Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Tưởng niệm tướng Nguyễn Khoa Nam


 LTCGVN (01.05.2014)  - Vào ngày 1/5/1980, sau bữa ăn trưa, ba tôi ngồi uống trà và trò chuyện với các anh em chúng tôi về những ngày tháng Tư của 5 năm về trước. Ba tôi, người thuộc bên thắng cuộc phía miền Nam, đã tham gia chiến tranh vì mơ ước hòa bình và, cũng như nhiều người đương thời, ông đã vỡ mộng vài năm sau khi cuộc chiến kết thúc. Ông kể với lòng kính phục về Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn 4 của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), vị danh tướng đã tuẫn tiết sau khi Sài Gòn thất thủ.

Tôi đã thay đổi suy nghĩ của mình và bắt đầu hoài nghi về lịch sử hiện đại của đất nước sau câu chuyện về tướng Nguyễn Khoa Nam và đặc biệt sau sự kiện ba tôi bị chính những đồng chí thuộc bên thắng cuộc phía miền Bắc bắt giam không xét xử trong suốt 6 tháng trời từ tháng 8/1980 chỉ vì ông bất đồng cách điều hành một công ty thương nghiệp quốc doanh thời ấy. Ông vốn là thầy giáo dạy toán và Pháp văn bậc trung học ngày xưa, rồi trở thành ký giả, từng đi tù 5 năm có xét xử đàng hoàng thời chính quyền của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm vào năm 1960. Bài học lớn nhất ông truyền lại cho con cái là lòng khoan dung, không oán hận bất kỳ ai gây đau khổ cho mình. Năm ấy tôi vừa 12 tuổi.

Tôi bắt đầu đọc lại sách và tài liệu về lịch sử Việt Nam và thế giới được in trước 1975 ở Sài Gòn. Tôi lang thang một mình đến các nhà sách cũ từ đó. Đọc sách và trao đổi với ba tôi là cách tốt nhất giúp tôi hiểu rõ những sự kiện quá khứ mà nhà trường và báo chí XHCN cố tình viết khác đi. Có thể nói, đó là quá trình tự đào luyện lại chính mình, như thể tiêm ngừa để không bị “nhiễm trùng” bởi lối giáo dục nặng tính tuyên truyền và thiếu tôn trọng sự thật của hệ thống này. Tôi cũng giữ thói quen ấy kể cả khi vào học trường luật năm 1985. Thú thật, tôi luôn hoài nghi giá trị kiến thức của tất cả sách vở do các nhà xuất bản quốc doanh in ấn, dù vẫn đọc chúng thường xuyên để tìm hiểu.
Trở lại câu chuyện ban đầu, hình ảnh về tướng Nguyễn Khoa Nam do ba tôi kể lại đã khiến tôi lao vào tìm hiểu nhiều hơn về các vị danh tướng VNCH khác, mà thật lòng tôi rất kính trọng, giống ba tôi. Đọc quyển sách “Chân dung các tướng ngụy Sài Gòn” được bên thắng cuộc in và tái bản nhiều lần sau 1975 nhằm mục đích bôi nhọ quân đội và tướng lĩnh của bên thua cuộc, tôi không khỏi bật cười với ý nghĩ rằng chân dung tồi tệ mà tác giả muốn phác họa cho các tướng VNCH thật ra thích hợp và xứng đáng dành cho những sĩ quan QĐNDVN thời bình ngày nay hơn.

Khi học ở Mỹ vào năm 2000, tôi đã đến viếng bia tưởng niệm Tướng Nguyễn Khoa Nam do đồng bào hải ngoại lập để tưởng nhớ ông tại bang Texas. Ngày 1/5/2010, 35 năm kể từ ngày ông qua đời, tôi đã viết bài thơ tưởng niệm ông tại nhà giam trong lúc chờ xét xử phúc thẩm vụ án của mình, như sau:
TƯỞNG NIỆM TƯỚNG NGUYỄN KHOA NAM
Dòng dõi văn gia, chí trai binh nghiệp,
Xứng tôn phong hổ tướng Nam phần.
Sống trung chính, chết đường đường lẫm liệt,
Thành đô thất thủ, đoạn phong trần!
Từng thao lược, can trường xông trận mạc,
Giặc thù phơi xác, máu loang chân.
Binh nghĩa dũng lặng thầm nan tảo Bắc,
Định yên bờ cõi sá gì thân!
Ôi chiến cuộc hồi tàn gây thảm họa,
Đau niềm cố quốc, khóc tướng quân!
(Kính tặng gia đình tướng Nguyễn Khoa Nam và các tướng lĩnh, binh sĩ VNCH)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét