Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Giáo Hội Công Giáo và Nhân Quyền (Kỳ 1)

LTCGVN (08.11.2012)


KÍNH TẶNG ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC GIUSE NGÔ QUANG KIỆT, LINH MỤC NGUYỄN VĂN LÝ, LUẬT SƯ LÊ THỊ CÔNG NHÂN VÀ GIÁO HỘI VIỆT NAM CÙNG NHỮNG ANH CHỊ EM TRANH ĐẤU CHO NHÂN QUYỀN 

I. VÀO BÀI
   
    Những biến động và biến cố đau thương xảy ra trên Quê Hương Việt Nam chúng ta trong những năm tháng vừa qua của Giáo Hội Việt Nam, làm chúng ta bàng hoàng, xót xa, rồi hằng quan tâm và hiệp thông với Giáo Hội và Đất Nước. Đó là những chuyện xảy ra từ Tòa Khâm Sứ, Giáo Xứ Thái Hà, Tam Tòa, Loan Lý và Đồng Chiêm : máu mục tử của các Linh Mục và giáo dân đã đổ ra để tranh đấu cho công lý và công bình. Nhưng đúng hơn nhìn với nhãn quan pháp lý xã hội cùng một cái nhìn đạo đức luân lý của thời đại  nay, thì đây chính là sự tranh đấu Nhân Quyền. Có nghĩa đòi hỏi chế độ bạo ngược Hà Nội phải tôn trọng và thực thi các quyền tự do tôn giáo, quyền tư hữu, quyền sở hữu đất đai của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, của địa phận Hà Nội, Huế, Vinh vv.. Bởi những quyền này là quyền căn bản, tất yếu của con người, đã được thiên  hạ trong thế giới văn minh này công nhận. Trong đó có cả Hà Nội cũng công nhận và trang trọng đặt bút ký vào các văn kiện của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền này. TrongTuyên Ngôn Nhân Quyền đó, Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ đã đóng góp một vai trò rất quan trọng : như bênh vực, hổ trợ và đòi hỏi các quyền sống cho nhân loại qua các Thông Điệp và Tuyên Ngôn của nhiêu triều đại Giáo Hoàng  mà chúng tôi cố gắng tham khảo, nghiên cứu, để viết nên bài « Giáo Hội Công Giáo Và Nhân Quyến » hầu cống hiến cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam kính yêu. Một cách thành kính cống hiến cho các Đấng Mục Tử chăn dắt đàn chiên mà Chúa Trời ký thác, và Giáo Hội Mẹ tín cẩn giao trọng trách cho các ngài chăm sóc và bảo vệ con chiên mình.


II. TƯ TƯỞNG NHÂN QUYỀN
     
    Qủa thực sự xuất hiện sinh động cùng sự phát triển các Nhân Quyền đã được phổ biến khắp Năm Châu, qua đó chúng ta thấy đánh dấu một giai đoạn lịch sử cho những tư tưởng và những thể chế chính trị xây dựng nên văn minh tình người cho xã hội nhân loại. Nhờ qua những biến cố của tiến trình lịch sử này, mà những nhà đạo đức, luân lý, chính trị và văn hóa đã cùng nhau tranh đấu không mệt mỏi, không ngừng nghỉ, hầu bênh vực cho các Nhân Quyền này được hiện hữu trong lòng xã hội chúng ta sống. Để từ đó người ta có thể nhận ra Nhân Quyền như một khúc quanh của hướng đi lịch sử nhân loại, điển hình là ở các Nước Tây Phương, sự phát sinh các quyền luật và quyền lợi cùng các quyền tự do của con người ở vào thế kỷ XIII, nhất là tại Âu Châu và Mỹ Châu đã làm rộ nở cho các thể chế chính trị càng ngày càng nhân bản hơn. Cho dù các Hiền Chương tuyên bố về các sự tự do, quyền lợi và Nhân Quyền cho người dân, thế nhưng qua xã hội và thể chế chính trị vào thời đó, thì Nhân Quyền chưa được hoàn hảo như ý. Vì sự căn bản được xây dựng trên lý thuyết, song khi áp dụng vào đời sống xã hội thì vẫn còn những khó khăn làm cản trở cho bước tiến thực thi hoá Nhân Quyền vào xã hội thời ấy.
   Tuy không phải là sự tuyệt đối, nhưng cũng từ đó Nhân Quyền dần dần đánh động vào tâm hồn các người tri thức nhân bản, hầu họ ý thức hơn về luân lý, công lý, luật lý và chính trị cùng sự công bình và công chính, giúp họ đứng dậy hành động… Nhờ vậy thế giới mới có những Hiến Chương Nhân Quyền, Hiến Chương Hòa Bình hay Tự Do vv.. Cũng qua họ mà có các cuộc cách mạng, các con đường mới, qua đó con người có được sự mở rộng về các quyền luật, về các cơ cấu của xã hội, về các thể chế chính trị, được xem là sự nẩy nở của một ngày trọng đại cho lịch sử  thế giới, do các tư tưởng tự do và sự công chính cùng công bình xã hội đem lại cho nhân loại bộ mặt mới nhân bản hơn. Đẹp thay, đây là con đường dài mà nhân loại bước đi cùng hợp tác với sự tranh đấu chung của các nhà tri thức nhân bản, mang nặng tình người được kể từ thời kỳ của những nền văn minh thời cổ cho đến hiện nay.
     Do giòng lịch sử đó, mới sinh ra Bản Hiến Chương Quốc Tế Nhân Quyền thời danh, đã được Toàn Thể Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc và công bố một cách trọng thể vào năm 1948, được xem như một lý tưởng phổ quát, qua đó mọi dân tộc và mọi quốc gia phải đạt đến mục đích Nhân Quyền hoá này. Từ lúc Bản Hiến Chương Nhân Quyền được  nhiều quốc gia công khai thừa nhận, thì  Nhân Quyền đã diễn tiến như một bước nhảy vọt của nhân loại. Bản Hiến Chương Nhân Quyền ví  thể là một thông điệp hy vọng, phát xuất từ « sự khởi nghĩa luơng tâm » của nhân loại đối mặt với  những hành vi tàn ác, man rợ (actes de barbarie), với những tên tội phạm diệt chủng, chống lại nhân loại cùng đại gian ác như Lénine, Hitler, Mussolini, Lénin, Mao Trạch Đông, Staline, Hồ Chí Minh, Polpot, Kim Nhật Thành, Sadam Hussen vv., cùng với một chủ thuyết cộng sản hoàn toàn chuyên chế và toàn trị, cai trị một cách độc đoán, tàn ác và tước bỏ tất cả những quyền căn bản của con người. Để rồi từ đó dựa theo bản Hiến Chương Nhân Quyền Phổ Quyát này, người ta chiếu theo các cấu trúc và hình thức cùng ngôn thức của bản Hiến Chương, hầu thiết lập các quyền luật và quyền lợi của con người và người dân, để từ đó mang ra thực thi cho cộng đồng chính trị và xã hội loài người.
     Do vậy, Hiến Chương Nhân Quyền thì hướng về tương lai như sự hứa hẹn và hy vọng cho những ngươi dân bị trị dưới một thể chế phi nhân, có thể thoát được « xiềng xích và gông cùm » của những Nhà   cầm quyền độc tài, bạo chúa. Vì Bản Hiến Chương đề cập nhiều đến giá trị nhân phẩm cho hết mọi thành phần gia đình của nhân loại, cũng như sự bình đẳng các quyền luật và quyền lợi của họ hay sự bất di nhượng, nó được thiết tạo trên nền tảng của sự tự do, của công bình và của hòa bình trong thế giới. Qua Các Hiệp Định và Hiệp Uớc Hòa Bình , rồi Những Khế Uớc Quốc Tế hay Từng Vùng vv., thì người ta đồng lòng chấp thuận và thừa nhận Những Luật Nhân Quyền hoặc Luật Căn Bản, được xem là nền tảng của Hiến Pháp và Luập Pháp, để tổ chức đời sống Quốc Gia và xã hội. Thế đó, vài dấu chỉ chỉ hướng cho một lý tưởng chung được trải rộng trên con đường của ý thức, của lương tâm, của phong tục và trong các thể chế chính trị.
     Chúng ta biết nhân loại rất sâu sắc, rất nhạy cảm và xác tín các động ứng của xã hội và của mình. Nhất là các tôn giáo, cụ thể là Kitô giáo hằng lưu ý đến những phòng trào tư tưởng lớn này. Nhất là Giáo Hội Công Giáo bị thu hút vào Nhân Quyền, để rồi dấn thân hầu cứu vãn nền văn minh và tính nhân đạo của con người. Do thế, lịch sử Nhân Quyền đã khởi đầu trong các tôn giáo, mà cụ thể là Kitô Giáo đã loan truyền những Luật Nhân Quyền một cách rộng rãi. Có một vài khuôn mặt khai phá, mở đường cho Luật Nhân Quyền đã gắn chặt vào những truyền thống tôn giáo này, và qua đó có những tài liệu, thông điệp mà họ đưa ra hầu soạn thảo, tinh lọc lại luật pháp và chính trị cùng kinh tế. Như chúng ta thấy trong thế giới, cụ thể là Âu Châu, những tương quan của các phong trào cách mạng và tự do với Giáo Hội Công Giáo, được nhận ra như sự hiệp lực tranh đấu cho một tiến trình lâu dài vế Nhân Quyền nhân loại. Ngày hôm nay cũng thế, bên cạnh các tôn giáo lớn, người kitô hữu và Giáo Hội Công Giáo càng ngày càng dần thân trong sự tán thành và phát động về Nhân Quyền hơn trong lòng thế giới.
   Cụ thể hơn cả, người chiến sĩ anh hùng và can truờng luôn dấn thân và bênh vực cho Nhân Quyền, đó là Đức Cố Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô Đệ Nhị. Nhờ Ngài mà cả một thành trì cộng sãn kiên cố của Liên Bang Sô Viết và Khối Cộng sãn Đông Âu đã sụp đổ. Không những chỉ triều đại Giáo Hoàng của Ngài, mà còn các vị tiền nhiệm của Ngài trước đây nữa. Khi đòi hỏi Nhân Quyền cho con người, thì Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lô Đệ Nhị dựa trên căn bản là nhân phẩm của con người, các sự tự do và những quyền căn bản của họ mà tranh đấu giúp nhân loại thoát khỏi khồ nạn. Chúng ta thấy rằng tất cả những Thông Điệp của Ngài gửi cho các vị Quốc Trưởng, các Nhà Cầm Quyền, và cho cả các Giám Mục trên thế giới, nhất là các Quốc Gia đang sống dưới chế độ cộng sản, quân phiệt, độc tài, và cho cả nhân loại, đều đem lại một nguồn hy vọng lớn lao cho con người, và mang đến những sự thay đổi cho bộ mặt thế giới hôm qua và ngày nay mà ai ai cũng thấy rõ và tường tận.

III. NHÂN QUYỀN TRONG HỌC THUYẾT XÃ HỘI VÀ CHÍNH TRỊ CỦA CÔNG GIÁO

   Người ta có thể quan sát trong toàn thế giới hôm nay với  bao chủ nghĩa thay đổi, bao biến động của thời cưộc làm đảo điên lòng người, đã làm cho nhân loại đau khổ không ít - Để từ đó có nhiều câu hỏi   mới cho vấn đế đạo đức và triết lý quy phạm của Luật căn bản và của của xã hội được đặt ra. Giữa những  câu hỏi mới này, thì người ta cũng nghĩ đến biết bao vấn đề về kinh tế và xã hội, đơn cử những câu hỏi về luật, đến các quyền sở hữu tư nhân và các bổn phận xã hội của con người, đến những vấn đề môi sinh và bảo vệ sự sống, cũng như những chứng cớ hiện thực về sự tra tấn, ngược đãi tù nhân, sự đàn áp tàn bạo người đối lập và dân chúng của các Nhà Nước độc tài, rồi sự nghèo khổ, đói khát cơm nước của nhân loại chiếm một phần lớn của thế giới.
   Qua những lý do khủng hỏang, khó khăn của kinh tế-xã hội và chính trị-văn hóa (économico-social et politico-culturel) đã tạo nên sự tăng trưởng của nhiều dân tộc khác nhau, tạo nên nhiều Nhà Nước và Liên Hiệp Quốc Gia : như Liên Hiệp Âu Châu, Liên Hiệp Bắc Mỹ, Liên Hiệp Đông Nam Á vv.. Bởi thế nhân loại cần phải có những nguyên tắc luân lý trải rộng cho đời sống của họ, hầu có được một giá trị phồ quát hữu hiệu để áp dụng vào đời sống an sinh xã hội của loài người. Vì vậy người ta đi tìm tòi những vần đề mới cho nhân loại, hầu giải quyết cho con người có được sự hữu hiệu này. Sự hữu hiệu đó qủa không giới hạn cho một vài hoàn cảnh hay vài quốc gia nào, song là chúng thể cho nhân loại trần gian chúng ta.
    Trong hoàn cảnh này, thì những truyền thống  và những xác tín đặc thù của các Giáo Hội Kitô anh em cũng được mời gọi đóng góp và hợp tác chung thể. Có nghĩa mọi kitô hữu và những quốc gia này mang chung một học thuyết Kitô giáo, tất cần đến sự dấn thân tìm những ích lợi chung cho tha nhân. Ngay từ buổi đầu của các triều đại Giáo Hoàng, chẳng hạn như Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII, thì Ngài đã hướng về mọi Kitô hữu và những người thiện chí nỗ lực đóng góp chung cho sự thăng hóa của xã hội và nhân loại này.
     Để từ đó, một phần phương thức của các bổn phận luân lý mang tính cách phổ quát đã được luật Nhân Quyền thiết tạo. Bởi những giá trị Nhân Quyền này chung cho tất cả hữu thể nhân loại : chẳng hạn không kể họ là phái tính nào, màu da hay sắc tộc, ngôn ngữ tuổi tác, tôn giáo hay chính trị, tình trạng kinh tế hay văn hóa ra sao, đều được kính trọng như nhau. Chúng ta thấy một bằng chứng cụ thể về sự nhận thức đạo đức và ý nghĩa luân lý được nâng cao trong ý nghĩa Nhân Quyền. Nhân Quyền đó được xây dựng do chính Đức Thánh Cha Gio-An Phao-Lô Đệ Nhị. Vì xuyên qua trong các lời nói và hành động  cụ thể của Ngài,  thiên hạ thấy được các việc làm vị người của Ngài. Nhất là kể từ buổi đầu triều đại Giáo Hoàng của mình : thì trong tất cả các diễn văn, các thông điệp công bố, Ngài thường nói một cách minh bạch với một giọng nói qủa quyết và khẩn khoản tha thiết về Nhân Quyền (Les Droits De L’Hommes, Human Rights) .Cũng như Đức Thánh Cha hằng đòi hỏi sự thực thi hóa cho con người trong thế giới các quyền tự do, quyền chính trị, quyền xã hội và văn hóa của người dân. Qủa thật chúng ta thấy  vấn đề Nhân Quyền, được Ngài tỏ lộ lòng mình  một cách dứt khoát cùng rõ ràng như một chủ ý chính đáng. Do vậy, chúng ta thấy rõ  Nhân Quyền hằng được nhắc nhở cho việc dấn thân và cam kết   của Đức Gioan Phao lô Đệ Nhị đối với xã hội con người cùng thế giới hoàn vũ (1).
    Sự cam kết và dấn thân này của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, quả được đánh dấu và lưu ý đến trong học thuyết xã hội và chính trị công giáo (la doctrine sociale et polotique catholique). Qua học thuyết  xã hội và chính trị công giáo đó, thì Nhân Quyền cùng những ý niệm Nhân Quyền được thường xuyên nhắc đến như trọng điểm các bài diễn văn và thông điệp của Ngài gửi cho các Quốc Trưởng thế giới. Mỗi một chuyến xuất hành viếng thăm mục vụ và rao giảng Tin Mừng của Ngài cho nhân loại đây đó trên trái đất, đều mang đến cho xứ sở nơi Ngài đến viềng thăm một làn khí hy vọng, có khi là một sự thay đổi tình trạng chính trị và xã hội sống của Quốc gia ấy. Điển hinh như Ba Lan và Khối Cộng Sãn Đông Âu trước đây cũng ở các Nước Nam Mỹ La Tinh.                                  
    Chúng ta nhìn lại công thức và bản thảo viết về Nhân Quyền qua « Hến Chuơng Virginian Bill of Rights » 1776, thì Tuyên Ngôn này cũng mang nhiều gốc rễ trong các giáo lý của Kitô giáo. Còn những bản Hiến Chương Nhân Quyền tiên khởi của Âu Châu, chẳng hạn như Cách Mạng của người Pháp và Bản Hiến Pháp Cách Mạng của họ cũng như bản Tuyên Ngôn của Nguời Pháp vào năm 1793, có những khuynh hướng chống Giáo Hội rõ rệt. Tuy thế, tại Âu Châu, tinh thần tông đồ và bác ái của người Kitô hữu được thấm nhuần qua trong những bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của người Mỹ. Mặc dầu những yếu tố chống lại Giáo Hội Công Giáo của Bản Tuyên Ngôn Người Pháp , đuợc tập trung về những lãnh vực xã hội, và yếu tố tạo nên sự cốt yếu đó, vẫn có đôi tư tưởng của Nhân Quyền  tương hợp với sự tin tưởng nồng cốt của kitô hữu. Qua những sự kiện đó, thì những Giáo Hội Kitô quyết định loại bỏ những yếu tố chống Giáo Hội của Những Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Người Pháp. Các Giáo Hội Kitô thời đó mang nặng một tính cách bảo thủ nên hơi vội vàng có những lời chỉ trích có tính cách lên án cuộc Cách Mạng Pháp, (2) và những khuynh hướng xấu do tương quan khai triển của các ý niệm tự do của thời đại, có tính  cách cá biệt hơn là chung thể - Tuy nhiên, theo Giáo Hội Công Giáo sau thời Đệ Nhị Thế Chiến, thì đươc biến cải và công hiệu hơn với triều đại Giáo Hoàng Gio-an XXIII  và Công Đồng Chung  Vatican Đệ Nhị (Le II Concile du Vatican) cho vần đề Nhân Quyền.
    Phần Tin Lành Giáo, họ cũng không tránh khỏi được gì hơn của những « tâm thức thời đại » này. Mặc dù tiếp nhận trước hết sự phong phú của cuộc Cách Mạng Pháp, được xem là một chiến thắng lớn của sự tư do bởi Fichte, Schelling, Holderlin và Hegel. Thế nhưng Giáo Hội Tin Lành Đức cố giữ khoảng cách truyền thống với Nhân Quyền (3). Cuộc Cách Mạng Pháp với những tư tưởng « tự do, bình đẳng và huynh đệ, liberté, égalité et fraternité ». Nhưng lại là cuôc cách mạng đổ máu nhiếu người khi họ thiết lập nên thể chế cộng hòa. Thật một cách không xứng qua những lời tuyên bố về tự do, bình đẳng và huynh đệ mà lại làm một hành động dã man đổ máu nhiều người. Khi người ta nhìn lại bản Tuyên Ngôn Nhân Quyên Mỹ, thì có tính cách nhân bản và dân chủ hơn nhờ những sự tương quan với những lý do đóng góp của các kitô hữu Mỹ. Thật thế một phần lớn những người tạo dựng Hiệp Chủng Quốc Mỹ, là những người kitô hữu thiểu số đến từ các Nước Ái Nhĩ Lan, họ chạy trốn Nước Anh và châu lục cũ để tránh một sự cố chấp của tôn giáo và sự bày tỏ của quyền lực. Cũng thế, do ý kiến đối kháng của triết gia Emmnuel Kant, được gọi là « triết gia của người Tin Lành Đức » (4). Tin Lành Đức này không lưu lại giáo lý công giáo và tránh đi sự tiến hoá đột ngột tại trung tâm Âu Châu này.
    Trong sự từ chối Nhân Quyền của họ, thì các Giáo Hội Kitô bị những lời mỉa mai chua chát công kích dèm pha, đuợc bắt thấy ở Karl Marx. Ông là người ngoan cố, bướng bỉnh chống lại một vài hình thái về quyền tư hữu cá nhân, ông nghĩ như của người giàu có, quý phái và tư bản, như thế, chúng ta thấy có sự thiêu thốn các sự tự do ở nơi ông (5). Và Marx lý thực không phải là người tranh đấu cho Nhân Quyền và xem trọng phẩm giá con người như các Triết Gia nhân bản của Kitô Giáo, chẳng hạn như Jacques Maritain.
    Cũng thế, chắc chắn trong giáo thuyết Công Giáo, có những tư tưởng và khuynh hướng hổ trợ cho những quyền tích cực của con người (les droits suprapositifs de l’homme), mà những quyền đó thật là hội đủ sự tương hợp với truyền thống của quyền tự nhiên, quyền tất nhiên theo chủ thuyết xã hội và chính trị công giáo. Để từ đó Giáo Hội bài trí những quyền phổ thông công chúng và quyền tích cực cho nhân loại. Với những tư tư tưởng mới này, đáng lưu ý đến là giáo thuyết công giáo tự do tại Pháp. Tuy nhiên trong lúc đó các Đức Giáo Hoàng của thế kỷ XIX thì hướng về Nhân Quyền. Các Ngài với một sự khôn ngoan và thận trọng,  cần đào sâu và học hỏi, thế nên Bộ Công Lý và Hoà Bình (Commission pontificale Justitia et Pax) có phận vụ này (7).
     Giáo Hội với thái độ cẩn trọng và khôn ngoan nên có khi từ chối những tư tưởng nguy hại đến con người, hay có lúc là đón nhận những tư tưởng tinh túy bổ ích cho nhân loại. Lúc đó các Giáo Hoàng tuyển chọn, tinh lọc và sửa đổi để đưa vào một phần giáo thuyết xã hội và chính trị công giáo : như Đức Léon XIII. Vì trong Tông Huấn Immortale Dei đưọc công bố  vào ngày 1.11.1885, thì Đức Giáo Hoàng Léon XIII đã thấy được trong các luật của thời đó có một tinh thần phá hoại các công trình  tôn giáo (như Marx tuyên bố bừa bãi « tôn giáo là thuốc phiện », đúng hơn Âu Châu và thế giới này xây dựng được nền văn minh nhân bản là nhờ tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo), từ đó Ngài trở về lại nguồn cội cho đến thời Canh Tân (Réforme). Ngài kết án những gì không phản ảnh đích thực là Kitô giáo hoặc không thích ứng trong chủ thuyết xã hội và chính trị công giáo. Có nghĩa trước hết mọi sự, Ngài đòi hỏi  ý niệm bình đẳng, chủ thuyết dân chủ, và quyền tối thượng cuả người dân (souveraineté populaire). Cũng thế, Ngài đòi hỏi một quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và giáo dục, nhất là sự đòi hỏi một quyền tự do tôn giáo vv.. Đức Giáo Hòang chống lại một loại giáo hội đồng nhất với Nhà Nước (như kiếu Nhóm Ùy Ban Đoàn Kết Công Giáo Và Dân Tộc Việt Nam và Nhóm Giáo Hội Công Giáo Ly Khai Trung Quốc là hoàn toàn chỉ biết phụ thuộc Hà Nội và Bắc Kinh), không đích thực là niềm tin, và là đức tin chính tông công giáo của mình (8).          
    Thực thế qua Đức Giáo Hoàng Léon XIII và sau Ngài là Đức Giáo Hoàng Pie XI và Đức Giáo Hoàng Pie XII cũng nói nhiều đến « quyền của con người » hay nói đúng hơn là « những quyền của con người (droit de l’être humain hay droits des êtres humains, có thể dịch là quyền của hữu thể con người hoặc các quyền của những hữu thể con người, nghe hơi khó hiểu nên chúng tôi tạm dịch gọn như trên). Những Tuyên Ngôn và Tông Huấn của các Ngài được làm nên nhờ dựa vào các kinh nghiệm của các chế độ chính trị đối nghịch với Giáo Hội Công Giáo như Stalin, Hitler vv., mà Đức Giáo Hoàng Pie XII, đã phản đối kịch liệt vào năm 1941… Để rồi, với một cung văn, giọng điệu minh bạch, Ngài đòi hỏi các thể chế chính trị này cần đìều chỉnh lại và lưu ý đến nhân phẩm của con người. Tuy nhiên nhân loại vẫn còn chờ cho đến  sự xuất hiện của Thông Điệp Hòa Bình Dưới Thế- L’Encyclique Pacem In Terris của Đức Thánh Cha Gio-an XXIII công bố vào ngày 11.4.1963, để họ am tường các sự trình bày và giải thích của Giáo Hội Công Giáo về các câu hỏi liên quan đến Nhân Quyền. Trong Thông Điệp này, chúng ta thấy Nhân Quyền được sử dụng một ngôn ngữ cương quyết hơn. Tài liệu qúy giá này, có thể được xem là Hiến Chương Tuyên Ngôn Nhân Quyền đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo. Kể từ khi Thông Điệp Hòa Bình Dưới Thế được công bố, thì Nhân Quyền đã được nhận biết như một cái « khung chỉ nam », chỉ hướng cho hành động công kích những sai trái và tội ác chống lại nhân loại. Để rồi từ ý đó, Thông Điệp Hòa Bình Dưới Thế trở nên một phần tất yếu của chủ thuyết xã hội và chính trị công giáo hoàn vũ.
    Trong những quan điểm và lý do này về Nhân Quyền, thì Công Đồng Vantican Đệ II được khai mở và nối kết với những Thông Điệp và công bố của Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII. Những Tài Liệu quan trọng hơn cả là : Sự Khởi Đầu Tông Huấn về Sự Giáo Dục Kitô Giáo vào năm 1965 (La Déclaration sur l’éducation chrétienne). Song hơn hết, là Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo (Déclaration sur la Liberté Religieuse) và Tông Huấn Dignitatis Humanoe -  Phẩm Giá Con Người, cũng thế trong Hiến Chế mục vụ của Giáo Hội trong lòng thế giới này qua Thông Điệp Gaudium et Spes- Vui Mừng và Hy Vọng, hai thông điệp này được công bố vào ngày 7.12.1965. Cũng thế, Nhân Quyền được nhận ra qua việc đòi hỏi do việc đưa vào việc mục vụ qua Tông Huấn Communio et Progressio-Truyền Thông và Phát Triển vào ngày 3.6.1971, nhất là Thông Điệp xã hội Populorum Progressio- Phát Triển Các Dân Tộc vào năm 1967 và bài Diễn Văn chúc mừng đầu năm mới của Đức Giáo Hoàng Phao Lô Đệ VI vào năm 1969. Vả nữa Thông Điệp của Đức Phao Lồ Đệ VI đọc ở Hội Nghị Quốc Tế về Nhân Quyền tại Thủ Đô Téhéran ngày 15.04.1968, rồi lá thư của Đức Thánh Cha gửi cho Cuộc Họp Thượng Đỉnh của 28 Nhà Lãnh Đạo Quốc Gia trên thế giới nhóm họp tại Trụ Sở Liên Hiệp Quốc vào ngày 10.12.1973. Nhất là qua Thông Điệp về Nhân Quyền và Sự Hòa Giải, qua đó Đức Phao Lô Đệ VI  kết thúc cuộc Hội Nghị của Thượng Hội Đồng Giám Mục La Mã vào tháng 10 năm 1974.  Trong cuôc họp này, thì sự hội thảo và bàn về  vấn đề Nhân Quyền, được các nghị phụ chung nhau chia thành 5 nhóm : nhóm 1, bàn về quyền sự sống (le droit à la vie) ; nhóm 2 bàn về quyền nuôi duỡng (le droit à la nourriture) ; nhóm 3 bàn về những quyền xã hội và kinh tế (les droits sociaux et économiques) ; nhóm 4 bàn về các quyền chính trị và văn hóa (les droits politiques et culturels) ; nhóm 5 bàn về quyền tự do tôn giáo (le droit à la liberté religieuse). Các nghị phụ đã bàn luận sôi nỗi, nhưng có một cái gì đó trong sự giải thích có tính cách đơn phương và cá nhân về các quyền con người. Tuy vậy, càc nghị phụ  có một sự cố gắng đồng cảm hầu vượt qua những sự khác biệt này.. Để ngày nay, Nhân Quyền được tỏa rộng phổ quát hơn giữa những quyền tự do cá nhân và những quyền xã hội của con người (les droits personnels à la liberté et les droits sociaux de l’homme). Qua những Tuyên Ngôn Của Đức Giáo Hoàng về Nhân Quyền, cũng nên nhắc đến bài diễn văn của Đức Phao Lồ VI nói với các vị Ngoại Giao Đòan  nhân đầu năm 1978.
     Qủa thực những bài diễn văn, những Tuyên Ngôn hay Thông Điệp, Tông Huấn này thể hiện một sự tiến bộ quan trọng của học thuyết công giáo về sự công bình xã hội và chính trị (9). Cũng một lúc người ta nhận ra được các Nhân Quyền, đó chính là một sự chinh phục chính trị và đặc biệt luân lý cho thời đại tân kỳ của chúng ta, hầu người ta bắt thấy được sự thánh thiêng và sự cống hiến của Giáo Hội Công Giáo cho con người. Nhất là, có một sự tiến hóa pháp lý và hiến pháp, mang lại cho con người hiểu đuợc ý thức của sự tự do thời đại, để từ đó dẫn đưa từ một Nhà Nước thiên mệnh tuyệt đối đến một Nhà Nước Dân Chủ và Xã Hội, rồi có được một Nhà Nuớc Pháp Quyền và Hiến Pháp minh bạch.
    Nói đến đây, chúng tôi cần nhắc đến một triết  gia công giáo thời danh, đó là triết gia Jacques Maritain. Ông đã tranh đấu một cách cương quyết và nhiệt thành, bằng lý thuyết và thực hành cho các quyền căn bản của con người, đơn cử là sự đóng góp của triết gia cho sự ra đời bản Hiến Chương Quốc Tế Nhân Quyền vào năm 1948 (10). Thực thế, một cách chính xác nguời ta bắt thấy những nguồn cội ý niệm của các Nhân Quyền thời nay, được khai triến từ các gia sản của các trường phái khắc kỷ và các tổ phụ xa xưa, thực chất các tư tưởng này hoàn toàn là ki tô hữu. Bởi thế qua Thông Điệp về Nhân Quyền và sự Hòa Giải, thì người ta  có thể nói với ly do rằng : trước những yêu sách của Nhân Quyền giống như những yêu sách của Tin Mừng (11).  Mặc dầu như thế, người ta không thể chối bỏ rằng học thuyết xã hội và chính trị công giáo không bắt thấy được những nguồn cội trực tiếp đền từ sự phát triển của thời đại Nhân Quyền. Để từ đó làm trong sáng thêm những hành động của con người duới ánh sáng của triết lý luật học và chính trị (12) cũng như luân lý để giúp con người và xã hội thăng hóa hơn (13) 

(còn tiếp)

Nam Giao Lê Thiện Bình  
Tác giả gửi trực tiếp cho Lương Tâm Công Giáo Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét