Có những biến
cố xảy ra trong đời, khủng khiếp tới độ ta không dám nghĩ tới. Hằng mấy chục
năm qua, tôi chỉ mãi ám ảnh sự kinh hoàng của lần vượt biên mà quên lãng sự
hiện diện của Chúa và Mẹ Maria cạnh đời mình trong giây phút sống chết ấy. Sáng
hôm nay, trong tâm trạng cô đơn nơi bàn thờ trong Mùa Chay Thánh, tôi bỗng chợt
nhận ra đã từ rất lâu: Chúa và Mẹ luôn âm thầm sánh bước bên tôi…
Tôi rời
Sàigòn vào những ngày cuối năm 1979. Theo chương trình của người chủ tàu, chúng
tôi sẽ ra đi bằng đường sông đến Đồng Tháp. Từ đây sẽ có đoàn ghe hướng dẫn qua
biên giới Việt-Miên để tới bến Nam Vang. Từ Nam Vang sẽ có xe đón về một căn
nhà bí mật. Thuyền vượt biên, được dấu ở bãi biển không xa đó, sẽ đưa chúng tôi
đến Thái Lan.
Đoạn đường
về các tỉnh miền Tây thật quá êm đềm. Đêm đó nhằm vào ngày trăng sáng. Tôi ngồi
ngay mũi thuyền ngâm nga đoạn văn Hàn Mặc Tử:
"Sông, là một dải lụa bạch.
Không, là đường trăng trải chiếu vàng.."
Không, là đường trăng trải chiếu vàng.."
Sóng nước
đêm nay đẹp tuyệt vời khi lấp lánh những đường trăng chiếu rọi !
Thuyền ghé
bến Đồng Tháp vào sáng hôm sau. Đến buổi chiều, bà chủ ghe làm thịt gà đãi
tiệc, cười đon đả: "Ăn nhiều nghe ! Bửa tiệc cuối tại Việt Nam ".
Suốt đêm
hôm ấy, thuyền đưa chúng tôi đi Đồng Tiến, rồi đến những trạm cuối, trước khi
vào biên giới Việt-Miên. Sau khi được đưa vào thủ đô Nam Vang, chúng tôi lại
phải leo xe đi gần 8 tiếng đồng hồ nữa, đến một căn nhà có tầng gác ở tỉnh Cần
Giọt. Chủ nhà dặn rằng khuya đêm nay mọi người sẽ hóa trang để ra biển. Đoạn
đường sông đầy trăng và thơ, nên chẳng một ai băn khoăn về chuyến hải trình lắm
thử thách đợi chờ.
Khuya ở
đất Miên tối đen, hãi hùng. Đường ra mé biển đầy những dốc ụ, cây cối rậm rạp.
Chúng tôi bước những bước hụt hẫng và chơi vơi trong bóng đêm. Gần hai tiếng
đồng hồ, già trẻ lớn bé đã lê lết kịp tới bãi. Nhưng chiếc tàu mọi người chờ
đợi như hứa hẹn của ông chủ tổ chức, chỉ là một chiếc thuyền nhỏ bé nẳm dấu
trong đám lau sậy.
Sáu chục người
trên một con thuyền bé tí tẹo làm sao đủ chổ ngồi, huống hồ lại nhét thêm
một bà cụ già bị bệnh nặng nằm trên băng ca, chiếm cả tầng trên ? Thiên hạ chen
lấn dẫm lên nhau. Tiếng chửi rủa đủ giọng, cung bậc thanh âm nhân loại: khàn,
đục, the thé, chua ngoa, ma quái… như đâm thủng màn đêm. Không biết ai đã đẩy
tôi vào góc nhọn của mũi ghe. Tôi nép sát mạn thuyền đụng phải cái bếp lò.
Thiên hạ lại tống và đẩy, tôi lại yên phận ngồi trên cái lò không củi lửa và
cong người xuống vì trần ghe sát gần đó.
Tàu bắt đầu chạy. Tiếng máy nổ
xành xạch lẫn trong tiếng gió. Say ngất với hơi người và sóng biển, tôi vịn tay
vào chân chiếc băng ca của bà già bệnh và cố chồm người lên. Sóng vỗ vào thật
mạnh, con tàu càng chòng chành. Tôi lại bị đẩy vào vị trí cũ và ngất ngất, ngây
ngây với viên thuốc say sóng. Trời hừng sáng, nắng ban mai chiếu vào mặt. Tôi
cố chồm người lên mong đón chút khí trời, nhưng lại ngã vật ra, đầu nặng trĩu,
lưởi tê dại vì khát nước...
Bóng một con tàu đang lướt sóng tiến
tới, đó là tàu quốc doanh Việt Nam ,
có lá cờ đỏ sao vàng, nhắm hướng tàu vượt biên của chúng tôi. Vừa đến sát gần
tàu chúng tôi, họ ném sợi dây thừng to, cột tàu chúng tôi vào tàu của họ. Sau
đó, họ chạy xầm xập qua, tay giương nòng súng đe dọa. Các anh tôi cùng cánh đàn
ông giơ hai tay lên, họ đã bị lột hết mọi thứ, chỉ chừa lại chiếc quần đùi. Đàn
bà và trẻ em bị đẩy riêng vào một góc, bị vơ vét hết dây chuyền, vàng bạc.
Chỉ một loáng
sau, cả hầm tàu đã bị thu tóm rất gọn gàng, tất cả hành lý, thức ăn, đặc biệt
là xăng dầu, dụng cụ máy móc đều bị chuyển qua chiếc tàu quốc doanh. Khi người
cán bộ cắt dây ra lệnh cho thuyền họ ra khơi trở lại, chúng tôi ngước mắt nhìn
theo mà lo thắt ruột thắt gan, không biết số phận của mình rồi sẽ ra sao ? Mãi
đến khi bóng chiếc tàu quốc doanh xa dần, tài công của chúng tôi nhìn khắp con
thuyền cười trấn an. Ông vịn tay lái, tiếp tục điều khiển con tàu theo hướng đã
định. Tiếng máy nổ mà tôi ngỡ như… pháo xuân. Chúng tôi sắp bước vào hải phận
Thái Lan rồi !
Như người
mắc bệnh suyễn, âm thanh rè rè, đôi khi đứt đoạn của chiếc máy tàu báo hiệu sắp
trở chứng bất thường. Có tiếng kêu dồn của mấy người đàn ông trên phòng máy:
"Cái kéo, con dao cũng được". Cùng lúc đó là tiếng nổ dữ dội làm con
tàu lao chao rồi bất động. Máy tàu đã chết ! Khói trắng từ hướng đầu máy bay
phủ lên khiến ai cũng cay mắt.
Đây là
vùng ven giữa Campuchia và Thái Lan. Đường vào hải phận Thái cũng không còn xa,
nhưng hỡi ơi, máy đã chết rồi. Tàu đứng lại một chỗ nên mỗi đợt sóng lớn, cả
thân tàu tưởng như sắp bị lật úp đi. Nước tràn vào các lỗ hổng nhiều
hơn. Ông tài công lúng túng đưa mắt nhìn quanh. Nhìn xuyên chiếc băng ca
có bà cụ già, tôi thấy chiếc áo đẫm dầu máy của một người nào đó đang đưa lên
cao, phát phất cầu cứu. Biển bao la thật đáng khiếp sợ lúc này !
Gần hết
một ngày, bà cụ già trên chiếc băng ca đã chết khô vì nắng. Cô con gái út của
chị tôi la khóc vì phải uống nước tiểu sao mà đắng quá ! Những đứa bé Campuchia
gào thét đòi về nhà. Các anh tôi sau một đêm kêu cứu, mệt và khát, nằm vật ra
trên sàn. Bây giờ mọi người quyết định cứ thả thuyền cho trôi theo hướng gió.
Chị tôi khóc, nhắc tôi và em đọc kinh Ăn Năn Tội. Tôi không muốn nghĩ đến cái
chết, nhưng trong sự rã rời của thân xác, tôi vẫn tha thiết nguyện cầu, miệng
khấn xin Mẹ Maria đoái thương, và một lòng trông cậy vào Thánh Tâm từ bi của
Chúa Giêsu.
Thế
rồi bỗng dưng trong tận cùng của tuyệt vọng, tai tôi văng vẳng nghe tiếng máy
tàu nổ phành phạch trở lại. Nước mắt tôi chảy giàn giụa trong tiếng reo vui của
mọi người chung quanh. Phải chăng phép lạ đã xảy ra ? Chỉ bằng cái gõ mạnh từ
chiếc kéo vào máy tàu của một anh thanh niên, tự dưng tiếng động từ đầu máy
liền bật ra. Ôi, chiếc kéo sét rỉ bị bỏ quên trên sàn, giờ đây là sứ giả mang
tin mừng đến những kẻ khốn khổ !
Trời mỗi lúc càng tối mà bờ xa cho thuyền cập bến vẫn biệt tăm ! Người
tài công như mất hướng, ông cứ lái vòng vòng trong đêm vắng… Rồi bỗng có tiếng
hét lớn vang lên giữa khoảng không: "Chết cha ! Rơi vào hoang đảo rồi !
Tất cả nhổm dậy, nhốn nháo. Máy tàu chết hẳn. Chẳng còn giọt xăng nào cho tàu
chạy tiếp được nữa. Chung quanh là biển bao la, xa xa là rừng cây rậm rạp.
Chúng tôi đã nhịn đói và khát cả mấy ngày, nên chẳng còn ai đủ sức mà tát nước
hay vẫy khăn cầu cứu nữa. Chiếc tã trắng của con bà Campuchia treo hờ hững trên
buồm, bay vô vọng trong gió !
Quả là thú
dữ vẫn không dễ buông tha xác chết khi chưa hoàn toàn thối rữa. Môt chiều vào
ngày thứ hai, khi mọi người đang thoi thóp, một chiếc thuyền đánh cá Thái Lan
ghé qua. Họ ra điều kiện ba cây vàng. Rồi sau khi cướp giựt xong, lại cắt dây
bỏ đi. Con tàu tội nghiệp của chúng tôi, thêm một lần nữa, chơi vơi trên biển
khơi !
Đến xế
chiều thì có một gia đình đánh cá đang trên lộ trình về bến. Chủ thuyền là
người đàn bà gốc Việt định cư trên đất Thái. Bà vui mừng hét to bằng thứ tiếng
Việt không được nói nhiều năm của mình: "Việt Nam hả ? Việt Nam thì tôi giúp
ngay !” Sau đó bà ra lệnh lôi tàu chúng tôi về căn nhà gỗ dựng trên biển. Sau
khi phân phát mỗi người một cái bánh nếp và nước uống, bà hứa hẹn sẽ liên hệ
với chính quyền địa phương hôm sau.
Nắng chiều
trên biển thật đẹp. Tôi và cô em lần theo cầu ngang, ra bãi cát trắng hít thở
chút khí trời. Hai chị em hân hoan thả chân vào dòng nước trong xanh. Biển hãi
hùng nhưng biển vẫn thật đáng yêu khi lòng ta ấm áp tình người và chứa chan hy
vọng. Nhưng nào có ai hay, trên đám mây xanh dễ thương ấy đã có dấu hiệu của
vầng mây đen vần vũ. Vừa quay lại vào nhà, cảnh tượng trước mắt khiến hai đứa
chúng tôi run lên bần bật. Tất cả anh chị tôi và những người khác đều bị
trói tay, lôi ra lục xét. Cả một đám cướp Thái Lan, không biết làm sao đánh hơi
đuợc, ồ ạt xông tới. Chúng lục xét rất kỹ từng người lớn, trẻ em để vơ vét
những của cải còn sót lại trên đám người vượt biên. Trước khi ra đi, một tên to
lớn, mặt đầy râu ria, còn nhắn là rạng sáng mai sẽ quay lại giải quyết đám đàn
bà, con gái.
Chưa đêm nào dài hơn đêm ấy. Chưa có khủng khiếp nào
như khủng khiếp chờ đợi tai họa sắp giáng xuống. Bên ngoài, anh con trai nuôi
của người đàn bà Việt-Thái cầm con dao lưỡi liềm ngồi canh cửa. Trong nhà, lũ
con nít được cha mẹ dấu trốn trong lu. Mấy bà vợ bám sát vào ông chồng. Riêng
tôi và đứa em tìm góc tối mà núp. Không biết làm sao có thể thoát hiểm khi
chung quanh chỉ toàn là biển với biển. Đám người Campuchia trong đêm đã dẫn con
cái họ lặn trốn dưới nước, chờ trời sáng thì chạy vào rừng. Anh cả đến
cạnh chúng tôi dặn dò cầu nguyện. Anh bảo trời sáng một chút sẽ cùng nhau ra
đi…
Trời vừa
rạng sáng, cả đám chúng tôi men theo những sườn dốc, đạp đại lên gai cỏ để trốn
bọn cướp. Đã bao ngày đói khát, không biểt vì phép nhiệm màu, hay là sức mạnh
của tư tưởng phải thoát hiểm, mà tất cả mọi người đều bền bỉ leo lên hết dốc
này đến núi nọ. Mười bảy người trong gia đình chúng tôi, trong đó có 5 em bé
dưới 10 tuổi, đùm đề nhau vào rừng sâu từ sáng sớm mù sương, đến khi mặt trời
chực xuống núi.
Chia ra từng
nhóm, chúng tôi quấn mình trong đám lá cây rậm rạp, hay leo lên cành cây cao ẩn
thân. Tám giờ, mười giờ, mười hai giờ, ba giờ rồi năm giờ chiều... sắp sửa hết
một ngày. Mỗi lần đứa cháu nhỏ khóc, chị em tôi lấm la, lấm lét sợ run lên !
Mỗi khi nghe tiếng la hét của đám con gái người Campuchia, từ hướng núi nào đó
vọng tới, tôi tưởng mình sắp ngất đi vì khiếp hãi !
Rồi khi rừng
núi trở nên vắng vẻ, tưởng chừng như thú dữ đã no mồi về động ngủ say, thì bỗng
sột soạt những bước chân dẫm mạnh trên đất. Lá cây xào xạc bởi những nhát dao cuốc
lùa vào từng lùm cây. Rồi một con dao thật dài chém lia lịa vào gốc cây trước
mặt khiến tôi rớt xuống ngã nhoài trên đất. Một người đàn ông to lớn tiến về
phía tôi. Hoảng hốt, tôi lùi ra sau. Hai, ba người đàn ông cạnh đó, chụp mạnh
tay tôi và lôi kéo đi. Tôi cố quằn người lại, đau đớn nhìn anh chị mình quì rạp
xuống van xin.
Ba, bốn
người đàn ông đen đúa kéo lôi tôi lên dốc núi cao hơn. Đứng ngay trên mỏm đá
nhìn xuống, núi cao vời vợi và biển sâu dưới tầm mắt, ý nghĩ giải thoát đến với
tôi ngay trong khoảnh khắc ấy. Chỉ cần trườn chân ra, thân xác bé nhỏ này
sẽ rớt trên núi đá hoặc nằm sâu trong dòng nước mát lạnh, sẽ thoát được tủi
nhục. Nhưng ngay khi chân phải vừa trườn ra mỏm đá cùng với ý định tự tử,
tôi như thấy ánh mắt buồn vời vợi của Mẹ Maria và tim tôi lúc ấy chỉ thổn thức
muốn khóc: "Mẹ ơi, con xin uống chén đắng Chúa ban !"
Và bỗng...
cuống họng tôi như tuôn trào. Có chút gì đắng nghét trong miệng khiến tôi phải
nôn thốc nôn tháo cả mật vàng, mật xanh, nôn đến nỗi như muốn ngất luôn. Cả một
ngày không uống, không ăn, chẳng biết sao trong cuống họng cứ đầy những nước là
nước. Tên đầu đảng hoảng hốt, hắn còng tôi lại chỗ mọi người đang ngồi khóc…
Mọi người
kể lại sau này là chính tên đầu đảng đã kêu cậu con trai, con bà người Việt-Thái,
liên lạc với Cảnh Sát Thái. Tàu Hải Quân nhận lệnh đến liền sau đó để chở 59
người còn lại về trại tâp trung. Chúng tôi được tạm trú tại hội trường
Laemngob vài tuần đề lo thủ tục nhập trại. Hết lo nạn hải tặc trên đường biển ở
chốn hoang vu này, lại lo dân đánh cá Thái mò vào mùng ban đêm. Nếu đêm khuya
ấy, không có tiếng la hét trong giấc ngủ của ông anh họ ở mùng bên cạnh, thì số
phận của em tôi sẽ ra sao, khi gã đàn ông đen đúa ấy chui vào, dùng con
dao phay đe doa, lôi kéo con bé đi ?
Tháng hai
Mùa Chay 1980, đoàn người chúng tôi bước khập khễnh lên những tầng cấp của trại
tị nạn. Những ai không có nhà, được cho trú tạm nơi hội trường Công Giáo. Đó là
căn nhà tre nền đất, do cha Đỗ Quang Châu và nhóm sinh viên Công Giáo xây dựng.
Cha Châu lúc ấy vừa mới đi định cư tại Mỹ. Chẳng còn một xu, kiệt cùng tôi viết
thư cầu cứu cha, dù chưa từng quen biết. Chính nhờ số tiền cha Châu gởi ngay
đến mà chị em tôi mua được một mái tranh nhỏ với cái bếp cỏn con, chiếc ghế tre
để tiếp khách thật dễ thương. Chúng tôi chính thức có nơi trú ẩn sau gần một
tháng “bèo dạt hoa trôi”. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi nói với em tôi:
"Đây là nhà mới của chúng ta !"
Dòng đời trôi mãi, thế mà đã hơn ba
mươi năm. Tôi đã đi qua những năm tháng thanh xuân để chuẩn bị bước vào sân ga
cuối của đời người. Chặng đường đời nào cũng có những hòn đá lớn, nhỏ, cũng có
những đồi dốc phải leo. Những tưởng kinh nghiệm chịu đựng đã dạn dầy, thế mà
khi gặp khó khăn, tôi cũng chới với mất niềm tin. Dù miệt mài cầu nguyện, nhưng
sao cảm giác bơ vơ cứ bủa vây mãi trong tâm hồn ?
Năm nay
cũng lại vào Mùa Chay 2014, hồi ức trở về, điệp khúc của bài Thánh Ca cứ vang
vọng mãi trong tim tôi. Nó như ngọn gió bình yên thổi mát tâm hồn:
“And He will raise you up on eagle's wings,
Bear you on the breath of dawn,
Make you to shine like the sun,
And hold you in the palm of His Hand.”
Bear you on the breath of dawn,
Make you to shine like the sun,
And hold you in the palm of His Hand.”
Và rồi,
khúc phim Vượt Biển mấy chục năm về trước, từng đoạn, từng đoạn bỗng dưng
được trình chiếu. Thật lạ, chuyện ngày xưa cũ mèm, khi hồi tưởng lại, vẫn sống
lại trong tôi như in cái cảm giác của ngày ấy. Tôi nhớ mình run run đọc kinh
sám hối, khi con thuyền lạc lối giữa đại dương. Tôi nhớ mình đã tuyệt vọng đứng
trên bờ vực, khi sự sống và cái chết chỉ là tơ trời mong manh.
Chúa Giêsu
và Mẹ Maria đã không nỡ bỏ tôi. Ngài nâng tôi dậy sau mỗi thử thách nghiệt ngã.
Khó khăn tôi kêu cầu, vậy mà được hạnh phúc, tôi đã quên mất cả lời tri ân !
Nhưng Thiên Chúa vẫn bao dung. Ngài luôn bên cạnh tôi, vỗ về an ủi… Ngài đến
sát gần hơn khi tôi tột cùng hoang mang. Quá sát để tôi không thấy được chiếc
bóng của ngài.
Như tâm tình của Mary
Stevenson gửi trong tiếng thơ:
“You promised me Lord
That if I followed you
You would walk with me always
But I have noticed that during
The most trying period of my life
There have only been one
Set of footprints in the sand
Why, when I need you the most
You have not been there for me ?
The Lord replied,
“The time when you have
Seen only one set of footprints
Is when I carried you”.
Nguyện cầu
rằng nếu một mai có phải lần mò trong đêm tối, tôi vẫn vững tin mà bước, vì có
Chúa Giêsu, có cả Mẹ Maria luôn đồng hành với tôi trên mọi nẻo đường.
TƯỜNG VI,
4.2014
Theo EPHATA 610
0 nhận xét:
Đăng nhận xét