Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

''Tinh thần Assisi: hành hương chân lý, hành hương hòa bình''

LTCGVN (12.11.2012)



"Tinh thần Átxidi: hành hương chân lý, hành hương hòa bình"


TGM Gerhard Ludwig Müller, Bộ Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin



Giới thiệu: "Tinh thần Átxidi: hành hương chân lý, hành hương hòa bình": là nhan đề bài suy tư của Đức Tổng Giám mục Gerhard Ludwig Müller, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Thực ra đây là bài nói chuyện của Đức Tổng Giám mục tại Hội nghị ở Átxidi (Assisi, Ý) ngày 29-10-2012, nhân dịp kỷ niệm 26 năm ngày Gặp gỡ Átxidi, do ĐTC Gioan Phaolô II tổ chức trước đây, nhằm thúc đẩy hòa bình giữa các tôn giáo và ân sủng các tôn giáo: Tổng Giám mục đã quan tâm diễn tả rõ ràng rằng đây không phải là chủ nghĩa tôn giáo hòa đồng, nhưng một cuộc đối thoại giữa các tôn giáo, khởi đi từ các giá trị cơ bản của họ. Một cuộc đối thoại, mà trong đó ĐTC Biển Đức XVI cũng mời gọi người không tín ngưỡng – luôn trên nền tảng các giá trị cơ bản của con người và khả năng của lý trí cho việc đối thoại – tham dự vào năm ngoái để kỷ niệm 25 năm ngày diễn ra cuộc gặp gỡ đặc biệt này.

Một cuộc đối thoại được quan niệm như là "một phương pháp giúp tiến tới chân lý", Đức Tổng Giám mục Müller giải thích và nhấn mạnh rằng "đối với một Kitô hữu, sự tôn trọng tình cảm tôn giáo của người khác không có nghĩa là, và sẽ không thể có nghĩa là một sự từ bỏ đức tin của mình”. (Zenit.org 5-8.11.2012)



1. Có một tương quan sâu đậm giữa thành phố Átxidi và con người Thánh Phanxicô: chính vì thế, năm 1986, thành phố này đã được lựa chọn cho cuộc họp mặt đầu tiên giữa các đại diện của các tôn giáo chính. Thánh Phanxicô Átxidi là một con người của hòa bình, và thành phố này - đã mang đến nhiều lễ Giáng sinh cho vị Thánh lớn và gìn giữ thi hài của Ngài - đã trở thành một cách nào đó, nhờ Ngài, một địa điểm tượng trưng cho hòa bình. Thánh Phanxicô là một vị thầy của hòa bình. Ngài có thể nói về "hòa bình" một cách thế giá, bởi vì Ngài mang hòa bình trong tâm hồn mình, và đã lan tỏa hòa bình xung quanh Ngài, bằng lời nói và hành động. Hòa bình mà thánh Phanxicô có trong mình đã phát sinh từ một sự kết hiệp mật thiết trong Chúa Giêsu Kitô, mà Ngài đã trở thành đồng thời chứng nhân và người ăn xin.



Chân Phước Gioan Phaolô II đã muốn rằng chính thành phố Átxidi làm chứng rằng ân ban hòa bình được liên kết sâu đậm với sự đòi hỏi tôn giáo, vốn phát sinh từ tâm hồn của mỗi người, và rằng mọi người, trong việc tìm kiếm tôn giáo của mình, phải tham gia cụ thể cho hòa bình, bằng cách đóng góp phần chính xác của mình cho chính nghĩa hòa bình. ĐTC đã mở đầu cuộc họp mặt bằng một kinh nguyện khẩn cấp, vốn vẫn còn vang vọng hôm nay giữa chúng ta: "Xin hòa bình đến với chúng con và đầy tràn tâm hồn chúng con!”.



Vị thánh thành Átxidi thường được chúng ta nhớ đến vì Bài ca các Tạo vật của Ngài, và chính nhờ bài thơ này, qua đó Ngài nhận biết sự thiện của các tạo vật, Ngài nâng tâm hồn lên với sự thiện cao cả của Đấng Tạo Hóa. Nhưng đôi khi người ta quên rằng thánh Phanxicô chỉ sáng tác bài ca này sau khi Ngài đã nhận được món quà quý giá là Năm Dấu Thánh. Điều này có nghĩa rằng lòng tri ân thuần túy từ bài ca này chỉ phát xuất từ tâm hồn của Thánh Phanxicô, sau khi Ngài chỉ đoái nhìn và đắm chìm hồn mình trong Đấng Chịu Đóng Đinh, đến nỗi Ngài trở nên giống với Chúa trong thân xác, nghĩa là “chịu Năm Dấu Thánh”.



Đối với thánh Phanxicô, con đường Thập Giá của Chúa Giêsu Kitô là con đường chủ đạo dẫn đến hòa bình. Việc Thánh giá đánh dấu bước khởi đầu và bước hoàn tất ơn gọi của Ngài không phải là một sự ngẫu nhiên: Ngài tự hoán cải trước Đấng Chịu Đóng Đinh, và qua đời sau khi được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa. Như thế, chính Thánh giá đã đặt vào tâm hồn Phanxicô một hạt giống hòa bình và làm cho nó nở hoa trong một bài hát tri ân Thiên Chúa.



Cuộc đời của Thánh Phanxicô là minh chứng hoàn hảo rằng sự chiêm niệm và sự đồng hóa với mầu nhiệm Nhập thể và Cứu chuộc - mà đỉnh cao là Thánh Giá - là nguồn gốc của ánh sáng ấy, cho phép con người nắm bắt toàn bộ sự phong phú của tạo thành và của vận mạng con người. Từ đó nảy sinh hòa bình đích thực, tràn ngập tâm hồn của thánh Phanxicô. Đó là sự sâu thẳm mà thánh nhân dẫn chúng ta đến, và vẫn là một chân trời tươi sáng cho một sự suy tư về "tinh thần Átxidi".



"Tinh thần Átxidi" không thể không lấy lại đặc sủng của Thánh Phanxicô và linh đạo của một người ca ngợi tạo vật, của một người chiêm ngắm và ca tụng Chúa qua tạo vật, Đấng được mặc khải rõ ràng trong việc Ngôi lời Nhập Thể. Linh đạo của người con xuất sắc của thành phố Átxidi là qui Kitô và nhập thể, theo nghĩa rằng linh đạo này được nuôi dưỡng liên lỉ từ sự chiêm ngắm mầu nhiệm Nhập Thể, cuộc khổ nạn và cái chết của Đấng Cứu Thế.



2. Trong cuộc gặp gỡ ở Átxidi, được tổ chức ngày 27-10-2011, ĐTC Biển Đức XVI đã đề nghị thực hiện một điểm của “chính nghĩa của hòa bình”, khởi đi từ cuộc gặp gỡ năm 1986. Ngài nói: "Điều gì xảy ra sau đó? Thật không may, chúng tôi không thể nói rằng kể từ đó tình hình được đặc trưng bởi sự tự do và hòa bình...". Và, sau khi kể vào số các kẻ thù chính của hòa bình là "hành động khủng bố có động cơ tôn giáo", Ngài mạnh mẽ tái khẳng định rằng bạo lực là "không phải thuộc bản chất thực sự của tôn giáo", sau đó Ngài nói thêm: "Ở đây có một nhiệm vụ cơ bản của đối thoại liên tôn ", và Ngài nêu ra một câu hỏi căn bản: đâu là "bản chất thực sự của tôn giáo?"[1]. Sự suy tư về sứ điệp mới này, vốn được chuyển cho chúng tôi ngày 27-10, không thể bỏ qua câu hỏi căn bản ấy. Câu hỏi cần được trả lời.



3. Tôn giáo là gì? Trước tiên hãy cố gắng hiểu ở cấp độ nào của con người khởi đi cảm thức tôn giáo? Với một tâm trí cởi mở, khi nhìn thực tại được sáng tạo, con người có thể nhận ra sự hiện hữu của Thiên Chúa, như là "sự khởi đầu và cùng đích của tất cả mọi thứ"[2]. Con người cũng mong muốn nhìn thấy Thiên Chúa này, mà mình nhìn nhận sự hiện hữu và lệ thuộc vào Chúa với tư cách là thụ tạo. Do đó, người ta tìm thấy trong tình cảm tôn giáo một tuyên bố mặc nhiên của căn tính siêu hình của con người. Bởi bản tính, con người hướng về tôn giáo, và khi phát hiện sự hiện hữu của Thiên Chúa, con người khám phá rằng vận mạng cuối cùng của mình vượt quá thế giới này. Chính vì thế con người hướng về Đấng Tạo Thành mọi vật và do đó con người cố gắng đi vào mối quan hệ với Đấng ấy. Viễn tượng này - được mở rộng và nuôi dưỡng bằng các cử chỉ tôn giáo - thể hiện sự cởi mở tự nhiên của con người với Đấng Tuyệt Đối, và cung cấp một trục đạo đức, vốn thúc đẩy con người liên lỉ vượt qua các giới hạn của mình.



Nhưng tình cảm tôn giáo bao gồm một nhận thức khác: sự nhận thức về chiều kích "quan phòng" hiện diện trong vũ trụ. Sự nhìn nhận này, sau khi nó trở nên có ý thức, làm cho con người có một thái độ tin tưởng đối với Đấng Tạo Hóa, đặc biệt là trong những lúc khó khăn. Do đó, có một điểm hỗ trợ và điểm cân bằng, mà tình cảm tôn giáo tự nhiên cung cấp cho tâm linh của con người trong mọi sự kiện của con người. Tâm linh sẽ là một yếu tố quan trọng đối với sự trưởng thành của một chủ nghĩa nhân bản thật sự.



Lý trí con người - hoặc trí hiểu, như thánh Tôma nói - phát hiện ra rằng lý trí cởi mở với chân lý, được thu hút bởi chân lý, và rằng ý chí là tự nhiên hướng về sự thiện, bởi một xung lực không thể cắt bỏ trong tâm hồn mình. Ở cấp độ này, việc tìm kiếm sự chân sự thiện tối cao và tối hậu cho thấy rằng tình cảm tôn giáo là một hiện tượng cấu trúc của nhân vị.



4. Chính từ cái nhìn về con ngưởi như thế - khi tự đặt mình vào cấp độ của một nhân chủng học triết học đơn giản – mà Chân Phước Gioan Phaolô II đã tổ chức cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Átxidi, nơi đó Ngài đã thốt ra những lời sau đây: "Với các tôn giáo của thế giới, chúng tôi chia sẻ một sự tôn trọng sâu sắc đối với lương tâm và sự tuân phục lương tâm, vốn dạy cho tất cả chúng ta tìm kiếm sự thật, yêu thương và phục vụ tất cả mọi người và mọi dân tộc ... Chúng ta đều nhạy cảm và vâng theo tiếng nói của lương tâm ... Liệu nó có thể là khác được không, khi mọi người nam và người nữ của thế giới này đều có chung một bản tính, một nguồn gốc chung và số phận chung?"[3]. "Hai yếu tố dường như có tầm quan trọng tối thượng, và cả hai đều là chung cho tất cả chúng ta. Thứ nhất... là mệnh lệnh nội tâm của lương tâm luân lý, giúp chúng ta tôn trọng, bảo vệ và thăng tiến cuộc sống con người từ khi còn ở trong bụng mẹ cho đến giờ phút lâm chung ... mệnh lệnh là phải vượt qua sự ích kỷ, tham lam và hận thù. Yếu tố chung thứ hai là niềm xác tín rằng hòa bình vượt quá các nỗ lực của con người"[4].



Các khẳng định trên thu hút sự chú ý đến tính phổ quát của phẩm giá con người và lương tâm cá nhân, bên trong đó là cốt lõi của trách nhiệm đạo đức và phẩm giá của con người. Việc phát hiện ra tính cách ngẫu nhiên của các thụ tạo có thể đưa đến sự khẳng định rằng Thiên Chúa là vận mạng của thế giới. Ngoài ra tính cách thần học của tạo thành cũng cho phép nói đến một vận mạng cho con người, được đăng ký trong trạng thái "thụ tạo". Là một tạo vật của Thiên Chúa, giống như Chúa, con người hưởng một bản tính thiêng liêng, vốn có trong nó - như chúng tôi vừa nói – một lực mạnh đẩy con người tiến về chân và thiện, trong sự tôn trọng tha nhân và hòa bình. Tuy nhiên, trong khi dành chỗ cho đà này, con người có thể khám phá ra một cách đau đớn rằng sự viên mãn của chân, thiện và hòa bình, nằm bên ngoài các nguồn tài nguyên thiên nhiên của con người. Chính trên con đường "bị gián đoạn" hướng tới sự viên mãn của chân, thiện, mà nở ra trong con người sự nhận thức về sự cần thiết phải đi "xa hơn", vượt quá các khả năng của con người.



Khẳng định tất cả những điều này có nghĩa rằng một triết học trung thành với việc nhận xét thân phận con người đã có thể rút ra một số chân lý cơ bản cho con người. Quả vậy, con người bộc lộ trong mình một chiều kích tôn giáo, vốn là một điều kiện cho việc tìm kiếm một nền tảng chung trong cuộc đối thoại với các đại diện của các tôn giáo ngoài Kitô giáo. ĐTC Gioan Phaolô II đã ý thức điều này, và Ngài muốn làm nổi bật nó. Nhưng người ta cũng có thể nêu lên rằng các tôn giáo không chia sẻ cùng các điểm khởi đầu chung của sự suy tư này. Ví dụ, một tôn giáo nào không khẳng định việc tạo thành, và thay vào đó, dạy sự sinh xuất của Thiên Chúa, thì không có cùng một bối cảnh văn hóa và cùng các phạm trù khái niệm để khẳng định tính phổ quát của phẩm giá con người. Cũng vậy, nếu các tầng lớp nhân dân được coi là "đẳng cấp", mà tầm quan trọng phụ thuộc vào mức độ sinh xuất của thần linh - một số là từ nguồn gốc, và một số khác là trễ hơn, nên tệ hại hơn – sự khám phá và bảo vệ phẩm giá của mỗi con người và số phận con người sẽ là khó khăn nhiều hơn. Người ta cũng cần lưu ý rằng phiếm thần và phái nhị nguyên không tạo ra cùng một bầu khí trí tuệ, vốn dẫn Kitô giáo tin rằng thế giới được tạo ra, thế giới là tốt lành và có một số phận từ một Thiên Chúa tốt lành và nhân vị.



Tương tự như vậy, việc qui về lương tâm là khác nhau tùy theo tôn giáo. Lương tâm, được định nghĩa như là một hành động của lý trí cụ thể, thuộc về bản tính thiêng liêng của con người. Trong viễn tượng Kitô giáo, trong đó người ta tôn trọng lương tâm cá nhân, vốn tìm kiếm chân lý, người ta gán cho nó một môi trường đạo đức sơ đẳng và nhân phẩm là vượt trội. Trái lại, trong một tôn giáo vốn đặt hàng đầu một cách không tranh cãi các sách thánh của mình và không dành chỗ cho một intellectum quaerens (tìm kiếm sự hiểu biết), sự đánh giá lương tâm cá nhân chỉ là giảm sút. Và ở đâu sự bảo vệ chống lại sự dữ không đến từ một phán đoán đúng của lương tâm cá nhân, nhưng chỉ từ một lĩnh vực bên ngoài nó - thậm chí có thể áp đặt bằng bạo lực - để khẳng định một lối sống đặc biệt, sự phát triển của phẩm giá cá nhân và đời sống xã hội tự do sẽ bị suy yếu, và lương tâm cũng là yếu.



Mặc dù ý thức các khác biệt và các mặt hạn chế này, ĐTC Gioan Phaolô II, tin tưởng vào một bản tính con người chung và không phai nhạt, không sợ đến gõ cửa các tôn giáo và các con người tôn giáo, yêu cầu người ta tôn trọng lương tâm cá nhân, phẩm giá con người phổ quát, và giá trị sự sống và hòa bình.



5. Việc gõ cửa tình người, vốn hiện hữu trong mỗi người, và được diễn tả trong tình cảm tôn giáo mỗi người, không có nghĩa rằng mọi tôn giáo được phát triển trong lịch sử có thể được coi như là một biểu hiện lờ mờ của cùng một cảm nghiệm của con người. Mặc khải của Thiên Chúa không phải là sự mô tả của một cảm nghiệm tôn giáo con người phổ quát. Các thuyết đa nguyên của tôn giáo, vốn đi theo chiều hướng này, không phải là thần học dựa vào Lời Chúa, và chúng thường bắt đầu với một tiên thiên phi lý, mà theo đó mọi tôn giáo là giống nhau, phủ nhận hoặc ngờ vực khả năng của sự giao tiếp thực sự giữa Thiên Chúa và con người. Cũng có tôn giáo bác bỏ khả năng của việc Nhập thể, việc nâng cao bản tính con người bởi một Ngôi Thiên Chúa. Như vậy, việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa, vốn là trung tâm của đức tin Kitô giáo, sẽ bị giảm xuống thành một phép ẩn dụ thi ca, xinh đẹp nhưng không có thật. Những người lý luận theo cách như thế chối bỏ một hậu thiên của chính Mặc khải trong lịch sử và việc Nhập thể, nhân danh một tiên thiên siêu hình, vốn không cho phép xem sự tự hủy của Chúa thành con người như một thực tại[5]. Vì vậy, sau khi nói về một "Thiên Chúa vô danh", vị tông đồ của Chúa Kitô loan báo: "Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị” (Cv 17, 23).



Chính vì vậy, một nền thần học thật sự Kitô giáo về các tôn giáo không thể chấp nhận các lập trường như thế. Việc nhìn nhận Thiên Chúa Đấng tạo Hóa, sự việc Mặc khải trong lịch sử và mầu nhiệm Nhập Thể, mà đỉnh cao là Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu Kitô, không xóa bỏ các sự thật về con người rằng lý tri có thể nhận biết, mà không cần sự giúp đỡ trực tiếp của ân sủng, và không ngăn cản rằng các tôn giáo có thể biểu lộ một cảm thức đạo đức và tình cảm tôn giáo tự nhiên. Sự tôn trọng tình cảm tôn giáo này có thể được duy trì với đức tin Kitô giáo, bởi vì đức tin không chống lại lý trí và cũng dành chỗ cho đạo đức và tôn giáo tự nhiên, trong khi vẫn nhìn nhận các giới hạn của thiên nhiên, trong đó nó không được soi chiếu hoặc nuôi dưỡng bởi đức tin. Tôn trọng lương tâm tôn giáo của con người không có nghĩa là quên rằng các tôn giáo lịch sử cũng có trở ngại của mình, cũng như có các hình thức bệnh hoạn và lộn xộn của tôn giáo.



6. Sau khi đã nêu ra giá trị và tính phổ quát của tình cảm tôn giáo tự nhiên, cũng như các hạn chế của nó, chúng ta cũng cần nêu lên mối tương quan và sự khác biệt cơ bản giữa tình cảm tôn giáo này và đức tin. Đức tin khác với tình cảm tôn giáo tự nhiên[6]. Đức tin là một nhân đức đối thần được tiếp nhận từ Thiên Chúa. Nó không phải là một sản phẩm của bản tính con người, ngay cả khi nó cho phép bản tính con người tự hoàn thiện. Đức tin là một thực tại siêu nhiên, nghĩa là một món quà của ân sủng đến từ Thiên Chúa, và có đối tượng là Thiên Chúa, Đấng tự Mặc khải, Đấng là nguồn gốc và sự hoàn thành của đức tin. Các cử chỉ thờ phượng Thiên Chúa là đối tượng của tình cảm tôn giáo, được hoàn tất trong sự tôn kính đối với Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa, mà lý trí tự nhiên có thể biết được. Về bản chất, nội dung của đức tin được tiếp nhận qua mặc khải của Thiên Chúa, và được lưu truyền thông qua việc giảng dạy của Giáo Hội (x. Ep 3, 10). Các cử chỉ của đức tin mở ra cho quyền năng cứu độ của Thiên Chúa (x. Mc 5, 30) và chúng dẫn vào sự sống siêu nhiên, "sự sống đời đời"[7].



Thiên Chúa ẩn giấu trong mầu nhiệm và chỉ có đức tin cho phép nhận biết Chúa, không phải để làm giảm giá trị của trí tuệ tự nhiên của con người, nhưng bởi vì đức tin, nhờ sức mạnh của ân sủng, cung cấp cho lý trí các điều chắc chắn lớn hơn về Thiên Chúa. Đức tin giúp con người nhận ra Chúa, tin cậy Ngài, và mở lòng ra cho sự hiện diện của Ngài. Trong Đức tin, Chúa tự mặc khải như một Thiên Chúa ngôi vị, yêu thương mọi người như một người Cha. Ngài không để cho người ta hiểu Ngài như một Đấng Tuyệt đối trừu tượng, mà lý trí có thể nhận biết, tôn trọng hoặc sợ hãi. Về điều này, chúng ta có thể thấy thật là sai lầm khi nhầm lẫn đức tin Kitô giáo với tình cảm tôn giáo tự nhiên, và sử dụng từ ngữ "đức tin" để mô tả niềm tin của các tôn giáo không Kinh Thánh[8]. Do đó, người ta không muốn từ chối rằng Thiên Chúa có ban khả năng tin cho những người không biết Lời mạc khải, và cũng không biết Chúa Kitô và Giáo Hội, và thay vào đó, họ chỉ tin rằng “Ngài tồn tại và thưởng ban cho những ai tìm kiếm Ngài" (Dt 11, 6). Nhưng trong trường hợp này, cần phải nhấn mạnh rằng niềm tin này, nếu nó không được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và các bí tích của Giáo Hội, vẫn còn gặp nguy hiểm và có thể bị bóp méo.



Đức tin soi sáng giá trị của tình cảm tôn giáo tự nhiên, trong đó tình cảm tôn giáo cung cấp mùn đất tốt cho đức tin, cho dù cuộc sống thần học, được Thiên Chúa ban, có thể trao cho các hành vi tôn giáo một chiều sâu tinh thần và một giá trị, mà các sức mạnh và sự tiến bộ con người mà thôi không thể đạt được. Vì vậy, từ trung tâm bên trong này là tình cảm tôn giáo, tôn giáo có thể và phải được phân tích và tinh luyện. Do đó, người ta không thể đặt tình cảm tôn giáo bên cạnh đức tin được. Đức tin, như là một món quà của ân sủng, được ghép cho các khả năng tự nhiên của con người, và tạo ra một sự thay đổi nhận thức luận và đạo đức. Đức tin thay đổi tình cảm tôn giáo từ bên trong, bảo đảm cho nó một sự phong nhiêu thiêng liêng, và về phần mình (ex parte sua), tình cảm tôn giáo tự nhiên cung cấp cho đức tin một khuôn khổ tiếp đón, vốn hướng dẫn và cho phép đức tin tự diễn tả cho mọi cấp độ của bản tính con người.



7. Vì vậy, nếu Giáo Hội Công Giáo và Kitô Giáo không từ chối đối thoại với các tôn giáo, chính là bởi vì đức tin Kitô giáo bao hàm "sự tôn trọng" cho sự nhạy cảm tự nhiên tôn giáo của con người[9]. Sự tôn trọng lương tâm - thậm chí trong trường hợp mà lương tâm dường như ẩn giấu trong một tình cảm tôn giáo không có khả năng phân định các giá trị đạo đức và chịu trách nhiệm về chúng – đòi hỏi cuộc đối thoại để hoàn thành từng bước, trong một sự chờ đợi nhẫn nại giữa sự cởi mở của lý trí và chân lý đầy đủ. Giáo Hội, trong khi tin vào sự vĩ đại của lý tính (ratio) – vốn mời gọi không đóng khung trong các giới hạn quá nhỏ[10], và mở ra cho việc tìm kiếm chân lý - cũng biết rằng chỉ có lý tính (ratio) có khả năng phát hiện ra các chân lý cơ bản. Nói chung, chỉ có các nhà tư tưởng, trung thực và sâu sắc, có sự tinh tường hơn người, đạt được sự khám phá đầy đủ và đáng kính trọng, bằng cách dựa vào lý trí tự nhiên, về phẩm giá và vận mạng con người, giá trị của hòa bình và tình đoàn kết. Tuy nhiên, người ta cần lưu ý rằng Giáo Hội, vốn biết các giới hạn của lý trí tự nhiên, không mất niềm tin vào lý trí, và không chấp nhận sự bi quan chắc chắn, vốn phân biệt các môi trường hư không hoặc tương đối. Chính nhân danh sự tin cậy vào các khả năng tự nhiên của lý trí mà Giáo Hội có thể tham gia vào cuộc đối thoại liên tôn. 



Thứ hai, chúng ta phải nhớ rằng mục đích của cuộc đối thoại không phải là cuộc đối thoại tự thân. Mục đích của cuộc đối thoại là hiểu biết chân lý. Đối thoại là một phương pháp giúp để tiến tới sự thật. Đối thoại kiểu Socrates giúp cho điều này, như là một con đường để tìm kiếm triết học cho sự thật và để giải phóng tinh thần, theo cách thức không rời xa chân lý. Đôi khi các sự rời xa này, mặc dù là ẩn giấu và vô thức, là do sự thật được biết đến đòi hỏi. Sau khi phát hiện ra sự thật, cần phải chấp nhận quyền lực của sự thật, và chính vì nó là đích thật, người ta cần đi theo nó, dù rằng không phải mọi người sẵn sàng chấp nhận các nỗ lực được đòi hỏi. Đôi khi, con người tự khép mình trong các lập trường tương đối hoặc trong một tình cảm tôn giáo tự nhiên được đơn giản hóa, để cảm thấy tự do trong các đòi hỏi của sự thật. Thuyết tương đối thích sự nghi ngờ thường xuyên để không cho sự chắc chắn của chân lý thống trị. Vì vậy, các tôn giáo tự nhiên có thể cung cấp câu trả lời nào đó cho các vấn nạn cơ bản của con người, làm dịu một sự âu lo nào đó của trí tuệ và tinh thần, và cung cấp một chân trời mới của đời sống, nhưng đôi khi cũng được miễn nghĩa vụ tìm kiếm sự thật trong sự viên mãn của nó, và thông báo cho lương tâm việc này. Như thế, đối thoại liên tôn giúp kích động con người, để con người có thể can đảm tiến đi trong việc tìm kiếm chân lý, và mở lòng ra cho các đòi hỏi ấy với sự cậy tin.



Hơn nữa, trong cuộc đối thoại liên tôn, hình thành một bối cảnh mà trong đó người ta có thể làm chứng đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Giáo Hội luôn lao vào sứ mạng mà chính Chúa Kitô đã ủy thác cho mình (Mc 16, 15-16), để rao truyền Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của thế giới. Vì vậy, đối với một Kitô hữu, sự tôn trọng tình cảm tôn giáo của người khác không có nghĩa là, và sẽ không thể có nghĩa là một sự từ bỏ đức tin của mình, căn tính và chân lý đã tiếp nhận, thông qua Hội Thánh, trong Mặc khải của Thiên Chúa. Sự tôn trọng và đối thoại như vậy không có nghĩa là "giải thể” kinh Tin kính của mình trong một tình cảm tôn giáo chung chung, dựa trên tiên thiên của sự không thể hiểu biết Chúa, cũng không là "giảm" bớt đức tin Kitô giáo cho một sự diễn tả chung chung, phổ biến cho mọi hình thức khác của tình cảm tôn giáo. Trái lại, Giáo Hội chỉ có thể đề nghị cuộc đối thoại thực sự khởi đi từ chân lý về chính mình. Che giấu đức tin chân thật và từ bỏ tính duy nhất của Mặc khải và Mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa, nhân danh một cuộc đối thoại đúng về chính trị, sẽ là sai lầm. Một cuộc đối thoại chỉ là hợp lý và chính xác, nếu nó được theo đuổi trong sự thật và trong tình yêu. Vì vậy, ở mọi cơ hội của đối thoại giữa các Kitô hữu và người ngoài Kitô giáo, đức tin của chúng ta, hướng về Chúa Kitô và chân lý về chính chúng ta, phải có một vị trí nổi bật.



Đức tin không phải là một lập trường ý thức hệ, vốn tìm cách áp đặt cho người khác bằng vũ lực. Đức tin đòi hỏi một thái độ cởi mở đối với người khác, tương tự như những gì người ta có với Thiên Chúa, bằng cách tin tưởng và yêu mến. Đức tin là một quà tặng của Thiên Chúa, nó đòi hỏi một sự dính bén tự do và cá nhân. Việc giáo huấn về tính cách cá nhân của đức tin, vốn hàm ý một sự chuẩn bị cá nhân và hợp tác, là một hằng số trong giáo huấn của Giáo Hội – từ Công đồng Trentô cho đến Công đồng Vatican II - và chính ở đó sự tự do tôn giáo tìm thấy nền tảng của nó. Vì lý do này, trong việc lưu truyền đức tin, trong việc truyền giáo và trong đối thoại liên tôn, Giáo Hội loại trừ mọi hình thức truyền đạo, vốn dựa vào sự lèo lái và nói dối, vì đó sẽ là thiếu tôn trọng người khác và cuộc hành trình cá nhân của mình. Ngoài ra, Giáo Hội cũng bác bỏ các lập trường của những người từ chối nơi Thiên Chúa quyền ban tặng đức tin theo lòng quảng đại hải hà của Chúa, và những ai từ chối mọi cuộc đối thoại và hợp tác với các thành viên của các tôn giáo khác ngoài Kitô giáo, cũng như lập trường của những ai – trái lại - rơi vào thuyết tương đối tôn giáo, làm lu mờ chân lý của Mặc khải Kitô giáo và vai trò duy nhất của Chúa Giêsu Kitô đối với các tôn giáo khác.



Việc đối thoại với các tín đồ của các tôn giáo ngoài Kitô giáo là một hình thức chứng tá đức tin, vốn luôn tôn trọng người khác, và luôn tôn trọng phẩm giá của lương tâm mình. Đó là một cuộc đối thoại được thực hành trong sự thật, vốn bao gồm và chấp nhận sứ vụ, được nhận từ Chúa Giêsu Kitô, để rao giảng Tin Mừng cho đến ngày tận thế và cho đến tận cùng trái đất. Trong cuộc đối thoại liên tôn, chiều kích truyền giáo của Giáo Hội không thể bị gián đoạn. Cũng như trong mỗi bài giảng, cuộc đối thoại đề cập đến hai yếu tố. Mỗi bài giảng, đối thoại và đàm thoại về đức tin, chỉ có thể sinh hoa trái nếu chúng dựa vào ân sủng của Chúa Thánh Thần. Ân sủng này, khi nó được nhận được từ một đức tin sống động, đi trước công việc của nhà giảng thuyết, nhà truyền giáo hay người đối thoại, và nó hành động cả nơi người nói và nơi người lắng nhe. Đức tin là một quà tặng của Thiên Chúa, cho phép sự tiếp xúc với Chúa. Như vậy, nó dẫn vào sự sống siêu nhiên và có thể "kích động" sự phong nhiêu của chính Thiên Chúa. Chính như thế mà cuộc đối thoại trở nên có hiệu quả. Từ đó cũng phát sinh sự việc – và đây là yếu tố thứ hai – rằng trong cuộc đối thoại, Kitô hữu được mời gọi để làm chứng cho Chúa Kitô, chứ không làm chứng cho mình. Mỗi Kitô hữu tham gia vào một cuộc trò chuyện liên quan đến đức tin, phải "ẩn nấp" một cách thiêng liêng sau Chúa Kitô, dựa vào ân sủng của Ngài, chứ không dựa vào bản thân mình: không cổ vũ minh, nhưng chỉ cổ vũ cho Chúa mà thôi.



Như thế, Kitô hữu là một chứng nhân, chứ không phải là một người nắm giữ chân lý. Như ĐTC đã nói mới đây: "Không ai có thể năm giữ chân lý. Chính chân lý sở hữu chúng ta, chân lý là điều gì đó rất sống động! Nó không thuộc về chúng ta, nhưng chúng ta bị thu giữ bởi nó. Chỉ khi chúng ta để cho nó hướng dẫn và linh hoạt chúng ta, chúng ta mới ở trong nó; và chỉ khi chúng ta ở với nó và trong nó, như khách hành hương chân lý, nó mới ở trong chúng ta và vì chúng ta”. Như vậy, Kitô hữu là một người hành hương, một người đi đường, đi trong chân lý, ý thức rằng chân lý là một quà tặng, mà trong đó Kitô hữu phải dấn sâu nhiều hơn nữa. Đây là một hành trình cá nhân, vốn diễn ra trong một cộng đồng cụ thể, nghĩa là trong bối cảnh rộng lớn hơn của Giáo Hội, được ban cho con người như "cột trụ và điểm tựa của chân lý" (1 Tm 3, 15).



8. Khi sống đức tin trong chân lý, Kitô hữu không được phép điều chỉnh nó, để làm cho lời phát biểu của mình dễ được chấp nhận hơn đối với nhưng người không tin, bằng cách thích ứng nó theo các tiêu chuẩn chủ quan. Điểm khởi đầu của một nền thần học chính xác Kitô giáo về các tôn giáo là việc Nhập Thể của Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm", "kai o logos sarx egeneto" (Ga 1, 14), tự hiến mình để cứu rỗi con người trong Mầu Nhiệm Vượt Qua. "Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác" (Ga 1, 16). Người đã cho chúng ta một "vương quốc mới của hòa bình". Thật vậy, mầu nhiệm Nhập Thể không phải là một ý tưởng, không phải là một phác thảo, không phải là một chủng loại, nhưng một biến cố duy nhất và cụ thể trong lịch sử (x. Dt 1, 1-2).



Nguyên tắc chú giải học, được cung cấp bởi chính Chúa Kitô cho hai môn đệ trên đường Emmaüs, qui về kế hoạch muôn thuở của Chúa Cha: "Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?" (Lc 24, 26). Chỉ chính khi người ta chấp nhận với đức tin mầu nhiệm Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại, mà mối quan hệ sống động với Chúa Kitô trở thành ánh sáng và cho phép giải thích tất cả mọi thứ. Sự khôn ngoan tối hậu là một quà tặng của Chúa Thánh Thần, và được ban cho người có lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô. Do đó, bất kỳ cuộc đối thoại nào, nhưng nhất là cuộc đối thoại liên tôn, không bao giờ che giấu nguyên tắc cơ bản này.



Cũng cần nhắc lại rằng nguyên tắc này là cơ sở cho các cuộc họp mặt tại Átxidi. Lời cầu nguyện của đại diện các tôn giáo khác nhau, vào năm 1986, không phải là một lời cầu nguyện "chung chung" – vốn sẽ là sự diễn tả của thuyết hòa đồng tôn giáo, - nhưng là một lời cầu nguyện phát ra cùng lúc. Nhân dịp này, ĐTC Gioan Phaolô II đã nói: "Chúng ta sẽ ... đi đến các địa điểm riêng biệt để cầu nguyện... Sau đó ... mỗi tôn giáo sẽ có khả năng dâng lời cầu nguyện riêng, lần lượt với nhau. Khi cầu nguyện riêng như vậy, chúng ta sẽ suy niệm trong thinh lặng trách nhiệm riêng của chúng ta, để hoạt động cho hòa bình".



9. Hòa bình là sự lành mà mọi người đều mến chuộng. Toàn thể nhân loại đều khát vọng hòa bình. Tuy nhiên, "hòa bình, khá mong manh, đòi hỏi sự chăm sóc liên tục và ráo riết". Hòa bình, như truyền thống đức tin của chúng ta dạy, là hoa trái của công lý, nhưng cũng là hoa trái của bác ái. Các cuộc đàm phán chính trị cho hòa bình, mặc dầu là cần thiết, chỉ có thể giải quyết một số vấn đề, khi thiết lập các hiệp định và công ước. Hòa bình thật sự, vốn vượt qua sự bất công, yêu chuộng sự thật và mở ra với tình đoàn kết phổ quát, là một món quà đến từ trời cao và đòi hỏi phải có một sự cởi mở với Thiên Chúa. Hòa bình được nuôi dưỡng bằng các mối quan hệ với Thiên Chúa hằng sống và hiện diện giữa chúng ta. Đối với Kitô hữu chúng ta, hòa bình "mang tên của Chúa Giêsu Kitô”, của một Thiên Chúa đã chết trên thập giá vì chúng ta. "Thập giá của Chúa Kitô đối với chúng ta một dấu hiệu của Thiên Chúa, vốn thay vì bạo lực, đặt ra sự việc đau khổ với người khác và yêu thương với người khác. Tên của nó là "Thiên Chúa nguồn yêu thương và hòa bình" (2 Cr 13, 11) ", - ĐTC Biển Đức XVI nhắc nhở chúng ta như thế tại Átxidi ngày 29-10-2011.



Trong viễn tượng này – mà ĐTC đã chuyển giao cho chúng ta - chúng ta tìm thấy điểm khởi đầu của mình, là sứ điệp vốn nằm ở trung tâm của chứng tá và đời sống của Thánh Phanxicô, Tiểu Tử Thanh Bần của thành phố Átxidi (Poverello Assisi): trong Thập Giá của Chúa Kitô, có nguồn gốc và việc thực hiện của hòa bình, một hòa bình đích thực. "Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian" (Ga 14, 27): đây là cách thức Chúa Giêsu dạy chúng ta đi về hòa bình đích thực, khi trao ban sự sống của Người cho chúng ta, với tình yêu mến. "Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta" (Ep 2, 14). Đi theo Người, chúng ta trở thành như là người kiến tạo hiệu quả của hòa bình và sự đoàn kết giữa loài người với nhau. Trong Chúa Giêsu Kitô, chịu đóng đinh và đã sống lại, có quà tặng đầy đủ của Chúa Thánh Thần, là Tinh thần hòa bình. Người ta có thể kín múc và muốn kín múc nơi Chúa Thánh Thần, đầy tràn cả đôi tay mình, khi người ta nghĩ về "Tinh thần Átxidi". Chính tinh thần này của Chúa mời gọi chúng ta nhìn với niềm tin cậy Thập Giá của Chúa Kitô, bởi vì nơi đó có chứng tá và chú giải học hùng hồn nhất của hòa bình.



[1] ĐTC Biển Đức XVI, Diễn văn ở Átxidi, Nhà thờ Đức Mẹ các Thiên thần, ngày 27-10-2011, xem Thư dịp kỷ niệm 20 năm ngày Gặp gỡ Liên tôn Cầu nguyện cho Hòa bình, 2-9-2006.

[2] Công Đồng Vatican I, Hiến chế Dei Filius, 2; DH 3004.

[3] ĐTC Gioan Phaolô II, "Người kiến tạo hòa bình trong suy nghĩ và hành động, với tinh thần và tâm hồn hướng về sự hiệp nhất của toàn gia đình nhân loại", Átxidi, 27-10-1986, số 2: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, IX, 2 (1986), trang 1266. Xem diễn từ với Giáo triều Rôma chúc mừng lễ Giáng sinh, ngày 22-12-1986.

[4] Như trên, số 4, trang 1267.

[5] Xem G. L. Müller, “«Les bases épistémologiques d’une théologie des religions », Unicité et universalité de Jésus Christ, nxb. M. Serretti, San Paolo, Cinisello Balsamo 2001, trang 35-64. 

[6] Xem thánh Tôma Aquinas, Summa Theologiae, IIa-IIae, q. 81, a. 5.

[7] Xem thánh Tôma Aquinas, Summa Theologiae, IIa-IIae, q. 4, a. 1: «Fides est habitus mentis, qua inchoatur vita aeterna in nobis, faciens intellectum assentire non apparentibus».

[8] Xem Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên ngôn Dominus Iesus sur l’unicité et l’universalité salvifique de Jésus Christ et de l’Église, số 7.

[9] Công đồng Vatican II, Tuyên ngôn Nostra aetate, số 2; xem ĐTC Biển Đức XVI, Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Verbum Domini về Lời Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, số 117; Diễn văn cho cuộc Gặp gỡ với các tổ chức vì đối thoại liên tôn, Jérusalem, 11-5-2009.

[10] ĐTC Gioan Phaolô II, Thông điệp Fides et ratio, số 56.



Nguyễn Trọng Đa dịch
VietCatholic

0 nhận xét:

Đăng nhận xét