Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đám tang Chúa tại Giêrusalem
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Các nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô tại Thánh Địa Giêrusalem không kết thúc sau lễ nghi suy tôn thánh giá lúc 3 giờ chiều nhưng trái lại buổi tối ngày Thứ Sáu Tuần Thánh mới là cao điểm với một nghi thức được nhiều người trông đợi đó là tang lễ của Chúa Kitô.
Đây là một nghi thức rất thịnh hành từ thời Trung Cổ ở nhiều quốc gia Âu Châu. Nhưng ở Giêrusalem, ngay tại nơi Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh và chịu chết trên thánh giá, nghi thức này có một ý nghĩa đặc biệt.
Ngay từ chiều tối đoàn rước tiến bước chậm chạp trong tiếng nhạc trầm buồn, u sầu trong đền thờ Thánh Mộ. Thỉnh thoảng đoàn lại dừng ở các nhà nguyện khác nhau trong đền thờ để suy niệm.
Bài trình thuật cuộc thương khó của Chúa Giêsu được đọc lên bằng các ngôn ngữ khác sau. Vị tổng thư ký của đoàn hiệp sĩ Thánh Mộ đã vác một cây thánh giá lên đồi Golgotha, ở đó sau khi đoạn Phúc Âm mô tả việc Chúa trút hơi thở cuối cùng và việc tháo đanh Chúa, 2 vị phó tế bắt đầu diễn lại các động tác tháo đanh và đưa Chúa xuống khỏi thánh giá trong không khí u buồn và than khóc. Đầu tiên là tháo mão gai trên đầu Ngài, rồi đến những chiếc đinh đã ghim Chúa vào thập giá.
Các động tác này tạo ra một bầu không khí thực sự mong đợi cho việc suy niệm về những biến cố lịch sử đã diễn ra ở đây. Một hình nộm của Chúa bị đóng đinh được rước vào trong huyệt đá để xức dầu thơm và được nhẹ nhàng đặt ở đó.
Thầy Augustos, một tu sĩ dòng Phanxicô, xức dầu chân dung của Đức Kitô trong khi nhắc lại lời Phúc Âm “Ông Giuse người xứ Arimathea là một môn đệ của Chúa Giêsu đã xin Philatô cho ông được tháo xác Chúa xuống khỏi thập giá. Philatô cho phép, và ông đã đưa xác Chúa xuống, bọc trong vải liệm, với các loại dầu thơm theo phong tục chôn cất của người Do Thái”.
Sau đó đoàn rước đến Mộ Thánh nơi đám tang Chúa được thực hiện cách biểu tượng.
2. Lễ Vọng Phục sinh tại Giêrusalem
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Lúc 7h30 sáng thứ Bẩy 30 tháng Ba, Đức Tổng Giám Mục Fouad Twal là Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Giêrusalem đã cử hành thánh lễ Vọng Phục sinh tại đền thờ Chúa Phục sinh.
Vâng thưa quý vị và anh chị em, Thánh Lễ Vọng Phục Sinh tại Đền Thờ Chúa Phục Sinh, diễn ra vào sáng Thứ Bảy Tuần Thánh lúc 7h30 SÁNG. Sáng thứ Bẩy chứ không phải tối thứ Bẩy, nghĩa là không thống nhất với phần còn lại của Giáo Hội. Việc cử hành sớm như thế là để chắc chắn rằng Giáo Hội Mẹ tại Giê-ru-sa-lem luôn là người đầu tiên công bố Tin Mừng Phục Sinh trong bài Vinh Tụng Ca hát mừng chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết và tội lỗi.
Cùng đồng tế với ngài có Đức Giám mục William Shomali, và Đức Giám mục Kamal Batish là Giám Mục phụ tá của Tòa Thượng Phụ Latinh, và Đức Giám mục Giacinto Boulos Marcuzzo, Giám Mục phụ tá của Nazareth và hơn 250 linh mục.
Cùng đồng tế trong thánh lễ còn có khâm sứ Tòa Thánh tại Israel, là Đức Cha Giuseppe Lazzarotto, và sứ thần Tòa Thánh tại Jordan, là Đức Cha Giorgio Lingua.
Đức Thượng Phụ Fouad Twal nói: “Anh chị em thân mến, chúng ta tụ họp nhau đây ngay tại chính nơi Đức Giêsu Kitô đã vượt qua cái chết phục sinh khải hoàn. Chúa Giêsu đã sống lại và không chết nữa. Ngài đã khai mở cánh cửa cho một cuộc sống mới”
Đức Thượng Phụ đã làm phép lửa và nến Phục sinh tại ngôi mộ trống.
Sau các bài đọc chuông nhà thờ đã được kéo rộn rã trong khi cộng đoàn cùng hát Kinh Vinh Danh.
Tin Mừng Phục sinh cũng đã được tuyên đọc trước ngôi mộ trống.
Kết lễ, cộng đoàn đã hát vang bài Alleluia và vỗ tay chúc mừng Phục sinh cho các vị trong đoàn đồng tế.
