay ít ra cũng để vợ nó ôm chân van lậy như tế sao mới nương tay. Hình ảnh ông xã tuần quyền hành, tác quái đó được hai cụ nhồi sọ vào óc con. Chính cái hình ảnh đó in sâu vào đầu óc xã khi còn trẻ mà khi lớn lên xã không sao nhận ra điều sai trái mà gột đi được. Con trẻ như tấm giấy trắng, in gì vào đó là dính chết gỡ không ra, tẩy không sạch.
Thái độ kênh kiệu khiến nhiều người xa lánh. Riêng cậu xã từ ngày có chức mua, cậu được con ăn đầy tớ phụng dưỡng kĩ hơn. Ông bà đặt trọn niềm hy vọng vào cậu, tương lai của dòng họ, thì đầy tớ ai dám đụng vào. Sau bữa tiệc nhận chức hai cụ tậu ngay về nhà hai ông thầy dậy dỗ cậu. Một thầy dậy văn, thầy kia dậy võ nghệ. Vì đối xử không đồng đều sao đó nên hai thầy cứ ngồi gần nhau là y như chiêng với trống choảng nhau. Văn thì cho là hạng võ biền vai u thịt bắp; võ choảng lại bọn thầy đồ cặm cụi đồ anh nào cũng gù lưng, tốn vải, ăn no lại nằm. Cậu xã tuy biếng học nhưng nhờ có trí nhớ tốt nên cậu thâu thập được khá nhiều không phải kinh điển mà toàn là cách nói mánh khóe, chửi đổng, nói móc, xỏ xiên của hai thầy. Nhất là những chuyện văt vãnh trong thế giới loài người hai thầy kể cho nghe. Những mánh khóe thiên hạ kim cổ tranh giành nhau trong cuộc cờ danh lợi, địa vị. Thành quả học cậu thu thập có bấy nhiêu.
Được nuông chiều quá độ, cậu ăn chơi lu bù. Cậu tuy ở tuổi còn hôi sữa mà đã tập ăn uống những thứ giết người, la cà những nơi cấm kị. Cậu ăn chơi lu bù, đám bạn đói của cậu nịnh hót bày ra nhiều kiểu ăn chơi khác thường. Đứa này xin cậu cho nếm thứ này, thằng khác xin cậu cho thử thứ nọ. Ai ai cũng tâng bốc. Gọi có kẻ thưa người dạ, ho cũng có kẻ vâng, hắt hơi cũng có đứa trình bẩm. Cậu Xã tin cái chức xã tuần to thật. To hơn những gì cha mẹ cậu nhồi sọ. Đám bạn đói, nịnh ăn của cậu lúc nào cũng sẵn sàng tâng hót, gọi cậu là cậu Xã. Có lẽ chính cậu cũng thấy ngượng sao đó nên cậu dặn bạn bè xưng hộ cậu tớ cho nó dễ nghe, bỏ chữ xã đi. Khi nào trước mặt thân phụ cậu thì thêm vào, cho đúng khuôn phép, cho hai cụ vui lòng. Chiến tranh lan rộng, hai cụ sợ nguy hiểm cho cậu xã tuần tương lai nên gởi cậu về thành phố ở nhờ nhà người bà con xa. Đời sống thành phố lôi cuốn, thiếu bạn nhậu, cậu lần mò vào chốn ăn chơi, có lần bị đám anh chị đánh gần chết. Từ đó cậu bắt đầu học võ thêm để thủ thân. Học chưa đến đâu đi chỗ nào cậu cũng khoe có võ, chẳng may khoe phải tay anh chị thứ thiệt họ cho cậu một bữa nhừ đòn còn tặng cho một thẹo ngay má trái. Người bà con bận công ăn việc làm không chăm sóc được. Họ thuê cô hàng xóm chăm sóc dùm, mỗi ngày lấy một hào nuôi cơm hai bữa. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, vết thương chưa kịp lành thì cô nàng đã mang thai. Sự việc chưa biết phải giải quyết ra sao, trong nhà đang rối beng lên thì đùng một cái đất nước chia đôi. Họ bèn tính toán hơn thiệt gởi thẳng cái của nợ vào Nam khuất mắt. Thế là hai anh chị Xã bồng nhau vào Nam thành dân di cư nam bộ. Mặt khác họ đưa tin về làng Thôn Dục là cậu xã trốn đi nam, ngăn cản thế nào cũng không được. Khi cha mẹ cậu hay tin con đi Nam hai cụ buồn ngất ngưởng. Một thúng tiền cộng với hai con lợn béo đổ xuống sông, biển. Cũng từ ngày đó hai gia đình giận nhau. Tiền nuôi cậu Xã ăn ở không ai trả cho. Họ mắng nhiếc nhau một trận kịch liệt rồi thề hứa lìa nhau, đến chết cũng không nhìn mặt nhau.
Bố trẻ con, mẹ trẻ con sanh ra con trẻ. Không biết nuôi con làm sao suốt ngày hai đứa cãi nhau. Hễ con khóc là sớm muộn gì hàng xóm cũng nghe thấy vợ chồng lục đục. Đứa bé khóc ông chồng nằm võng ru con hát rống lên, chị vợ ti toe ‘nó khóc nhỏ ông rống lên như thế con nó khóc phát rét nên mà ông còn chưa câm đi dùm cho’. Thế là trận cãi vã giữa hai vợ chồng bùng nổ. Vì lạ nước, lạ cái, không biết đi đâu nên dù cái cảnh cãi nhau như cơm bữa cũng gắng mà sống chung. Hàng xóm bảo hai đứa cãi nhau trừ cơm. Thi nhau cãi, cuối cùng cả hai cùng tức cành hông, không ăn cũng no. Thiên hạ thấy chị vợ toang toác chửi xã này, xã nọ. Họ cứ tưởng tên anh là Xã. Mãi sau này chị vợ mới khai ra anh ta là xã tuần làng Thôn Dục. Dù di cư nhưng dân chúng lúc đó còn tôn trọng tôn ti trật tự, quý chức tước trong xã hội nên họ cắt cử anh làm chức trưởng ban kỉ luật trong trại. Một số không đồng ý vì thấy tính cậu còn trẻ con, hơn nữa không tề gia được sao trị được nước. Số khác cãi xã tuần họ giỏi võ nghệ như thế mới trị được trộm cắp. Một số cho là cứ nghe cái giọng chửi rủa của chị Xã người ta cũng tin chị thuộc dòng con nhà miệng có gang, có thép. Nói ra câu nào người nghe thấy rợn gáy, tóc sau ót đứng dựng ngược lên vì cái giọng đanh đá. Người nghe mường tượng ra cái lưỡi chị uốn cong từ phía họng trên đập nhanh xuống phía dưới rít ra hai hàm răng cắn chặt. Giọng của chị nghe lanh lảnh lại ngân vang từ đầu thôn, cuối ngõ nghe mồn một. Về phía cậu xã ai nhìn thấy cái thẹo dài quá gang tay vắt ngang trán kéo qua thái dương đi sâu đến cạnh hàm bên trái cũng đáng ái ngại. Đường nốt dao chém, phải là cái dao bén trong tay chém chuyên nghiệp mới rạch được cái thẹo dài và sâu hoắm như thế. Chị Xã không sợ cái thẹo kinh hồn đó đủ biết chị đảm lược dường bao.
Khi hỏi đến tuổi cậu Xã chẳng biết ất giáp gì khai đại ba mươi cho nó chẵn. Ở nhà cậu vẫn nghe các cụ nói tam thập nhi lập. Cậu cho đó là tuổi làm quan nên khai đại. Tuổi thực của cậu sấp sỉ hai mươi. Cậu già đi một phần vì ăn chơi trác táng, rượu chè say khướt, phần vì đang tập sự làm bố. Phần khác bị vợ chửi quá xạm mặt, già người đi. Do đó khi nói ba mươi ai cũng tin. Phía cậu Xã đang cò bơ cò bất có người mời làm trưởng ban trật tự lều trại là sướng rồi. Cậu khai ngay là cựu xã tuần làng Thôn Dục. Cái thẹo dài trên gò má trái không dấu được bị du đãng chém ngày nào nay biến thành thành tích bảo vệ thôn xóm. Theo cái phong tục làng cậu là phải khao tân chức trước khi thực sự bắt tay vào việc. Suy đi nghĩ lại mãi không biết lấy gì làm bữa nhậu gọi là ra mắt với dân làng cái chức trưởng ban kỉ luật. Cậu đi nghe ngóng ai cũng than phiền về đám heo rừng phá phách mùa bắp.
Gia đình không có gì tổ chức tiệc. Chập choạng tối cậu đánh liều uống vào hai ba chén rượu lấy can đảm xách con dao quắm vào bìa rừng ngồi rình. Con heo rừng đến gần đang hích hích mõm đánh hơi người, trong gốc cây cậu phóng nhanh ra nhắm chỗ hiểm chém túi bụi hai ba phát. Sau đó nhanh như cắt cậu vất dao lại nhảy đu lên cành cây ngồi vắt vẻo trên đó run. Con heo bị chém đau quá nằm vật xuống đó giẫy dọn. Bọn heo rừng bu lại nhưng không làm gì được. Gần sáng thì con vật chết gần chỗ bị chém. Trời hừng đông đàn heo kéo nhau đi. Trên cành cây cậu để ý đàn heo đến khi biết chắc nó đi hết. Cậu vác xác con heo và cái dao quắm ngang nhiên về trại. Vài người trông thấy cảnh tượng hãi hùng trên thì đồn thổi nhau. Tiếng đồn vang ra cậu là tay võ nghệ kì tài. Một vài người phịa thêm tỏ ra biết chuyện, có cái may chứng kiến cảnh cậu chém lợn rừng. Họ khẳng định ‘đêm rồi không nghủ được sánh sớm tính ra thăm rẫy chính mắt tôi thấy cậu xã vung dao chém con lợn rừng. Chém xong con lợn cả bầy nó xông vào tấn công, cậu vung dao múa tròn quanh người bảo vệ thân. Cả bày heo đông như thế mà không làm gì được cậu. Khi trời sáng rõ chúng mệt bỏ đi. Quả thật cậu dai sức, suốt buổi sáng quần thảo với bầy heo thế mà khi nó đi cậu xốc ngay con heo lên vai vác về. Đúng là sức trai, không biết mệt là gì’. Con heo đó được chia cho mấy anh em trong ban trật tự. Chính nhờ tin đồn đó tạo cho mọi người cái niềm tin sắt son nơi cậu xã. Tin đồn đó mau chóng đến tai những tay cự phách ưa rình mò đêm hôm phá làng, quấy xóm phải gờm khi nghe tin nơi nào có cậu xã nơi đó họ tránh xa. Toàn ban lãnh đạo trại nhậu một bữa bí tỉ. Tuần sau cũng vào đêm mưa lâm râm cậu hô hoán anh em đi săn heo rừng về mở tiệc ra mắt ban trật tự. Một số anh em tỏ ra lo ngại, sợ không được gì còn mang họa vào thân vì ai cũng biết heo rừng không phải loại thường. Đụng vào đàn của chúng là nguy khốn. Cậu Xã biết điều đó. Ngoài miệng cậu luôn bô bô có heo