Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

“Lấy ý kiến sửa đổi hiến pháp 1992” của cộng sản Việt Nam, một âm mưu chính trị



LTCGVN (13.04.2013) - Gần 70 năm, người dân sống dưới sự cai trị độc tài khắc nghiệt bằng “luật đảng”, hiến pháp, luật pháp đều nằm dưới “đảng pháp” - đó là mệnh lệnh cao nhất để thực hiện cương lĩnh và nghị quyết của đảng. Dưới thể chế cộng sản, hiến pháp chỉ là món hàng trang sức làm vỏ bọc che giấu “đảng quyền”, và là một văn bản “ngoa ngôn-xảo ngữ” dùng để lừa gạt các nước tự do trong vấn đề “bang giao”. Đảng cộng sản Việt Nam (csVN) không cai trị dân bằng hiến pháp mà “luật là tao, tao là luật” cho nên người dân cho rằng“nước ta có một rừng luật, nhưng csVN cai trị bằng luật rừng”.

Bốn (4) lần chứng minh Hiến pháp của csVN là “lừa bịp”: 

Hiến Pháp năm 1946 là hiến pháp triệt hạ đối phương: Năm 1945, Hồ Chí Minh và đảng csVN cướp chính quyền, vội vàng đẻ ra hiến pháp 1946 với xảo ngữ “đoàn kết chống Pháp giành độc lập dân tộc” để thành lập Chính Phủ Liên Hiệp nhằm “gom” các thành phần yêu nước không cộng sản về một mối để dễ bề tiêu diệt. Những sự kiện Hồ Chí Minh đi đêm với Pháp ký Hiệp Định Sơ Bộ 1946 cho quân Pháp trở lại Việt Nam tiêu diệt các đảng cách mạng quốc gia. Cùng lúc, Việt Minh cộng sản ngày đêm truy lùng thủ tiêu các thành phần quốc gia chân chính đã nói lên bản chất của hiến pháp 1946. 

Hiến pháp 1959 tiêu diệt đối phương, siết chặt quyền cai trị và bành trướng của cộng sản:Sau khi ký hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước, csVN “giết tận gốc, bốc tận rể” các giai cấp mà họ gọi là kẻ thù. Hiến pháp 1946 được thay bằng Hiến Pháp 1959 mục đích “đẩy mạnh cách mạng Xã Hội Chủ Nghĩa ở miền Bắc và tiến hành Cách Mạng Dân Tộc Dân Chủ Nhân Dân ở miền Nam.” Hiến pháp 1959 biểu thị sự phục tùng đối với cộng sản đệ tam quốc tế Nga-Hoa nhằm xâm lăng miền Nam mở rộng đế quốc đỏ. 

Hiến Pháp 1980 độc tài chuyên chính, chư hầu Liên Xô: Sau năm 1975, csVN thôn tính miền Nam, ngả theo Nga Xô, quyết tâm theo con đường cộng sản sắt máu Staline. Điều 4 Hiến Pháp 1980 “Đảng csVN là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước...”, đây là phiên bản của điều 8 Hiến Pháp Liên Xô năm 1977: “... Đảng cộng sản Liên Xô là hạt nhân của hệ thống chính trị, của tất cả các tổ chức nhà nước và tổ chức xã hội...”

Hiến pháp 1992 nắm chặt độc quyền làm tay sai cho Trung Cộng: Thập niên 1990, Liên Xô và khối cộng sản Đông Âu từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, tái cấu trúc theo kinh tế thị trường và chính trị dân chủ... csVN hụt hẫng, mất chỗ dựa... lại sửa đổi Hiến Pháp nhưng không từ bỏ điều 4, bám chặt quyền lực bất minh và bất chính, chuyển sang tôn vinh Trung Cộng đứng ra lãnh đạo khối Xã Hội Chủ Nghĩa. 

Qua 4 lần sửa đổi hiến pháp, csVN ôm chặt một mục tiêu: Nắm chặt quyền lãnh đạo của đảng không khoan nhượng dù bất cứ hoàn cảnh nào! 

Hiến pháp chỉ có giá trị khi hội đủ hai điều kiện: Người dân thực sự làm chủ hiến pháp và chính quyền nghiêm chỉnh thực thi hiến pháp. Khẳng định dưới chế độ csVN, hai điều này không bao giờ hiện hữu. Nếu đảng csVN còn cai trị đất nước, thì hiến pháp chỉ là đồ xa xỉ; Việc sửa đổi hiến pháp chỉ là làm cho vui. Khi chế độ csVN còn, dù sửa hiến pháp như thế nào cũng không có giá trị pháp lý. 

Vấn đề đặt ra là tại sao những lần csVN sửa đổi hiến pháp trước đây thì tự biên, tự diễn nhưng nay lại đem việc sửa đổi hiến pháp 1992 ra “lấy ý kiến nhân dân”. Mọi người ngạc nhiên về vở tuồng dân chủ này... csVN mưu đồ gì đây? 

Thiết nghĩ, tình hình chung hiện nay csVN đang đối diện với những nguy cơ sinh tử: 

-  Kinh tế bên bờ vực thẳm: các công ty quốc doanh số vốn to lớn đều phá sản, thị trường nhà đất tiếp tục đi xuống, ngân hàng cạn kiệt vì nợ xấu, các định chế tài chánh quốc tế ngưng cho vay. Vật giá leo thang dân tình khốn khổ, nguyên nhân của nỗi loạn. 

- Nội bộ csVN đang tranh nhau quyết liệt, Trương Tấn Sang và Nguyễn Phú Trọng muốn hạ Nguyễn Tấn Dũng mà họ gọi là “đồng chí X”, thách thức nội bộ càng ngày càng căng thẳng, nguy cơ bùng nổ thượng tầng lãnh đạo đảng csVN có thể xảy ra lúc nào, kéo theo sự sụp đổ của đảng. 

- Giặc Đại Hán càng ngày càng lấn sâu từ biển vào bờ, thô bạo ép csVN đến đường cùng, ép đến đâu csVN cong lưng cúi đầu đến đó, lòng dân phẫn uất trước thái độ khiếp nhược, hèn nhát của nhà nước csVN... người dân muốn vùng lên phản kháng.
- Cuộc chiến tin học như vũ bão được sử dụng càng ngày càng đông, trở thành vũ khí đấu tranh cho tự do, quất vào mặt chế độ, chỉ vào hầu bao của các chóp bu cộng sản những đòn chí tử... bao nhiêu trận tấn công đánh trực diện, đánh ngang hông mà csVN cho là âm mưu “diễn biến hòa bình”. 

Để hóa giải những áp lực trên, sự việc “lấy ý kiến của dân về sửa đổi hiến pháp 1992” nhằm để đánh lạc hướng quần chúng, nhất là các thế lực đấu tranh dân chủ trong và ngoài nước, tạo thị hiếu cho các trang thông tin “lề Dân” mất nhiều thời gian hăng say tranh luận, những nhà luật học chuyển mục tiêu hướng về sự tranh luận đóng góp ý kiến... Vì thế, tạm gác những mũi tấn công vào những tử huyệt của csVN. Được đà, csVN ra lệnh cho “lấy ý sửa đổi hiến pháp 1992” thêm 6 tháng nữa. 

Ngón võ bịp “sửa đổi hiến pháp 1992” của csVN bị phản tác dụng: 

“Thiên bất dung gian”, mặc dù nhiều giấy mực, trí óc, công sức từ quần chúng lên tiếng đóng góp sửa đổi hiến pháp 1992, nhưng không sa vào bẩy csVN bày ra, mà còn mang khía cạnh tích cực cho công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ. Lợi dụng csVN “cho phép” đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi hiến pháp thì nhiều nhà trí thức, giáo dân, công nhân, nông dân... đều lên tiếng đòi bỏ điều này, thay điều nọ đi ngược với cương lĩnh của đảng. Họ còn thảo ra bản hiến pháp tự do, dân chủ mới với đầy đủ tam quyền phân lập chính thức nộp lên cho ban “sửa đổi hiến pháp”

Dòng thác lên tiếng không còn lẻ tẻ, úp mở, dấu tên như trước đây mà công khai tên tuổi, địa chỉ cư trú, với sự đáp ứng của hàng trăm nhà trí thức, hàng vạn giáo dân, công nhân, nông dân trở thành một làn sóng đòi “tự do” công khai góp phần tích cực đẩy lùi sự sợ hãi trong quần chúng. Sự kiện này đã tạo ra một lằn ranh quốc-cộng ngay trong lòng chế độ độc tài, một bên người dân công khai đòi tự do, dân chủ qua việc “được quyền đóng góp sửa đổi hiến pháp” và một bên là nhà cầm quyền csVN duy trì hiến pháp cai trị độc tài. 

Nhiều ý kiến cho rằng, coi chừng csVN dùng “góp ý sửa đổi hiến pháp 1992” để nhử mồi những ai có tư tưởng chống lại chế độ. Đây là mưu mô của csVN thường hay sử dụng trước đây. Nhưng trước đây chưa có cuộc cách mạng tin học, csVN bị cô lập về bang giao quốc tế, kinh tế tập trung không cần giao thương các nước trên thế giới, và số người bất đồng chính kiến còn ít, thì csVN dễ dàng đàn áp. Nay tình thế đã khác hẳn, cuộc đấu tranh đòi tự do đã nghiêng về quần chúng, được thế giới tự do nhiệt liệt ủng hộ, người bất đồng chính kiếm dám công khai ra mặt đông hơn, người xử dụng vũ khí cách mạng tin học nhiều, nhanh, linh động, hiệu quả... không cho phép nhà nước csVN dễ dàng hành xử theo kiểu “đấu tố cải cách ruộng đất” trước đây. 

Công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ hiện nay là một cuộc chiến “Diễn Biến Hòa Bình”, đấu tranh trên nhiều mặt trận mục đích làm tan rã sức mạnh của csVN, nhiều người trong hàng ngũ cộng sản “tự diễn biến” quay về trong lòng dân tộc, đấu tranh cho tự do dân chủ, mọi giới tham gia vào công cuộc tự phát xuống đường bảo vệ tổ quốc trước họa ngoại xâm phương Bắc, toàn dân cùng xuống đường đòi quyền lợi, quyền sống, tự do... mọi nỗ lực làm cho người dân hết sợ hãi đồng loạt xuống đường khắp các thành phố là ngày tàn của chế độ độc tài toàn trị, ngày ca khúc khải hoàn tự do dân chủ cho dân tộc Việt Nam. 

10/04/2013 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét