Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Mẹ là dòng suối ngọt ngào


 Tôi đến Huế vào những ngày giữa tháng 8, những ngày nóng nhất trong năm, gió Lào thổi phần phật nhưng chỉ toàn là hơi nóng, người ở Huế đã quen và có thời gian tiếp cận từ từ với cái nóng, người phương xa đến dễ mệt vì đột ngột đối diện với loại khí hậu này.
Tôi đã “biết” Huế vì đã có thời gian ở Huế, không dài nhưng đủ để thấm cái nóng mùa hè, cái lạnh mùa đông. Hè sang, một ngày tắm mấy lần cũng không đủ mát, quần áo giặt xong phơi lên đọc chưa xong 50 kinh đã khô. Đông về mưa rơi dai dẳng, gió lạnh thổi từng cơn cuốn từng đám bụi mưa thốc vào trong người, có khi cả tuần mưa không tạnh, đất đường nổi lên một lớp sình. Ngày ấy tôi loay hoay không biết làm sao để khô quần áo đã giặt, người ta chỉ tôi quạt một nồi than, úp cái thúng lên rồi phơi quần áo, khô nhưng ám đầy mùi khói, còn tệ hơn không có quần áo khô.

Năm nay Nhà Dòng tôi mừng Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Huế 50 năm ngày cung hiến ( 1962 – 2012 ), anh em đổ về từ nhiều nơi để chung vui. Ngày thường Tu Viện rộng thênh thang im ắng, những ngày này tự nhiên đông đảo hẳn lên, vui vẻ ồn ào, sống giản đơn chân thành với nhau, mỗi người một cái ghế vải, thế là đủ, ngả chiếc lưng qua đêm, ngày mai lại tiếp tục vui. Nhà vệ sinh chung cuối hành lang sáng nào cũng phải… xếp hàng, sân phơi quần áo không tìm được chỗ trống. Khó khăn một chút nhưng đong đầy tình đệ huynh.
Năm nay tại La Vang có ngày lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Vương Cung Thánh Đường kính Đức Mẹ, hằng năm vào ngày lễ Mẹ Lên Trời, các tín hữu thường kéo nhau về La Vang kính Đức Mẹ, năm nay người ta đến nhiều hơn, ngay từ đầu tháng tám đã có nhiều đoàn đến La Vang, mỗi ngày trung bình khoảng 300 người, càng gần ngày lễ càng đông hơn, cao điểm là ngày 14 và 15, ước chừng khoảng 200.000 người hiện diện mỗi ngày ( http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20120816/17791 ).
Về vị trí, La Vang – Quảng Trị nằm ngay giữa đất nước theo trục Bắc Nam, vì thế rất tiện lợi cho tín hữu của cả hai miền. Phi trường Phú Bài ( Huế ) cách La Vang khoảng 80 cây số, La Vang cách trung tâm thành phố Huế 58 cây, đường tương đối tốt. La Vang nằm trong tuyến du lịch miền Trung, chuyến đi đôi ba ngày có thể viếng thăm Đà Nẵng, Huế, La Vang, Phong Nha ( Quảng Bình ).
Linh địa La Vang thu hút khách hành hương làm các điểm du lịch miền Trung thêm nhộn nhịp, Quảng Trị đất khô cằn cháy bỏng có cơ hội phát triển kinh tế nhờ khách hành hương. Có những điểm khách hành hương hay dừng nghỉ, đa phần khách không phải là những người giàu có nên chọn điểm dừng là một bài toán kinh tế và tâm linh. Nhà Thờ Phù Mỹ ( Qui Nhơn ) là một điểm dừng nổi tiếng, vì ai cũng có thể dừng được và dừng bất cứ lúc nào cũng có phục vụ ăn uống, dù là nửa đêm.
Hơn 30 năm trước Nhà Thờ Phù Mỹ chỉ là một căn nhà hoang vắng giữa bãi tha ma, bây giờ đã là một Giáo Xứ khang trang thoáng mát, có nhà cho khách hành hương trú qua đêm, đông quá thì kéo nhau lên nghỉ ngay trong Nhà Thờ, có sân bãi cho xe khách đậu dừng. Cha Sở, một anh em DCCT chúng tôi, quanh năm với chiếc áo thun ngả màu, cái quần “âm lịch” bạc phếch, đi khắp nơi, làm đủ chuyện, kể cả cầm vòi xịt nước rừa nhà vệ sinh. Khách hành hương có ai cần gặp, ngài bảo lên nhà xứ tí nữa ngài gọi cha sở cho, rửa nhà cầu xong ngài để nguyên quần áo ướt như vậy lên gặp, miệng bập bập điếu thuốc rê Bình Định chính cống, khiến nhiều người một phen thót tim.
Còn ở Huế, hiểu được hoàn cảnh của khách hành hương, nhận thấy vị trí thuận lợi chúng tôi đang có, chúng tôi quyết định xây nhà cho khách hành hương tại DCCT Huế, một dãy nhà dài hai tầng đơn sơ thôi, một khu vệ sinh tắm giặt cho 100 người cùng một lúc. Linh Mục Tu Sĩ thì nghỉ trong Tu Viện với chúng tôi. Những ngày cao điểm, khách trải chiếu nằm cả trong và đầy hai hành lang Nhà Thờ. Sân Nhà Thờ đầy xe đầy người như những ngày lễ hội.
Không chỉ chuẩn bị vật chất, chúng tôi, một Linh Mục già ( 90 tuổi ), một Bề Trên chớm già ( 70 tuổi ), và 5 “cha dừa” ( lái lại là… chưa già ), chung nhau đón khách, giúp giải tội để giảm áp lực ở La Vang. Có những đoàn đi với cha sở, nhưng dĩ nhiên họ ngại xưng tội với cha sở của họ, nên rất sẵn lòng “đổ” vào tai anh em chúng tôi nỗi niềm đau thương. Qua kinh nghiệm chúng tôi thấy, có những khách không hẳn là hành hương, chỉ ham vui và muốn thăm viếng các điểm du lịch, họ tham dự vào các đoàn hành hương để có cơ hội đi đó đây, chúng tôi coi họ như là những người Chúa muốn gởi đến cho mình, nên tìm mọi cách để họ cũng được gặp gỡ Chúa.
Ở La Vang, chúng tôi chứng kiến hàng đoàn lũ người kéo nhau đến, họ trải bạt nằm dài trên mọi mảnh đất còn có thể chen nhau được, đơn sơ giản dị với những nắm cơm mang theo, chai nước uống trong túi xách, chiếc quạt không ngừng phe phẩy trên tay, đôi mắt rạng rỡ niềm vui thánh đức. Một điều căng thẳng nhất đối với La Vang là nước, mùa này ở Quảng Trị khô hạn, các con sông nổi tiếng thời chiến tranh như Ái Tử, Thạch Hãn, Mỹ Chánh... gần như trơ cát đáy. Tôi nghĩ, chốn nghỉ ngơi qua đêm của người nghèo, hệ thống vệ sinh công cộng và nước sinh hoạt là các vấn đề cần phải được quan tâm giải quyết cho Trung Tâm Hành Hương La Vang.
Những người đi hành hương La Vang vào mùa khô cháy, họ làm gì vậy ? tại sao ? Họ đi tìm một cảm thức tôn giáo, tìm một điểm tựa tâm linh, tìm một niềm hy vọng. Đức Maria đã trở thành câu trả lời cho sự khát khao tìm kiếm, Mẹ trở thành dòng suối ngọt ngào giữa những khô cằn sỏi đá, hấp dẫn và lôi kéo mọi người, bất chấp những gian khổ, bất chấp hiểm nguy, bất chấp cả những khó khăn đầy rẫy trong cuộc sống, Mẹ vẫn là dòng suối ngọt ngào cho mọi người chúng con.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 26.8.2012
Theo EPHATA số 524

0 nhận xét:

Đăng nhận xét