Dân Việt - Sáng 16.5, tờ Kommersant (Nga) đã có một bài báo mang tên "Trung Quốc tự chuốc bão", nhận định việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hành động xâm phạm.
Sau khi điểm qua tình hình các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở khắp Việt Nam, đặc biệt ở Vũng Áng (Hà Tĩnh), nhắc lại các sự kiện 1979 và 1988, bài báo viết:
"Mối xung đột từ lâu lại nổ bùng lên với sức mạnh mới, sau sự kiện ngày 2.5 ở biển Đông, tại vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, phía tây quần đảo Hoàng Sa, khi Bắc Kinh cho hạ đặt giàn khoan nước sâu để thăm dò dầu khí. Các tàu vận tải Trung Quốc chở các thiết bị xây dựng, được sự hộ tống của các tàu bảo vệ bờ biển của Hải quân Trung Quốc đã tiếp cận nơi này. Sau đó, các tàu Trung Quốc và Việt Nam đã "hải chiến" bằng vòi rồng, nhưng vẫn chưa đến mức phải sử dụng vũ khí.
Dàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc
Những ngày sau đó, tình hình tại đây lại tiếp tục nóng lên. Theo Phó tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu, máy bay của không quân Trung Quốc đã 2 lần xâm phạm vùng trời Việt Nam. Phía Trung Quốc lại tiếp tục gây áp lực chính trị khi tuyên bố dàn khoan Hải Dương 981 sẽ tiếp tục ở lại vùng biển này đến tháng Tám.
Xin nhắc lại, vùng lãnh thổ 200 hải lý đặc quyền kinh tế là thuộc về Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Tuy nhiên Bắc Kinh đã xâm phạm quyền tài phán của Việt Nam và gọi quần đảo Hoàng Sa và vùng nước liền kề là "lãnh thổ lâu đời của Trung Quốc". Chính sự giải thích này là động cơ dẫn đến sự gia tăng đột biến của phong trào phản đối Trung Quốc gần đây".
Sự leo thang xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam diễn ra ngay trước thềm chuyến thăm Trung Quốc tuần tới của tổng thống Liên bang Nga V.Putin. Các sự kiện trong khu vực đang đặt Moskva vào một tình thế không đơn giản: cân bằng quan hệ giữa đối tác địa chính trị quan trọng là Trung Quốc với Việt Nam - một đồng minh truyền thống ở Đông Nam Á.
Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, Australia và châu Đại dương của Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm khoa học Nga Dmitry Mosyakov bình luận:
"Mỗi bên của cuộc xung đột đều muốn kéo Nga về phía mình và chờ đợi sự ủng hộ mạnh mẽ hơn, vì thế việc duy trì "khoảng cách đều nhau" để không mất lòng ai sẽ trở nên khó khăn hơn".
Theo thống kê rating báo chí truyền thông Nga của công ty nghiên cứu Меdialogia tháng 3.2014, tờ Kommersant hiện đang đứng số 1, tiếp theo là tờ Izvestia, Vedomosti. Xếp thứ tư là tờ Rossiskaya Gazeta, cơ quan của chính phủ Nga.
Phan Việt Hùng
Nguon: Dan Viet
0 nhận xét:
Đăng nhận xét