Sáng nay
trong Nhà Nguyện, trong bầu khí thinh lặng riêng tư của mỗi người với Chúa,
không gian bên ngoài lặng ngắt, không một âm thanh nào đã thức giấc làm chia
trí chia lòng. Bỗng một tiếng nói nhỏ bên tai tôi, giật mình mở mắt, tôi nhận
ra một cha già đáng kính. Ngài nói nhỏ vào tai tôi: “Mừng ngày kỷ niệm thụ
phong Linh Mục của cha”. Tôi lắp bắp cám ơn ngài trong niềm xúc động nao lòng.
Trong lịch Tỉnh Dòng, mỗi
ngày đều ghi kỷ niệm của anh em, sinh nhật, bổn mạng, ngày giỗ cha mẹ anh em,
có thế thôi, không ghi ngày khấn cũng như ngày thụ phong Linh Mục. Cha già đáng
kính đã rất tinh tế, ngài nhớ ngày thụ phong của tôi để chia sẻ bằng một lời
chúc mừng ngắn ngủi, chân thành và đầy tình nghĩa..
Ngày thụ
phong sứ vụ Linh Mục của tôi là ngày không thể nhớ, vì tôi chịu chức âm thầm,
không ai biết. Ngày ấy khó khăn hết sức, con đường đến Linh Mục đối với anh em
chúng tôi hoàn toàn tắc nghẽn, người ta tìm mọi cách ngăn cấm, sau đợt thụ
phong vội vã vào những ngày sau năm 75, chúng tôi bị dừng lại hết, con đường
tương lai coi như vô vọng !
15 năm sau
( năm 1990 ), bề trên gọi tôi hỏi: “Anh có chấp nhận chịu chức âm thầm và chấp
nhận tù tội vì việc này không ?” Tôi sẵn sàng chấp nhận. Chấp nhận hoàn cảnh ấy
là chấp nhận mọi hệ lụy của nó. Tôi rời Tu Viện vào buổi sáng tinh mơ, một mình
âm thầm, lặng lẽ đặt chân trên những cánh hoa dầu thơm mùi nồng nàn tươi mới,
rồi vài ngày sau trở lại căn phòng cũ của mình, nằm dài trong phòng mở to mắt
nhìn lên trần nhà… “Mình là Linh Mục rồi sao ?”
Mỗi sáng
vẫn dậy sớm, vẫn vào Nhà Nguyện, vẫn trong bộ áo Dòng, vẫn đứng trong ghế của
mình, vẫn cất kinh nguyện, vẫn hòa cùng câu hát, vẫn lặng lẽ rước lễ, vẫn âm
thầm cám ơn, và vẫn nhẹ nhàng trở về phòng. Không khác gì cả, nhiều ngày trước
vẫn vậy, một chuyến đi xa trở vể vẫn vậy, nhưng mình là Linh Mục rồi sao ?
Rồi những
năm tháng theo sau đầy sóng gió, chúng tôi bảo nhau kiên định để vượt qua, dòng
đời đổi thay, những người công an xưa quát nạt chúng tôi, hạch hỏi đủ điều nhằm
buộc chúng tôi nhận tội trước pháp luật, nay họ chuyển ngành, có những người
hoàn cảnh đưa đẩy đến gặp chúng tôi, họ thẹn thùng ấp úng xin chúng tôi giúp,
vì nay chính họ hoặc người thân của họ đang cần gia nhập đạo hoặc cử hành hôn
phối.
Có người
công an năm xưa gây ấn tượng cho tôi nhất, anh ta ném mạnh khẩu súng lên mặt
bàn khi tra hỏi tôi, hình như có ý làm tôi khiếp sợ. Anh hỏi tôi: “Ai truyền
chức cho anh ?” Tôi trả lời: “Tôi không nói vì tôi cam kết với người ấy là
không bao giờ nói”. Anh ta tức giận: “Vào đây rồi mà còn không nói hở ? Nói mau
! Khai ra mau !” Tôi trả lời: “Lương tâm không cho phép tôi nói”. Anh ta quát
lớn: “Vô đây mà còn nói lương tâm hả ?” Tôi đưa mắt nhìn anh ta hỏi lại nhỏ
nhẹ: “Vậy chứ ở đây không có lương tâm sao ?” Anh ta khựng lại vì biết đã bị hố
to…
Nhiều năm
sau anh anh bỏ ngành ra làm kinh tế, đi tìm tôi nhờ lo cho hai đứa em trai của
anh liên tiếp được học đạo, theo dạo và nhận Bí Tích Hôn Phối với người bên
đạo. Một lần nọ, trên đường về quê đãi họ hàng nhân dịp anh nhận chức trưởng
phòng vật tư của một công ty lớn làm ăn phát đạt, xe anh bị tai nạn, mọi người
trên xe đều say khướt nên không ai chết, chỉ mình anh còn tỉnh đôi chút, bò lên
mặt đường ban đêm nên bị xe khác đi qua vô tình… cán chết !
Hoàn cảnh
khó khăn thật, chức Linh Mục của Hội Thánh thời buổi này, muốn trao hoặc nhận
lại phải xin phép nhà cầm quyền, y như thể nhà cầm quyền nắm giữ chức Linh Mục,
họ muốn cho ai là quyền của họ ?!? Cái vô lý ấy cứ thế tồn tại mãi một cách
thản nhiên vô tư ! Thế rồi cách đây không lâu, chúng ta có văn bản của Hội Đồng
Giám Mục Việt Nam, Đúc Cha Tổng Thư Ký đã gởi đến các Giáo Phận, các Dòng Tu
bản “minh định về thủ tục phong chức”, qua văn bản đó chúng ta thấy quyền phong
chức là quyền của Hội Thánh chứ không phải quyền của bất kỳ thế chế xã hội nào.
Qua các
câu chuyện trong Kinh Thánh, việc chọn ai và sai đi làm việc gì là quyền chọn
lựa của Thiên Chúa. “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh
em và sai anh em đi”. Chúa Giêsu đã khẳng định như thế, chúng ta tin Chúa, theo
Chúa hay tin ai, theo ai ? Câu hỏi vẫn còn rất hiện thực hôm nay.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 26.6.2014