Người Việt đầu tiên qua đời trong cuộc xâm lăng mới của Cộng sản Trung Quốc vào năm 2014 là bà Lê Thị Tuyết Mai. Chính quyền Sài Gòn chỉ tiết lộ nội dung sáu “biểu ngữ viết tay” của vị nữ Phật tử pháp danh Ðồng Xuân, thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, hiện đang bị cấm hoạt động. Các ước nguyện của bà cũng là ý kiến của toàn dân Việt Nam hiện này, “Yêu cầu đoàn kết đập tan mưu đồ xâm lược của Trung Quốc, Yêu cầu Trung Quốc rút khỏi biển Việt Nam,” vân vân.
Chính quyền cộng sản đã phỉ báng người quá cố khi nói rằng bà “tự thiêu vì cuộc sống bế tắc và để phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền.” Nêu lý do “cuộc sống bế tắc” là một hành động vô liêm sỉ, hạ thấp giá trị hành động yêu nước của bà Lê Thị Tuyết Mai. Họ còn giấu không cho biết nội dung của biểu ngữ thứ bảy, nhưng chúng ta có thể đoán được bà mẹ 67 tuổi này muốn nói gì.
Chúng tôi ước mong người Việt Nam ở trong nước cũng như ở ngoài không theo gương bà Lê Thị Tuyết Mai. Hàng trăm người Tây Tạng ở Trung Quốc đã tự thiêu đòi quyền tự chủ và bảo vệ văn hóa dân tộc trong một năm qua, nhưng vẫn chưa đạt kết quả nào cụ thể. Hành động tự thiêu chỉ có hiệu quả khi nhắm đánh thức lương tâm của những con người còn nhân tính. Chính quyền cộng sản không động tâm trước các hành động hy sinh đó. Như Thánh Gandhi đã nói, các cuộc tuyệt thực của ông để phản đối chính quyền Anh quốc chỉ có tác dụng vì họ cũng là những con người. Người ta không thể tranh đấu theo lối đó khi phải đương đầu với những con rắn. Chính quyền cộng sản giống như những con rắn, không mang những tình cảm tự nhiên của loài người.
Cuộc tranh đấu của dân tộc Việt Nam đối đầu với Trung Cộng trong thế kỷ 21 này sẽ kéo dài, và chúng ta cần sử dụng các phương pháp đấu tranh có hiệu quả và ít hao tổn mạng sống. Ba tuần trước, mục này đã đề nghị chính quyền Cộng sản Việt Nam hãy kiện Cộng sản Trung Quốc trước tòa án quốc tế. Ðây là hành động đầu tiên để giành lẽ phải về phía dân tộc Việt. Cả thế giới sẽ thấy việc Trung Cộng đem giàn khoan Hải Dương 981 tới vùng biển của nước ta là sai luật biển quốc tế; vì không một quốc gia nào được quyền khai thác một vùng biển còn đang tranh chấp. Trung Cộng khăng khăng nói họ đang tìm dầu ở hải phận nước họ, người Việt Nam phải chứng minh rằng điều đó không đúng sự thật. Chỉ có việc kiện trước một tòa án quốc tế mới chứng tỏ được rằng họ nói sai sự thật.
Thứ Năm vừa qua, ông Nguyễn Tấn Dũng đã nói trong một hội nghị ở Manila rằng chính quyền Cộng sản Việt Nam đang xem xét các biện pháp đối phó với Trung Cộng, trong đó có việc đưa vụ này ra trước tòa án quốc tế. Nhưng chúng ta vẫn phải dè dặt khi nghe lời tuyên bố này; vì nội dung được đưa ra với lời lẽ có tính cách nửa chừng. Nguyễn Tấn Dũng không nói đang hay sắp nộp đơn kiện Trung Cộng, như chính phủ Philippines đã làm vào năm ngoái, xin tòa tuyên bố bất hợp pháp ý kiến của Trung Cộng coi tất cả vùng biển trong “Ðường Chín Ðoạn” thuộc vào nước Trung Hoa. Việt Cộng đã từ chối không ủng hộ Philippines trong hành động này. Bây giờ ông Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ nói việc thưa kiện là một trong các phương cách đối phó. Liệu ông ta có dám nộp đơn kiện Trung Cộng hay không, đó là một câu hỏi lớn.
Năm ngoái, Nguyễn Tấn Dũng đã từng nói công khai rằng mọi việc ông làm đều do đảng Cộng sản quyết định, bảo sao ông làm vậy. Ngay trong việc điều hành nền kinh tế đưa tới chỗ suy đồi, thất thoát hàng chục tỷ đô la ông ta cũng không nhận trách nhiệm về phía mình. Cho nên, quyết định kiện hay không kiện, sau cùng sẽ phải được đảng Cộng sản Việt Nam công bố. Cho tới hôm nay, ba tuần lễ sau khi giàn khoan HD-981 xâm nhập biển nước ta, đảng Cộng sản Việt Nam vẫn hoàn toàn theo đường lối cũ, tức là chỉ trông vào việc năn nỉ đàm phán tay đôi với Trung Cộng. Chỉ có áp lực mạnh mẽ của toàn dân Việt Nam mới khiến Việt Cộng phải thay đổi chính sách, không coi Trung Cộng là “đồng chí anh em” với họ nữa.
Nhưng cuộc tranh chấp về giàn khoan HD-981 sẽ không chấm dứt khi Việt Nam thưa kiện. Trung Cộng sẽ từ chối không tham dự vào bất cứ phiên tòa quốc tế nào, cũng như họ đã báo trước sẽ không ra trước tòa án đối diện với Philippines. Việc thưa kiện sẽ chỉ có tính cách tượng trưng, nhắm giành lấy lẽ phải trong dư luận thế giới. Tấn công vào dư luận, nước ta và Philippines chỉ hy vọng giảm bớt các hành động xâm lấn hung hăng của giới lãnh đạo Bắc Kinh. Nhưng hoàn cảnh nước ta và Philippines khác nhau rất nhiều.
Tranh chấp giữa Trung Cộng và Philippines nằm trong phạm vi địa dư và số lượng tài nguyên nhỏ, chỉ liên quan đến mấy bãi đá ngầm. Trung Cộng tìm cách giành chủ quyền trên các đảo san hô đó, nhắm vào danh nghĩa nhiều hơn là quyền lợi trước mắt. Giàn khoan HD-981 nhằm vào vùng biển có giá trị lớn hơn. Việc đưa một giàn khoan tới tìm dầu lửa đi xa nằm trong một chiến lược lớn, không giống như việc đưa mấy tàu đánh cá tới hải phận Philippines.
Cộng sản Trung Quốc đã tính toán rất kỹ từ nhiều năm qua, trước khi đưa giàn khoan qua xâm lấn biển Việt Nam. Từ 1950, Mao Trạch Ðông đã vạch ra kế hoạch đưa người Trung Hoa tới tất cả các nước vùng Ðông Nam Á. Các đảng cộng sản ở Mã Lai, Indonesia, vân vân, đều do cán bộ của Mao sách động. Việt Nam là đầu cầu bắc vào vùng này, nên được Mao chú ý nhiều nhất. Biển Ðông của nước ta là một mục tiêu chiến lược hiển nhiên mà các triều đình Trung Quốc nhòm ngó. Việt Cộng nhắm mắt tin vào tình đoàn kết “quốc tế vô sản” nên mắc bẫy Trung Cộng. Giang Trạch Dân, Tập Cận Bình chỉ thừa kế chính sách lấn chiếm mà Chu Ân Lai đã khai mào, khi cho đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974. Năm đó, phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa trong Hội Nghị Bốn Bên thi hành Hiệp Ðịnh Paris đã đề nghị hai miền Việt Nam cùng lên tiếng phản đối Trung Cộng chiếm Hoàng Sa, nhưng phái đoàn Bắc Việt đã từ chối. Sau hội nghị Thành Ðô, 1990, Trung Cộng càng nắm chắc đảng Cộng sản Việt Nam trong tay trong âm mưu chiếm đoạt Biển Ðông. Chiến lược lâu dài của họ theo kế lấn chân từng bước một, năm 1974 chiếm Hoàng Sa, năm 1988 chiếm một phần Trường Sa; năm nay họ bắt đầu chương trình khai thác dầu khí.
Giàn khoan HD-981 lớn bằng một sân đá bóng, đã được Trung Cộng kiến tạo trong nhiều năm, tốn hàng tỷ đô la Mỹ. Ðây là một công trình kỹ thuật mà Bắc Kinh rất hãnh diện. Nguyễn Phú Trọng đã được đưa tới coi giàn khoan này khi công trình còn đang thực hiện; mà không hề nghĩ ra rằng Trung Cộng đang cho coi cái thòng lọng sẽ tròng vào cổ nước Việt Nam. Khi Bắc Kinh di chuyển cái giàn khoan vĩ đại này, rời vùng biển ngoài khơi Hương Cảng xuống quần đảo Hoàng Sa, họ thực hiện bước đầu tiên trong giai đoạn chiến lược mới. Họ không chỉ muốn tìm dầu mà còn cốt đánh dấu, chứng tỏ vùng biển này là “ao nhà” của họ. Dù sau này họ có rút giàn khoan đi nơi khác, nói rằng ở đó không có nhiều dầu lửa bõ công khai thác, thì họ đã ngang nhiên dựng một cột mốc để thế giới nhìn nhận tất cả quần đảo Hoàng Sa thuộc vào lãnh hải Trung Quốc. Lần này họ tới ngoài khơi Quảng Ngãi, lần sau họ có thể sẽ tiến xuống phía Nam. Cứ như vậy, họ muốn đặt dân tộc Việt Nam và cả thế giới trước những sự kiện “đã rồi.” Người Việt có câu tục ngữ “Ðể lâu cứt trâu hóa bùn.” Ðó là chủ trương lấn ép của Bắc Kinh trong vùng Biển Ðông. Họ có thể thực hiện âm mưu này trong một thời gian lâu dài, nửa thế kỷ hay một thế kỷ. Họ biết rằng nếu việc giao thương đường biển qua vùng này không bị gián đoạn thì các nước khác, từ Mỹ, Ấn Ðộ, đến Nhật Bản không thấy có lý do nào khiến họ phải can thiệp. Vì dù tài nguyên dầu khí nằm dưới đáy biển dù thuộc quốc gia nào thì cũng như nhau. Trái với lối suy nghĩ nặng về tình cảm, lưu cữu từ thời Chiến Tranh Lạnh, nước Mỹ không có nhu cầu ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc. Hai nước vẫn có thể buôn bán với nhau, chỉ cần Trung Cộng không làm cho hệ thống thương mại quốc tế bị đình hoãn trong vùng Biển Ðông. Mà điều này thì Trung Cộng luôn sẵn sàng bảo đảm với Mỹ.
Cho nên, khuynh hướng trông cậy vào nước Mỹ với hy vọng ngăn cản Trung Cộng là một ảo tưởng, trong nhiều thứ ảo tưởng khác. Khi Ðô đốc Samuel Locklear tuyên bố ở Manila rằng tình trạng căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Cộng rất nguy hiểm, ông ta chỉ nói một sự thật, chứ không hề tỏ ý muốn giúp Việt Nam chống Trung Cộng. Ông nói người Mỹ muốn hợp tác với Việt Nam nhiều hơn, nhưng nói rõ hơn, rằng Việt Nam chỉ là một trong nhiều quốc gia mà Mỹ muốn hợp tác. Ông nói rõ ràng: “Chỉ có người Trung Quốc can ngăn được người Trung Quốc,” chứ không phải người Mỹ hay các nước khác.
Cũng vậy, khi cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates nói rằng các nước Ðông Nam Á cần đoàn kết với nhau lên tiếng chống lại sự xâm lược của Trung Quốc; thì đó cũng chỉ là một lời khuyến cáo; không có gì ràng buộc chính phủ Mỹ.
Cho nên, người Việt Nam không nên trông cậy vào bất cứ quốc gia nào, kể cả Mỹ, Nhật Bản hay Ấn Ðộ, trong cuộc chiến đấu chống Trung Cộng xâm lăng trên biển, đảo. Chỉ có người Việt Nam có thể cứu được nước Việt Nam.
Khi Cộng sản Trung Quốc tính chiến lược lâu dài nhằm xâm chiếm đảo, biển của nước ta, chúng ta cũng phải tính kế hoạch lâu dài. Việc đưa đơn kiện Bắc Kinh trước tòa án quốc tế chỉ là một bước đầu mà thôi. Người Việt còn phải thi hành nhiều biện pháp ngắn hạn khác song song với việc thưa kiện.
Một việc có thể làm ngay là trả đũa Trung Cộng về mặt kinh tế. Chấm dứt các hợp đồng khai thác tài nguyên của các công ty Trung Quốc; trong đó có các mỏ bô xít mà ông Nguyễn Tấn Dũng từng đề cao là một chương trình lớn của đảng Cộng sản. Phải ngăn chặn các mạng lưới buôn lậu qua biên giới ngay lập tức; đồng thời, chấm dứt chế độ ưu đãi các nhà thầu Trung Quốc, họ đang đấu thầu 90% các dự án lớn ở nước ta. Phải trục xuất các công nhân Trung Hoa bất hợp pháp ở nước ta mà theo bộ Lao Ðộng,Thương Binh, Xã Hội, số lao động bất hợp pháp này lên đến 80 ngàn người.
Cắt đứt các quan hệ kinh tế bất bình đẳng này có thiệt hại cho người Việt Nam hay không? Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên giáo sư kinh tế học ở Ðại Học Laval, Québec, Canada thì việc chấm dứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc chỉ giảm bớt khoảng 15 đến 20 tỷ đô la trong tổng sản lượng của Việt Nam. Ông Hùng so sánh với con số lỗ lã của các tập đoàn Vinalines, Vinashin cũng lên tới vài chục tỷ, để kết luận rằng người Việt Nam có thể chịu đựng được những thiệt hại khi ngưng giao thương với Trung Cộng. Hiện nay mỗi năm dân Việt mất 20 tỷ đô la vì mua hàng Trung Quốc nhiều ơn bán sang Tàu. Chấm dứt dòng máu chảy ra đó sẽ tạo cơ hội cho giới kinh doanh trong nước Việt Nam được phát triển nhanh hơn.
Phải coi những hành động trên đây chỉ là những đòn trả đũa ngắn hạn, để phản đối sự kiện giàn khoan HD-981. Trong dài hạn, phương pháp duy nhất để dân tộc Việt Nam có thể ngăn chặn kế hoạch bành trướng của Bắc Kinh là phải phát triển một nền kinh tế thị trường thực sự, không bám theo Trung Cộng cải tổ kinh tế nửa vời. Chỉ khi nào lãnh vực kinh doanh tư nhân được tự do phát triển, tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước, bãi bỏ các độc quyền kinh tế dành cho đảng viên cộng sản, thì dân ta mới tiến lên được.
Muốn thực hiện được công cuộc cải tổ kinh tế triệt để đó, cần phải xóa bỏ độc quyền cai trị của đảng Cộng sản. Chỉ khi nào dân chúng Việt Nam được tự do dùng lá phiếu quyết định vận mạng đất nước, với các quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, lập đảng chính trị, lập công đoàn độc lập, thì toàn dân mới có thể đoàn kết để chống quân xâm lược. Khi nước Việt Nam bắt đầu tiến trình dân chủ hóa thì người dân Trung Hoa trong lục địa cũng phấn khởi hơn, họ sẽ đòi được sống dân chủ. Khi nào nước Trung Hoa thành dân chủ thì việc thương thuyết các vấn đề biển, đảo sẽ đi theo những con đường hợp lý và ôn hòa hơn.
Chúng ta có thể đoán trước khi tự thiêu bà Lê Thị Tuyết Mai cũng nghĩ rằng muốn chống Trung Cộng xâm lăng thì việc đầu tiên cần làm là dân chủ hóa nước Việt Nam. Tấm biểu ngữ thứ bảy của bà chắc ghi những đòi hỏi xóa bỏ điều 4 trong Hiến Pháp, chấm dứt chế độ độc tài đảng trị, để toàn dân Việt Nam được hưởng quyền sống xứng đáng làm người. Có lẽ vì thế mà chính quyền cộng sản đã giấu diếm nội dung của biểu ngữ này.
Ngô Nhân Dụng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét