HÒA HỢP HÒA GIẢI DÂN TỘC 2
(Tiếp theo)
Sau ngày Quốc hận 1975, chỉ những người Việt làm việc cho chính quyền Việt và Mỹ ra đi, nhưng trước những thất hứa, nhà đất và tài sản bị cướp bởi cộng sản, mọi từng lớp người Việt, lần đầu tiên trong lịch sử, phải bỏ nước ra đi, bất chấp biển cả và rừng sâu. Do đó, ngày nay, Dân Việt đang sinh sống và làm việc tại Quốc nội và Hải ngoại trong những chế độ chính trị khác nhau.
2. Người Việt sống tại Quốc nội.
Người dân sống tại Quê hương chịu sự cai trị bởi nhà nước do đảng cộng sản chỉ định (Điều 4 Hiến pháp : Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội). Ngày 25.02.2013, nhân cơ hội ‘Góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992’, Đài Truyền hình VTV1 đã phát đi đến toàn dân ‘lệnh truyền’ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ban tại Tỉnh ủy Vĩnh phúc : « Các đồng chí phải lãnh đạo cái việc góp ý kiến sửa đổi dự thảo Hiến pháp. Cái này quan trọng lắm đấy. Vừa rồi đã có các luồng ý kiến có thể quy vào được là suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chứ gì nữa. Xem ai có tư tưởng là muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Muốn ‘tam quyền phân lập’ không? Hả? Muốn ‘phi chính trị hóa quân đội’ không? Người ta đang có những quan điểm đấy! Đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng nữa. Thì như thế là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức chứ còn gì nữa? Tham gia đi khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể... thì nó là cái gì?! Cho nên các đồng chí quan tâm xử lý cái này ». Do đó :
A. Quyền Lập pháp. Các đại biểu Quốc hội tuy được bầu, nhưng chắc chắn họ sẽ bị thất cử, nếu những ứng cử viên độc lập đừng bị Mặt trận Tổ quốc ngăn cấm. Do đó, trải qua bao nhiêu thế hệ đại biểu, họ không khả năng để viết một đề nghị luật về ‘quyền lập hội của công dân’ được đề cập trong mọi Hiến pháp từ 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013. Dự luật về hội đã soạn thảo 12 lần, nhưng vẫn chưa tới Quốc hội. Về luật biểu tình, Quốc hội cũng rơi vào tình trạng như thế. Trái lại, họ đã biểu quyết ‘thuận’ các Điều 79, 88 và 258 Bộ Luật hình sự đã bị đa số lớn các quốc gia yêu cầu hủy bỏ hay tu chính vì mơ hồ và bị lạm dụng nhằm hạn chế tự do của người dân tại Phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam ngày 05.02.2014 tại trụ sở Liên hiệp quốc Genève (Thụy sĩ).
Bài ‘Những vấn đề lớn trong tổ chức Quốc hội’ cung cấp thêm cho chúng ta nhiều chi tiết vể sự thật :
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/org-nat-ass-big-iss-05012014062153.html
B. Quyền Hành pháp. Trong thông điệp đầu năm 2014 ‘Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững’, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viết: « Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch… ».
a./ Cưởng chế và cướp đất.
- Ngày 05.01.2012, Đoàn cưỡng chế do Ủy ban Nhân dân (UBND) huyện Tiên lãng Hải phòng điều động và Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc Công an Hải Phòng, chỉ huy đến thu hồi đất đầm nuôi trồng thủy sản tại xã Vinh quang, do ông Đoàn Văn Vươn, thuê. Ôâng Vươn vắng mặt vì bận lên Viện Kiểm sát nhân dân Hải phòng kháng cáo và người nhà chống lại bằng mìn tự chế và súng bắn đạn hoa cải làm bị thương 6 công an và bộ đội. Công an Hải phòng ra quyết định khởi tố vụ án giết người và chống người thi hành công vụ đối với Đoàn Văn Vươn và các đối tượng tham gia liên quan. Chúng còn phá hủy ngôi nhà 2 tầng của ông Vươn dùng làm nơi cố thủ, mà Phó chủ tịch UBND Hải phòng Đỗ Trung Thoại cho là do ‘nhân dân bất bình nên vào phá’. Ngoài ra, chúng còn sử dụng các phương tiện đánh bắt bằng điện để đánh bắt số thủy hải sản mà gia đình các chị đầu tư, nuôi thả trong đầm 40 ha, từ đầu năm 2011, chờ thu hoạch trong dịp Tết sắp tới. Tính tổng trị giá cá nuôi đã lên tới hơn 1,5 tỷ đồng, chưa kể cua, tôm tự nhiên và hàng ngàn buồng chuối. Ngày 10.02.2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu chính quyền địa phương thi hành các thủ tục cho phép gia đình ông Vươn tiếp tục được sử dụng đất đã giao. Chiều ngày 23.02.2012, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng bị cách chức. Tòa án Hải Phòng, ngày 05.04.2013, tuyên án ‘anh hùng áo vải’ Đoàn Văn Vươn và ông Đoàn Văn Quý: 5 năm tù; ông Đoàn Văn Sịnh: 3,5 năm tù và ông Đoàn Văn Vệ: 2 năm tù về tội ‘Giết người theo quy định’ (Điều 93.1.d Luật Hình sự). Bà Phạm Thị Báu (vợ ông Quý) bị 18 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 36 tháng và bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị 15 tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 30 tháng về tội ‘Chống người thi hành công vụ’ (Điều 257.2.d Luật Hình sự). Ngày 30.07.2013, tại phiên xử phúc thẩm, chúng tuyên bố y án. Ngày 30.10.2013, Tòa án Tiên lãng bác toàn bộ yêu cầu đòi bồi thường những thiệt hại mà gia đình ông Vươn đã phải chịu. Đỗ Hữu Ca nay được vinh thăng Thiếu tướng.
- Chiều ngày 11.09.2013, ông Đặng Ngọc Viết, 42 tuổi, ở phường Kỳ Bá, Thái Bình xông vào trụ sở Uỷ ban Nhân dân thành phố dùng súng bắn 5 cán bộ Trung tâm phát triển Quỹ đất Thành phố khiến một người chết, ba người bị thương. Sau đó, ông về quê ở huyện Kiến Xương, Thái Bình và tự sát dưới chân tượng Phật. Nguyên nhân bức xúc này, theo các báo, có liên quan đến chuyện thu hồi đất đai và chính sách đền bù của chủ trương xây dựng khu đô thị mới ở phường Kỳ Bá.
b./ Công an đánh và giết đồng bào như chính côn đồ.
- Mời xem ‘CA cướp đất, đánh người kinh hoàng tại Dương nội’ :
http://www.youtube.com/watch?v=LRZWkJ2wL2M
- Người dân tự xử. Ngày 07.06.2010, Công an Vinh phát hiện tại cánh đồng xóm Trung Thuận thi thể anh Nguyễn Đình Phong, 27 tuổi, ngụ tại xã Nghi Phong, cùng một người khác đi câu trộm chó , nên bị dân cả xóm đuổi bắt, bị dân đánh chết rồi kéo ra đồng, lấy xăng trong xe máy ra tưới, đốt cả người và xe. Hỏi tại sao người dân đốt xe và người trộm chó dã man như vậy, họ không ngần ngại nói: « Khi bắt được đối tượng trộm chó, dân trình báo công an nhưng họ chỉ xử phạt hành chính nên nạn trộm chó vẫn xảy ra. Vì thế khi bắt được đối tượng là bà con tự xử để trị kẻ xấu cho hả dạ. Việc người dân đánh què, đánh chết đối tượng là chuyện thường. Còn vụ đốt thi thể đối tượng trộm chó là do người dân không chịu nổi tức tối đã kìm nén lâu nay ».
Tối 29.08.2010, trời mưa to, xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc mất điện. Nghe tiếng xe máy rú ngoài đường, tiếng chó sủa, tiếng chân người chạy rầm rập, dân làng biết người ta đang đuổi bắt trộm câu chó nên ra vây kín các ngả đường. Bị chặn đường, hai kẻ trộm vứt bao tải đựng con chó nặng 11kg và vứt cả xe máy tháo chạy ra đồng. Cánh đồng ngập nước, kẻ trộm không chạy nổi nên bị dân bắt. Chiếc xe máy bị châm lửa đốt, hai kẻ trộm bị đánh dã man, Nguyễn Đình Dũng chết tại chỗ còn Nguyễn Đình Hồng chết trên đường đi cấp cứu. Cả hai đều 22 tuổi, cùng trú tại xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc.
Bài ‘Nữ sinh viên bán thân để tồn tại’, đăng bởi RFA ngày 21.04.2014, cho chúng ta những thông tin vô cùng đau thương của một số nữ sinh viên đại học sư phạm Đà Nẵng đứng trước cổng trường đường Trường Chinh để bắt khách. Lý do hiện tại là để nuôi thân và san sẻ bớt nỗi khó khăn cho cha mẹ và, cho tương lai khi ra trường, phải có tiền cái để bôi trơn chỗ làm, để mua một công việc ở các trường. Vấn đề hiện tại của các chị là vắt óc suy nghĩ làm sao để bán dâm lâu dài mà không bị bắt hầu dành dụm đủ dễ dàng xin vào một trường dạy học, sống cuộc đời của một nhà giáo thanh liêm. Các chị chọn học lịch sử để dạy sau nay chỉ đơn thuần là ghi chép, thảo luận những gì mình ghi chép và học thuộc lòng để dán nó vào não rồi sau này ra dạy lại học sinh, dù nhìn thấy những điểm phi lý của lịch sử nhưng đây không phải là vấn đề quan trọng. Trước đây, nếu họ đã hình dung con đường vào đại học như thế, họ đã ở nhà làm nông, có chồng lại bình yên hơn!. Cũng trong chủ đề về học lịch sử, xin mời chúng ta cùng xem ‘Lịch sử cần nhất là sự khách quan’ tại :
https://www.youtube.com/watch?v=XPngBaWag3s để biết tại sao học sinh ít chọn học môn này. Không biết lịch sử nước mình thì làm sao yêu nước được ?
- Bộ Y tế Việt Nam, ngày 18.04.2014, loan báo nạn dịch sởi từ đầu năm đến hôm đó đã gây tử vong cho ít nhất 112 bệnh nhân, hầu hết là trẻ em dưới 10 tuổi, cùng làm cho hàng ngàn người khác nhiễm bệnh. Số nạn nhân có thể tăng lên do lây nhiễm lẫn nhau, do thời tiết xấu và các bệnh viện nhi tại các thành phố lớn bị quá tải do phụ huynh hoảng sợ đưa con đến nhập viện. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 3.500 trường hợp mắc sởi trong số gần 9.500 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 61/63 tỉnh thành và có 119 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi.
- Xã hội dân sự giúp phát triển kinh tế. Ngày 29.04.2014, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014, tổ chức ở Hạ Long (Quảng Ninh), khi bàn thảo về cải cách thể chế, cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nói : « Tôi nghĩ, đã đến lúc thừa nhận xã hội dân sự. Bản chất của nhà nước mang tính quan liêu, và để khắc phục quan liêu thì cần phát huy vai trò của xã hội dân sự… Đã đến lúc phải thấy xã hội dân sự là sản phẩm của sự phát triển dân chủ, mà sự phát triển dân chủ có tính quy luật ». đã nhận được nhiều tiếng vỗ tay hưởng ứng. Kế đến, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Lê Xuân Bá kiến nghị nhanh chóng ban hành luật về biểu tình và ban hành luật về xã hội dân sự, bởi theo ông, đó là quyền của dân, không có gì phải e ngại ‘xem đoạn II.A trên đây). Ông Tuyển được báo chí trong nước coi như là nhà thương thuyết xuất sắc để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO: World Trade Organization). Cũng như các viên chức nhà nước cộng sản, ông Tuyển đã không làm gì khi tại chức mà phải đợi đến bây giờ khi các nhóm lợi ích lớn làm thiệt hại nặng nề nền kinh tế như Vinashin, Vinalines…). Tại Diễn đàn Kinh tế này, chính phủ thừa nhận bách phân nợ công chỉ là 55% TSLQN, trong khi ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, và nhiều chuyên gia khác nói đã là 98% rồi, tức làm ra 100 đồng thì phải dành để trả nợ 98 đồng. Rõ ràng, chỉ khi nào cải cách thể chế chính trị thì mới có thể thay đổi điều hành kinh tế thành công.
Thật sự, trong những năm qua, nhiều xã hội dân sự đã được thành lập, nhưng không được công nhận như Cậu lạc bộ bóng đá No-U, ra đời từ ngày 30.10.2011, nhưng tiền thân của nó là những nhóm nhỏ mà, trong đó, có nhóm thành lập ngày 10.08.2011 để biểu tình ‘Hoàng Sa–Trường Sa– Việt Nam’. Do bị bắt nhiều quá, những người còn lại kết hợp nhau để đi tiếp tế. Đến cuối năm 2013, có nhiều nhóm ra đời. Nhóm 258 đã liên lạc với các Tòa Đại sứ để trình bày về những khó khăn, đàn áp đến từ nhà cầm quyền, nhất là công an, côn đồ… Nếu đi xa hơn về quá khứ, chúng ta ghi nhận Bauxite VN hiện diện từ 2009 và Khối 8406 được thành lập ngày 08.04.2006 với 118 thành viên tiên khởi: « Mọi Công dân… đều có quyền và cơ hội để :
(a) tham gia vào việc điều hành các công việc xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua những đại diện được họ tự do lựa chọn;
(b) bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử định kỳ chân thực, bằng phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín nhằm đảm bảo cho cử tri tự do bày tỏ ý nguyện của mình » (Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, điều 21).
Ngày 15.04.2006, Khối 8406 đã phát hành số Ra Mắt báo ‘Tự do Ngôn luận’, Tiếng nói của Ngừơi Dân Việt Nam đòi Quyền Tự do Thông tin Ngôn luận, và tiếp tục đem đến cho chúng ta những tin tức chính xác và bình luận hữu ích hai lần mỗi tháng vào ngày 1 và 15. Ngày 01.05.2014, ‘Tự do Ngôn luận’ số 194 đã được ra mắt đồng bào.
Ngày 04.05.2014, 13 tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đã ra Tuyên bố chung yêu cầu chính quyền Việt Nam nghiêm túc tôn trọng quyền tự do lập hội. Trường hợp tiêu biểu được nêu lên là Hội cựu tù nhân lương tâm bị gấy khó dễ và bị ép buộc phải giải tán.
Ngày 02.05.2014, nhà nước Trung cộng ngang nhiên đưa giàn khoan HD-981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự, vào xâm chiếm và hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Chúng tuyên bố cấm tàu bè xâm nhập vùng biển bán kính 1 hải lý xung quanh giàn khoan HD-981 từ ngày 04.05 đến ngày 15.08.2014. Và trong hai ngày kế tiếp, tàu Trung cộng, có phi cơ yểm trợ, đã tấn công các tàu ngư chính và cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ. Do đó, 20 hội và nhóm dân sự độc lập ở Việt Nam cùng đứng tên chung kêu gọi đồng bào tham gia cuộc biểu tình vào ngày Chúa Nhật 11.05.2014 để phản đối và lên án hành vi xâm lược của nhà cầm quyền Trung cộng và yêu cầu nhà nước Việt Nam có những những biện pháp thích hợp, hữu hiệu, cùng với sức mạnh toàn dân để thực sự chấm dứt tình trạng Trung cộng xâm chiếm lãnh hải Việt Nam ngay lập tức, tại :
- Hà nội: Sứ quán Trung cộng, 46 đường Hoàng Diệu,quận Ba Đình, 9 giờ;
- Sài gòn : Nhà Văn Hoá Thanh Niên, 4 Phạm Ngọc Thạch, 9 giờ.
Từ những sự kiện trên, chúng ta có thể tạm kết luận :
1.- Sự ‘Hòa hợp Hòa giải Dân tộc’ chỉ đặt ra cho người Việt trong nước và do nhà nước chủ động. Nếu người cầm quyền cộng sản vẫn tiếp tục như 39 năm qua, người cai trị tiếp tục làm giàu và người dân nghèo sống chết mặc kệ. Những kẻ ‘hồng hơn chuyên’ độc quyền điều hành quốc sự và người có tài đức bị lưu đày nơi ngục tù với những tội gắn ghép mà thế giới đều biết. Nếu nhà nước tiếp tục, người dân bị trị phải kêu cứu quốc tế : ngoại bang can thiệp, nhục quốc thể ;
2.- Nếu đồng bào trong nước được hưỡng những quyền công dân như tại các quốc gia khác, thì cần gì viên chức chánh phủ phải thân hành đi ngoại quốc để gây ra bao nhiêu chia rẽ, tranh luận giữa người Việt với nhau. Người Việt là công dân quốc gia tạm dung được hưởng mọi quyền tự do và không cần các lãnh đạo Việt Nam xài tiền dân đóng thuế để sang cám ơn chính phủ các nước này thay cho họ. Cuối cùng, gọi họ bằng danh từ ‘Việt kiều’ là sai tiếng Việt vì họ mang quốc tịch quốc gia tạm dung hay tỵ nạn chánh trị, quy định bởi Thỏa ước Genève ngày 28.07.1951.
3. Người Việt sống tại Hải ngoại.
Ngày 26.03.2004, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 36-NQ/TW ‘Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài’ để tuyên truyền về sự quan tâm của họ dành cho người Việt hải ngoại với mơ ước lường gạt được dư luận quốc tế và chia rẽ người Việt. Để thực hiện nghị quyết này, nhà nước cộng sản phải chi những số tiền lớn từ ngân sách, do đồng bào quốc nội đóng thuế cho các viên chức công tác sống sa hoa nơi quốc ngoại và bố thí cho những người Việt hải ngoại, đa số là khoa bảng, chi tiêu ăn chơi khi về tham quan Việt Nam.
Chúng ta hãy tìm hiểu qua vài trường hợp :
1. Ngày 29.04.2010, Dân biểu liên bang Hoa kỳ Joseph Cao Quang Ánh đã khước từ đề nghị đối thoại ‘cởi mở và thẳng thắn’ từ Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn và nêu ra một số yêu cầu và bước đi cụ thể để Hà Nội ‘chứng tỏ thiện chí’, trước khi đồng ý tiếp xúc. Ông nhấn mạnh rằng 'tiền đề cho buổi gặp gỡ nhằm giải tỏa những điều được gọi là ‘thiếu thông tin đúng đắn’ là ‘sai lầm’ và ‘không phải là khởi điểm mang tính xây dựng’' và ‘Những người Việt quyết định đánh đổi mạng sống để rời bỏ quê hương không hề hiểu lầm về chính phủ Việt Nam. Họ ra đi vì đã không thể sống dưới một chế độ toàn trị vốn xem thường quyền con người, tự do tôn giáo và trừng phạt những công dân can đảm lên tiếng’. Trả lời dứt khoát như vậy, ông Sơn không có dịp, lợi dụng cuộc gặp để tuyên truyền xuyên tạc.
2. Ngày 03.2014, Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải (Canada) đã tiếp ông Nguyễn Thanh Sơn. Sau đó, đài ‘Phố Bolsa’ cho ông Sơn cơ hội mô tả sai trái về việc tiếp xúc với ông Hải như cho rằng TNS Hải đã ‘hoàn toàn nhất trí’ với ông về việc Việt Nam đã xử sự hợp tình hợp lý với những người bất đồng chính kiến vi phạm pháp luật Việt Nam hay ông Hải đồng ý với Sơn rằng Linh mục Nguyễn văn Lý là ‘người quậy phá’. Những sự không thật đó gây phản ứng bất mãn trong cộng đồng người Việt hải ngoại và nghi ngờ về quan điểm của TNS Ngô Thanh Hải. Do đó, để rộng đường dư luận, Thông tín viên Tường An (RFA) đã trao đổi với TNS Hải, nhưng không phải tất cả những người nghe ông Sơn trên ‘Phố Bolsa’ đều nge TNS Hải trên RFA để biết sự thật do TNS Hải trình bày. Do đó, ông Hải cho rằng lời nói của ông về kêu gọi hòa hợp hòa giải với hải ngoại, tôi thấy rằng câu nói đó không đi đôi với hành động. Cộng sản Việt Nam đưa ra hòa hợp hòa giải mà nội cái chuyện đi về thăm Cha Mẹ hay là chôn cất mà họ còn không làm thì tôi không tin những câu nói của họ hoặc là của ông Sơn về vấn đề hòa hợp hòa giải, đối với tôi không thật lòng hoặc không trung thực lắm.
3. Ông Hoàng Duy Hùng, ứng cử viên Dân biểu tiểu bang Texas, hạt 149, đã nói với nhật báo Người Việt : « Tôi là người Công Giáo, tôi bảo vệ cuộc sống, còn ông Hubert Võ bảo vệ sự lựa chọn của phụ nữ. Đây là vấn đề giữa chống phá thai và phá thai ». Đã từng đi Việt Nam và hội họp với ông Nguyễn Thanh Sơn, ông Hùng có biết Việt Nam là nước có số phá thai nhiều đứng hàng đầu thế giới không? Đến Đà nẵng, ông có biết vụ cướp đất tại Giáo xứ Cồn dầu vì ‘Công Ích’ (?) và ông Tôma Nguyễn Thành Năm bị công an đánh đập đến chết dù vợ, chị Đoàn thị Hồng Anh, chạy theo năn nỉ, lạy lục không ? Để chống lại những hành vi không tốt của ông Hùng, nhiều người Mỹ gốc Việt gởi đi những điện thơ đầy những hình ảnh và lời văn đê tiện.
4. Từ ngày 18.04.2014, nhà nước dùng tiền ngân sách để dẫn đoàn người Việt sống ở Bắc Mỹ và Tây Aâu đến viếng quần đảo Trường Sa. Trả lời phỏng vấn RFI, Tiến sĩ Lê Thanh Hải ở Thụy sĩ nhắc lời ông Nguyễn Thanh Sơn về mục đích là đến đây để dự các lễ cầu siêu, tưởng niệm những thế hệ người Việt đã vị quốc vong thân những người đã tử nạn nơi biển, trên đường tỵ nạn. Oâng khoe quả phụ Trung tá Thà và cô con gái Đại úy Trí cũng có mặt. Do đó, ông tin tưởng sự ‘Hòa hợp, Hòa giải’ sớm thành hình.
Mười ngày sau đó, hôm 28.04.2014, Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Tu viện Dòng tổ chức ngày ‘Tri Ân Quý Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa’ đem lại niềm vui cho khoảng 440 thương phế binh và gia đình. Nhân dịp nầy, cựu Đại úy Nhạc sĩ người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu hát tặng những nhạc phẩm mình viết trong tù và hết lòng ca ngợi những chiến sĩ vì bảo vệ Tự do cho đồng bào và phải hy sinh một phần thân thể nhưng vẫn không ăn bám mà sống nhờ đồng tiền do bán vé số.
Kết luận, chúng ta không thể tin cuộc ‘Hòa hợp và Hòa giải Dân tộc’ thành công khi những người thực hiện tiến trình này chi xài tiền ngân sách đi chơi, chứ không xây dựng trên Sự thật, Công lý, Tình thương và Tự do. Công tác chỉ có kết quả khi phải khởi sự từ những Chính quyền và Nhân dân ong nước.
Hà Minh Thảo
0 nhận xét:
Đăng nhận xét