thì thế nào cũng bắt được, nhưng trong bụng cậu run cầm cập. Cậu không tin vào tài của mình nhưng ỷ vào tài của người đi theo và đi cầu may. Số khác hăng hái ra mặt vì mới tuần trước mình cậu chém heo rừng về thịt nên họ tin vào tài của cậu. Họ tin nếu họ gặp nguy cậu Xã sẽ ra tay tiếp cứu là con heo tới số. Chính vì cái niềm tin đó mà họ bụng vững như cầm chắc thắng trong tay. Số khác đi vì tự ái, mình cậu xã bắt được heo cả bọn mà thua mình cậu sao. Đến nơi cậu cắt cử công việc cho anh em sau đó cậu tót ngay lên cành cây ngồi ngó xuống. Khi mùi hôi thối xông đến cậu ra hiệu báo cho biết đàn heo đang tiến lại. Theo kế hoạch tổ nào chém được heo xong phải phóng nhanh lên cành cây ngồi chờ để tránh tình trạng cả bầy heo bu vào trả thù. Nhờ kinh nghiệm đó mà không ai bị thương tật trong việc đi săn heo rừng. Trời thương ngay đêm đó cả bọn may mắn chém chết hai con heo rừng. Mới nhận chức có hai ngày cậu đã xơi tái hai con heo rừng làm dân làng tin tưởng cậu là tay võ nghệ cao cường. Để tỏ cho các tay em biết mình là tay chơi thứ thiệt, thừa sức làm công việc gác trộm. Cậu không tiếc li rượu mời của bất cứ ai. Ai chúc mừng cậu li nào cậu nuốt trửng li đó. Đến khi không ai dám ra mặt thách thức nữa lúc đó cậu vẫn hăng say mời gọi còn ai chúc mừng không. Nếu không thì tuyên bố tiệc tàn. Giết được hai con lợn rừng lại thắng được bữa rượu mời nên ai cũng dè mặt cậu. Cậu uống được thật do cái kinh nghiệm thời ở quê và những ngày xa nhà nơi phố ăn uống với bạn nhậu. Từ sau ngày đó có người đưa ý ban trật tự bẫy lợn về giết bán cho bà con vì ai cũng thèm thịt cả. Ý kiến được đưa ra mọi người hăng say thực hiện. Toàn ban trật tự suốt đêm đi rình lợn về giết bán cho dân. Chẳng mấy chốc đàn lợn rừng bị tiêu diệt gần hết và ban trật tự túi anh nào cũng rủng rỉnh tiền tiêu. Chức xã làng Thôn Dục trước đây được mua bằng tiền, lúa chiêm. Nay nó chính thức được mọi người công nhận do thành tích nhậu và săn lợn rừng. Nhiều tay em trước kia nhát đởm đi theo cậu Xã nay đâm ra bạo tay, bạo miệng, bạo gan. Ai đụng đến thần tượng cậu Xã là có chuyện lớn. Muốn xin lỗi cũng phải có tiệc xin lỗi. Xin lỗi xuông không ai tha. Để gây thanh thế cho mình, cậu Xã tạo ra một huyền thoại kể chuyện chính cậu là tay đánh cướp, diệt trộm ngày xưa nơi làng Thôn Dục. Thành tích của thiên hạ bây giờ thành thành tích, kì công riêng cậu thực hiện. Cậu kể làng Thôn Dục cướp như rươi. Có lần cậu đi tuần tra gặp bọn cướp, mình cậu đánh cả bọn. Chúng thua nhưng vì hăng tiết cậu dồn chúng vào chân tường. Bọn nó cắn quái mở đường máu thoát thân. Cậu vì khinh địch nên bị chúng chém cho một giao ngay mặt cái thẹo còn sờ sờ ra đó. Nói có sách mách có chứng. Vết thẹo kia ai dám chất vấn cậu nhất là những tay em lúc nào cũng sẵn sàng lăn xả ra bảo vệ cậu. Nhìn mặt những tay em hùng hổ như chó sói ai cũng chỉ biết ngồi nghe hơn là dây lời với bọn họ. Nhờ vào thành tích bắt lợn rừng, vào cái thẹo dài trên mặt mà những tay ăn cắp vặt trông thấy bóng dáng cậu là bọn chúng biến mất, chùn tay lại không dám sờ mó gì của dân làng. Trong cái khoác lác của cậu cũng có cái lợi, cậu dùng chiến thuật răn đe, nói xa nói gần khiến những tay non lép vế, chùn tay. Đàn em cậu có làm nhiều chuyện lố lăng thật nhưng cái trật tự họ mang đến trong làng làm nhiều người hài lòng không than van. Nếu có chỉ là những gia đình không khéo léo đủ gây sự với họ nên họ đâm lòng thù oán. Còn ngoài ra họ làm phận sự khá chu đáo. Những lúc rảnh rỗi cậu Xã hay kể chuyện cho lũ choai choai về thành tích phịa bắt trộm, giết cướp của cậu. Nhờ có tài kể chuyện, có trí nhớ tốt nên bọn choai choai hay đi theo cậu để được nghe kể chuyện. Chuyện cậu kể thật thì ít, xít ra thật nhiều cho nó thêm chi tiết li kì, rùng rợn, lâm li hấp dẫn đám choai choai. Cậu thành công trong công việc nhờ lũ choai choai này. Tụi nhỏ về nhà kể cho người lớn nghe về thành tích, cuộc đời bắt trộm của cậu Xã. Làng nước ai cũng nghe, nghe riết cả trăm đứa nói như nhau cuối cùng cả làng tin là cậu xã cừ khôi. Tin rồi ai cũng sợ về thành tích ma đó. Lũ trẻ lẻo mép, nghe sao kể vậy. Cậu Xã khai thác chúng hôm qua nhà ai đánh bài, nhà nào cãi nhau, xóm nào làm gì. Cậu khai thác triệt để cái nguồn tin vừa nhanh, vừa nóng hổi vừa chính xác. Bọn chúng khai vanh vách từng chi tiết nhỏ. Đổi lại cậu kể cho chúng nghe về thành tích tự phịa của cậu cho chúng nghe. Khi hữu sự cậu ra đình chợ kể vanh vách như chính mắt cậu chứng kiến và cậu đang nắm bằng chứng trong tay gia đình nào làm sao, anh chị nào bồ bịch thế nào. Điều này khiến thiên hạ phát kinh, phục lăn nghề cậu Xã. Vừa có tài võ nghệ vừa săn tin giỏi. Ai hỏi đến cậu Xã trả lời vắn gọn ‘nghề nghiệp mà’. Cũng nhờ lũ nhỏ mà ai mất gì lớn nhỏ, cậu tìm ra hết. Bọn ăn cắp vặt hết đường làm ăn.
Một số tay còn tình nguyện khi có việc cần đến là lũ choai choai tình nguyện đi săn tin ngay cho cậu. Từ ngày cậu làm ra tiền, có chút chức tước chị Xã cũng im hơi, nhỏ nhẹ bớt to tiếng với chồng con. Thì ra nghèo quá cũng là duyên cớ gây xáo trộn gia đình. Anh xã thì tối ngày mải mê với công việc lối xóm, không còn thiết gì đến nhà cửa nữa. Chính vì thế mà tiếng cãi nhau cũng bặt đi. Chị ăn vận cho ra đúng dáng một mệnh phụ trong xó một góc rừng. Chẳng ma nào để ý đến cái lối ăn vận của chị mà phê bình. Người mà cậu Xã lấy lòng nhiều nhất là mấy ông cố đạo. Chỗ nào rục rịch bài chắn, dù chắn kín chắn hở thế nào cậu cũng mò ra. Đối với cậu bài bạc là tổ sinh ra trộm cắp phải diệt cho sạch. Hết bài bạc là hết trộm cướp. Cái triết lí đó hợp với tinh thần của các ông cố đạo. Do đó nơi nào đêm trước bài bạc chỉ sáng hôm sau là cố đạo đã biết. Nhờ thế mà uy tín cậu vang lừng trong xã hội cũng như trong tôn giáo.
Trong số những người dưới quyền cậu Xã có cụ Tổng. Cụ không ưa gì cậu Xã, quen thói hách dịch xưa cụ vẫn gọi cậu Xã bằng thằng. Thằng Xã. tiếng cậu Xã càng vang, giọng cụ Tổng càng hậm hực. Nói thẳng với cậu Xã thì cụ Tổng sợ lép vế. Trước kia thì chức xã tuần chỉ để cho cụ sai bảo. Nhưng bây giờ đổi đời. Cụ đi vào Nam mang theo cái chức tổng với mình nhưng quyền hành của chức tổng thì vất bố nó lại miền Bắc. Nên mặc dù thiên hạ gọi cụ là cụ Tổng theo thói quen nhiều hơn là theo phẩm trật trong xã hội mới. Cụ Tổng vẫn huênh hoang ở bắc tao bảo sao nó phải làm vậy. Nó mà không đưa đón ông thì ông gông cổ cha nó lại chứ đâu có vô phép, vô lễ như vầy được. Không biết trên dưới là gì. Cụ Tổng bắn tiếng gió thế thôi. Thực ra cậu Xã chưa làm gì cụ như cái giọng bực tức kia. Nó chỉ là ghen thì đúng hơn. Đúng như con bài cụ Tổng dự đoán. Những câu chửi bóng gió kia được những đứa nịnh hót thuật lại cho cậu Xã. Cậu Xã trong bụng bầm gan tím ruột lắm, nhưng bề ngoài vẫn nhã nhặn, nhún nhường cho mình là lớp đàn em, con cháu. Tuy nhiên cậu cũng đá nhẹ cụ Tổng câu ‘hậu sinh khả úy’, Khổng phu Tử phán thế. Cậu cố tình dùng chữ phán thay vì chữ nói để đá ông Tổng nhà nho. Nếu đức Khổng Tử nói thì còn cãi là nói có thể sai. Đàng này cậu dùng chữ phán. Một khi đức Khổng Tử phán thì phải đúng, cụ Tổng có tài giỏi mấy cũng thua điều Đức Khổng Tử phán. Nếu thế thì cậu Xã hẳn là tài hơn cụ Tổng về nhiều lãnh vực. Thái độ im lặng của cậu Xã làm cụ Tổng càng giận. Định mời nó đến cho ăn một bữa nho chùm. Cụ tính toán mãi chưa được kế gì. May mắn đứa cháu đích tôn ăn đầy tháng. Cụ Tổng nhắc khéo đứa con trai mời ban trật tự trại tới ăn mừng. Cụ Tổng soạn sẵn những câu móc họng chí tử nho nhe, cốt hạ nhục cậu Xã sát ván. Cậu Xã được mời thì vui ra mặt vì từ trước tới giờ cậu mong mỏi có lần được ngồi chung chiếu với chánh tổng. Nay cơ hội đến cậu ngang nhiên ngồi chung mâm, được thiên hạ trọng vọng ngang hàng chánh tổng. Cậu mường tượng ra những li rượu đầy tới vành ngang nhiên mời chánh tổng cụng li. Cái ao ước từ bắc vào nam nay đã đến. Mộng tưởng trước kia nay hóa thành sự thật nên cậu vui thấy rõ. Hàng đêm cậu mong mỏi, suy đi nghĩ lại lời mời của cụ tổng. Một hôm mặt cậu đăm chiêu, ít nói, ít cười, không ai hiểu chuyện gì xảy ra cho cậu xã. Suốt mấy đêm qua ôm mộng ngồi chung mâm với chánh tổng. Suy cho kĩ cậu luận ra cái thâm ý xỏ lá của chánh tổng. Cậu Xã được chánh tổng mời mà bụng đầy căm tức vì cậu nghiệm ra không phải chánh tổng đứng ra mời mà là con trai lão. Xỏ lá thật thế ra lão đối xử với mình ngang hàng với con trai lão. Phía chánh tổng cũng vui vẻ khi nghe tin cậu xã nhận lời đi dự tiệc cháu đích tôn. Dưới mắt cụ Tổng cậu Xã là đứa trẻ con, dốt thơ văn, ăn nói tuy có trôi chảy, bài bản, lanh lợi nhưng ít xài nho, hán tự nên bài văn không có chiều sâu. Đối với đại chúng thì nhờ vào cách ăn nói mộc mạc, huỵch toạc móng heo dân chúng dễ hiểu nên được đại chúng ca tụng. Chính vì thế mà chánh tổng thấy mình là bóng mờ trong dân nên tức khí tìm cách chơi cho cậu Xã mấy ván để dân chúng biết ai thực tài, ai giả hiệu, ai thâm sâu, ai trôi nổi, ai thâm thúy, ai hời hợt bên ngoài. Xã thì chê Tổng hủ nho, hết thời, già cỗi, cổ lỗ sĩ, không thực tế, tổng đang sống trong nam chớ không phải ngoài bắc. Di cư mà để quên hành lí quyền hành trên đất bắc còn phách lối gì. Đối lại Tổng chê Xã trẻ con, mê tửu sắc, không theo luật làng phép nước, xu thời nịnh trên đè dưới, thiếu tài, thất đức.
Những ngày sống trong xóm Bình Khang dậy cậu Xã bao nhiêu là mẹo vặt. Cậu học cách ăn nói lắt léo của bao nhiêu con buôn, bao nhiêu người đến nhờ vả cậu trong cách họ dối trá, lường gạt. Những mánh mung đó cậu học được của mọi giai cấp. Cậu cũng học được cách vay mượn tiền bạc đầu làng trả cuối thôn để lấy tiền đầu. Cậu học cách khất nợ, cách nịnh bợ lấy lòng người trên, cách sai khiến kẻ dưới hy sinh cho đàn anh đến chết vẫn chưa mở mắt ra mà còn vui vẻ xin chết thay cho đàn anh. Cậu chưa học đến mức siêu đẳng nhưng cũng vào hạng thượng thừa đủ sức đương đầu với những mưu kế của chánh tổng. Cậu chỉ thua chánh tổng khi ông ta xổ nho, văng nôm ra còn ngoài ra cách giao tế, cách sống, cách hòa đồng, tài lãnh đạo đàn em, chánh tổng hẳn là thua cậu về nhiều mặt. Cứ nhìn cách cậu xử dụng lũ con nít, đám thanh niên choai choai làm tai mắt cũng đủ biết cậu khéo dùng người. Cứ nhìn cách nịnh hót của cậu với các cố đạo đủ biết cậu ma le che mặt nạ như thế nào. Cứ nhìn cách đáp lễ vui vẻ bên ngoài trong khi trong bụng giận bầm gan, tím ruột đủ đoán tài đóng kịch của cậu.
Đúng ngày mừng sinh nhật cháu đích tôn, cụ Tổng từ sáng sớm xốn sang, tay cầm quạt phe phẩy ngồi ở bàn cỗ cao nhất, trịnh trọng trong tư thế ông cố trong dòng tộc. Xã được xếp ngồi cùng bàn phía đối diện cụ Tổng nhưng cái ghế của Xã lại thấp hơn vài ba phân. Cụ không dám cho cao thấp rõ quá sợ Xã nhìn thấy không ngồi thì nguy to, tiệc chưa bắt đầu đã xảy ra chuyện đôi co vừa mất vui vừa lo ngay ngáy trong lòng. Cụ chỉ muốn ghế của Xã thấp hơn vài ba phân để không ai để ý thấy cái khác biệt đó, ngoài những người chủ tâm hạ nhục xã. Mục đích chính là cụ muốn cho Xã hay, ở thời nào cũng vậy, Tổng bao giờ cũng cao hơn Xã vài ba bậc, chứ không ngang hàng. Trong cái thế giới của giai cấp cao hơn người một phân đã có quyền kẻ cả. Đàng này Tổng cho mình cao hơn Xã ba bậc đủ biết xã chỉ đáng hàng con cháu. Người tham dự tiệc không thể biết cái âm mưu của cụ Tổng. Cụ đinh bụng khi tiệc xong lúc đó mới phao tin ra cho cậu Xã biết. Lúc đó thì quá trễ nên chỉ còn ôm hận để đời. Lúc đầu cụ tính gần tàn tiệc thì tung tin đó ra nhưng suy đi nghĩ lại tung cái tin vào lúc xã say mèm nó mượn cớ say rượu nện cho Tổng một trận thì chỉ có thiệt thân. Thâm ý cụ là dậy cho xã bài học biết trên, biết dưới. Xã tuần không thể ngang hàng với chánh tổng được.
Về cách xếp đặt thì như thế. Về giao tế trong bữa tiệc cụ suy nghĩ những câu nói kháy về đứa con nít ham ăn, mê uống, thích được ca tụng, vỗ về. Những câu trên cụ lập đi lập lại cho thật trơn tru để khi cơ hội đến là xổ ngay ra không phải ấp úng như chó hóc xương. Cụ cũng chuẩn bị những câu trả lời khéo vừa đấm vừa xoa cho xã một bài học nên người.
Tiệc chuẩn bị xong. Chờ đến gần 12 giờ trưa, cụ dục con cháu bắt đầu tiệc mừng. Ai đến trễ thì đành lỗi phép vậy. Thực ra cụ đinh ninh thế nào Xã cũng đến, nên bắt đầu sớm mấy phút còn lấy cớ phun ra vài câu nho móc méo gọi là khai vị. Vừa coi xã đến sau phạm ngay phải câu ‘trâu chậm uống nước đục’. Thâm ý cụ dậy cho Xã bài học sơ đẳng dân gian ai cũng biết câu ‘ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau’. Trước đó vài hôm cụ chuẩn bị dậy đám cháu thuộc lòng câu vè ấy bằng lối hát chèo cổ. Bọn cháu trẻ được lệnh khi nào cụ phe phảy quạt là đồng loạt hát câu vè đó lên. Chính vì thế mà cụ cho khai tiệc sớm hơn mấy phút. Ngồi trên ghế chủ tọa mắt cụ luôn ngó ra đường mong đứng, mong ngồi cho xã tuần vừa bước vào cổng là cụ múa cây quạt cho bọn trẻ đồng ca. Xui cho cụ Tổng, đúng giờ cậu Xã cho người đến cáo bệnh không đến. Cậu tính không đến nên tối hôm trước cậu tổ chức bữa nhậu lu bù định hôm sau ở nhà ngủ cho khỏe. May mắn thay ngày hôm sau cậu bị tháo dạ vì đêm qua quá chén món thịt chó nước dừa thiu nên cậu nằm liệt vừa thổ vừa tả. Dù không tới được cậu Xã cũng cẩn thận gởi tới món quà mừng đích tôn cụ Tổng. Đang nóng lòng, thấy món quà mừng, cụ Tổng dằn lòng không đặng liền nói khéo úp mở để cho cháu mở quà. Gói quà mở ra, cụ không thèm để ý đến quà mà chỉ dán mắt vào cái danh thiếp xem cậu Xã viết lách ra làm sao. Vì cụ Tổng vẫn chê Xã là dốt nho. Cụ Tổng liếc nhanh qua cái danh thiếp chỉ hự lên một tiếng rồi gấp quạt quay về chỗ ngồi, không phê phán chi cả. Rõ là cậu Xã chơi khăm cụ Tổng. Viết bằng chữ nho cụ Tổng còn phê bình, chỉ bảo cho đằng này viết chữ quốc ngữ thì cụ Tổng lại mù tịt, không rờ vào đâu được.
Lm Vũđình Tường
0 nhận xét:
Đăng nhận xét