LTCGVN (01.08.2012)
Có một thực tế dường như trái ngược, một đàng tại các quốc gia…cựu Công Giáo Âu châu như Đức Pháp Ý Tây Ban Nha Ái Nhĩ Lan v.v..đời sống đức tin kể như đã biến mất ( Xem xuanbichvietnam – Vấn đề hôm nay : nạn mù đạo, người lớn là những người đầu tiên phải bắt đầu quay lại trường học ). Nhưng tại những nước …đạo theo như Việt Nam chúng ta chẳng hạn thì phải chăng vẫn cứ…bình chân như vại, có nghĩa chẳng có vấn đề gì cần đặt ra cho đức tin ? Thật sự thì không hẳn vậy, việc canh tân đức tin đã được Đại Hội Dân Chúa ( 21 – 26/11/2010 )nêu lên như một thách đố cần phải vượt qua. Thư Chung HĐGM với nhận định cho rằng hoàn cảnh kinh tế xã hội văn hóa , sự phát triển nói chung hiện nay đã tác động sâu rộng trên đời sống đức tin và luân lý. Đây là một thách đố lớn cho đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. nhưng chính thách đố này lại trở thành cơ hội thuận lợi thúc đẩy Giáo Hội canh tân, tự vấn lương tâm trong tư cách cộng đồng cũng như trong tư cách cá nhân xem chúng ta có thể sống đức tin thế nào cho tốt hơn và thi hành hiệu quả hơn sứ mệnh chúng ta đã lãnh nhận từ Chúa Giesu” ( Nguồn Lamhong.org 01/7/2012– Lm Gioakim Lê Thanh Hoàng – Canh tân đời sống đức tin).
Về sự thách đố này không phải chỉ có riêng với chúng ta nhưng là cho cả Giáo Hội hoàn cầu. Trong Tự sắc “ Cánh Cửa Đức Tin” đức Benedicto XVI nhận xét rằng trong quá khứ người ta có thể nhận ra một hệ thống văn hóa nhất thống, được đa số chấp nhận, có tham chiếu nội dung đức tin và các giá trị được đức tin gợi hứng nhưng ngày nay trong phần lớn các lãnh vực xã hội không còn như thế nữa vì có cuộc khủng hoảng đức tin sâu xa nơi nhiều người” ( Nguồn Simonhoadalat.com ).
Khi nói văn hóa nhất thống được đa số chấp nhận có tham chiếu nội dung đức tin thì nội dung ấy chính là tin vào sự hiện hữu của Đấng Thần linh Tạo hóa ngoại tại. Tin nơi Đấng Tạo hóa là một niềm tin mang tính phổ quát của toàn nhân loại, bất kể họ thuộc truyền thống tâm linh đạo giáo nào, kể cả những người tự nhận mình vô thần. mặc dầu vậy chính niềm tin ấy lại gây ra biết bao chia rẽ đối kháng và sự đối kháng dữ dội nhất lại diễn ra ngay giữa các tôn giáo cùng một thống hệ gọi là Thiên Chúa Giáo = Do Thái giáo Hồi giáo Ấn Độ giáo và Công Giáo. Đặc biệt trong số những tôn giáo này thì sự đối kháng có tính thần học của Công Giáo là gay go nhất mà khởi đầu là nhóm Bách Khoa ( Encyclopedie ) do Diderot ( 1713 – 1784 ) khởi xướng. Thế kỷ 18 đầy biến động về mặt tư tưởng này còn được mệnh danh là thế kỷ Ánh Sáng tức là giai đoạn ngự trị của lý trí hoàn toàn đối nghịch với đức tin Công Giáo’
Sự đối nghịch ấy diễn ra ngày càng dữ dội cùng với các triết thuyết hiện sinh của F. Nietzche J.P. Sartre, phân tâm học của S.Freud, vô thần duy vật của Mac Engel v.v…đã khiến cho sự chống đỡ của Công Giáo hầu như kiệt lực. Tuy nhiên điều nguy hại nhất cho đức tin lại không do các thế lực sự dữ đó mà là của chính Thần học với chủ trương Tục hóa của mình. Tục hóa sẽ là một tiến trình không thể đảo ngược bao lâu thần học vẫn chưa thoát khỏi sự trói buộc của quan niệm đấng Thần linh tạo Hóa. Tại sao ? Bởi vì Thần linh Tạo Hóa trước sau vẫn chỉ là một quan niệm mà hễ là quan niệm thì tuyệt nhiên chẳng dính dáng gì đến Thiên Chúa của Thực Tại như Ngài Là ( Ego sum qui sum - Xh 3, 14 ).
Đức tin chỉ thực sự cần thiết cho một thực tại không ai có thể nhận biết ngoại trừ Đức Kito và những kẻ Ngài muốn mạc khải “ Cha Ta đã giao mọi sự cho Ta. Ngoài Cha không ai biết Con. Ngoài Con Con và người nào mà Con muốn mạc khải cũng không ai biết Cha” ( Mt 11, 27 ). Tín hữu chúng ta hàng ngày vẫn đọc Kinh Lạy Cha, thế nhưng để nhận biết Thiên Chúa đích thực là Cha thì đó lại là một việc hoàn toàn khác. Đức Kito là Đấng cứu Độ và sự cứu độ ấy chính là để cho chúng ta là thân phận tội lỗi lại được trở nên bạn hữu với Ngài “ Chẳng ai có sự thương yêu lớn hơn là bạn hữu mà bỏ mạng sống mình. Ví thử các ngươi làm theo những điều Ta truyền cho thì các ngươi là bạn hữu của Ta. Ta chẳng còn gọi các ngươi là tôi tớ nữa vì Ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều đã nghe ở nơi Cha Ta” ( Ga 15, 14 -15).
Sở dĩ Chúa nâng ta từ kẻ tội lỗi đớn hèn trở nên bạn hữu là vì Ngài đã mạc khải ( tỏ ) cho ta biết về Đấng Cha. Nói cách khác chính do nơi mạc khải đó mà ta mới có thể sống đạo làm Con Chúa, làm anh em với Ngài. Nhận ra như vậy để thấy rằng toàn bộ việc gọi là sống đạo của tín hữu chúng ta từ trước tới giờ thực sự vẫn chưa có chi để gọi là “ SỐNG”. Giáo sư Nguyễn Khắc Dương, một tân tòng đầy nhiệt huyết đã nhận định về vấn đề này như sau “ Hình như người Công Giáo VN chỉ mới có lòng sùng đạo ( religieux, prieux). Có thể là quảng đại sẵn sàng hy sinh tài sản thì giờ sức lực nhưng mới chỉ là giữ đạo chứ chưa thể hiện đạo, nghĩa là chỉ đặt nặng về phụng tự ( Culte) và luật lệ chứ ít thấy có một đời sống nội tâm thiêng liêng sâu sắc ( vie interieure, spirituelle) ( Nguồn Lamhong.org đã dẫn 01/7/2012).
Sống đạo khác với giữ đạo ở chỗ, một đàng là sống ( thể hiện ) điều mình tin, một đàng là chỉ giữ các luật đạo cách máy móc mà chẳng hiểu ý nghĩa của nó là gì. Điều này cũng có thể ví như ăn và cách thức ( phương pháp ) ăn. Chỉ ăn mới no chứ dù có biết…cách ăn giỏi đến đâu nhưng nếu không ăn thì không thể no. Tôn giáo là đường tâm linh mà mỗi người cần phải thực hiện lấy cho mình, không ai có thể làm thay cho ai. Lý do không thể làm thay bởi Đạo Chúa là Đạo Đức Tin và đức tin ấy là tin vào Đấng Chúa ở nơi chính mình “ Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi nhận Giesu là Chúa và lòng ngươi tin Thiên Chúa đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu” ( Rm 10, 8 -9).
Tin Đấng ở nơi mình và thể hiện đức tin ấy ra bên ngoài bằng lời nói việc làm sẽ được cứu thoát, đó phải chăng là toàn bộ công cuộc canh tân đức tin của Giáo Hội hôm nay ?
I/- Canh tân đức tin để trở về với Thiên Chúa là Cha
Đạo Chúa là đạo đức tin và đức tin ấy từ thời các tổ phụ đến nay không bao giờ thay đổi, Tuy nhiên một khi đức tin không thay đổi thì làm sao có thể canh tân tức đổi mới ? Sự thật thì đức tin không thay đổi mà chỉ thay đổi về nhận thức. Trước đây do bởi ảnh hưởng sâu đậm của duy lý thế nên Thiên Chúa đã chỉ được biết đến như một quan niệm chứ không phải thực tại. Quan niệm hoàn toàn không phải thực tại. đó chẳng qua cũng chỉ là một thứ ký hiệu chỉ đường chứ không phải con đường. Nếu chỉ căn cứ vào ký hiệu mà không chịu bước đi trên đường thì chẳng bao giờ có thể đến cái nơi mình muốn đến. Cùng một ý nghĩa như vậy Thiên Chúa nếu chỉ được biết đến như quan niệm thì làm sao ta có thể gặp gỡ kết hợp với Ngài ?
Gặp gỡ Thiên Chúa đó là đích điểm con đường tâm linh cần hướng tới, thế nhưng để đi trên con đường này là điều rất khó và cũng chính bởi khó nên mới phải cần đến đức tin. Đức Kito là Đấng đến thế gian để mạc khải về Đấng Cha và Ngài đòi buộc con người phải hết lòng tin vào Ngài “ Ai tin Ta chẳng phải tin Ta nhưng là tin Đấng đã sai Ta. Còn ai thấy Ta tức là thấy Đấng đã sai Ta. Ta là sự sáng đến thế gian hầu hễ ai đã tin Ta thì chẳng cứ ở trong tối tăm” ( Ga 12, 44 -46).
Thiên Chúa là Đấng Vô Sở Bất Tại có nghĩa không ai có thể hình dung hay quan niệm được Ngài. Thánh Augustino nói “ Nếu anh hiểu được Ngài thì đó không phải là Ngài” ( Si tu comprends ce n”est pas lui ). Chúng ta không thể hiểu cũng như diễn tả được Thiên Chúa mà chỉ có thể tin nơi mạc khải của Đức Kito để trở về bởi vì Ngài là Sự Sống của mỗi người “ Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacop. Ấy Ngài chẳng phải là Thiên Chúa của kẻ chết đâu bèn là của kẻ sống. Bởi ai nấy cũng đều vì Ngài mà sống” ( Lc 20, 37 -38).
Chẳng cứ chi con người mà toàn thể sinh linh vạn vật cũng đều bởi Thiên Chúa mà sống vì Ngài là bản thể, là yếu tính của muôn loài. Yếu Tính ấy Thánh Gioan Tông Đồ cho đó là Tình yêu “ Hỡi kẻ yêu dấu chúng ta hãy yêu thương nhau vì sự thương yêu đến từ Thiên Chúa. Hễ ai thương yêu thì sanh bởi Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa. Ai chẳng thương yêu thì không nhận biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình yêu. Sự thương yêu của Thiên Chúa bày tỏ ra trong điều này đó là Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài đến thế gian hầu cho chúng ta nhờ Con mà được sống” ( 1Ga 4, 7 -9 ).
Để có được Sự Sống Tình yêu Thiên Chúa nơi mình chúng ta cần phải nhờ vào lòng yêu mến Chúa Giesu Kito bằng cách thực thi giới răn của Ngài “ Nếu ai thương yêu Ta thì giữ các giới răn Ta. Cha Ta sẽ thương yêu người. Chúng ta đều đến và lập cư với người” ( Ga 14, 23)
II/- Canh tân đức tin và việc truyền giáo
Vấn đề Đại Hội Dân Chúa đề ra là làm sao để có thể sống đức tin tốt hơn và thi hành hiệu quả hơn sứ mệnh được Chúa giao phó. Ở đây ta thấy tuy là hai phương diện khác nhau nhưng không thể tách rời, lý do bởi vì sứ mệnh đượic trao ấy chính là việc rao giảng Tin Mừng. Chúa Kito Phục Sinh truyền cho các tông đồ “ Hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu. Còn ai không tin thì bị định tội” ( Mc 16. 15 -16). Tin là điều kiện tiên quyết để được cứu, thế nhưng tin làm sao được nếu người rao giảng lại không sống điều mình tin ?
Phải sống điều mình tin thì việc rao giảng mới có thể kết quả, vậy điều tin ấy là gì ? Xin thưa đó là tin vào Tin Mừng của Đức Kito “ Thời đã mãn Nước Thiên Chúa đã gần, các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15 ). Chúa rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa và các tông đồ nối tiếp sứ mạng ấy cũng chỉ rao giảng có một Tin Mừng này, ngoài ra đó là một thứ Tin mừng khác không phải là Tin Mừng của Đức Kito “ Tôi lấy làm lạ cho anh em sao lại lìa khỏi Đấng đã kêu gọi anh em bởi ân sủng của Đức Kito mà theo Tin Mừng khác. Nhưng không có Tin Mừng nào khác đâu. Chẳng qua là có mấy kẻ quấy rối, muốn canh cải Tin Mừng của Đức Kito đó thôi. Nhưng dẫu chúng tôi hoặc thiên sứ trên trời giảng cho anh em một Tin Mừng nào khác với Tin Mừng mà chúng tôi đã rao giảng thì người ấy đáng bị nguyền rủa” ( Gal 1, 6 -8).
Vào thuở sơ khai Giáo Hội mà Thánh Phaolo đã phải cảnh giác mạnh mẽ như thế chứng tỏ việc rao giảng Tin Mừng thật khó có thể tránh được sai lạc. Lý do bởi vì Nước Trời mà Đức Kito rao giảng là nước nội tại “ Người Pharisieu hỏi Chúa Giesu về Nước Thiên Chúa chừng nào đến. Ngài đáp Nước Thiên Chúa không đến cách mắt thấy được. Người ta cũng không thể nói đây này hay đó kia, vì này Nước Thiên Chúa ở trong lòng các ông” ( Lc 17, 20 -21). Không thể nói Nước Thiên Chúa ở đây hay ở kia bởi vì nước ấy mặc dù siêu vượt thế giới hiện tượng nhưng mầu nhiệm thay lại hiện hữu đầy đủ trong tâm mỗi người. Nước Thiên Chúa, Nước ĐCT, Nước Trời v.v..đó chỉ là những danh xưng khác nhau ám chỉ cho cùng một thực tại Tâm bất sinh bất diệt. Thực tại Tâm ấy nếu con người có lòng tin cùng với sự ăn năn sám hối thì sẽ có được niềm vui cao cả. Tin vào Tin Mừng là niềm vui không gì sánh được, Chúa ví nó như của báu chôn trong ruộng có người tìm được thì yểm đi, vui mừng mà bán hết gia sản mình rồi mua lấy ruộng đó” ( Mt 13, 44).
Của báu là Nước Trời còn ruộng là Tâm, tìm được của báu tức là Ngộ ( giác ngộ) được Nước Trời ở nơi mình. Một khi đã ngộ được Nước Trời ấy rồi thì đồng thời cũng nhận ra được rằng người với ta tuy hai mà một, tuy một mà hai. Là một bởi vì tất cả đều được dựng nên giống Hình Ảnh Thiên Chúa ( St 1, 26). Còn là hai bởi vì khác nhau về chủng tộc, giới tính, văn hóa, tuổi tác v.v.. Bao lâu con người chỉ thấy có sự khác biệt mà không nhận ra sự là một ấy thì bấy lâu vẫn còn sống trong tội và gây ra muôn vàn khổ đau cho nhau. Sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội từ trước tới giờ sở dĩ có thể đạt được kết quả lơn lao như thế chính là nhờ có những con người tông đồ dám tin và sống niềm tin Nước Trời ở nơi mình để rồi đem Tin Mừng ấy rao giảng cho muôn dân thiên hạ những người còn sống trong tăm tối lầm lạc chưa nhận biết Chúa ở nơi mình ./.
Phùng văn Hóa
Tác giả gửi trực tiếp cho Lương Tâm Công Giáo Việt Nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét