Sài Gòn – Bài giảng trong thánh lễ cầu nguyện cho Công lý – Hòa bình, Ngày 31 Tháng 3 năm 2013, tại DCCT Sài Gòn. Bài giảng dựa theo Tin Mừng: Ga 20,1-9
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Hôm nay Hội Thánh hân hoan mừng Chúa Phục Sinh. Bài Tin Mừng kể lại một khía cạnh trong trải nghiệm của cộng đoàn Hội Thánh về mầu nhiệm Phục Sinh. Quả thực, trải nghiệm về mầu nhiệm Phục Sinh gồm hai khía cạnh. Trước tiên, đó là trải nghiệm về một sự khiếm diện, một sự trống vắng, nhưng là sự trống vắng có giá trị của một dấu chỉ về sự sống; sau đó sẽ là trải nghiệm về chính sự sống đích thực. Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến khía cạnh thứ nhất của trải nghiệm. Chúng ta sẽ suy niệm một chi tiết đặc biệt trong trải nghiệm này.
Khi nghe bà Maria Magđala báo tin về ngôi mộ trống, người môn đệ Đức Giêsu thương mến và ông Simon Phêrô chạy ra mộ. Các ông chưa được gặp Đức Kitô Phục Sinh. Nhưng điều mà cả hai ông đều được chứng kiến trong ngôi mộ là: các băng vải được sắp xếp gọn gàng tại nơi Đức Giêsu đã từng an nghỉ, và tấm khăn che đầu của Người được cuộn lại, xếp riêng ra một nơi, phân biệt với các băng vải.
Trước hết, xin kính mời anh chị em suy niệm về chi tiết liên quan đến những băng vải (othonia).
Để hiểu đúng ý nghĩa, chúng ta phải chú ý đến những gì tác giả Tin Mừng Ga đã nói trong câu truyện về cái chết và sự sống lại của anh Lazarô ở chương 11. Nói về dây vải quấn xác anh Lazarô, tác giả Gioan sử dụng hạn từ keiria [keiri,a] trong tiếng Hy Lạp, có thể dịch sang tiếng Việt là “vải” hoặc “vải liệm” một cách đơn giản. Nhưng nói về những dải vải quấn xác Đức Giêsu và bây giờ đang được xếp gọn gàng trong ngôi mộ trống, tác giả Gioan lại dùng một hạn từ khác: othonion [ovqo,nion], tức là “băng vải” (theo cách dịch của Nhóm CGKPV) hoặc “dải vải” (theo cách dịch của Cha Nguyễn Thế Thuấn).
Hạn từ othonion có nghĩa là một dải len hay một băng vải mà người Do Thái thường dùng để trang hoàng trong hôn lễ, khác với những keiriai trói chặt thi hài của ông Lazarô trong Ga 11,44. Các băng vải (othonia) được xếp ở chỗ đã đặt xác Đức Giêsu. Đó là những băng vải hôn lễ, được sắp xếp gọn gàng như thể trang hoàng cho căn phòng hôn lễ. Những băng vải đó, như vậy, là dấu hiệu của niềm vui, của sự sống, của sự phong nhiêu; và ngôi mộ trống đã trở thành như một căn phòng hôn lễ, căn phòng của tình yêu, căn phòng của phẩm giá, căn phòng của sự sống và của sự phong nhiêu.
Yếu tố thứ hai mà các môn đệ nhìn thấy trong ngôi mộ là tấm khăn che đầu Đức Giêsu. Tấm khăn này được cuộn lại, xếp riêng ra một nơi, phân biệt với những băng vải. Khăn che đầu này là yếu tố chung duy nhất giữa việc táng xác Đức Giêsu và việc táng xác anh Lazarô. Khăn này là biểu trưng cho sự chết. Trong trường hợp anh Lazarô, chiếc khăn này che mặt anh, còn trong trường hợp Đức Giêsu, chiếc khăn này không che mặt Người, mà chỉ che đầu Người thôi. Điều đáng nói ở đây là: chiếc khăn này bị cuộn lại, xếp riêng ra một nơi, phân biệt với các băng vải đang được xếp tại nơi Đức Giêsu đã từng an nghỉ. Như thế tức là sự chết đã bị “xếp riêng ra”, bị gạt sang một bên.
Khi người môn đệ Đức Giêsu thương mến đi vào trong mộ, ông đã thấy và đã tin (Ga 20,8). Người môn đệ này đã thấy gì? Ông thấy những băng vải được xếp ở đó như để trang trí cho phòng hôn lễ. Ông thấy những dấu hiệu của sự sống, của tình yêu, của phẩm giá, của hạnh phúc và của sự phong nhiêu. Ông hiểu rằng sự chết đã không làm đứt đoạn sự sống. Còn chiếc khăn biểu tượng cho sự chết thì đã bị cuốn lại và xếp riêng ra một nơi, vì sự chết không thể cầm tù Đấng ban sự sống được.
Kính thưa anh chị em,
Theo một nghĩa, có thể nói: ngôi mộ trống trong bài Tin Mừng hôm nay chính là hình ảnh của thế giới chúng ta. Đức Giêsu đã từng chết trong thế giới này và đã từng được táng xác trong thế giới này. Khi Đức Giêsu chết trên đồi Gôlgôtha, thế giới này đang thực sự là một ngôi mộ, là nơi chốn của sự chết, của sự đổ vỡ, của sự mất mát, của bất hạnh và tuyệt vọng. Nhưng với biến cố Đức Giêsu phục sinh, cái thế giới bị sự chết thống trị này đã được biến đổi triệt để, thành căn phòng hôn lễ, tức là thành nơi chốn của tình yêu, của phẩm giá, của sự sống, của hoan lạc, của hạnh phúc và của sự phong nhiêu.
Mừng Đại Lễ Phục Sinh là chúng ta mừng kính mầu nhiệm của sự biến đổi ngoạn mục đó.
Khi cho anh Lazarô sống lại, Đức Giêsu đã truyền lệnh cởi phăng những keiriai đang quấn quanh chân tay anh Lazarô, và vứt bỏ tấm khăn sự chết đang che mặt anh ta. Khi chính Người phục sinh từ cõi chết, Đức Kitô đã biến những tấm vải liệm thân xác của Người thành những othonia, tức là những băng vải của lễ cưới, và đã gạt tấm khăn của sự chết sang một bên.
Hôm nay, khi chúng ta mừng Đại Lễ Phục Sinh, Đức Kitô cũng mời gọi chúng ta làm như thế cùng với Người trong thế giới, trong xã hội và trong gia đình mà chúng ta đang sống.
Hôm nay cũng là Chúa Nhật cuối tháng; trong thánh lễ này, chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho công lý và hòa bình trên quê hương chúng ta. Thật là một sự trùng hợp rất có ý nghĩa! Chúng ta được mời gọi hãy cởi phăng những keiriai, và hãy trang hoàng cho thế giới này những othonia!
Hội Thánh thực hiện nhiệm vụ đó như thế nào? Tôi xin lấy hai thí dụ. Và vì hôm nay cũng là ngày cuối cùng của đợt góp ý kiến lần thứ nhất cho dự thảo sửa đổi Hiến Pháp, nên thí dụ thứ nhất sẽ liên quan đến sự kiện này.
Như anh chị em đã biết, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã gửi đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp và đến nhân dân cả nước, những ý kiến đóng góp rất tâm huyết và rất có giá trị. Quan điểm của Hội đồng Giám mục trong bản góp ý đó, chính là quan điểm của hơn bảy triệu tín hữu Công Giáo.
Theo ngôn ngữ mà chúng ta đang sử dụng trong bài chia sẻ này, thì có thể nói rằng: bằng văn bản góp ý đó, các Đức Giám mục đang góp phần cho mọi người thấy đâu là những keiriai cần phải cởi bỏ đi, để những Lazarô của ngày hôm nay trên đất nước chúng ta được sống, và đâu là những othonia cần phải được đề cao, để chúng ta có một nơi chốn của tình yêu, của phẩm giá, của sự sống, của hoan lạc, của hạnh phúc và của sự phong nhiêu.
Phần thứ nhất của bản góp ý nói về quyền con người.
Các Đức Giám mục viết: “Dự thảo [Hiến pháp] khẳng định quyền tự do ngôn luận (điều 26), quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật (điều 43), quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (điều 25).” Quả thực, đó là những quyền làm cho thế giới chúng ta đang sống trở nên nơi chốn của phẩm giá và tự do. Rồi các Đức Cha viết tiếp: “Tuy nhiên, ngay từ đầu, Dự thảo lại khẳng định đảng cầm quyền là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng” (điều 4).” Sau đó, các Đức Cha nói rõ ràng: “Trong thực tế, sự trói buộc tư tưởng vào một hệ ý thức duy nhất đã kìm hãm tư duy sáng tạo của người dân Việt Nam. Đây là một trong những lý do lớn, dẫn đến tình trạng trì trệ và chậm tiến của Việt Nam về nhiều mặt: giáo dục, khoa học và công nghệ, văn hóa và nghệ thuật.”
Thế là đã rõ ràng đâu là keiriai và đâu là othonia!
Trong phần thứ hai, các Đức Giám mục nói về quyền làm chủ của nhân dân.
Trong phần này, các Đức Cha cũng chỉ rõ đâu là những keiriai (những dây vải liệm) cần phải cởi bỏ ngay. Các ngài viết: “Để tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, trong Hiến pháp không nên và không thể khẳng định cách tiên thiên sự lãnh đạo của bất kỳ đảng phái chính trị nào (x. điều 4).”
Còn đây là hai trong số bốn othoinia (những băng vải hôn lễ) được nêu rõ: “Hiến pháp mới cần công nhận quyền sở hữu đất đai của công dân và các tổ chức tư nhân như tuyệt đại đa số các quốc gia trên thế giới. Hiến pháp phải tôn trọng quyền tham gia hệ thống công quyền ở mọi cấp, của mọi công dân, không phân biệt thành phần xã hội, sắc tộc, tôn giáo…”
Trong phần thứ ba của bản góp ý, các Đức Giám mục nói về việc thi hành quyền bính chính trị.
Các Đức Cha viết rất chí lý: “Quyền bính chính trị mà nhân dân trao cho nhà cầm quyền được phân chia thành quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Để những quyền bính này được thi hành cách đúng đắn và hiệu quả, cần có sự độc lập chính đáng của mỗi bên và vì công ích của toàn xã hội. Trong thực tế của Việt Nam nhiều năm qua, đã không có được sự độc lập này, dẫn đến tình trạng lạm quyền và lộng quyền, gây ra nhiều bất công, suy thoái về nhiều mặt: kinh tế, xã hội, đạo đức. Cuối cùng, người dân nghèo phải gánh chịu mọi hậu quả và Việt Nam, cho đến nay vẫn bị xem là một nước kém phát triển.” Thế là các Đức Cha đã nói rõ đâu chính là keiriai, những dây vải liệm của cõi chết! Tấm khăn che mặt cần phải được cuộn lại xếp sang một bên, chính là sự không phân lập đúng đắn tam quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Và các Đức Cha đề nghị ba “othonia’ như sau: “(1) Phải vượt qua sự bất hợp lý từ trong cấu trúc Hiến pháp, bằng cách xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phái chính trị nào, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Quốc hội là “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”, do dân bầu ra và là đại diện đích thực của nhân dân, chứ không phải là công cụ của một đảng cầm quyền nào. (2) Xác định tính độc lập của các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; cung cấp nền tảng pháp lý cho việc thi hành những quyền này cách độc lập và hiệu quả. (3) Luật hóa sự kiểm soát của nhân dân đối với việc thi hành pháp luật bằng những quy định cụ thể.”
Thí dụ thứ hai liên quan đến một sự kiện sẽ diễn ra trong hai ngày nữa: Tòa án Hải phòng xử anh Đoàn Văn Vươn. Ngày thứ sáu vừa qua, 29/3, UBCL-HB trực thuộc HĐGMVN và Tòa GM Hải Phòng vừa công bố một văn thư gửi Tòa án, trong đó, Hội Thánh yêu cầu rõ ràng Tòa án phải nhân danh công lý bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, và trong trường hợp gia đình anh Đoàn Văn Vươn, phải trả tự do và bồi thường thỏa đáng cho họ. Một lần nữa, các môn đệ Chúa Kitô cho thấy rõ những keiriai (dây vải liệm) nào đang cầm giữ xã hội chúng ta trong tình trạng chết chóc và đổ vỡ, và cho thấy đâu là những othonia (băng vải hôn lễ) cần phải được đề cao để xã hội chúng ta trở thành nơi chốn của sự sống và tình yêu, của công lý và tự do.
Kính thưa anh chị em,
Chúng ta vừa đọc lại với nhau một số ý kiến của Hội đồng Giám mục Việt Nam góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp theo lời kêu gọi của Nhà Nước trong ý thức trách nhiệm công dân, và ý kiến của UBCL-HB trực thuộc HĐGMVN và của Tòa GM Hải Phòng gửi Tòa án Hải Phòng.
Những ý kiến đó có nguy cơ không được lắng nghe và không được chấp nhận, nhưng điều quan trọng là chúng ta phải ý thức đâu là những yếu tố làm cho thế giới chúng ta đang sống vẫn còn là nơi chốn sự chết thống trị, và đâu là những yếu tố làm cho thế giới đó trở thành nơi chốn của tình yêu, của phẩm giá, của sự sống, của hoan lạc, của hạnh phúc và của sự phong nhiêu.
Rồi thay vì đứng ở bên ngoài mà hoảng loạn hoặc than khóc như bà Maria Magđala, chúng ta được mời gọi bước vào bên trong ngôi mộ, và cùng với Chúa Phục Sinh sắp xếp thế nào để ngôi mộ đó không còn là nơi chốn sự chết thống trị nữa, mà trở thành căn phòng của tình yêu, của sự sống và của niềm vui đích thực.
Hãy cùng với Đức Kitô Phục Sinh cuộn tấm khăn của sự chết mà xếp sang một bên!
Hãy cùng với Người cởi bỏ những dây vải liệm (keiriai) đang trói chặt những Lazarô đương đại là chính chúng ta và anh chị em chúng ta!
Hãy cùng với Đức Kitô Phục Sinh trang trí cho thế giới này những băng vải hôn lễ (othonia)!
Đó chính là chúng ta đang làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh vậy. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Thể Hiện, CSsR
Nguồn: VRNs
0 nhận xét:
Đăng nhận xét