Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Hiến pháp và giải pháp cho vụ dàn khoan

LTCGVN (28.05.2014)

Hành động ngang ngược của Trung Quốc cắm dàn khoan trên vùng biển do Việt Nam quản lý đã làm sao nhãng sự quan tâm của dân chúng đến việc triển khai thi thành Hiến pháp sửa đổi.
Dàn khoan và Hiến pháp đều là những vấn đề ảnh hưởng to lớn đến sự đi lên của đất nước. Tuy không mấy liên quan nhưng việc diễn giải triển khai Hiến pháp theo hướng nào sẽ tạo động lực hoặc kìm hãm đất nước phát triển, từ đó mà có được hay không lời giải lối ra cho những vụ dàn khoan về sau.

Bộ máy nhà nước
Chúng ta biết rằng Hiến pháp quy định về tổ chức bộ máy nhà nước. Tổ chức như thế nào, các thiết chế quan hệ với nhau ra sao, đều đã được nghiên cứu kỹ lưỡng hòng tìm ra một cơ chế hoạt động sao cho hiệu quả nhất.
Đặc thù ở Việt Nam là một đảng lãnh đạo đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cho nên tổ chức bộ máy nhà nước bên cạnh những điểm tương đồng thì cũng có điểm khác với mô hình chính quyền của các quốc gia dân chủ đa đảng.
Trong nhiều năm trở lại đây, vì vấn đề hiệu quả và để tạo sức bật cho đất nước phát triển, Đảng cộng sản đã phải tìm cách tổ chức thiết kế bộ máy nhà nước sao cho tiệm cận với mô hình tổ chức chính quyền của các quốc gia dân chủ.
Cụ thể: Hiến pháp năm 1992 chỉ có duy nhất một từ lập pháp trong câu Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, và không có từ hành pháp hay tư pháp. Người nước ngoài chắc sẽ khó tưởng tượng một hiến pháp lại thiếu đi những từ này.
Đến năm 2001 Quốc hội đã ban hành nghị quyết bổ sung vào Hiến pháp nội dung tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước là: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Hiến pháp sửa đổi năm 2013 thì đưa thêm vào từ “kiểm soát” sau từ “phối hợp”và tiến thêm một bước khi quy định cụ thể Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, chính phủ thực hiện quyền hành pháp, tòa án thực hiện quyền tư pháp.
Như thế mô hình nhà nước đã có dáng hình gần gũi với hệ thống tổ chức tam quyền phân lập hoat động theo nguyên lý cân bằng kiểm soát của chính quyền dân chủ.
Những sự thay đổi cho thấy vì quyền lợi của chính mình Đảng cộng sản chẳng thể nào bỏ qua được tinh hoa tri thức nhân loại đã được đúc rút kiểm chứng qua mấy trăm năm lịch sử kể từ khi ra đời Hiến pháp Mỹ.
Hoạt động của Đảng
Có thể hiểu rằng Hiến pháp mới đã được tích hợp theo một cách thức tốt nhất có thể giữa mô thức chính quyền có tính quy chuẩn chung của nhân loại và đặc thù của Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp mới là sản phẩm khả dĩ nhất được ban hành trong sự dung hòa giữa các ước muốn, mà chúng ta hy vọng rằng nếu đem vào thực thi thì bộ máy nhà nước hoạt động cũng không đến nỗi nào và đất nước cũng có cơ hội để phát triển.
Nhưng liệu các quy định của Hiến pháp mới mà Đảng đã đồng ý cho thông qua liệu có được thực hiện trên thực tế ở Việt Nam? Nếu không thì điều vô lý đó có nguyên nhân vì sao?
Thực tế ở Việt Nam, bộ máy nhà nước không chỉ được vận hành theo Hiến pháp mà nó còn thường xuyên chịu tác động bởi hoạt động lãnh đạo của Đảng.
Các vị trí chủ chốt trong bộ máy nhà nước đều là thành viên trong các cơ quan ban bệ của Đảng, những người này không chỉ hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật mà trước nhất và trên hết họ hoạt động theo các Nghị quyết của Đảng.
Khi đó các thiết chế bộ máy nhà nước đã không vận hành theo các nguyên lý đã được tính toán, thiết kế, bố trí ở Hiến pháp. Phần mềm khoa học đã được lập trình cho bộ máy nhà nước lại bị vứt bỏ.
Thế khi các thiết chế bộ máy nhà nước hoạt động theo các nguyên lý của Đảng thay vì theo Hiến pháp thì có đảm bảo hiệu năng cho bộ máy không? Các nguyên tắc tổ chức hoạt động của Đảng có dung hợp được với các nguyên lý tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước không?
Đảng là tổ chức của những con người hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ và phục tùng chấp hành, trong khi bộ máy Nhà nước là tổ chức của các thiết chế vận hành với nguyên tắc phân công phối hợp hoặc cân bằng kiểm soát, như thế làm sao có thể dung hợp?
Làm sao có thể dung hợp tổ chức của những con người với bộ máy của các thiết chế?
Các nguyên tắc tổ chức hoạt động của Đảng có thể cũng mang tính khoa học nhưng mục tiêu của tổ chức đảng là chiếm lĩnh và duy trì quyền lãnh đạo, khác với mục tiêu của các thiết chế bộ máy nhà nước là thực hiện cho thật tốt chức năng nhiệm vụ quyền hạn đã được quy định theo Hiến pháp.
Nếu Đảng chỉ lãnh đạo bằng đường lối chính sách với các mục tiêu dài hạn, theo đó bộ máy nhà nước sẽ vận hành thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra thì xem ra cũng ổn. Nhưng thực tế Đảng lại hoạt động với những mục tiêu ngắn hạn và thường xuyên chỉ đạo cụ thể với từng vấn đề của đời sống đất nước phát sinh hàng ngày.
Khi đó các các thiết chế bộ máy nhà nước đã bị bỏ không hoen rỉ. Đồng nghĩa với đó có những nội dung quy định trong Hiến pháp chưa bao giờ được thực hiện.
Ví dụ: Những yếu kém trong quản lý kinh tế của Chính phủ là không thể phủ nhận: Mấy trăm nghìn doanh nghiệp phá sản, bao nhiêu nghìn tỷ thất thoát do các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thua lỗ, hệ thống ngân hàng thương mại có vốn nhà nước do chính phủ điều hành cũng tạo ra không biết bao nhiêu nợ xấu. Rồi tất cả chất gánh nặng nợ nần đến đời con cháu, đời sống nhân dân lao động nhọc nhằn cơ cực.
Đã đủ điều kiện để bãi nhiệm Thủ tướng chính phủ và theo Hiến pháp thì Chủ tịch nước có quyền đề nghị và Quốc hội có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng chính phủ, nhưng thực tế cả Chủ tịch nước và Quốc hội đều không thực hiện quyền này.
Lý do hẳn là các cơ quan Đảng đã không cho phép điều đó, các thiết chế Chủ tịch nước và Quốc hội đều hoạt động theo nguyên tắc Đảng thay vì theo Hiến pháp.
Giải pháp nào cho Đảng
Đảng muốn giữ quyền lãnh đạo đất nước và hẳn Đảng cũng muốn đất nước phát triển, nhưng thực tế Đảng mới chỉ thực hiện được vế thứ nhất, vế thứ hai thì chưa làm được.
Để làm được thực sự cũng không khó gì, Đảng chỉ cần mạnh dạn, tiến đến gần, chọn lấy và sử dụng các thành tựu của nhân loại, vận dụng một cách khôn ngoan hợp lý hơn.
Thực ra thì nhiều việc Đảng cũng đã làm rồi, ví như chủ trương bỏ đi không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, xã, phường. Nước Mỹ và hầu hết các nước dân chủ tiến bộ họ chỉ tổ chức hai cơ quan dân cử là Nghị viện liên bang và nghị viện bang, tương ứng với Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở Việt Nam.
Nhưng thay đổi như đó chưa đủ để đất nước phát triển. Để đất nước phát triển Đảng cần tiết giảm các hoạt động thường xuyên can thiệp vào bộ máy nhà nước, Đảng không làm thay cho nhà nước và hãy thay thế tư cách giải quyết vấn đề.
Cùng một vấn đề phải giải quyết, Đảng nên xử lý bằng tư cách các thiết chế bộ máy nhà nước thay vì tư cách Đảng. Để ra một chính sách thay vì cơ quan Đảng ra nghị quyết hãy để cho Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ quốc hội thực hiện.
Như thế sẽ không trái với Hiến pháp, giúp cho bộ máy nhà nước được vận hành theo đúng các nguyên lý khoa học đã thiết kế, tiệm cận với mô thức hoạt động của các chính quyền dân chủ tiến bộ.
Trong định hướng xây dựng quốc gia pháp quyền, Đảng cần thay thế tư cách giải quyết vấn đề để hợp lực được với sức mạnh của tính hợp hiến và hợp pháp.
Để Đảng không mất quyền lãnh đạo thì điều hợp lý cần làm hợp nhất Tổng bí thư và Bộ chính trị với Chủ tịch quốc hội và Ủy ban thường vụ quốc hội. Khi đó Đảng lãnh đạo bằng đường lối chính sách cũng tương hợp với Quốc hội ban hành luật.
Lối ra cho vụ dàn khoan
Đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông, nếu Đảng và Quốc hội thực hiện một lộ trình canh tân hệ thống, đổi mới theo hướng dân chủ tiến bộ sẽ tạo sức bật cho đất nước phát triển và đó cũng là giải pháp đúng đắn bền vững cho vấn đề dàn khoan.
Quốc hội có thể dành 100 ghế cho những người ngoài Đảng lâu nay vẫn có những quan điểm ý kiến khác với Đảng trên nhiều vấn đề. Đó là những người vẫn quy kết Đảng độc quyền lãnh đạo, mất dân chủ và nhiều người trong số họ đã được quốc tế biết đến.
Số 100 ghế đại biểu Quốc hội có thể lấy từ các thành viên thuộc khối cơ quan hành pháp và tư pháp, điều này phù hợp với tinh thần của Hiến pháp sửa đổi đã phân định Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp còn Tòa án thực hiện quyền tư pháp.
Nếu làm được hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế sẽ thay đổi, thế giới khi thấy Việt Nam vận động theo hướng dân chủ, sẽ ủng hộ giúp đỡ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Không chỉ thế, khi Việt Nam dân chủ hóa sẽ thu hút làn sóng đầu tư mới từ quốc tế giúp cho nền kinh tế thoát khỏi tình trạng bi đát, dân nghèo có cơ may đổi đời.
Trong mối tương quan với Trung Quốc, một nước Việt Nam dân chủ hóa sẽ như nhát đốt của con ong lên cơ thể con thú Trung Quốc, sẽ khiến nó lồng lên mà bỏ chạy đi nơi khác.
Đó là giải pháp toàn vẹn vừa duy trì vị thế lãnh đạo của Đảng, vừa nâng cao dân chủ, vừa thúc đẩy kinh tế phát triển, đồng thời lại giải quyết được các vấn đề đất nước như vụ dàn khoan.
Luật sư Ngô Ngọc Trai
28-05-2014

0 nhận xét:

Đăng nhận xét