Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

Đưa giàn khoan xuống Hoàng Sa, Trung Quốc tìm cách điểm vào yếu huyệt của Việt Nam


Giàn khoan dầu HD 981 trong vòng bảo vệ dày đặc của các tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông.  Ảnh chụp ngày 14/05/2014.
Giàn khoan dầu HD 981 trong vòng bảo vệ dày đặc của các tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh chụp ngày 14/05/2014.
REUTERS/Nguyen Ha Minh

LTCGVN (17.05.2014)
Ngày 03/05/2014, Trung Quốc đã cho giàn khoan Hải Dương 981 vào hoạt động tại vùng biển nằm giữa quần đảo Hoàng Sa và bờ biển miền Trung Việt Nam, một khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc tranh chấp. Trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI hôm 11/05/2014, Giáo sư Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc – Đại học New South Wales) đã nêu bật tính chất phi pháp và khiêu khích trong hành động của Bắc Kinh, được ông xem là nhắm ngay vào một chỗ yếu của Việt Nam.

Vấn đề trung tâm của sự cố « Giàn khoan Hải Dương 981 » là vùng biển nơi Trung Quốc cắm giàn khoan lại nằm trên thềm lục địa và ngay trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, chỉ cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, thuộc lô dầu khí 142-143 mà Việt Nam từng thử thăm dò từ năm 1972. Địa điểm này cũng cách ‘đảo’ Tri Tôn ở cực tây nam quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam đòi chủ quyền sau khi bị Trung Quốc chiếm đóng vào năm 1974.
Bắc Kinh ngược lại đã nhân danh lịch sử để khẳng định chủ quyền trên 80% khu vực Biển Đông, với một tấm bản đồ hình lưỡi bò ăn vào vùng lãnh hải của hầu như mọi nước quanh Biển Đông. Riêng Hoàng Sa là vùng lãnh thổ đã bị Bắc Kinh chiếm trọn từ tay Việt Nam cách nay 40 năm và từ đó đến nay không ngừng xây thêm cơ sở để khẳng định quyền chiếm ngụ.
Sau đây, mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn mà giáo sư Thayer dành cho RFI, với nhận xét chung đầu tiên : Động thái cắm giàn khoan tại Biển Đông của Trung Quốc vừa bất ngờ, vừa khiêu khích, vừa phi pháp.
Thayer : …Bất ngờ vì quan hệ Trung Quốc - Việt Nam đang ở trong một tiến trình tốt đẹp kể ngày Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm Việt Nam vào năm ngoái. Mặt khác, cũng không có một lời tuyên truyền cảnh báo nào từ phía Bắc Kinh theo đó Hà Nội đã vi phạm lợi ích của Trung Quốc, điều mà trong một chừng mực nào đó, có thể giải thích cho một phản ứng từ phía Bắc Kinh.
Động thái của Trung Quốc mang tính khiêu khích vì giàn khoan dầu đã được khoảng 80 chiếc tàu đi theo hộ tống, trong đó có 7 chiến hạm. Hành động này đã gây căng thẳng trong khu vực.
Sau cùng, động thái này bất hợp pháp ở chỗ Trung Quốc đã nói một cách sai lạc rằng lô 143 (nơi họ cắm giàn khoan) nằm trong "vùng lãnh hải" của họ. Thế nhưng không hề có thực thể lãnh thổ Trung Quốc nào trong vòng mười hai hải lý, nơi giàn khoan dầu đang hoạt động.
RFI : Phải chăng Trung Quốc chỉ muốn thử phản ứng của Việt Nam, ASEAN và Mỹ, hay là họ thực sự muốn chiếm hữu và khai thác vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền ?
Thayer : Dụng ý của Trung Quốc không rõ ràng. Về hình thức thì giàn khoan dầu HD-981 sẽ thăm dò cho đến ngày 15 tháng 8. Còn nếu để thử phản ứng thì Trung Quốc có lẽ đã phải ngạc nhiên trước phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam.
Nếu muốn thăm dò phản ứng của ASEAN, thì hành động của Trung Quốc đã phản tác dụng. Các Ngoại trưởng ASEAN đã có động thái bất thường là đưa ra một tuyên bố chung riêng biệt về tình hình Biển Đông.
Khó thể có hành động cụ thể từ Mỹ để đuổi Trung Quốc
Nếu hành động của Trung Quốc là để nắn gân Hoa Kỳ, thì tại sao họ lại chọn việc gây ra một sự cố với Việt Nam, một nước không phải là đồng minh của Mỹ.
Thế nhưng, hành động của Trung Quốc đã mặc nhiên thách thức lời bảo đảm gần đây của Tổng thống Mỹ Obama khi ông ghé khu vực, rằng Washington chống lại mọi nỗ lực nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng cách ép buộc và đe dọa.
Có vẻ như là Mỹ khó có thể có hành động cụ thể để đuổi giàn khoan và tàu hộ tống của Trung Quốc ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mỹ không có lợi ích trực tiếp khi làm như vậy.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc phô trương sức mạnh sẽ không làm Việt Nam hoặc các quốc gia ven biển khác trong khu vực khuất phục.
Việt Nam trong thế yếu trong tranh chấp Hoàng Sa
RFI : Trong một bài phỏng vấn, Giáo sư từng nhận định rằng khi đặt giàn khoan vào khu vực lô 143, ở giữa Hoàng Sa và bờ biển Việt Nam, Trung Quốc đã đánh vào chỗ mà Việt Nam dễ bị tổn thương nhất. Xin Giáo sư giải thích rõ hơn.
Thayer Nhiều nước ASEAN xem tranh chấp quần đảo Hoàng Sa và vùng biển xung quanh là một vấn đề song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc đã chọn một lô thăm dò dầu khí mà Việt Nam đã không tìm cách khai thác. Không có công ty dầu hỏa ngoại quốc nào hoạt động trong khu vực này và do đó hành động của Trung Quốc không đe dọa lợi ích của nước khác.
Trung Quốc cũng đã mang vào khu vực một lực lượng áp đảo - ít nhất là tám mươi tàu, trong đó có bảy tàu chiến. Việt Nam phải điều hòa phản ứng của mình để khỏi kích động bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc và bị cáo buộc là có hành động khiêu khích.
RFI : Giáo sư nhận định sao về phản ứng của chính quyền Việt Nam ?
Thayer : Phản ứng của Việt Nam trong việc gửi khoảng hai mươi chín tàu đến khu vực có lô 143 là một phản ứng tương xứng để bảo vệ thẩm quyền pháp lý đối với vùng EEZ của Việt Nam. Thực tế theo đó một số tàu ngoại quốc thách thức sự hiện diện của Việt Nam sẽ củng cố vị thế pháp lý của Việt Nam. Việt Nam hứa sẽ tiếp tục phát huy quyền lực của mình trong khu vực.
Việt Nam cũng lao vào một cuộc "chiến tranh thông tin", không chỉ tổ chức một cuộc họp báo được quảng bá rầm rộ, mà còn cho các phương tiện truyền thông loan tin rộng rãi về sự cố giàn khoan dầu.
Các điều đó sẽ kích thích lòng phẫn nộ yêu nước chống lại Trung Quốc và sẽ nhấn mạnh đến quyết tâm đấu tranh trên biển của Việt Nam chống lại giàn khoan dầu của Trung Quốc.
Một phong trào biểu tình của quần chúng cũng nhấn mạnh đến sự tồn tại của một tâm lý tức giận trên bình diện rộng trước các hành động của Trung Quốc.
Việt Nam sẽ tiếp tục đứng lên chống lại Trung Quốc trừ phi cuộc "chiến tranh thông tin" của mình và thái độ khoan dung trước các cuộc biểu tình bị phản tác dụng và dẫn đến những lời tố cáo chính quyền thiếu kiên quyết trong việc đối đầu với Trung Quốc.
Không thể loại trừ xung đột võ trang do tính toán sai lầm
RFI : Căng thẳng hiện rất cao, nhưng liệu có xẩy ra đụng độ vũ trang giữa Việt Nam và Trung Quốc hay không ?
Thayer : Một vụ đụng độ vũ trang không thể loại trừ và nếu xảy ra, thì có nhiều khả năng nguyên do đến từ một tính toán sai lầm. Cho đến nay, Trung Quốc đã đâm vào tàu Việt Nam và dùng vòi rồng xua đuổi tàu Việt Nam. Các hành động này dự kiến sẽ còn tiếp tục xẩy ra​​. Nhưng có khả năng là cả hai bên sẽ nỗ lực làm việc để quản lý tình hình sao cho khỏi leo thang.
RFI : Việt Nam có cơ sở pháp lý để chống lại giàn khoan dầu của Trung Quốc hay không ?
Thayer : Trung Quốc đã chỉ đưa ra những lập luận chung chung về quyền lợi hợp pháp của họ. Nhưng nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng Trung Quốc có hai căn cứ để đòi chủ quyền tại khu vực lô 143.
Trước hết lô này nằm trong vùng EEZ của tỉnh Hải Nam. Thứ hai, lô này cũng thuộc vùng EEZ của quần đảo Hoàng Sa, tính từ đường cơ sở của nó hoặc từ đảo Tri Tôn. Hai lập luận đó it ra cũng đặt lô 143 vào vòng tranh chấp. Thế nhưng, Trung Quốc lại không đưa ra lập luận này.
Luật pháp quốc tế yêu cầu các bên tranh chấp có biện pháp tạm thời, tránh làm thay đổi hiện trạng, và không sử dụng việc đe dọa dùng vũ lực hoặc chính vũ lực để giải quyết tranh chấp.

Khả năng kiện Bắc Kinh ra trước trọng tài Liên Hiệp Quốc rất khó

RFI : Giáo sư có nghĩ rằng Việt Nam bây giờ phải đưa vụ việc ra tòa án trọng tài của Liên Hiệp Quốc hay không ?
Thayer : Tòa án Trọng tài không thể giải quyết tranh chấp chủ quyền, chẳng hạn như phán quyết xem bên nào sở hữu quần đảo Hoàng Sa. Tòa án chỉ có thể giải quyết tranh chấp về thẩm quyền trên biển.
Để thụ lý vụ kiện, Tòa án Trọng tài trước tiên phải quyết định xem Việt Nam có đủ cơ sở căn cứ vào luật pháp quốc tế hay không, và tòa án có thẩm quyền xem xét vấn đề được nêu ra hay không. Việt Nam có khả năng không vượt qua được trở ngại đầu tiên này bởi vì Trung Quốc đang chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa.
RFI : Giáo sư nhận định thế nào về phản ứng của Hoa Kỳ ?
Thayer : Ngay từ đầu, Mỹ đã có tuyên bố ngắn gọn, đánh giá là việc triển khai giàn khoan dầu là một hành vi khiêu khích. Mỹ không trực tiếp dính líu vào vụ này và phải cẩn thận không để thế trận của mình bị sơ hở. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích là tuyên bố của Mỹ không có cơ sở.
Chúng ta sẽ rõ hơn về quan điểm của Mỹ sau báo cáo của Trợ lý Ngoại trưởng Danny Russel trở về từ Hà Nội, và sau khi Mỹ tham khảo ý kiến các đồng minh và các quốc gia khác cùng quan điểm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét