LTCGVN (01.08.2012)
Ngày 11.7.2012, Vietcatholic có loan tin:
Cụ Phaolô Kiều Duy Vĩnh đã được Chúa gọi về lúc 4 giờ chiều ngày thứ bảy ngày 7 tháng 7 năm 2012. Thánh Lễ An Táng cử hành lúc 10 giờ sáng nay, ngày 9 tháng 7 năm 2012 tại Nhà Thờ Giáo Họ Ngọc Lâm, Giáo Phận Bắc Ninh, do Linh Mục Ða Minh Vũ Quang Mỹ chủ sự. Ông Kiều Duy Vĩnh, 81 tuổi, cựu học sinh Bưởi – Chu Văn An, đã từng học cùng khóa Võ Bị Sĩ Quan Ðà Lạt với ông Nguyễn Cao Kỳ. Khi đất nước chia hai năm 1954, ông đã quyết định ở lại miền Bắc. Cha ông bị đấu tố, tử hình vì bị quy cho tội địa chủ. Còn ông thì bị tù tổng cộng 17 năm.
Các năm tù đày được ông kể lại trong các hồi ký viết khá vắn tắt nhưng những ai đọc khó tránh khỏi xúc động. Sự can đảm cực độ của các tù nhân Giáo Dân, Tu Sĩ, Linh Mục Công Giáo mà ông gọi là các “Thánh Tử Đạo” được ông kể lại trong các hồi ký với sự ngưỡng phục. Ông không phải là tín đồ Công Giáo. Ngày 14.3.2011, khi đã 80 tuổi, ông mới đón chịu Phép Rửa. Ông đã viết về những bạn tù Công Giáo bằng những lời lẽ đầy thán phục: “Tôi đã thật sự gặp các vị Thánh Tử Vì Đạo. Các vị Thánh Tử Vì Đạo bằng xương bằng thịt sống cạnh tôi nhiều năm... Tôi vốn xa lạ với các tên Phêrô, Phaolồ và Mađalêna. Nhưng cái tên Ðỗ Bá Lung thì cho đến hết đời tôi không thể nào quên được”.
Ông Kiều Duy Vĩnh và ông Nguyễn Hữu Ðang ( người tù trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm ) là hai người duy nhất sống sót trong số 72 tù nhân bị giam vào một giai đoạn tại Cổng Trời. 70 người đã chết trong giai đoạn đó đều là người Công Giáo. Họ bị giam cầm, ngược đãi và chết trong tù là vì Đức Tin của họ. Lý do sống sót được ông kể lại:“Tôi sở dĩ sống sót là vì tôi không phải là người theo Đạo. Nếu tôi mà đeo Thánh Giá ở ngực và biết câu kinh thì tôi phải chết đã lâu rồi”.
Ông Trần Nhu, cựu tù nhân trong một giai đoạn khác tại Cổng Trời đã viết như sau:
“Trại tù Cổng Trời nằm trong huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nơi có độ cao khoảng trên 1.000 mét so với mặt biển, địa hình chỉ toàn là núi đá có độ dốc khá lớn, thung lũng và lòng suối hẹp, có nhiều núi non hùng vĩ như Tây Sơn cao 2.419m và Kiều Liêu Ti cao 2.402m. Đường giao thông vô cùng khó khăn. Mùa đông nhiệt độ thường là 10 độ C, mùa hè vào khoảng 24 độ C. Bầu trời hầu như quanh năm chỉ có mưa và sương mù. Dân ở đây có những câu: Cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời. Thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày. Đất không ba tấc bằng, trời không ba ngày nắng. Tỉnh Hà Giang còn có nhiều trại tù khác như Quyết Tiến, Xuân Giang, Hoàng Su Phì. Rất nhiều tù nhân ở Hà Giang khi trở về vẫn không thể xác định được mình bị nhốt ở chỗ nào.
Sự thiếu ánh sáng mặt trời kinh niên của vùng Hà Giang, cho đến cảnh hoang vu man dại của sự vật, như được xếp đặt có trật tự, nằm sâu trong những thung lũng hun hút. Bao quanh là những dẫy núi đá cao sừng sững toát ra hơi lạnh, quyện với sương lạnh âm u. Khi màn đêm buông xuống, rừng hoang như một giải đen bạc rộng không bờ, không khí lạnh tanh ngự trị. Thỉnh thoảng một tiếng kêu, một tiếng gầm gừ của hổ báo, một tiếng chân chạy của nai hay hoãng, tiếng gẫy của một cành cây khô khốc. Rồi tiếng cú rót vào trong thung lũng, con này theo con kia rúc mãi không thôi.
Đáp lại tiếng cú rúc, trong thung lũng phát ra những tiếng rú nghẹn ngào thảm thiết ớn lạnh và tiếng rên xiết hòa với gió, lẫn với tiếng loảng xoảng của xích xiềng, tiếng quen biết thì thào, chào mời của thần chết, và tiếng xào xạc của lá rừng, tiếng ngao du của một vài loài thú lạ. Những tiếng đó không thoát ra khỏi rừng sâu, núi cao hiểm trở. Tiếng đó tách ra khỏi thế giới ngoài đời. Tiếng chết chóc vắng ngắt. Tất cả chúng thì thầm nói với đời sống ở đây: Không về !”
Trong tiểu thuyết hư cấu mang tựa đề “Một Ngày Dài Hơn Thế Kỷ” của nhà văn Liên Xô Chingiz Aitmatov http://songhuong.vn/module,product/file,detail/alias,mot-ngay-dai-hon-the-ky/index.html có nói về một tập tục của một bộ lạc hành hạ tù nhân của phe thù địch một cách hết sức độc ác man rợ bằng cách lấy da lạc đà nung nóng lên rồi chụp lên đầu họ. Ngoài đau đớn kinh khủng phải chịu đựng, nếu không chết tù nhân sẽ bị điên loạn và mất luôn trí nhớ để ngoan ngoãn trở thành những con chó tuyệt đối trung thành với chủ mới. Điều tưởng chừng chỉ có trong trí tưởng tượng vủa Aitmatov, theo như Trần Nhu tiết lộ, tại trại Cổng Trời trong thế kỷ 20 vẫn còn có nhiều tù nhân cũng bị hành hạ như vậy.
“Ở ngay góc tay mặt hàng rào, nơi giáp ranh giữa khu A và khu B là hai gian nhà chứa xác chết, làm bán mái, rất thấp, thấp lắm. Có cổng nhỏ ra phía ngoài “cổng hậu”, như vậy địa điểm nhà chứa xác được chọn quá khéo. Thật thuận tiện cho các khu kéo xác tới, cũng như việc lôi xác ra ngoài bìa rừng. Lại một lựa chọn khôn ngoan hơn nữa, là nó đối diện với nhà “giáo dục”.
Cách đó không xa lắm, căn nhà này hình chữ nhật chiều dài ước chừng 14m, rộng 7m, khoảng ấy được ngăn ra làm hai. Ngăn ngoài có đặt một chiếc bàn gỗ mộc và một ghế tựa chắc nịch. Ở chính giữa, đối diện với chiếc ghế đẩu thấp, đặt ở sát chân tường. Phòng này có hai cửa sổ tương đối lớn, nhưng rất ít khi mở, và một cửa nhỏ thông sang phòng bên. Sang phòng kế, trong phòng cũng có một bàn gỗ, hình chữ nhật khá lớn và chắc chắn, được đặt sát vào vách tường, trên bàn bày ngổn ngang những dụng cụ tra tấn như kìm, búa, dùi sắt, dùi tre, mũ gò bằng tôn sắt, loại tôn dầy, vài cuộn dây rừng v.v… trên trần nhà có một xà ngang, được đóng hai móc sắt ở khoảng giữa, chiếu xuống đúng cái phản gỗ.
Trông cái phản giống hệt phản hàng thịt ở chợ. Nhưng được làm bằng loại gỗ rất tốt, tấm phản có khoan khá nhiều lỗ thủng, dùng để xỏ dây trói tù, bốn chân phản chôn chặt xuống đất. Về mùa nóng cũng như mùa lạnh, phòng này vẫn có một lò than, dùng để nung dùi và mũ sắt. Mũ gò bằng tôn sắt, giống như chiếc mũ cối của bộ đội, mũ được nung đỏ rồi trói tù lại chụp lên đầu, làm cho người tù kêu rú rống không còn gì cảm giác rùng rợn hơn. Rồi số phận nạn nhân sẽ ra sao? Điên loạn đau đớn đến mức độ nào ? Hãy tưởng tượng hình dung sẽ thấy…” ( Hết trích hồi ký Trần Nhu )
Và cuộc sống bên trong Cổng Trời được ông Nguyễn Hữu Đang, một trong những người tù nổi tiếng nhất miền Bắc, tóm gọn như sau: Trại này có truyền thuyết là đã “vào thì không ra”, đến đây là phải bỏ xác chứ không hy vọng gì để trở về với gia đình. Trại Cổng Trời là một lò sát sinh đầy bí mật, tàn bạo và khoa học đã bí mật chôn vùi nhiều Tu Sĩ và Linh Mục Công Giáo.
Một tù nhân nổi tiếng khác là Nguyễn Chí Thiện kể lại: “Ăn thì ăn đói không có gì cả. Đói điên cuồng, đói quá hóa điên. Ai trải qua rồi thì mới thấy nó khủng khiếp. Có những thanh niên không chịu được đói đập đầu vào tường để tự tử. Có người dùng mảnh chai cắt veine để cho máu chảy ra mà chết. Tôi chứng kiến nhiều trường hợp như thế, đói một cách kinh khủng.”
Trần Quốc Định kể rằng: “Chúng tôi đói đến nỗi phải sàn phân mà ăn. Là vì ăn hạt bo bo của Ấn Độ, mà bo bo thì cứng lắm thanh niên như tôi mà nhai còn nhủng nhẳng thì huống chi mấy ông già, nhai kỹ bao nhiêu thì vẫn còn phân nửa. Một nửa còn lại nguyên si nó vào xong nó lại đi ra. Mà phân thì lại không có mắm muối, cá thịt gì nên không hôi thối. Do đó các người đói quá sau khi những người tù đi ngoài thì họ vào họ xúc phân đó. Những toán đi ra ngoài đồng đem xuống suối rửa sạch rồi hầm lại và ăn lại cái bo bo đó !”
Giáng Sinh 1959, Linh Mục GB. Nguyễn Văn Vinh còn được gọi là cha Chính Vinh ( Di ảnh bên trái ) cùng với Linh Mục Lương Huy Hân và 68 người gồm Tu Sĩ, Chủng Sinh, thậm chí cả những người hát trong ca đoàn, đã bị bắt và dẫn lên trại giam Cổng Trời. Tất cả 70 người này không ai sống sót trở về, họ chết âm thầm trong tay bạn tù và mãi hàng chục năm sau thân nhân mới hay biết.
Đáng lẽ chúng ta đã không biết nhiều về giai đoạn bị giam cầm và tử đạo của 70 Kitô hữu này nếu không có hồi ký của Kiều Duy Vĩnh viết với giọng văn bộc trực cùng với vốn ngữ vựng và hiểu biết đơn sơ của ông về Công Giáo. Ông đã có ấn tượng rất mạnh về một Giáo Dân tên là Lâm Đình Túy. Xin trích…
“Bác Túy gầy yếu xanh xao. Rất ít nói. Nhìn bác, tôi lại nhớ đến Tu Sĩ Đinh Hiền Lương, Dòng Tu ép xác Châu Sơn, tù ở Cổng Trời với tôi và đã chết. Đầu cũng cắt ngắn gần như trọc, cả ngày chả nói một câu chuyện, cứ ngồi yên lặng lẽ nhìn, nhìn đấy mà chả nhìn thấy gì cả. Nhưng có một điều rất khác. Rất khác là khi làm việc thiêng liêng, bất cứ vào thời điểm nào, ngay cả trong lúc đang làm việc ở ngoài đồng, ngoài trại, bao giờ bác cũng quỳ xuống, kính cẩn cúi đầu như ở trong Nhà Thờ làm lễ. Bác để hết tâm trí vào việc cầu nguyện, lúc đó coi như không còn ai ở chung quanh, kể cả giám thị trại, quản giáo, lính coi tù, bác vẫn quỳ xuống mà nguyện cầu, ngang nhiên làm như thường. Đôi lúc bác Túy có trao đổi với tôi một vài điều, tỷ như:
"Ông có ở tù cùng với cha Hân không ?"
"Có, tôi có được gặp cha Hân và được chứng kiến cái chết của cha Hân ở trong tù."
Lần sau nữa:
"Ông cũng có biết Tu Sĩ Đinh Hiền Lương dòng ép xác Châu Sơn à ?"
"Vâng, tôi có ở trong tù cùng với Tu Sĩ Đinh Hiền Lương và Tu Sĩ Lương đã chết ở Cổng Trời rồi."
Ông hỏi ngắn gọn có thế, và chỉ cần tôi trả lời có thế, và thế là đủ.
Ở tù thì thứ nhất được tha, thứ nhì tiếp tế, thứ ba "ăn mềm" ( thịt ). Được gọi ra tiếp tế, mừng ra mặt. Bồn chồn mong cho chóng đến lượt mình để được gặp người thân và được ăn no. Thế mà có lần tù ở phòng tiếp tế thăm nuôi vào gọi đích danh Lâm Đình Túy ra gặp người nhà. Ông ngước mắt nhìn lên không đáp lại. Người gọi là một tù hình sự nên anh ta văng ngay ra:
"Đ.m. còn chần chờ gì nữa. Nhiều lắm, thấy một gánh nặng cật lực. Nhanh lên đi."
Ông lại ngước mắt nhìn, không nói năng gì. Và rồi ông không ra gặp người thân để nhận đồ tiếp tế. Ở đôi mắt hiền từ của ông, tôi thấy ánh lên một điều quyết định gì đấy, nó giống như ánh mắt Tu Sĩ Đỗ Bá Lung ở Cổng Trời nhìn anh em trước khi đi xà lim và chết !
Noel năm 1973.
Thường thì mọi năm lễ Noel là tù được nghỉ nhưng năm ấy, chính quyền đã ký sắc lệnh không cho nghỉ hay sao ấy. Tù làm sao mà biết được chuyện đó. Thế là sáng ngày 25 tháng 12 năm 1973, kẻng gọi tập hợp đi làm khuya rộn rã. Mọi người nhìn nhau. Các Giáo Dân thì từ chiều hôm trước đã họp mặt tổ chức Lễ Giáng Sinh và đêm Réveillon rồi, mà đến sáng hôm 25 cuộc vui mừng sẽ còn tiếp diễn nữa. Nhưng tiếng kẻng lại giục giã gay gắt hơn. Mọi người rất ngạc nhiên. Nhưng không ai ra tập họp cả. Ban Giám Thị lại xuất hiện, trật tự viên tay sai lố ngố kéo vào. Họ vào từng nhà giam lùa ra tập họp. Nhưng không ai chịu ra cả. Lệnh: "Đánh và lôi chúng nó ra".
Thế là cuộc đàn áp bắt đầu. Lũ đầu trâu mặt ngựa xông vào đánh tù. Tôi nhìn thấy ác ôn Tằng, theo sau là tên tay sai đắc lực nhất: Nhạn Hải Phòng xông vào chỗ bác Túy. Chúng hùng hổ lắm. Trời thì mưa và rét. Rét đến cắt ruột. Hôm ấy rét đến 0 độ và ở Sapa cách đấy độ 20km, có tuyết rơi. Chúng nó lôi tất cả chúng tôi ra sân trại. Những ai bị liệt vào loại cầm đầu, chống bướng thì chúng trói cánh tiên treo tay lên hàng rào dây thép gai.
Trong số bị trói cánh tiên đầu hàng là bác Lâm Đình Túy, đến Tu Sĩ Bạch Duy Vĩnh ( địa phận Xã Đoài ), rồi đến Tu Sĩ Khải ( Nhà Thờ Hàm Long, Hà Nội ), cạnh đó là bác Hải, cha đẻ của Tu Sĩ Khải, nhà ở phố Ngô Thời Nhiệm. Cả hai cha con đều bị bắt đi tù, và ở cùng một trại, nay lại bị đàn áp trói cùng một dây. Đây là một gia đình Công Giáo đáng kính trọng, đáng khâm phục. Bao giờ gặp bác Hải và Tu Sĩ Khải tôi đều kính cẩn cúi chào. Trói cánh tiên có nghĩa là trói quặt hai cánh tay ra sau lưng. Đầu tiên lấy một đoạn dây gai nhỏ trói hai ngón tay cái lại với nhau, rồi đến lấy dây thừng to trói hai cổ tay ngoặt lại với nhau, ngực nhô ra, đầu bị ấn xuống, hai tên ác ôn lôi hai tay treo ngược lên hàng rào dây thép gai.
Tôi nhìn thấy bác Lâm Đình Túy nhắm mắt rũ xuống. Vào đến xà lim độ một tiếng sau thì tỉnh dần lại, và phải đến sáu tháng sau hai tay mới hết tê dại. Vào xà lim hai tay được tự do, thì các chân lại đút vào cùm. Cái cùm cố ý làm bé để co quặp vào cổ chân nghiến nát thịt ra. Cơ thể phản ứng lại và lên cơn sốt. Người nóng hừng hực. Gian xà lim bên cạnh, tôi thấy tiếng Tu Sĩ Bạch Duy Vĩnh gọi thất thanh, hốt hoảng:
"Ông Túy, ông Túy tỉnh lại đi. Tỉnh lại đi."
Không có tiếng trả lời, và một lúc sau, Tu Sĩ báo cho mọi người biết là bác Lâm Đình Túy đã chết. "Các anh, các bác ơi, ông Túy chết rồi." Tu Sĩ Bạch Duy Vĩnh kêu to lên như thế.
Chúng tôi im lặng kính cẩn cúi đầu trước cái chết của Đức Thánh Tử Vì Đạo Lâm Đình Túy. Chúng tôi nhìn nhau đau đớn. Không ai có thể làm gì hơn trong lúc này. Chân bị cùm, cùm nó cắn chân. Thể xác bị hành hạ đánh đập đến tả tơi, mặt mũi xưng vù. Mọi người thoi thóp sống, và tôi, tôi thấy cái chết đã đến gần…
Trên đây là câu chuyện Giáng Sinh của trại tù Phong Quang, Lao Kay năm 1973, 1974, tôi xin chép lại để các quý vị rõ. Những tên người, tên đất, tên trại tù đều là thật, không có hư cấu gì. Vẫn còn đất ấy, song một số trại tù đã giải tán, tù thì có người đã chết, có người vẫn còn sống để kể lại câu chuyện này.” ( Hết trích Hồi ký “Đức Thánh Tử Vì Đạo thứ hai mà tôi được gặp” của Kiều Duy Vĩnh ).
Người Công Giáo, theo lời dạy và gương sáng của Chúa Giêsu, Đấng Chịu Đóng Đinh, không oán thù, không trả thù, nhưng luôn tha thứ. Quan trọng hơn cả là, do ơn Thánh Thần, biết nhìn ra ý nghĩa đích thực của Ơn Cứu Chuộc nơi mọi thăng trầm của kiếp người.
Tôi mới xem một cuốn phim khoa học nói về nỗ lực chứng minh bằng khoa học thực nghiệm về bản chất đích thực của thời gian. Các khoa học gia không thể xác minh được thời gian là một ảo tưởng ( illusion ) hay là một thực tại ( real ) ? Không ai mang thời gian bỏ vào kính hiển vi mà phân tích được. Có buồn cười không, trong khi mọi người đều phải sống trong thời gian, chúng ta đo lường cuộc sống, công việc, các biến cố bằng đơn vị thời gian, nhưng khoa học thực nghiệm lại không thể chứng minh rằng thời gian có thật hay không, hay chỉ là ảo tưởng của chúng ta.
Dù thế nào đi nữa, thời gian không bao giờ dừng lại cho bất kỳ ai. Dù có là vua chúa đầy oai quyền hay một người cùng đinh cùng khổ, ai cũng chỉ sống một lần. Nhưng chết rồi ta sẽ đi về đâu đây ? Chỉ có ở Thập Giá của Chúa Giêsu mới có câu trả lời chung cuộc cho câu hỏi này.
70 vị Linh Mục, Tu Sĩ, Chủng Sinh, Ca đoàn viên, Giáo Dân bình thường đã chịu nhiều đầy ải và sau cùng đã chết tại Cổng Trời vì Đức Tin của mình ( Ảnh chụp Cổng Trời Sapa từ trên cao ). Đó là một điều hồng phúc dưới cái nhìn của Tin Mừng: “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên Trời thật lớn lao. Bởi lẽ các Ngôn Sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.” ( Lc 6, 22 )
Nhưng Tin Mừng còn nói lên một điều nghịch lý khác:
“Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế” ( Lc 6, 24 – 26 ).
Đọc hồi ký của Đào Duy Vĩnh ta không khỏi giật mình. Trong giai đoạn cực kỳ khó khăn của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam với rất nhiều Linh Mục, Tu Sĩ, Giáo Dân bị giam cầm, rất ít Chủng Sinh được chính thức truyền chức, Tu Viện, Chủng Viện bị đóng cửa, nhiều Nhà Thờ trở thành nhà kho hợp tác xã hay lâm vào cảnh xuống cấp trầm trọng, các Đức Giám Mục Tổng Giáo Phận Hà Nội bị cô lập tứ bề, trong hàng chục năm chỉ biết đi lên sân thượng Tòa Giám Mục, đi qua đi lại để lần chuỗi Mai Khôi, nhưng chỉ có rất ít người Công Giáo bỏ Đức Tin dù không được đi lễ Nhà Thờ và học Giáo Lý, Kinh Thánh không có mà đọc, có bạn trẻ còn làm Dấu Thánh Giá với lời"Thanh Tra và Con và Thánh Thần, Amen !” nhưng lại chẳng thấy có mấy ai ly dị, phá thai, các gia đình mỗi tối đều đọc kinh vang rền ( http://hanhtrinhdanchua.net/hvdhdc/huongvedaihoidanchua/4243.html )
Hiện nay với rất nhiều dễ dãi chúng ta đang đi về đâu ? Chúng ta đang trở nên Thánh Thần như thế nào ? Ngày 21.5.2012, một phái đoàn hùng hậu 92 người gồm một số Linh Mục và đa số là Giáo Dân, dưới sự lãnh đạo của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn và Đức Cha Phụ Tá Nguyễn Khảm lên đường đi viếng Đất Thánh ở nước Do Thái. Chi phí cho cuộc hành hương này lên tới trên 9 tỉ đồng Việt Nam. Đó là chưa nói số tiền chi tiêu riêng mỗi người.http://hanhtrinhdanchua.net/hvdhdc/conduonghoithanh/4857.html
Đâu là bản chất của việc vác Thập Giá theo Chúa Giêsu, đâu là hệ quả tất yếu mà người Kitô phải đón nhận nếu không phải là kinh nghiệm của Thánh Phaolô cũng phải là kinh nghiệm của chúng ta: “Năm lần tôi bị người Do Thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi ! Phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng. Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh” ( x. 2Cr 11, 24 – 28 ).
Có lẽ nào có gì sai lạc trong đời sống đạo của ta không ? Trong khi bản chất của việc đi theo Chúa Giêsu là phải vác thập giá như những tù nhân ở Cổng Trời đã phải chịu đựng. Nhưng thực tế thì mọi cái đều trở nên quá dễ dãi với ta, thế gian tâng bốc ta, ta thoải mái tổ chức những đại hội hoành tráng, những tiệc tùng linh đình, vô tư xây dựng nên các Thánh Đường nguy nga, tiến hành các cuộc hành hương hùng hậu tốn kém. Chúng ta còn tự hào rằng thế gian đang nể phục ta.
Có lẽ nào chúng ta không còn là Thánh Thần nơi thế gian nữa chăng ?
NGUYỄN TRUNG, 7.2012
Theo EPHATA số 519
0 nhận xét:
Đăng nhận xét