3. Lễ Vọng Phục sinh tại Vatican
Kính thưa quý vị và anh chị em,
Tại Vatican, lúc 8h30 tối Thứ Bảy Tuần Thánh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dẫn đầu một đoàn rước bên trong Đền thờ Thánh Phêrô. Cuộc rước sẽ diễn ra trong bóng tối, chỉ được chiếu sáng bởi một cây nến tại bàn thờ.
Giảng trong thánh lễ Vọng Phục Sinh Đức Thánh Cha nói:
"Nếu đến bây giờ mà anh chị em vẫn còn giữ một khoảng cách nhất định với Ngài, hãy tiến về phía trước ... Ngài sẽ đón nhận anh chị em với một vòng tay rộng mở,"
Trong bài giảng đêm Vọng Phục Sinh, Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô đã lên tiếng kêu gọi các Kitô hữu hãy để cho Chúa Kitô Phục sinh bước vào đời sống của họ và hãy chào đón Ngài với lòng tin tưởng trong đêm cực thánh này của niên lịch Phụng Vụ.
"Nếu anh chị em đã thờ ơ, hãy can đảm dấn bước, anh chị em sẽ không phải thất vọng".
Ngài nói rằng theo Chúa Kitô xem ra có vẻ khó khăn nhưng ngài khích lệ các tín hữu "đừng sợ".
"Hãy tin tưởng trong niềm xác tín rằng ngài gần gũi và luôn hiện diện bên cạnh chúng ta và ban cho anh chị em bình an mà anh chị em mong mỏi cũng như ban cho anh chị em sức mạnh để sống như lòng Chúa mong muốn."
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: nếu mọi người nhớ đến những gì Thiên Chúa đã làm cho họ, họ sẽ không lo sợ những gì đang chờ đợi họ trong tương lai. Ngài nói:
"Hãy nhớ đến những gì Thiên Chúa đã làm và tiếp tục làm cho mỗi người trong anh chị em, và cho chúng ta, hãy nhớ đến những đoạn đường đời chúng ta đã kinh qua, đó là những gì sẽ mở lòng chúng ta ra để có thể hướng nhìn về tương lai với đầy tràn hy vọng".
Đức Thánh Cha nhận xét rằng "sự mới mẻ thường làm cho chúng ta sợ hãi, bao gồm cả sự mới mẻ mà Thiên Chúa mang đến cho chúng ta, sự mới mẻ mà Thiên Chúa đòi hỏi nơi chúng ta".
"Chúng ta rất sợ những bất ngờ của Thiên Chúa ...Ngài luôn làm chúng ta phải ngạc nhiên!" Tuy nhiên, "Đừng đóng con tim chúng ta lại, đừng để đánh mất đi niềm tin của chúng ta, đừng bao giờ tuyệt vọng."
Suy tư về bài Tin Mừng trong đó những người phụ nữ rất buồn rầu và lo sợ khi thấy ngôi mộ của Chúa Giêsu mở tung ra và trống rỗng, Đức Thánh Cha nói:
"Chúa Giêsu không còn thuộc về quá khứ, nhưng sống trong hiện tại và hướng tới tương lai, Ngài là 'ngày hôm nay vĩnh cửu của Thiên Chúa’"
Chính vì thế, buồn bã là sai lầm. Thiên Chúa Tình Yêu còn phải lặp lại với chúng ta bao nhiêu lần nữa hãy thôi đừng tìm kiếm người sống giữa những kẻ chết.
Những vấn nạn hàng ngày và những âu lo của chúng ta có thể bọc lấy chúng ta trong chính chúng ta, trong nỗi buồn và cay đắng. Đó chính là nơi ngự trị của cái chết chứ không phải là nơi để tìm người sống.
Hãy để Chúa Giêsu Phục sinh tiến vào cuộc sống của anh chị em, chào đón Ngài như một người bạn, với lòng tín thác rằng Ngài là sự sống thật!
Trên 40,000 cành hoa đã được chở từ Hoà Lan đến để trang trí Đền thờ Thánh Phêrô bao gồm cả hoa thuỷ tiên vàng và hoa lily.
Trong Đêm Vọng Phục Sinh, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã rửa tội bốn thanh niên bao gồm một công dân Mỹ gốc Việt 17 tuổi, một thanh niên Albania 30 tuổi, một thanh niên Nga 30 tuổi và một thanh niên Ý 23 tuổi.
Sau khi rửa tội cho họ, Đức Thánh Cha đã đặt một tấm vải trắng trên mỗi người được rửa tội và trao cho họ một cây nến được đốt lên từ ngọn lửa của cây nến Phục Sinh. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã long trọng xác nhận từ bây giờ họ là người Công Giáo, ngài làm dấu thánh giá trên trán của họ, xức dầu và hôn lên má họ.
Thánh lễ kéo dài trong 2 giờ 30’ nghĩa là ngắn hơn 30 phút so với các thánh lễ Vọng Phục Sinh do Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cử hành trước đây.
VietCatholic
0 nhận xét:
Đăng nhận xét