Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Về mối tương quan Giáo Hội và Nước Thiên Chúa



LTCGVN (16.05.2012) 

Đức Kito Phục Sinh hiện ra với mười một tông đồ, trách họ về sự  cứng cỏi vì không tin những kẻ đã thấy Ngài sau khi  sống lại. Sau đó Ngài phán với họ “ Hãy đi khắp thế gian rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ai tin và chịu phép rửa thì được cứu, ai không tin sẽ bị định tội” ( Mc 16, 14 -16 ).  Tin Mừng Chúa truyền cho các tông đồ hẳn nhiên cũng phải là Tin Mừng mà Ngài  rao giảng đó là Tin Mừng  Nước Thiên Chúa. Vả lại chính  Chúa  cũng xác định  sứ mạng  thiên sai của Ngài khi đến thế gian là để rao giảng Tin Mừng này “ Ta cần phải rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành thị khác vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 43). Rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa do Đức Kito truyền là điều bắt buộc,  bất cứ ai rao giảng một thứ Tin Mừng  khác cũng  đều  bị luận phạt “ Không có một Tin Mừng nào khác đâu, chẳng qua là có mấy kẻ quấy rối anh em, muốn canh cải Tin Mừng của Đức Kito đó thôi. Nhưng dẫu chúng tôi hoặc thiên sứ từ trời xuống rao giảng cho anh em một Tin Mừng nào khác với Tin Mừng mà chúng tôi đã rao giảng thì người ấy đáng bị nguyền rủa” ( Gal 1, 7 -8).

            Đức Kito rao giảng Tin Mừng, Ngài đã chịu nạn chịu chết vì  việc rao giảng Tin Mừng đó để rồi truyền lệnh cho các tông đồ phải làm chứng cho Ngài. Toàn thể các tông đồ không trừ một ai đều là những chứng nhân  can trường và  chết cho sứ mạng rao giảng này. Thánh Phaolo, một tông đồ sinh sau đẻ muộn  thì đã xác nhận  cách mạnh mẽ “ Cũng vì Tin Mừng đó mà ta chịu khổ, rất đỗi bị trói như một tội phạm nhưng Đạo của ĐCT không hề bị trói đâu” ( 2Tm 2, 9).

           Bao lâu còn có những chứng nhân thì Đạo Chúa không thể ..bị trói. Ngược lại Đạo Chúa sẽ bị trói một khi Giáo Hội vắng bóng chứng nhân để chỉ còn là những con người mang danh Kito hữu  nhưng thực sự chẳng hề có Chúa Kito nơi mình.  Trải qua lịch sử hai ngàn năm Giáo Hội  sở dĩ  tồn tại là nhờ ở những chứng nhân trong mọi tầng lớp, trong mọi thời kỳ. Tuy nhiên  dưới ảnh hưởng nặng nề của nạn tục hóa Giáo Hội hiện lâm cơn khủng hoảng  trầm trọng mà nguyên nhân sâu xa  chính là vì  đã không rao giảng Tin Mừng của  Đức Kito về Nước Trời mầu nhiệm. Tục hóa có nghĩa là giải thiêng ( sécularisation ) mà đã giải thiêng thì làm gì còn đâu nữa Nước Trời  mầu nhiệm ?

I/-   Thần học và mối tương quan Giáo Hội – Nước  Thiên Chúa
             Đối tượng của Thần học dĩ nhiên bao giờ cũng phải là Thiên Chúa, thế nhưng trong Khoa thần học Kinh Thánh người ta lại không thể không chạm mặt với một vấn đề khác đó là Nước Thiên Chúa. Trước đây trong nhiều thế kỷ, đề tài Nước Thiên Chúa hầu như không được đề cập cả trong thần học lẫn giáo lý. Thế nhưng trong  thế kỷ vừa qua, đây lại là một vấn đề hết sức gay go khi người ta đòi cần phải phân tách Đức Kito của lịch sử và của niềm tin. 

             Trong Đức Kito lịch sử có thực là Ngài có rao giảng Nước Thiên Chúa và rao giảng trong chiều hướng nào ? Johannes Weiss ( 1863 – 1914 ) cho biết “ Sứ điệp của Đức Kito mang tính khải huyền của người Do Thái hậu lưu đày, nghĩa là Nước Thiên Chúa sẽ đến kèm theo sự can thiệp lạ lùng của Thiên Chúa, thảm họa lớn lao trong vũ trụ sẽ xảy ra và sẽ tiêu diệt nước Satan. Giống như dân Itsraen Đức Giesu cũng mong chờ Nước Thiên  Chúa mau đến. Ngài ý thức mình là đấng Messia và một ngày nào đó ít ra là vào lúc cuối đời Ngài sẽ trở thành Con Người sỡ hữu một vương quốc trường tồn vĩnh viễn. Nhưng tiếc rằng điều này đã không bao giờ xảy ra, Ngài đã  chết trong vô vọng và chỉ đượic coi như một tiên tri, một Messia  trong tương lai mà thôi” ( Xem Nt Maria Đinh thị Sáng – Thời sự Thần Học số 56 tháng 5/2012 ).

             Với Đức Kito lịch sử Nước Thiên Chúa chỉ là …ảo vọng không hơn không kém. Thế nhưng với Đức Kito của niềm tin,  tức của Giáo Hội thì lại khác, chúng ta hãy xem tiếp lý luận “ Dẫu biết  rằng Đức Giesu đã thất bại, các tông đồ và cộng đoàn Kito hữu tiên khởi đã cố gắng nối tiếp sự nghiệp của thầy mình. Họ xem xét  lại sứ điệp của Ngài, áp dụng cuộc canh tân luân lý và hăng say miệt mài rằng Nước Thiên Chúa đã hiện diện rồi. Như vậy cộng đoàn tiên khởi đã làm  một gạch nối giữa lời loan báo Nước Thiên Chúa đã gần kề của Đức Giesu với việc hiện diện của nước  ấy chứ  Ngài đã không  hề thiết lập nước của Ngài” ( Xem Nt Maria Đinh thị Sáng OP –  đã dẫn).

           Lập luận này cho thấy quả thật Đức Kito có rao giảng Nước Thiên Chúa nhưng Ngài không hề thiết lập Nước ấy mà lại  là Giáo Hội. Tất nhiên Đức Kito không bao giờ ngay cả trong ý định…thành lập Nước Chúa ở nơi cõi trần, thế nhưng có đúng là Giáo Hội chủ trương việc ấy hay không ?

          Như đã biết vấn đề gay go nhất đặt ra cho thần học hiện nay đó là về mối tương quan Giáo Hội Nước Thiên Chúa. Người ta đưa ra nhiều…mô hình về Nước Thiên Chúa nhưng ở đây chỉ đề cập tới mô hình Giáo Hội Nước Thiên Chúa ( Ecclesiastical ). Nói đến  Giáo Hội , Nước Thiên Chúa  thì cần phải hiểu có hai thứ Giáo Hội, một là Giáo Hội Lữ Hành và hai là Giáo Hội Hiển Vinh. Sự khác biệt giữa..hai thứ Giáo Hội này đã được diễn giải trong  văn kiện mang tựa đề “ Đặc tính cánh chung của Giáo Hội – Vương quốc Thiên Chúa và Giáo Hội”. Tài liệu này khẳng định Giáo Hội mầm mống và khai nguyên của Vương quốc  Thiên Chúa diễn tả sự duy nhất và khác biệt giữa hai thực tại. Sự đồng nhất và khác biệt cần phải được hiểu theo lối so sánh giữa mầm  cây và cây, giữa cái bắt đầu và cái kết thúc, giữa Giáo Hội Lữ Hành là Vương Quốc đang thành hình và Giáo Hội Hiển Vinh tượng trưng cho Vương Quốc Hoàn Hảo” ( Xem Nt Maria Đinh thị Sáng OP đã dẫn ).

             Giáo Hội Lữ Hành được ví như mầm cây tức cái bắt đầu còn Giáo Hội hiển Vinh tức cái kết thúc và cái kết thúc ấy thần học cho đây chính là Cánh Chung. Với  quan niệm cánh chung như thế, thần học đã  gặp phải những thách đố không thể vượt qua.

            Cho rằng Giáo Hội là mầm mống và khai nguyên  Nước Trời ở trần gian để rồi sẽ  kết thúc trong thời điểm Cánh Chung nào đó, vậy thử hỏi còn cả thế giới này thì sao ? Chẳng lẽ thế giới bao gồm các quốc gia, các chế độ chính trị xã hội  cũng như biết bao tôn giáo tín ngưỡng khác  lại phải tùy thuộc  vào  Giáo Hội từ  khai nguyên cho đến kết cuộc của nó như vậy hay sao ? Mặt khác quan niệm Cánh Chung như thế  hoàn toàn trái ngược với chân lý Kinh Thánh chẳng những về Ngày Tận Thế  mà còn cả với công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa.  Thật vậy Thiên Chúa Đấng Tạo Dựng nhưng  đồng thời cũng là Đấng Cứu Độ “ Ngài lấy lòng thương xót dìu dắt Dân này mà Ngài  chuộc lại. Ngài đã dùng năng lực để đưa nó về nơi  Ở Thánh của Ngài” ( Xac 15,13 ).

           Dân được dìu dắt  ám chỉ Dân Riêng Thiên Chúa còn nơi “Ở  Thánh” đó chính là Nước Thiên Chúa  vĩnh cửu đời đời. Thông thường chúng ta vẫn hiểu Dân Riêng là dân Itsraen trong thời Cựu ước nhưng thực sự cần phải  nhận ra tính chất  Dân Riêng ấy  trong thời Tân ước tức Hội Thánh Tông Truyền do Đức Kito thiết lập “ Trong thời sau hết này Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài xuống thế  hiến thân chịu chết hầu cho chúng ta nhờ Người Con ấy mà được sống” ( 1Ga 4, 9 ).

            Chúng ta nhờ tin theo Chúa  mà được sống nhưng đức tin ấy làm sao có thể có và ngày thêm  tăng trưởng nếu ta  không ở trong Giáo Hội và ở trong Giáo Hội thế nào được nếu Đức Kito trước đó đã không thiết lập ? “ Còn Ta lại bảo ngươi rằng ngươi là Phero Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên vầng đá này, cửa Hỏa Ngục cũng không thể  thắng nổi” ( Mt 16, 18 ).

II/-  Giáo Hội và mối tương quan mật thiết với Nước TC
          Thiên Chúa cho đến muôn ngàn đời vẫn là Thiên Chúa Cứu Độ và Ngài cứu chúng ta bằng các Giao Ước. Tất cả có ba Giao Ước quan trọng mà một trong số đó là Giao Ước thành lập Dân Riêng “ Đức Chúa phán cùng Ap ram rằng ngươi hãy ra khỏi quê hương vòng bà con và nhà cha ngươi mà đi đến XỨ Ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân tộc lớn, Ta sẽ ban phước cho ngươi cùng làm nổi danh ngươi và ngươi sẽ thành một nguồn phước đức” ( St 12, 1 -2).

          Tổ phụ Apraham nghe lời Thiên Chúa để đi đến XỨ  mà Ngài sẽ chỉ cho. XỨ ấy người Do Thái xưa nay vẫn cho là đất Canaan nơi miền Trung Đông. Thế nhưng miền đất ấy từ bao đời nay vẫn là…đất dữ, đất của tranh chấp hận thù, chẳng một ngày yên…Thiên Chúa muốn cứu chuộc Dân Người chắc chắn không thể …hứa cho họ một thứ…đất như thế.   Dẫu vậy người Do Thái vẫn  khư khư bám vào niềm tin xưa cũ  “ Tâm tư họ đã bị cứng cỏi vì đến ngày nay khi đọc Cựu ước mà cái màn ấy vẫn còn chưa cất khỏi, kỳ thực duy chỉ trong Đức Kito mà cái màn ấy mới được cất khỏi” ( 2Cr 3, 14 ).

           Cái màn che ấy không phải điều chi khác mà đó chính là niềm tin vào Đấng độc thần vô đối cùng với lời hứa cho dân tộc họ  trở thành một quốc gia hùng mạnh bá chủ thiên hạ…Cũng chính bởi niềm tin sai lạc đó mà họ không sao có thể chấp nhận Tin Mừng Nước Thiên Chúa “ Thời đã mãn Nước Thiên Chúa đã gần đến, các ngươi hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” ( Mc 1, 15).

           Tổ phụ Apraham chỉ biết tin vào lời hứa của Thiên Chúa để  ra đi mà chẳng biết là mình phải  đi tới đâu “ Bởi đức tin Apraham khi được gọi bèn vâng lời ra đi đến chỗ mình sẽ làm cơ nghiệp. Người ra đi mà không biết mình đi đâu, bởi đức tin người kiều ngụ trong Xứ đã hứa như trong xứ lạ, ở trong trại với Isaac và Giacop là kẻ đồng thừa  hưởng cùng một Lời Hứa  với mình” ( Dt 11, 8 -9).

           Để nhận được lời hứa sẽ chỉ cho XỨ sẽ đến, Thiên Chúa đòi hỏi tổ phụ Apraham cần phải có lòng tin kiên  vững thế nào thì Đức Kito  khi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa cũng vậy Ngài buộc phải có lòng tin. Thế nhưng tin vào Tin Mừng của Đức Kito là điều vô cùng khó, chính bởi vậy Ngài không thể không thiết lập Giáo Hội cùng với việc ban cho năng quyền tuyệt đối “ Quả thật Ta nói cùng các ngươi, hễ điều gì các ngươi cầm buộc ở dưới đất thì  trên trời cũng cầm buộc và điều gì các ngươi cởi mở ở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở” ( Mt 18, 18).

           Với việc được ban cho năng quyền lớn lao như thế Giáo Hội chẳng những không thể so sánh với bất cứ một thể chế chính trị xã hội hay tôn giáo nào mà còn ngay cả với những hệ phái gọi là Kito giáo khác. Tại sao ? Bởi vì Đạo Chúa là Đạo Đức Tin và đức tin này là tin vào Đấng Thiên Chúa nội tại “ Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi nhận Chúa Giesu là Chúa và lòng ngươi tin ĐCT đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu. Vì bởi lấy lòng tin mà được nên công chính và bởi lấy miệng thừa nhận mà được cứu rỗi” ( Rm 10, 8 -10)

          Đức tin là điều tối cần, là cánh cửa vào Đạo, thế nhưng điều ấy sẽ chỉ là vô nghĩa nếu không đi đôi với việc làm “ Đức tin không có việc làm là đức tin chết ( Gc 2, 17 ) Công việc thực hành ở đây đã được quy định một cách cụ thể và rõ ràng bao hàm trong Mười Điều Răn ĐCT và sáu luật điều Hội Thánh. Giới răn có mục đích  để gìn giữ chúng ta đi trong chính đạo thế nhưng  giữ giới răn chỉ vì giới răn thôi thì cũng chẳng ích lợi gì  nếu không có lòng yêu mến chân thực. Chúa đòi buộc  phải giữ giới răn bởi cốt lõi của giới răn là lòng yêu mến “ Nếu ai thương yêu Ta thì giữ  giới  Đạo Ta,  Cha Ta sẽ thương yêu người. Chúng ta đều đến  cùng người và lập cư với người. Còn ai chẳng thương yêu Ta thì chẳng giữ Đạo Ta. Đạo các ngươi nghe đó chẳng phải của Ta bèn là của Cha, Đấng đã sai Ta” ( Ga 14, 23 -24).

             Chúa dạy phải  có lòng thương yêu nhưng thương yêu Chúa thế nào được nếu không Ở trong Giáo Hội của Ngài ? Có  trung tín Ở trong Giáo Hội thì mới hy vọng có ngày được dẫn vào trong nơi Ở THÁNH  là Nước Thiên Đàng đời đời./.

Phùng  văn  Hóa
Tác giả gửi trực tiếp cho Lương Tâm Công Giáo Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét