Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

"KHI ĐẤT NƯỚC TÔI THANH BÌNH…"

Những ngày đất nước tôi còn chìm trong khói lửa chiến tranh, bao nhiêu lần tôi đã cất cao những lời  hát như vậy để mơ về một ngày thanh bình không còn tiếng súng. Niềm mơ ước ấy cứ luẩn quẩn trong đầu óc thanh niên chúng tôi thời bấy giờ, và rồi đến ngày im tiếng súng, máu thịt thôi rơi vì cuộc chiến huynh đệ tương tàn, ước mơ ấy trở lại cho dù có lắm khi không hài lòng vì một thứ "thanh bình" như thế.
Vì công việc nên tôi có cơ hội đi lại hầu hết những nơi vang danh chiến trường xưa, có những nơi dừng chân lại đôi ba ngày, có những nơi thoáng qua để hồi tưởng bạn bè đã nằm xuống, nhưng có những nơi hạnh phúc cho tôi khi được dâng lễ, dù chỉ là một căn Nhà Nguyện đơn sơ vách lá hay một khoảng sân đất nhỏ tụ họp vài trăm người, thế là quá đủ, quá đủ cho giấc mơ về một ngày được đi thăm khắp nơi. Giấc mơ của một người lớn lên trong chiến tranh, hàng ngày của tuổi trẻ nghe tiếng bom đạn, kỷ niệm đầy ắp hình ảnh thương đau của dân tộc, của đồng bào, và của bạn bè thời chinh chiến xưa.

Những nơi tôi được viếng thăm là những thành phố đầy bom đạn, đầy vết tích chiến tranh, những nghĩa trang “mộ bia đều như nấm”, tôi không phải chịu nỗi xót xa khi theo “mẹ già lên núi tìm xương con mình” nhưng lại là theo một bạn trẻ “lên núi tìm xương cha mình”. Tôi còn phải đi nhiều hơn ước mơ thời trai trẻ, đó là những chuyến vào trại tập trung “tìm thăm anh mình”, hoàn toàn những cái đầu “ngây thơ” thời trước 75 có thể ngờ tới !
Mùa Phục Sinh vừa qua, anh em tôi tổ chức một ngày ghi ơn “Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa”, tôi nhận ra còn một địa chỉ nữa tôi mắc nợ mà chưa được viếng thăm. Hình ảnh và bài viết về cuộc tri ân này đã được chia sẻ rất nhiều trên các mạng xã hội, các Thương Phế Binh là những con người chịu thiệt thòi quá nhiều, xã hội đã bỏ quên họ, những người quan tâm đến họ thì lại không thể thực hiện sự nâng đỡ cần thiết đến từng người và mọi người. Ba mươi chín gần bốn mươi năm rồi, họ vẫn lây lất cố sống cho ngày đời trôi qua, không còn ai và không còn gì để cậy trông.
 Hôm ấy anh em Thương Phế Binh vui mừng lắm, nhiều ông, nhiều anh cảm động bật khóc, họ không nghĩ có ngày được gặp nhau, được quan tâm thương mến, được sống những giây phút hào hùng đứng thẳng lên đọc to số quân, KBC ( khu bưu chính – địa chỉ viết thư của quan đội VNCH ngày xưa ), tên đơn vị tác chiến, ngày và nơi bị thương. Vang lên giữa buổi họp măt tiếng hô to của đơn vị Cọp Ba Đầu Rằn, Trâu Điên… Họ không ngờ có ngày họ được trân trọng, được nghe lời tri ân.
Nhưng không phải ai cũng có thể biết mà đến, không phải ai biết mà có thể đến được. Đã có nhiều người không biết ngày họp mặt này, có nhiều người biết nhưng bị ngăn cản không đến được, và có rất nhiều người vì hoàn cảnh không thể đến được dù có biết.
Sau buổi họp măt, qua thông tin từ anh em Thương Phế Binh đến dự, chúng tôi chia nhau đi thăm viếng cụ thể từng người, mục đích để có những thông tin xác thực hơn về hoàn cảnh để có một chương trình cụ thể hơn nâng đỡ anh em. Điều kỳ diệu đã đến không ngờ, qua từng Thương Phế Binh đăng ký, chúng tôi khám phá ra nhiều anh em Thương Phế Binh khác nữa, mỗi địa chỉ là một đầu mối phăng ra nhiều trường hợp thương tâm hơn. Đoàn công tác đã phải vượt qua nhiều cây số trong gian lao vất vả để tiếp cận anh em. Họ ở rất xa, những vùng rất xa, rất cơ cực và rất nghèo khổ, cả ngày đoàn chỉ đi được khoảng vài nhà, gặp họ, đoàn công tác hội ra được nhiều điều mà ngồi ở thành phố không thể biết.
Họ nghèo quá, mất hết chân tay lấy đâu vượt qua đường trường ngút ngàn để về thành phố dự ? Xe lăn ? Không thể nhận vì đường ruộng mấp mô, hoặc nền nhà đất khô gập ghềnh làm sao lăn xe ? Đi bằng hai cái ghế đẩu bằng gỗ chắc ăn hơn. Mắt mờ không có tiền lên Sàigòn phẫu thuật, mà có tiền để lên thì không biết nương nhờ vào đâu trong thời gian chữa bệnh. Một Thương Phế Binh sống đơn côi với đứa con gái 13 tuổi nói trong nước mắt: Tật nguyền mà vợ lại qua đời sớm, con nhỏ nheo nhóc không biết làm sao để sống ? Chung nhất là hoàn cảnh khó khăn đẩy họ trôi giạt về quê xa thành phố, rồi cái nghèo, phận tàn phế nhận chìm họ trong chốn tối tăm ấy suốt đời.
Bốn mươi năm rồi bị bỏ quên, họ vẫn sống, sống hào hùng không ăn bám cho dù khốn khổ, anh em không muốn lòng thương hại, nhiều anh tự trọng đến dộ không ngỏ một lời than thân trách phận chứ đừng nói đến một lời xin giúp đỡ. Các anh chị em trong đoàn công tác càng đi càng khâm phục anh em Thương Phế Binh, họ về nói với chúng tôi rằng: “Chúng con khâm phục các chú, hoàn cảnh thấy tội lắm, muốn rơi nước mắt nhưng không hề ta thán, trách móc ai cả”.
Chúng tôi lại nhận được nhiều thư từ nhiều nơi gần xa gởi về với tất cả tấm lòng dành cho các  Thương Phế Binh. Nhiều vị có ý muốn chia sẻ cách nào đó với những việc chúng tôi đang thực hiện. Chúng tôi đang lấy thông tin và xem xét từng hoàn cảnh, chắc chắn phải làm một cái gì đó cho anh em, những người bị thua thiệt quá nhiều. Chúng ta sẽ thi hành lòng yêu mến và sự công bằng mà Thiên Chúa muốn dành cho họ.
Xin biết ơn các anh em Thương Phế Binh đã cho chúng tôi gặp được Chúa Giêsu nơi anh em như Tin Mừng Mt 25 đã mô tả. Anh em chính là một trong những địa chỉ có quá nhiều người “bị bỏ rơi hơn cả” đã được ghi rõ trong Hiến Pháp Nhà Dòng chúng tôi.
Vậy là tôi vẫn còn mắc nợ địa chỉ này nữa chưa viếng thăm sau năm 75. "Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm…" Vâng, tôi sẽ đi thăm, tôi phải đi thăm cho dẫu đất nước tôi hôm nay vẫn chưa thật sự được thanh bình…

Lm. VĨNH SANG, DCCT, 17.5.2014
Theo EPHATA 610

0 nhận xét:

Đăng nhận xét