LTCGVN (28.05.2014)
Những năm gần đây một cái công hàm lịch sử gây dư luận xôn xao đang để lại hậu quả của nó làm nhói đau lòng dân tộc Việt Nam vì đã được nước bạn Trung cộng ân cần nhắc lại nhưng chính quyền CHXHCNVN thì lờ đi như không biết và mãi đến ngày hôm nay mới tuyên bố vô hiệu hóa. Lịch sử của tổ tiên ta đã chứng minh chủ quyền của dân tộc mình trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ấy thế mà chính quyền VNDCCH đã lên tiếng ủng hộ bản công bố ngang ngược của chính quyền Bắc Kinh về chủ quyền trên hai quần đảo của Tổ Quốc ta và lãnh hải 12 hải lý vào ngày 4 tháng 9 năm 1958 xin trích:
“Lãnh hải nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa rộng 12 hải lý. Quy định này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước CHND Trung Hoa, bao gồm Trung Quốc đại lục cùng với duyên hải của các hải đảo, với Đài Loan cùng các hòn đảo xung quanh cách đại lục bằng hải phận quốc tế, những hòn đảo của khu vực Bành Hồ, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và những gì thuộc về những hải đảo của Trung quốc.” (X-cafevn online ngày 5-9-2009)
Mười ngày sau, tức là ngày 14 tháng 9 năm 1958 thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa Phạm Văn Đồng gửi cho thủ tướng Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa là Chu Ân Lai một bức công hàm có nội dung:
“Chúng tôi trân trọng báo tin để đồng chí Tổng Lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam DCCH ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958, của chính phủ nước CHND Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung quốc.
Chính phủ nước Việt Nam DCCH tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung quốc, trong mọi quan hệ với nước CHND Trung Hoa trên mặt bể.
Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.”
(Tuần ViệtNam online ngày 20-7-2011)
Nguyên bộ trưởng Ngoại giao CSVN Nguyễn Mạnh Cầm đã giải thích bức công hàm này trong một cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 2-12-1992 và được Thông tấn Xã Việt Nam loan tin ngày 3-12-1992, xin trích như sau:
“Ông nói: ‘các nhà lãnh đạo của ta lúc trước xác nhận về Hoàng Sa và Trường Sa như vậy là do theo Hiệp định Genève năm 1954 về vấn đề Đông Dương thì tất cả lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam là thuộc về chính quyền miền Nam, kể cả hai quần đảo này.
Thêm vào đó, vào lúc ấy Việt Nam phải tập trung hết mọi lực lượng vào cuộc chiến chống Mỹ nên cần bạn bè khắp nơi. Tình hữu nghị Việt- Trung đang thắm thiết và hai nước hoàn toàn tin cậy lẫn nhau. Việt Nam xem Trung quốc là một nguồn hỗ trợ to lớn và giá trị.
Trong tinh thần đấy thì do tính cấp bách, quan điểm lãnh của đạo ta (tức ủng hộ Trung quốc công bố chủ quyền của họ trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) là cần thiết vì nó phục vụ cho cuộc chiến bảo vệ tổ quốc.
Đặc biệt việc này còn nhắm vào nhu cầu cấp thiết lúc đó là ngăn ngừa đế quốc Mỹ không sử dụng các quần đảo đó để tấn công chúng ta. Việc lãnh đạo ta tạm công nhận như thế với Trung quốc không có can hệ gì đến chủ quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cả.” (RFA online ngày 12-12-2007)
Qua sự giải thích và biện minh của ông Nguyễn Mạnh Cầm có câu: “trong tình thế cấp bách, quan điểm của lãnh đạo ta (tức ủng hộ Trung quốc công bố chủ quyền của họ trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa)” cho thấy rằng chính quyền VNDCCH, mà trong đó chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người phải chịu trách nhiệm trong việc công nhận chủ quyền của Trung cộng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa rồi còn gì mà chối nữa. Trong chuyến đi Bắc Kinh của thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn ngày 25-6-2011 gặp ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Trung quốc đặc trách đối ngoại và ông ta đã cố tình nhắc lại:
“Tối 28-6, Tân Hoa Xã đưa lên mạng bản tin Anh ngữ, theo đó Bắc Kinh hy vọng Hà Nội sẽ thực hiện những gì hai bên đạt được trong chuyến công cán tại Trung quốc của thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, được hiểu là Trung quốc kêu gọi Việt Nam thực hiện điều gọi là đồng thuận.
Ngoài ra Tân Hoa Xã còn nhắc lại tư liệu lịch sử, theo đó năm 1958 khi Trung quốc tuyên bố chủ quyền các đảo ở biển Nam Trung Hoa (Biển Đông Việt Nam) thủ tướng Việt Nam ông Phạm Văn Đồng đã gởi công hàm ngoại giao bày tỏ sự đồng thuận với thủ tướng Trung quốc lúc đó là ông Chu Ân Lai.” (RFA online ngày 1-7-2011)
Theo tài liệu mà Wikileaks vừa tiết lộ bức công điện ngày 13-3-2008 của tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội thì chắc chắn rằng theo “đồng thuận” ngầm, Việt Nam đã “bán” hẳn quần đảo Hoàng Sa cho Trung cộng. Có phải đây là sự “đồng thuận” theo như lời của Zheng Zhehua, phó Giám độc Cơ quan Hoạch định Chính sách thuộc Ban Quan hệ Á châu bộ Ngoại giao Trung quốc đã nói rõ về số phận của quần đảo Hoàng Sa nên đảng CSVN không thể công bố?
“Zheng lưu ý rằng Trung quốc đã chính thức tuyên bố ranh giới khu vực chủ quyền 12 hải lý xung quanh quần đảo Hoàng Sa, nơi họ tin rằng chủ quyền của họ là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, vẫn theo Zheng, Trung Quốc không làm điều này với khu vực quần đảo Trường Sa, vì Bắc kinh thừa nhận rằng những tuyên bố như vậy tại đây là phức tạp hơn.”(Bí mật VN qua hồ sơ Wikileaks trang 184)
Nhà ngoại kỳ cựu, ông Lưu Văn Lợi đã lên tiếng giải thích về bức công hàm này qua bài viết đăng trên tạp chí Xưa & Nay (Số 315, tháng 9-2008, trang 40) với tựa đề “Bức thư của thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi các nhà lãnh đạo Trung quốc ngày 14-9-1958” được ông Bùi Văn Phú ghi lại như sau:
“Chính phủ Trung Quốc tuyên truyền đây là một ‘bằng chứng’ Việt Nam công nhận quần đảo Hoàng Sa là của Trung quốc.
Xem nguyên văn bức thư của ông Phạm Văn Đồng người ta thấy bức thư chỉ có một nội dung là ủng hộ Trung Quốc quy định hải phận rộng 12 hải lý và chỉ thị cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm phải tôn trọng quy định 12 hải lý. Nội dung đó không hề nói đến vấn đề lãnh thổ, càng không nói gì đến vấn đề các quần đảo. Nội dung chỉ có thế, sao lại xuyên tạc là ‘sự công nhận’ Hoàng Sa là của Trung quốc?” (Talawas online ngày 9-14-2009)
Bộ Ngoại giao vẫn im lặng không nói gì đến bức công hàm mà chỉ để Mặt trận Tổ quốc lên tiếng qua báo Đại Đoàn Kết và ở đó thạc sĩ Hoàng Việt (Quỹ nghiên cứu Biển Đông) cũng giải thích một cách lấp liếm như ông Lưu Văn Lợi trong khi ông Nguyễn Mạnh Cầm đã thừa nhận: “quan điểm của lãnh đạo ta (tức ủng hộ Trung quốc công bố chủ quyền của họ trên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa) là cần thiết..”
Có một điều đáng nói là “lãnh đạo ta” đã né tránh và thiếu tinh thần trách nhiệm khi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lúc bấy giờ không phải thuộc quyền của mình mà họ đã trơ trẻn nhận vơ là của “đồng chí vĩ đại”. Cả hai ông cớm ngoại giao đã tuyên bố rõ như thế mà còn giải thích quanh co chỉ nhận có hải phận 12 hải lý? Chính vì công nhận 12 hải lý nầy mà Trung cộng đã ngang ngược hoành hành trên vùng biển quanh Hoàng Sa và Trường Sa mấy năm nay, vậy mà ông thạc sĩ Hoàng Việt viết:
“Công hàm 1958 của thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đời trong bối cảnh quan hệ đặc thù VNDCCH-Trung quốc lúc đó ‘vừa là đồng chí vừa là anh em’…
Trung quốc ra tuyên bố về lãnh hải bao gồm đảo Đài Loan trước hết nhằm khẳng định chủ quyền trên biển của Trung quốc trong tình thế đe dọa tại eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, Trung quốc vẫn không quên mục đích ‘sâu xa’ của họ trên Biển Đông nên đã ‘lồng ghép’ thêm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào bản tuyên bố.
Công hàm 1958 của thủ tướng Phạm Văn Đồng xuất phát từ mối quan hệ rất đặc thù với Trung Quốc trong thời điểm VNDCCH đang rất cần tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia trong khối XHCN bấy giờ là cử chỉ ngoại giao tốt
đẹp thể hiện quan điểm ủng hộ của VNDCCH trong việc tôn trọng lãnh hải 12 hải lý của Trung quốc trước các diễn biến quân sự phức tạp trên eo biển Đài Loan…
Trong công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng không có từ nào, câu nào đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền, càng không nêu tên bất kỳ quần đảo nào như Trung quốc đã nêu. Do vậy, chỉ xét về câu chữ trong một văn bản có tính chất ngoại giao cũng dễ dàng nhận thấy mọi suy diễn cho rằng công hàm 1958 đã tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và coi đó là bằng chứng khẳng định đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này là xuyên tạc lịch sử và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý”...
Trong công hàm 1958, thủ tướng Phạm Văn Đồng không hề đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì điều đó không cần thiết, bởi theo Hiệp định Genève 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm phía Nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền quản lý của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Trong thời điểm đó, dưới góc độ tài phán quốc tế, thì chính phủ VNDCCH không có nghĩa vụ và quyền hạn hành xử chủ quyền tại hai quần đảo này theo luật pháp quốc tế”… (Tuần ViệtNam online ngày 20-7-2011)
Luật gia Trần Đình Thu cũng lập luận cùng một giọng điệu với thạc sĩ Hoàng Việt trong Đại Dân Tộc, ông còn cho rằng cái công hàm “nói nôm na giống như một tiếng vỗ tay đồng thuận hay một lời la ó phản đối”, thưa ông Thu, ở đây tôi nghĩ không phải vậy, mà nó còn để lại một hậu quả nghiêm trọng không lường khi mà “nước bạn Trung Quốc” đã cố tình chiếm đảo của ta thì chúng ta không thể coi nhẹ cái công hàm ấy được. Qua việc phân trần của luật gia Thu cho chúng ta thấy được cái cảnh bị lệ thuộc thiên triều của Việt Nam DCCH lúc bấy giờ bi thảm như thế nào. Đây ông Thu viết:
“Theo luật quốc tế, giá trị của công hàm chỉ là nêu quan điểm của chính phủ một nước về một vấn đề quốc tế, nói nôm na như là tiếng vỗ tay đồng thuận hay một lời la ó phản đối. Chỉ khi nào Việt Nam ký hiệp định với Trung quốc nói rõ những vùng biển đảo nào thuộc Trung quốc thì khi đó mới có giá trị.
Vào năm 1958, trong bối cảnh Việt Nam DCCH đang quan hệ với Trung quốc, việc ra công hàm ủng hộ Tuyên bố 1958 của nước bạn Trung quốc là không thể không làm. Khổ nổi tuyên bố của nước bạn quá ngạo ngược về cái ‘ranh đất không giống ai’ đó. Như vậy thì công hàm phải viết thế nào đây?…
Tuy nhiên, công hàm 1958 của thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khéo léo công nhận chỉ 1 vấn đề là bề rộng lãnh hải 12 hải lý mà thôi…
Từ đó chúng tôi kết luận: Công hàm 1958 không thể là nguyên nhân dẫn đến các rắc rối về sau liên quan đến chủ quyền biển đảo giữa Việt Nam và nước bạn Trung Quốc. Việc nước bạn Trung Quốc có những tuyên bố thiếu phù hợp gần đây là do sự chủ động của họ.” (Đàn Chim Việt online ngày 12-12-2011)
Từ lâu rồi Trung cộng hoành hành trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và trên Biển Đông, ông Thu có thấy được hậu quả tai hại của cái công hàm đó như thế nào không? đối với người vô trách nhiệm thì cái công hàm đó như “một tiếng vỗ tay”, nhưng với “nước bạn Trung Quốc” có chủ tâm chiếm đảo của ta thì nó lại
khác, nó là một bằng chứng có giá trị vô cùng. Để biện minh cho việc làm ngang ngược của mình trên Biển Đông, Trung cộng đã nhắc lại cái công hàm năm 1958 theo như bức công điện ngày 13-3-2008 của tòa đại sứ Hoa kỳ tại Hà Nội gửi về bộ Ngoại giao Hoa kỳ mà Wikileaks vừa tiết lộ được nhà báo Ngô Nhân Dụng viết nên bài “Một di sản của Phạm Văn Đồng” lược trích:
“Việc ngăn cấm các công ty quốc tế tìm dầu trong thềm lục địa Việt Nam buộc chính quyền Bắc kinh phải giải thích với nước có những hảng dầu bị cấm. Và họ đã viện dẫn lá thư Phạm Văn Đồng làm bằng cứ. Một điện văn của đại sứ Mỹ ở Hà nội (mới tiết lộ cuối tháng 8 năm 2011) kể lại mấy cuộc tiếp xúc với quan chức Trung cộng để nghe họ biện minh việc cấm đoán các hảng dầu Mỹ. Trong cuộc gặp gỡ ngày 7 tháng 3 năm 2008 với nhân viên Ngoại giao Mỹ, ông Trịnh Chấn Hoa (Zheng Zhenhua Đ/N), phó chủ nhiệm phòng Kế hoạch thuộc Vụ Á châu, bộ Ngoại giao Bắc Kinh, đã nêu lên lá thư do ông Phạm Văn Đồng ký gửi thủ tướng Chu Ân Lai để chứng minh Việt Nam đã chính thức công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ năm 1958.” (Người Việt online ngày 13-9-2011)
Trung cộng đã tung hoành như cướp trên vùng biển đảo của ta với biết bao vụ đâm chìm tàu và bắn giết ngư phủ và cái ngang ngược nhất là đã cắt cáp tàu thăm dò dầu khí trong thềm lục địa của ta. Trung cộng đã điều biết bao tàu lớn nhỏ uy hiếp, đe dọa nhân dân ta cũng như đưa giàn khoan thăm do dầu khí lớn nhất của chúng vào Biển Đông có cả tàu và máy bay võ trang ngang nhiên tung hoành trên vùng biển Hoàng Sa thách thức cả dư luận quốc tế và những nước trong khối ASEAN đang có tranh chấp chủ quyền thì chuyện giải quyết sẽ ra sao? Khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố:
“Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta có đủ căn cứ và lịch sử pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết, đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình.” (VNExpress online ngày 25-11-2011)
Với tham vọng bành trướng với quân đông, tàu lớn, súng to của “nước bạn” chúng ta sẽ “dùng biện pháp hòa bình” để lấy lại Hoàng Sa như thủ tướng Dũng vừa tuyên bố, trong khi chúng chiếm của ta bằng máu thì liệu có tin được không?
Đừng nghe những gì ông Dũng nói, ông ta chỉ hô hào suôn để lừa phỉnh và trấn an dư luận, thương lượng bí mật song phương có tính cách “câu giờ” thì chắc chắn rằng Hoàng Sa sau 50 năm Trung cộng chiếm cứ mà không có thưa kiện ra Quốc tế theo như lời cảnh giác của luật sư Trần Lâm thì xem như “cứt trâu để lâu hóa bùn”. Đứng trước hiểm họa vĩnh viễn mất Hoàng Sa và cả Trường Sa nhân dân Việt Nam đã biểu tình phản đối và tiến sĩ Hà Sĩ Phu đã long trọng tuyên bố:
“Được biết tình hình này, một số cựu chiến binh lão thành phẫn nộ: Họ dựa vào công hàm của thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 chứ gì, nếu cần dân Việt Nam sẽ xé toạc công hàm đó, gạch chéo lên công hàm đó: quyết định về lãnh thổ mà không có chuẩn y của Quốc hội, không trưng cầu dân ý thì chẳng có giá trị gì, dân xé lúc nào cũng được. Dân chúng tôi không bị ràng buộc bởi công hàm đó!” (Đối Thoại online ngày 13-12-2007)
Thay mặt lưỡng Viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện trưởng Viện Tăng thống ra tuyên cáo về cái công hàm ngày 14-9-1958 xin trích như sau:
“Công hàm ngày 14-9-1958 của ông Phạm Văn Đồng chỉ đại diện cho thiểu số đảng viên cộng sản mà không đại biểu cho toàn dân miền Bắc Việt Nam, vì nội dung bán nước của công hàm không được trưng cầu dân ý, cũng không được thông qua trước Quốc hội VNDCCH, dù nhân dân không cộng sản chẳng có đại biểu tại quốc hội này y hệt như quốc hội hiện nay…
Xem như thế công hàm ngày 14-9-1958 của ông Phạm Văn Đồng vô giá trị trên mặt pháp lý quốc tế, pháp lý quốc gia và ý chí dân tộc. Công hàm chỉ là dự tính chia chác phi pháp giữa hai đảng cộng sản Việt-Trung.” (Thời Luận ngày 17-9-2008)
Để hóa giải ảnh hưởng của bức công hàm của ông Đồng, ông Thái Văn Cầu đề nghị Việt Nam không nên giữ tên nước là VNDCCH vì như thế là chúng ta mặc nhiên công nhận bức công hàm có con dấu “VNDCCH”. Theo ông Cầu thì cần phải đổi “nhãn hiệu”, không dùng lại con dấu cũ; đây là một ý kiến hay nhưng chưa đủ vì “Cộng Hòa Việt Nam” theo ông Cầu ám chỉ là tên rút ngắn của cái chính phủ ma CHMNVN không có chính danh mà phải đổi ngay thành Việt Nam Cộng Hòa mới có đủ tính cách pháp nhân và danh chính ngôn thuận.
“Vì Trung Quốc tích cực sử dụng Công hàm 1958 và tuyên bố của quan chức VNDCCH về Hoàng Sa-Trường Sa trong giai đoạn 1954-1975 để đánh lừa dư luận quốc tế và và nhân dân Trung Quốc…
Một tên nước “Cộng Hòa Việt Nam” (CHVN), như trong CHMNVN, chính quyền ở phía Nam vĩ tuyến 17 trong giai đoạn 1969-1976, từng trực tiếp hay gián tiếp khẳng định chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, tạo nhiều thuận lợi hơn, so với tên nước VNDCCH hay CHDCVN, cho nỗ lực bảo vệ quyền lợi đất nước.” (Bauxite Việt Nam online ngày 10-5-2013)
Ngoài bức công hàm của ông Phạm Văn Đồng ra còn nhiều sự kiện mà nước CHXHCNVN ngày nay khi tranh chấp còn phải trả lời.
1)- Phóng viên Lê Dân của đài RFA có đưa một bản tin:
“Theo tư liệu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì văn kiện mang tên ‘Chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên các đảo Tây Sa và Nam Sa’ được tạp chí Beijing Review in lại trong số ấn hành này 18 tháng Hai năm 1980, thì Hà Nội đã thỏa hiệp được với Bắc Kinh trong quá khứ về việc này. Chúng tôi xin trích thuật:
“Vào tháng Sáu năm 1956, hai năm sau khi chính phủ của ông Hồ Chí Minh đã thành lập tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Ung Văn Khiêm đã nói với ông Li Zhimin, Tham tán sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, rằng theo dữ liệu của Việt Nam thì đảo Tây Sa (tức Paracels Hoàng Sa) và đảo Nansha (tức Spratleys, Trường Sa) là một phần thuộc Trung quốc theo lịch sử.” (RFA online ngày 12-12-2007)
2)- Theo giáo sư sử học Hà Văn Thịnh trả lời phóng viên Mặc Lâm kể khi ông học năm thứ nhất trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nghe ông Hoàng Tùng, Ủy viên Trung ương đảng, TBT báo Nhân Dân nói chuyện về lịch sử nguyên văn như thế này:
“Vì ta bận đánh Mỹ, không có thời gian và chưa đủ khả năng để giải phóng Hoàng Sa nên nhờ bạn Trung Quốc giải phóng. Sau này mình thống nhất đất nước rồi phía bạn sẽ trả cho mình.” (RFA 19-1-2013)
3)- Trong bài viết của Trần Quốc Việt với tựa đề “Thêm một bằng cứng bán nước rõ ràng của đảng CSVN” ông Việt trích và dịch theo sách của Hà Nội viết bằng chữ Anh mang tên “U.S Intervention and Aggression in Viet Nam during the last twenty years.”
“Một cuốn sách của Bộ Ngoại giao VNDCCH ấn hành ở Hà Nội vào năm 1965 khẳng định rất rõ ràng quần đảo Hoàng Sa lệ thuộc Trung Quốc…
“…phần hải phận của nước CHND Trung Hoa xung quanh quần đảo Hoàng Sa là ‘khu vực chiến đấu’ của lực lượng vũ trang Mỹ.” (DanLamBao online ngày 24-1-2014)
4)- Phóng viên Trọng Nghĩa đưa tin “Báo Trung Quốc khai thác sơ hở trong giáo dục của Việt Nam” như sau:
“…tờ Hoàn Cầu Thời báo đã khẳng định rằng chính Việt Nam đã công nhận là vùng Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc trước năm 1975, vì vào năm 1974, bản đồ và sách vở tại Việt Nam, trong phần giới thiệu về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đều nói rằng các hòn đảo ở Biển Đông đã tạo thành một bức tường lớn bảo vệ lục địa Trung Quốc…
…phần mềm tin học xác định chủ quyền của Trung Quốc bên trong đường lưỡi bò ở Biển Đông lại được giảng dạy chính thức trong trường học, trong chương trình tin học và địa lý của lớp 7, và từ năm 2007 đến nay.
Theo các nguồn tin báo chí trong nước, phần mềm đó mang tên Earth Explorer, do Trung Quốc sản xuất và được Bộ giáo dục Việt Nam cho nhập và đưa vào bắt buộc sử dụng trong nhà trường.” (RFI online ngày 29-12-2013)
Thạc sĩ Đinh Kim Phúc, chuyên gia nghiên cứu độc lập về Biển Đông trả lời phỏng vấn của phóng viên Thanh Trúc đài RFA ông nói:
“Nếu không có hành động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước thì cũng đừng nên có hành động ‘cõng rắn cắn gà nhà’ như một số quan chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vụ sách giáo khoa có in bản đồ đường lưỡi bò.” (RFA online ngày 4-1-2014)
Qua những tài liệu trình bày ở trên và có thể còn nhiều hơn nữa cho thấy rằng dù chúng ta có những tài liệu lịch sử chứng minh chủ quyền của Tổ Quốc ta trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà đảng CSVN và chế độ VNDCCH đã mặc nhiên công nhận chủ quyền của Trung cộng, ngày nay với lý lẽ của kẻ mạnh chúng ta làm sao ăn nói đây? Bây giờ muốn hóa giải mọi mắc mứu với Trung cộng về chủ quyền hai quần đảo này thì chỉ có việc duy nhất là giải tán đảng CSVN và Nhà nước CHXHCNVN và thành lập chính phủ VNCH đoàn kết dân tộc bình đẳng, bình quyền, không phân biệt chính kiến, vì chỉ có Việt Nam Cộng Hòa mới có đủ tư cách pháp nhân làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên thực tế cũng như về mặt pháp lý và danh chính ngôn thuận khi đưa ra tranh chấp Quốc tế, có như vậy Trung cộng mới không còn một chứng cớ nào khả dĩ chứng minh được chủ quyền của chúng ngoài sự ngang ngược đánh chiếm năm 1974.
danlambaovn.blogspot.com
0 nhận xét:
Đăng nhận xét