LTCGVN (07.11.2012)
CON MẮT ĐỨC TIN
Gần trường tôi học có một gia
đình mù. Viết cho đúng là chỉ có hai vợ chồng mù và lũ con 7 đứa,
nheo nhóc nhưng tất cả đều sáng mắt. Mỗi sáng họ đàn đúm dắt nhau
bèo bọt lang thang qua các nẻo đường lần mò đến Thị Nghè, vòng vào
Sở Thú: vợ bán vé số, chồng đàn hát níu áo xin tiền kẻ qua lại,
đám trẻ tung ra đường ngửi mùi đánh hơi ngụp lặn trong dòng đời kiếm
miếng cơm manh áo. Khi nắng chiều tắt dần, chân trời xa lạnh rớt chút
heo may họ lại lóc cóc lần dấu chân tìm về cái bạt vá đụp nhiều
chỗ nằm khuất phía sau trường, để ngày hôm sau nỗi cơ cực lại tái
diễn thổi suốt đời người.
Vốn là người “nhiều chuyện”,
tôi lân la tò mò hỏi: “Nhìn lũ nhỏ nhìn thấy thương ghê. Sao anh chị
sinh nhiều quá vậy ?” Người chồng mếu máo: “Thưa thầy, tại con mù
lòa nên không thấy được việc mình đã làm !” Lời của anh mang hai ý
nghĩa: đen và trắng. Bạn hiểu ý nào ?
Trong tất cả các bệnh tật: câm,
điếc, cụt tay chân… tôi vốn sợ nhất cảnh mù lòa tăm tối. Người mù
từ bẩm sinh không có những giấc mơ vì không cảm thụ được hình dạng,
mầu sắc thế giới chung quanh. Tôi được kể lại như thế, không biết có
đúng không. Tuy vậy gặp những ai bị mù sau này do tai nạn hoặc bệnh
tật, họ bảo mù như vậy khổ hơn là bẩm sinh vì những gì đã có trong
đời nay đã mất. Mất dần dần rồi sau đó mất hẳn.
Tôi có một anh bạn làm Linh
Mục, dành trọn đời mình chuyên lo cho các trẻ em mù, anh kể có lần
quỳ bên một em bé mù và nghe em cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin hãy mở
mắt con một lần, một giây thôi… để con nhìn lại được khuôn mặt của
mẹ con. Khuôn mặt mà con đã dần dần quên mất…”
Lời cầu thảm
quá phải không ! Tôi nghe mà cứ phải suy nghĩ hoài. Song tất cả nỗi
khổ của sự mù lòa ấy chỉ là tạm thời kiếp sống này chưa phải là
u buồn nhất. Mất đi con mắt đời đời mới là đáng sợ.
Tôi có một “anh” bạn già đã 75
tuổi tóc đã trắng như bạt ngàn lau lách. Tuy gọi là già nhưng còn
“sức” lắm, thuộc loại già hâm kiểu “già râu, già tóc, đồ chơi chưa
già”. Anh thường gửi những hình ảnh khiêu dâm do chính anh sưu tầm. Cách
đây hai tuần tôi viết E-mail cho anh:
“Anh L. mến, nhìn những hình anh gửi, chẳng
cần thăm hỏi em cũng biết là anh nay đã khỏe lại. Nhớ lại cách nay
hai tháng anh nằm bệnh viện ngáp ngáp tưởng sắp chết, vợ anh lo lắng
cho anh sợ mất linh hồn, nhờ em đến Dòng Chúa Cứu Thế ở Boston cầu
nguyện cùng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cho anh được ơn ăn năn trở lại,
chịu đón tiếp Linh Mục làm hòa cùng Thượng Đế. Đức Tin của vợ anh
đã được nhận lời: anh hồi tâm trở lại… Hôm nay, ngồi nhìn những hình
anh gửi, em chỉ sợ một ngày nào đó, dịp may không tới lần hai, trang
sử lật qua, mảnh đời khép lại, anh ra đi mà không có dịp quay về… Đừng
giận em…”
Nói về chuyện “quay về” tôi có
một kinh nghiệm không bao giờ quên: trong xóm gần nhà tôi có một người
rất đặc biệt năng khiếu kể chuyện… “phòng the”, khác người ở chỗ anh
thường tập họp các em bé trong xóm vừa kể vừa làm cử điệu “ghép
phim”, đám trẻ nghe say mê nuốt từng lời, mắt đỏ ngầu dục vọng. Tôi
đứng nhìn, nhận biết anh nước mắt đã khô cạn, trong nỗi tuyệt vọng
anh đang đánh canh bạc “tháu cáy” cùng Thượng Đế, nguyền muốn trả
thù Ngài vì đã bao lần làm ăn đều gặp thất bại.
Có một buổi chiều tôi đến chơi
nhà anh, gặp lúc anh đang ăn cơm. Thấy có khách anh sai đứa út chạy
sang đường đi mua nước mía. Đứa con cầm cái ly chạy đi. Chỉ loáng một
độ tàn chiếc đóm, có người hớt hải chạy đến báo đứa bé đã bị
đụng xe lúc băng con lộ. Cả nhà chạy đến thấy bé ngã úp mặt, mảnh
thủy tinh cái ly bể ghim giữa ngực. Bé chết liền tại chỗ. Anh ta như
một con gấu rừng trúng thương, hét lên một tiếng thật to, đôi mắt
thất thần lầm lũi ôm con lết về nhà.
Bạn có biết không ? Tôi tin có
một phép lạ trong cuộc đời này: Cái chết của đứa con đã làm anh ta
thay đổi hẳn cuộc đời. Thay đổi như thế nào bạn chắc cũng đoán
được. Gặp tôi, anh yên lặng như một vị Thiền Sư đạo hạnh, anh nói với
tôi: “Tạ ơn Chúa, tôi đã gặp được hạnh phúc thật sự trong đời…”
Lạ quá không thể tưởng tượng
được phải không ?
Anh đã trượt ngã và đứng lên,
lạc lối và tìm lại dấu chân đầu dòng, đã tìm lại được ánh sáng.
NGƯỜI TÔI TỚ VÔ DỤNG, Boston
0 nhận xét:
Đăng nhận xét