LTCGVN (27.05.2014)
Sài Gòn- Ngày Chúa Nhật 25.05, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dùng máy bay trực thăng từ Jordan sang Palestin, viếng thăm thánh địa Bêlem, thuộc phần đất do chính quyền Palestin cai quản. Cuối thánh lễ ở quảng trường Máng Cỏ, trong đó Ngài đã nhân danh Chúa Giêsu kêu gọi mọi người yêu mến và chăm sóc trẻ em, Đức Thánh Cha đã đưa ra một sáng kiến gây chấn động.
Trước đó, đã có những triệu chứng về sáng kiến này, nhưng dư luận không thể ngờ trước nội dung của nó. Trên đường từ sân bay đến quảng trường Máng Cỏ, Đức Thánh Cha đã cho chiếc xe “Papamobile” dừng lại trước bức tường mà Israel đã xây từ năm 2002 để ngăn cách hai cộng đồng dân cư Israel và Palestin. Bức tường này dài 700km, và có nhiều chỗ lấn sang phần đất của người Palestin, có ý chiếm thêm đất làm “thuộc địa” cho người Israel. Hàng nghìn cây số vuông nhà cửa, nông trại, cây cối của người Palestin đã bị mất, bất chấp tuyên bố của tòa án quốc tế The Hague là Israel đã vi phạm công pháp quốc tế. Bức tường như một nhà tù khổng lồ chia cắt người Palestin với thế giới bên ngoài. Nhưng Israel viện lý do bảo vệ sinh mạng dân mình trước nạn khủng bố nên phải xây tường.
Thánh Gioan Phaolô II trước đây đã nói về bức tường này rằng: “Đất thánh cần bắc cầu chứ không cần xây tường” và Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI thì nói với người Palestin rằng bức tường “đâm thọc vào đất đai của anh chị em, ngăn cách xóm giềng, phân rẽ gia đình”.
Lần này, Đức Phanxicô không nói gì, Ngài đến bên bức tường, sấp mặt áp trán vào tường và cầu nguyện yên lặng. Thị trưởng Bêlem có mặt cũng nói rằng bức tường “ngăn cách nơi Chúa Giêsu sinh ra với nơi Ngài Phục Sinh” (Bêlem chỉ cách Jêrusalem 10km).
Trên quảng trường Máng Cỏ, 10.000 tín hữu tụ hội chào đón Đức Giáo Hoàng tưng bừng. Họ là những tín hữu ở bờ Tây sông Jordan (Đức Thánh Cha từ bờ Đông bay sang), từ Gaza giáp giới Ai Cập ở miền Nam, từ Galilê ở miền Bắc và những công nhân di dân từ Châu Á, Châu Phi, và cả những khách hành hương từ Thượng Hải, Trung Quốc. Tổng thống Palestin Abbas cũng có mặt.
Sáng kiến đã được “bật mí”. Cuối thánh lễ Đức Thánh Cha bất ngờ tuyên bố: “Ở nơi này, là sinh quán của Đức Quân Vương Hòa Bình, tôi muốn gửi lời đến tổng thống Mahmud Abbas và Tổng thống Shimon Peres, mời hai vị cùng tôi dâng lên một lời cầu nguyện toàn tâm toàn ý, xin Thiên Chúa ban ơn hòa bình. Tôi xin dùng ngôi nhà của tôi ở Vatican để nghênh đón cuộc hội ngộ cầu nguyện này…”
“Nhiều người đang đau khổ và đang thao thức chờ mong các nỗ lực từ nhiều ý đồ gây dựng hòa bình. Tất cả mọi người, đặc biệt những ai đang ở địa vị phục vụ dân tộc mình, chúng ta đều có bổn phận biến mình thành khí cụ, thành tay thợ tạo tác hòa bình, trước tiên là trong lời cầu nguyện.” Đức Thánh Cha kết luận:“Xây dựng hòa bình thì khó, nhưng sống mà không có hòa bình là một kiếp trầm luân”.
Đám đông đã hoan hô nhiệt liệt đề nghị này, sáng kiến này là một bất ngờ rất lớn đối với dư luận và các cơ quan truyền thông quốc tế. Nó trở thành tin nóng. Nhưng có những tín hiệu cho thấy Vatican đã trao đổi trước với hai chính quyền Israel và Palestin. Phủ Tổng thống Israel thông báo “rất quan tâm đến lời mời của Đức Giáo Hoàng… Tổng thống Peres đã liên tục ủng hộ và vẫn luôn luôn ủng hộ mọi sáng kiến để xúc tiến hòa bình.” Một viên chức cao cấp tuyên bố: “Đây không phải sự bất ngờ. Những giao tiếp đã diễn ra từ ít lâu nay giữa Phủ Tổng thống Israel và Vatican về một sáng kiến hòa bình”. Phía Palestin cũng tỏ ra hoan hỷ.
Với sáng kiến này, Vatican vừa mở ra một viễn cảnh mới trong cuộc tìm kiếm hòa bình vô hiệu đã kéo dài 70 năm nay. Lần này không chỉ là những thương thuyết chính trị (đợt thương thuyết chính trị gần đây nhất do Hoa Kỳ bảo trợ vừa thất bại cách đây 1 tháng, sau chín tháng thương thuyết không hiệu quả). Lần này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời hai vị nguyên thủ, một vị theo Do Thái giáo, một vị theo Hồi Giáo cùng Ngài cầu nguyện với Thiên Chúa mà cả ba tôn giáo đều tôn thờ. Đức Thánh Cha đặt vấn đề hòa bình trên bình diện tâm linh, đó là một lãnh vực mà thế gian hay coi như không có trong những vụ cãi cọ bất tận của mình. Dĩ nhiên tác động tâm linh không giống như tác động chính trị hay quân sự, nhưng nó có thể làm thay đổi một bầu khí, theo kiểu “mưa lâu thấm đất”.
Trước khi Đức Thánh Cha lên đường, Hồng y Quốc vụ khanh Parolin đã dự báo: “Chuyến đi của Đức Phanxicô sẽ sinh hoa trái hòa bình”. Thiết tưởng “hoa trái” ở đây phải nhìn từ góc cạnh tâm linh đó.
Còn về giải pháp cụ thể mà Tòa Thánh mong muốn suốt mấy chục năm nay vẫn là “Israel có quyền được tồn tại, được hưởng hòa bình và an ninh trong những ranh giới được quốc tế công nhận; dân tộc Palestin cũng có quyền kiến lập một quê hương tự chủ và độc lập, có quyền đi lại tự do và sống xứng với nhân phẩm… Còn riêng Jêrusalem được mọi bên công nhận là Thành Thánh, với các di sản văn hóa và tôn giáo, và thành một điểm hành hương chung cho ba tôn giáo: Đạo Do Thái, Đạo Kitô và Đạo Hồi”.
Lm. Mathêu Vũ Khởi Phụng, DCCT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét