Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

RFI: Ông Nguyễn Tấn Dũng tự « đánh roi vào mình »

Ông Nguyễn Tấn Dũng (trái) Trương Tấn Sang tại Đại Hội XI
Reuters



LTCGVN (06.11.2012)
Báo chí Pháp hôm nay, 05/11/2012 lẽ dĩ nhiên đã quan tâm đến hai sự kiện nổi bật là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày mai và Đại hội đảng cộng sản Trung Quốc vào Thứ năm. Thời sự Pháp cũng được chú ý với bản phúc trình về sức cạnh tranh của Pháp, mà hai tờ Les Echos và Le Figaro cùng chạy hầu như một tựa : « Bản báo cáo dồn Tổng thống Hollande vào chân tường ». Thế nhưng Le Monde cũng không quên Việt Nam, với bài phân tích lời công khai thú nhận sai lầm gần đây của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trên phụ trang Điạ lý & Chiến lược, Bruno Philip, thông tín viên của Le Monde tại Đông Nam Á - trong hàng tựa « Au Vietnam, M. Dung s’autoflagelle / Tại Việt Nam, ông Dũng tự đánh roi vào mình » - đã dùng một hình tượng tôn giáo để nói về sự kiện thủ tướng Việt Nam, trong buổi khai mạc khóa họp thường niên của Quốc hội, ngày 22/10, đã công khai tự phê bình, điều ít thấy.
Nguyên nhân là vì kết quả hoạt động kinh tế tồi tệ và cách quản lý không mấy tốt các tập đoàn nhà nước, và nhiều vụ tai tiếng, mà vụ gần đây nhất dính đến một trong những người đồng minh của ông.
Bài báo nhắc lại lời ông Dũng công nhận tình hình kinh tế vĩ mô không tốt, lạm phát còn có thể tăng lên, nợ xấu (các ngân hàng) chồng chất và chấp nhận trách nhiệm chính trị của ông, chấp nhận các sai lầm của ông trước kết quả này. Thủ tướng Dũng còn cảnh báo là tăng trưởng Việt Nam sẽ chỉ khoảng 5,2% trong năm nay, mức thấp nhất từ năm 1999 đến nay.
Tác giả bài báo nhận thấy ông Nguyễn Tấn Dũng là thủ tướng Việt Nam có uy lực nhất từ trước đến nay, nhưng ông cũng phải dè chừng các đối thủ trong Đảng và các nhân vật trong hệ thống lãnh đạo tối cao, vẫn ẩn mình, rình rập, chờ đợi bước sai lầm của người rất bị ghen tỵ. Bài báo cho biết là các nhân vật trong đảng cho là chưa bao giờ một thủ tướng bị công khai chỉ trích dữ dội như thế.
Le Monde nhắc lại là sau khi Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương vào giữa tháng 10 bế mạc, ông Nguyễn Tấn Dung vẫn giữ được chiếc ghế của mình, bất chấp sự chống đối của chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng. Hai người này - vốn muốn làm ông Nguyễn Tấn Dũng suy yếu đi - đã không lay chuyển được ông Dũng.
Tuy nhiên Thủ tướng Việt Nam đã bị chỉ trích vì kết quả điều hành kém cỏi. Theo bài báo, đó là cách để dẹp yên những lời chỉ trích chính quyền và Đảng, được lưu truyền trên mạng.
Tác giả bài báo nhắc lại 3 sự kiện tác hại đến thủ tướng Việt Nam, từ vụ tập đoàn Vinashin, mà việc điều hành kém cỏi làm Nhà nước Việt Nam mất tương đương với 3 tỷ euro. Ông Dũng, theo bài báo từng chủ trương dựa vào các tập đoàn lớn nhà nước để kéo kinh tế đi lên, đã ở tuyến đầu hứng chịu vụ tai tiếng. Vụ thứ hai là việc cho Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên và vụ thứ 3 là vụ Nguyễn Đức Kiên, vụ này đã thêm củi thêm lửa cho những đối thủ của ông Dũng.
Thông tín viên của Le Monde nhìn thấy là trong bối cảnh trên, ông Dũng không còn sự chọn lựa nào khác là phải tự kiểm điểm để cứu lấy điều then chốt : chiếc ghế và quyền lực của ông.
Theo Bruno Philipp, nơi thủ tướng Việt Nam, có hai mặt. Trước hết, ông là một nhân vật có vẻ hiện đại, mở cửa ra bên ngoài, nhưng một mặt khác, ông lại là người chủ trương cứng rắn đối các nhà ly khai, những bloger hay phê phán, mà nhiều người đã phải chiụ án tù. Theo bài báo thì ông Dũng phải trấn an cánh thủ cựu.
Bruno Philip kết luận : Chưa một thủ tướng nào của Việt Nam ghi đậm dấu ấn cá nhân của mình trong công việc mình làm như ông Dũng, ông vẫn là một người có tài thuyết phục nhân tâm. Nhưng ưu điểm này, theo bài báo, có thể tác hại ngược lại đến ông.
Trung Quốc : Bước tiểu nhảy vọt
Libération hôm nay đã đặc biệt chú ý đến Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc Thứ năm tới đây, với một tựa hóm hỉnh ở trang nhất « Trung Quốc, bước tiểu nhảy vọt ». Không chỉ dùng trang nhất để nêu bật hồ sơ Trung Quốc, với một bức ảnh có những lá cờ búa liềm vàng trên nền đỏ chiếm 4 phần năm trang báo, Libération đã dành trọn 5 trang báo để phân tích những khía cạnh khác nhau của chế độ Trung Quốc vào lúc chuẩn bị thay đổi lãnh đao.
Trong bài phân tích với tựa đề rất tượng hình « Trung Quốc thay đầu nhưng không thay mặt », Philippe Grangereau, thông tín viên của Libération tại Bắc Kinh nói thẳng là nhân Đại hội lần thứ 18 mở ra vào thứ Năm sắp tới, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ chỉ định người kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào. Thế nhưng, đường lối chính trị của nước nay sẽ hầu như không thay đổi.
Theo ghi nhận của Libération, có hai yếu tố nổi bật nhân đại hội này của đảng Cộng sản Trung Quốc : các đại biểu sẽ thông qua giàn ủy viên mới trong Bộ Chính trị. Đây là lần dầu tiên từ 10 năm nay mà cơ chế lãnh đạo tối cao này tại Trung Quốc thay đối nhân sự. Mặt khác, ông Tập Cận Bình trên nguyên tắc sẽ được cử lên thay đương kim lãnh đạo Hồ Cẩm Đào làm Tổng bí thư Đảng.
Có điều, theo Philippe Grangereau, các bước thay đổi quan trọng này lại diễn ra một cách hoàn toàn kín mít, chẳng khác gì cuộc họp bầu Đức Giáo Hoàng của các Hồng Y trong nhà nguyện Sixtine.
Về nhân vật số một sắp tới đây tại Trung Quốc là Tập Cận Bình, nhật báo Pháp không ngần ngại xem sự dăng quang của nhân vật này là sự trở lại của một "kẻ thù của nhân dân". Philippe Grangereau giải thích rằng Tập Cận Bình là con của một lãnh đạo từng là chiến hữu của Mao Trạch Đông thời kỳ trước năm 1949. Thế nhưng đến năm 1969, Mao đã trở giáo, và tống giam người bạn đồng hành của mình.
Thế là Tập Cận Bình, lúc đó mới 16 tuổi, đã phải trải qua một con dướng gian nan khổ ải, phải cật lực đấu tranh để gia nhập đảng Cộng Sản, để rời được ngôi làng nơi ông bị lưu đầy…
Ngoài Tập Cận Bình, Libération còn chú ý đến một số gương mặt khác, như Thủ tướng mãn nhiệm Ôn Gia Bảo. Theo tờ báo, đây là một nhân vật có lời lẽ cách tân và luôn phô trương hình ảnh của một người bình dị, nhưng lại được cho là đã tích lũy hơn hai tỷ euro tài sản theo nhật báo Mỹ New York Times.
Một nhân vật khác cũng sẽ về hưu nhân đại hội này là ông Chu Vĩnh Khang, chịu trách nhiệm guồng máy an ninh và tư pháp. Theo Liberation, ông Khang bị đánh giá là có quá nhiều thế lực, do đó, người thay thế ông rất có thể là sẽ không có chân trong ban thường vụ Bộ Chính tri.
Về một nhân vật đang lên, Libération chú ý đến ông Vương Kỳ Sơn, một trong những ứng viên vào Thường vụ bộ Chính trị. Từng là chủ tịch thành phố Bắc Kinh, ông Sơn là phó thủ tướng đặc trách Kinh tế và Tài chánh. Ông đã được tờ báo Time đưa vào danh sách 100 người có thế lực nhất thế giới.
Le Monde cũng chú ý đến Đại hội đảng ở Trung Quốc nhưng quan tâm đến quân đội. Trong hàng tựa, tờ báo khẳng định là : Bộ tham mưu Trung Quốc sẽ thay đổi gương mặt. Theo Le Monde thì 7 trên 12 thành viên Quân Ủy Trung ương sẽ nhường chỗ lại cho thế hệ mới.
Nhưng điều mà tờ báo chờ đợi xem là rốt cuộc ông Hồ Cẩm Đào có ở lại chiếc ghế chủ tịch Quân ủy Trung ương hay không.
Hoa Kỳ : Hồi hộp chờ kết quả bầu tổng thống
Như nói trên sự kiện khác mà báo Pháp dành nhiều trang, là cuộc bầu cử tổng thống ngày mai ở Hoa Kỳ. Các báo so sánh chủ trương và phân tích cuộc vận động của hai ứng viên. Điều mà báo Pháp ghi nhận trước tiên đã được tóm lược trên một dòng tựa của Le Figaro ở trang nhất : « Sự hồi hợp vẫn nguyên vẹn »
Đến ngày chót trước khi cuộc bỏ phiếu chính thức mở màn, hai ứng viên Barack Obama và Mitt Romney vẫn sát nút với nhau. Nhận định chung của báo, như hai tờ La Croix và L’Humanité, mỗi báo một vẻ, là : « Kinh tế : Yếu tố then chốt phân định thắng bại ».
L’Humanité nói đến ‘một cuộc bỏ phiếu trong bão tố kinh tế’. Tờ báo gắn bão Sandy với thất nghiệp ở Mỹ, đánh giá là thất nghiệp còn chắc chắn hơn Sandy là sẽ gây ảnh hưởng nặng nơi phòng phiếu. La Croix, nói ngắn gọn : Kinh tế : Trọng tài trong cuộc bầu cử Mỹ.
Trong hàng tựa lớn trang trong, La Croix khẳng định là người Mỹ sẽ bỏ phiếu cho một nền kinh tế tốt hơn, vì như tờ Les Echos chạy tựa ở trang trong : Thất nghiệp vẫn còn cao hơn lúc đầu nhiệm kỳ của ông Obama.
Pháp ủng hộ Obama
Trong khi chờ đợi quyết định tối hậu của cử tri Mỹ, La Croix nhìn thấy là những nơi khác trên thế giới, như Paris đã chọn ông Obama. Tờ báo lấy làm ngạc nhiên về việc thành viên chính phủ Pháp đã chọn thẳng thừng ứng viên Obama. Trả lời đài France Inter, Thủ tướng Pháp Ayrault đã tuyên bố là nếu ông là cử tri Mỹ thì ông sẽ bầu cho Obama. Ngoại trưởng Pháp không lên tiếng, nhưng bộ trưởng đặc tránh Châu Âu, Bernard Cazeneuve, trả lời đài truyền hình LCP, cho là đối với riêng ông thì ông rất mong muốn Obama tái đắc cử.
Theo La Croix, việc nêu quan điểm như trên khá bất thường, hiếm khi mà Paris biểu lộ lập trường một cách rõ ràng như thế trước cuộc bầu cử tổng thống của một quốc gia đồng minh phương Tây.
Riêng tổng thống Pháp theo La Croix, thì ngay từ đầu đã đánh cuộc trên thắng lợi của ông Obama, và đã cố gắng không gây sức ép trên ông Obama trên nhiều hồ sơ : Afghanistan, NATO, lá chăn chống tên lửa, Iran, Syria, Mali. Trả lời báo chí, ông Holllande cho biết là ở cương vị một tổng thống Pháp, thuộc Đảng Xã hội, ông không muốn gây phiền hà cho một ứng cử viên Mỹ khi ủng hộ người đó.
Riêng dân chúng Pháp, theo một cuộc thăm dò dư luận quốc tế từ tháng 7 đến tháng 9/2012, có đến 72% người được hỏi chọn ứng viên Obam, chỉ 2% chọn Mitt Romney.
Nhưng không phải chỉ có Pháp, nhiều nước trên thế giới cũng ủng hộ Obama cho dù họ cũng đôi khi bị thất vọng. Tại Anh Quốc và Đức người chọn Obama, thấp hơn ở Pháp, nhưng cũng đến hơn 63%. Riêng phần ông Mitt Romney, điểm cao nhất mà ông đạt được là ở Kenya, quê quán ông Obama ? Tại đấy, ông Romney được 18% người ủng hộ, kế đến là tại Ba Lan với 16%, và tại Pakistan, 14%.
Le Monde cũng dành tựa trang nhất cho bầu cử Mỹ, nhưng quan tâm đến chính sách đối ngoại của ông Mitt Romey với dòng tựa : « Thế giới theo cái nhìn của Mitt Romey ». Ở trang trong, tờ báo nêu câu hỏi chạy trên hai trang báo : Chính sách ngoại giao của Mỹ như thế nào trong trường hợp Mitt Romney được bầu ?
Le Monde trả lời ngay bên dưới : Sẽ có thái độ nghi kỵ đối với Liên Hiệp Quốc, gây sức ép mạnh hơn lên Nga và Trung Quốc. Trong cuộc vận động, ứng viên đảng Cộng hoà cho thấy đường hướng đối ngoại : Hỗ trợ Israel mạnh mẽ hơn, tiếp tục hỗ trợ Pakistan nhưng chừng mực, tránh làm phật lòng Nhật Bản và Ấn Độ, nhưng cứng rắn với Trung Quốc, còn Nga thì chỉ giữ quan hệ tối thiểu mà thôi. Châu Phi kể như bị quên đi, Châu Mỹ La tinh thì mập mờ.
Riêng đối với Trung Quốc, Le Monde nhìn thấy là có lẽ Bắc Kinh với Mitt Romney có thể hy vọng là Hoa Kỳ sẽ ít có hơn những hành động cụ thể tấn công vào kinh tế Trung Quốc.

Mai Vân (RFI)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét