Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

[Video] Thế Giới Nhìn Từ Vatican 06-13/09/2012 - Chuyến tông du Li Băng của Đức Thánh Cha




1. Buổi triều yết chung hôm thứ Tư 12 tháng 9
Hôm thứ Tư 12 tháng 9, Đức Thánh Cha đã đáp trực thăng từ Castel Gandolfo để đến Vatican nơi ngài gặp gỡ 7,000 tín hữu và khách hành hương trong buổi triều yết chung tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục.

Trong buổi gặp gỡ này, Đức Thánh Cha đã nói Sách Khải Huyền trong tương quan với việc cầu nguyện và và mời gọi tất cả các khách hành hương tham gia tích cực trong Bí Tích Thánh Thể.

"Tiếp tục loạt bài giáo lý về lời cầu nguyện trong Sách Khải Huyền, giờ đây chúng ta chuyển sang những lời nhủ bảo của cuốn sách về tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong cuộc lữ hành xuyên suốt lịch sử của Giáo Hội. Cầu nguyện cho phép chúng ta phân định các sự kiện của lịch sử trong ánh sáng của kế hoạch đã được Thiên Chúa đề ra để mở rộng Vương quốc của Ngài.

Kế hoạch đó được tượng trưng trong cuốn sách với bảy dấu ấn mà chỉ có Chiên Con, Đấng chịu đóng đinh và đã sống lại mới có thể mở được. Trong lời cầu nguyện, chúng ta nhận ra rằng chiến thắng cuối cùng của Chúa Kitô trên tội lỗi và cái chết chính là chìa khóa của toàn bộ lịch sử. Trong khi tôn vinh chiến thắng này, chúng ta tiếp tục khẩn cầu những ân sủng của Chúa cho cuộc lữ hành trần thế của chúng ta. Giữa những truân chuyên của cuộc đời, Chúa lắng nghe tiếng ta cầu xin, nâng đỡ những yếu đuối của ta, và ban cho ta được vững tin nơi quyền năng vô biên của Ngài. Sách Khải Huyền đã kết luận với lời Chúa hứa rằng Ngài sẽ lại đến trong vinh quang, và với lời cầu xin thiết tha của Giáo Hội: “Lạy Chúa xin mau đến”.

Trong lời cầu nguyện của chúng ta, đặc biệt trong khi cử hành bí tích Thánh Thể, xin cho chúng ta được tăng trưởng trong niềm hy vọng về ngày Chúa đến trong vinh quang, cảm nhận được quyền năng biến đổi của Ngài, và học biết cách phân định mọi điều trong ánh sáng của đức tin.

2. Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 9 tháng Chín

Ngày thứ Sáu 14 tháng Chín tới đây, Đức Thánh Cha sẽ đến Li Băng, đất nước nằm ngay sát bên Syria, nơi cuộc nội chiến đang diễn ra khốc liệt. Do đó, trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 9 tháng Chín Đức Thánh Cha đã lên tiếng kêu gọi hòa bình cho Trung Đông. Ngài cũng khuyến khích cộng đồng quốc tế tiếp tục làm việc để hướng tới một nền hòa bình lâu dài.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:

"Những nỗ lực đối thoại và hòa giải phải được tất cả các bên đưa lên hàng ưu tiên, và cần được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, để tất cả mọi người ngày càng nhận thức hơn về tầm quan trọng phải đạt được một nền hòa bình ổn định và lâu dài trong toàn khu vực."

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 cũng kêu gọi các quan chức Colombia hướng tới sự tha thứ và hòa giải để bắt đầu các cuộc đàm phán với phiến quân FARC.

Ngài nói:

"Như đã được công bố tại Colombia, Na Uy và Cuba, một cuộc đối thoại quan trọng giữa chính phủ Colombia và đại diện của các lực lượng phiến quân Colombia sắp diễn ra với sự tham gia của đại biểu các nước Venezuela và Chile, nhằm cố gắng chấm dứt xung đột, đã tàn phá đất nước yêu quý này trong nhiều thập kỷ qua. Tôi hy vọng rằng những người tham gia vào sáng kiến này sẽ được hướng dẫn bởi ước muốn tha thứ và hòa giải, trong việc tìm kiếm chân thành cho lợi ích chung. "

Trong kinh Truyền Tin tại Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha cũng nhắc nhở khách hành hương là Chúa Giêsu đến để “mở ra”, để giải thoát chúng ta khỏi sự câm điếc nội tâm, và khiến cho chúng ta có khả năng sống tràn đầy trong tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân.

Ngài nói:

“Anh chị em thân mến, ở trung tâm Tin Mừng hôm nay (Mc 7,31-37) có một từ nhỏ, nhưng rất quan trọng. Một từ, mà trong ý nghĩa sâu xa của nó, tóm gọn tất cả sứ điệp và toàn công trình của Chúa Kitô. Thánh sử Máccô kể lại từ này trong chính tiếng nói của Chúa Giêsu, trong đó Chúa nói lên từ ấy, và như thế chúng ta còn nghe nó sống động hơn nữa. Đó là từ “effatà”, có nghĩa là “hãy mở ra”. Bối cảnh của câu chuyện này diễn ra khi Chúa Giêsu đang đi qua vùng “Thập tỉnh”, giữa Tiro, Sidone và vùng Galilea, một vùng không có người Do thái. Người ta đem đến cho Chúa một người câm điếc, để Người chữa cho anh ta - hiển nhiên là danh tiếng Chúa Giêsu đã được đồn thổi cho tới đây. Chúa Giêsu đem anh riêng ra một chỗ, đụng vào tai và lưỡi anh, rồi ngước mắt nhìn lên trời Người thở một hơi sâu và nói: “Effatà” có nghĩa là “Hãy mở ra”. Và người ấy bắt đầu nghe và nói sõi sàng (x. Mc 7,35). Đó là ý nghĩa lịch sử và theo nguyên nghĩa của từ này, chúng ta có thể nói: nhờ sự can thiệp của Chúa Giêsu người câm điếc đó được “mở ra”; trước đó anh ta bị đóng kín, lẻ loi, rất khó thông truyền. Việc chữa lành đối với anh là một sự “mở ra” cho người khác và cho thế giới, một sự mở ra khởi đầu với các cơ quan nghe và nói, lôi cuốn toàn con người và cuộc sống của anh: sau cùng anh có thể thông truyền và liên lạc trở lại.”

3. Chính phủ Li Băng tuyên bố lễ nghỉ để chào đón Đức Thánh Cha 

Chính phủ Li Băng tuyên bố: thứ bẩy 15-9 tới đây là lễ nghỉ toàn quốc tại nước này, nhân cuộc viếng thăm chính thức của Đức Thánh Cha.

Thủ tướng Hajib Mikati quyết định rằng các công sở, trường học và đại học công cũng như tư sẽ đóng cửa. Ông cho biết quyết định này là để các thành phần khác nhau trong dân chúng có thể chào đón Đức Giáo Hoàng.

Hàng trăm ngàn người sẽ đón mừng Đức Thánh Cha tại Harissa, ở Kesrouan khi ngài đến đây vào thứ sáu 14-9 sắp tới.

Mặt khác, Đức Hồng Y Kurt Koch, người Thụy sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, bày tỏ hy vọng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Li Băng sẽ đẩy mạnh tiến trình đại kết Kitô, đối thoại liên tôn cũng như góp phần mang lại hòa bình cho Trung Đông.

Đức Hồng Y Koch nói với hãng tin Công Giáo Đức KNA rằng: “Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Li Băng trong tình trạng căng thẳng hiện nay là một dấu chỉ hy vọng lớn”.

Đức Hồng Y Kurt Koch sẽ tháp tùng Đức Thánh Cha trong cuộc viếng thăm sắp tới. Ngài cho biết Đức Thánh Cha không phải là một nhà lãnh đạo chính trị, và trong cuộc viếng thăm Li Băng, Đức Thánh Cha không đề ra những giải pháp chính trị cụ thể. Nhưng dân chúng chờ đợi nơi cuộc viếng thăm của ngài một sứ điệp rõ ràng, một dấu chỉ hòa giải và hòa bình. Chắc chắn Ngài sẽ kêu gọi gia tăng sự hợp tác để kiến tạo một tương lai chung cho con người ở Trung Đông, cũng như từ bỏ chiến tranh”.

4. Đài phát thanh Vatican giới thiệu chương trình điện thoại Android

Đài phát thanh Vatican đã cho ra đời một chương trình ứng dụng riêng dành cho điện thoại Android. Sau khi download chương trình này, người dùng có thể nhận được các tin tức cập nhật mới nhất về Đức Thánh Cha và về Giáo Hội Công Giáo.

Chương trình cũng có thể dùng để xem các bài xã luận, video trực tiếp, và các kênh âm thanh của Đài phát thanh Vatican. Chương trình này là miễn phí và hiện đã có phiên bản tiếng Anh và tiếng Ý.

Chương trình audio có hơn 70 chương trình hàng ngày bằng 40 ngôn ngữ được sản xuất bởi Đài phát thanh Vatican.

Chương trình có sẵn để download tại website www.rv.va/android.

5. Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình tổ chức lễ Giỗ 10 năm ĐHY Nguyễn Văn Thuận 

Thánh Lễ giỗ lần thứ 10 của Vị Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, sẽ được Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình tổ chức lúc 10 giờ sáng thứ Sáu, 14-9-2012, tại Nhà Thờ Đức Mẹ Scala ở Roma, cũng là Nhà Thờ hiệu tòa của Đức Cố Hồng Y. 

Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, qua đời lúc 6 giờ chiều ngày thứ hai, 16-9-2002, tại Nhà thương Piô 11 ở Roma, hưởng thọ 74 tuổi, sau 49 năm linh mục, 35 năm Giám Mục và 1 năm rưỡi làm Hồng Y. Ngài được an táng tại nghĩa trang Campo Verano ở Roma, trong khu mộ của Kinh Sĩ Đoàn Đền Thờ Thánh Phêrô.

Sáng ngày 8-6 năm nay, Đức Cố Hồng Y đã được cải táng về Nhà Thờ Đức Mẹ Scala của các cha Dòng Camêlô nhặt phép ở khu vực Trastevere, trong một buổi lễ do Đức Hồng Y Peter Turkson, người Ghana, đương kim Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, chủ sự trước sự hiện diện của một số vị Hồng Y, Giám Mục, và gần 100 người gồm các nhân viên của Hội đồng, và Liên tu sĩ Việt Nam ở Roma.

Hôm 6-9-2012, Đức Cha Mario Toso, Dòng Don Bosco, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, đã thông báo và xin Ban Chấp Hành Hội Liên Tu Sĩ Việt Nam ở Roma, đứng đầu là Cha Giuse Nguyễn Tất Thắng dòng Đa Minh, cộng tác vào việc tổ chức thánh lễ Giỗ Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê.

6. Hội nghị quốc tế về Thánh Mẫu Học lần thứ 23

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã mời gọi các thần học gia và chuyên viên thánh mẫu học đóng góp các suy tư và đề nghị mục vụ, để cho Năm Đức Tin sắp khai mở trở thành thời điểm ơn thánh, trong đó đức tin tinh tuyền của Mẹ Maria trở thành đèn pha định hướng và là mẫu gương của sự trưởng thành kitô.

Đức Thánh Cha đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến tại nhà nghỉ mát Castel Gandolfo trưa 8-9, dành cho các tham dự viên đại hội thánh mẫu học quốc tế lần thứ 23. Hiện diện trong buổi tiếp kiến cũng có Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, và Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa, cũng như vị chủ tịch và các giới chức của Hàn lâm viện giáo hoàng thánh mẫu quốc tế. Đại Hội có đề tài là “Thánh mẫu học từ Công Đồng Chung Vaticăng II. Tiếp nhận, tổng kết và các viễn tượng”. Đức Thánh Cha đã nhắc lại sự kiện Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan 23 đã muốn khai mạc Công Đồng Chung Vatican II vào ngày 11 tháng 10, cùng ngày Công Đồng Chung Êphêxô công bố Đức Maria là “Theotókos” tức là Mẹ Thiên Chúa, hồi năm 431.

Ngài nói:

"Như anh em đã biết, vào ngày 11 Tháng 10, để kỷ niệm sự kiện ngoại thường này, chúng ta sẽ long trọng sẽ bắt đầu Năm Đức Tin, mà tôi muốn định hướng với Tự Sắc Porta Fidei, trong đó trình bày Đức Maria như là một mô hình của đức tin."

Đề cập đến các tham dự viên tham dự đại hội, cha Vicenzo Battaglia thuộc Hàn lâm viện giáo hoàng thánh mẫu quốc tế cho biết:

"Các sinh viên và các chuyên gia trong Thánh Mẫu Học từ tất cả các nơi trên thế giới tham dự đại hội này. Tất cả mọi người từ các nhà nghiên cứu cho đến các tác giả. "

Năm nay, khoảng 350 người đã tụ tập tại Rome để dự hội nghị. Chủ đề xoay quanh tác động của Công đồng Vatican II trên Thánh Mẫu Học. 

Hội nghị đã ghi nhận trong thế kỷ vừa qua đã có sự gia tăng đáng kể các báo cáo liên quan đến các cuộc hiện ra của Đức Mẹ. Việc xác minh các cuộc hiện ra là một quá trình mất nhiều thời gian.

Cha ANTONIO Escudero thuộc Đại học Giáo Hoàng Salêdiêng cho biết:

"Đó là một quá trình mất khá nhiều thời gian, mà tôi nghĩ là một điều tốt. Đó là một cái gì đó xứng đáng được dành nhiều thời gian và nỗ lực. Việc nghiên cứu một cuộc hiện ra cần phải được tiến hành kỹ lưỡng để đảm bảo rằng kết luận sau cùng không phải là một cái gì đó được thực hiện hấp tấp. Những cuộc hiện ra có một ý nghĩa quan trọng đối với Giáo Hội. "

7. Khánh thành đền thánh Đức Mẹ Fatima ngay trong khu vực Gulag cũ của Kazakhstan

Hôm Chúa Nhật 9 tháng 9 vừa qua, trong vùng thảo nguyên mênh mông của Trung Á, một đền thờ dành riêng để tôn kính Đức Mẹ Fatima đã được khánh thành. 

Nhà thờ nằm ở thành phố Karaganda, về phía bắc của Kazakhstan. Đây là khu vực nổi tiếng với số lượng đông đảo các trại tù Gulags, tức là các trại cưỡng bức lao động đã được sử dụng trong suốt thời kỳ Xô viết. Vùng đất này đã được mô tả chi tiết bởi văn hào Nga Alexander Solzhenitsyn trong cuốn "Quần đảo Ngục Tù". Ông là một tù nhân tại đây nhưng cuối cùng đã được trao giải Nobel Văn học năm 1970.

Đức Thánh Cha đã cử Đức Hồng Y Angelo Sodano, niên trưởng Hồng Y đoàn, làm đặc sứ của ngài trong buổi lễ khánh thành.

Một ngày trước lễ khánh thành, Đức Hồng Y Angelo Sodano đã cử hành một thánh lễ cầu nguyện cho những người đã bỏ mạng trong vùng đất ngục tù này. Buổi tối thứ Bẩy một buổi hòa nhạc theo điệu chiêu hồn của Mozart cũng đã được tổ chức để vinh danh các nạn nhân đã phải đau khổ trong các trại tù Gulags. 

8. Đức Thánh Cha gặp gỡ các Giám Mục Colombia

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 khích lệ các Giám Mục Colombia tiếp tục tăng cường công việc mục vụ gia đình trước làn sóng tục hóa trong xã hội ngày nay.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng thứ Hai ngày 10 tháng 9 tại Castel Gandolfo dành cho 37 Giám Mục Colombia, nhân dịp các vị kết thúc cuộc hành hương Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh.

Ngài nói:

“Về phương diện này, việc bảo vệ không biết mệt mỏi và thăng tiến định chế gia đình tiếp tục là một ưu tiên mục vụ đối với anh em. Vì thế, giữa những khó khăn, tôi mời gọi anh em đừng chùn bước trong những cố gắng và tiếp tục công bố chân lý trọn vẹn về gia đình, dựa trên hôn nhân, như là một Giáo Hội tại gia và là cung thánh của sự sống”.

Đức Thánh Cha nhắc đến sự kiện Giáo Hội tại Colombia được dồi dào ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến, cũng như có thái độ sẵn sàng đối với sứ vụ truyền giáo cho dân ngoại; ngoài ra có nhiều phong trào tông đồ nảy sinh và các cộng đoàn giáo xứ rất sinh động.

Ngài khích lệ các Giám Mục:

“Hết sức quan tâm đến các linh mục, Phó tế và tu sĩ, để ý đến những nhu cầu tinh thần, trí thức và vật chất của họ, để họ có thể sống trung thành một cách phong phú với sứ vụ của mình. Nếu cần, anh em đừng ngại sửa chữa huynh đệ và hướng dẫn họ. Nhất là anh em hãy nêu gương sống và tận tụy đối với sứ mạng đã nhận lãnh từ Chúa Kitô. Đừng bỏ qua ưu tiên vun trồng ơn gọi và huấn luyện khởi đầu cho các ứng sinh tiến lên thánh chức hoặc tiến vào đời sống thánh hiến, giúp họ phân định sự thật về ơn gọi của Chúa để quảng đại đáp lại với ý hướng ngay chính”.

Ngài không quên nhắc đến tình trạng bạo lực tại Colombia từ hơn 50 năm nay phải chịu cảnh nội chiến. Đức Thánh Cha nói

“Mặc dù có vài dấu chỉ hy vọng, bạo lực tiếp tục gieo đau thương, cô đơn, chết chóc và bất công cho nhiều anh chị em ở Colombia. Đồng thời tôi nhìn nhận và cám ơn vì công tác mục vụ đang được thi hành, nhiều khi tại những nơi đầy khó khăn và nguy hiểm, để giúp đỡ bao nhiêu người đang chịu đau khổ tại đất nước Colombia yêu quí. Tôi khích lệ họ tiếp tục góp phần bảo vệ sự sống con người, vun trồng hòa bình, theo gương Chúa Cứu Thế của chúng ta và khiêm tốn khẩn cầu ơn thánh của Chúa. Xin anh em hãy gieo vãi Tin Mừng và gặt hái hòa giải, với ý thức rằng nơi nào Chúa Kitô đến, thì hòa thuận cũng mở đường, oán thù nhường chỗ cho tha thứ và cạnh tranh biến thành tình huynh đệ”

9. Buổi Canh Thức Cầu Nguyện Kitô Hồi Giáo Tại Beirut

Chiều ngày 12 tháng 9 các tín hữu kitô và hồi giáo đã tham dự buổi canh thức trong thủ đô Beirut, để cầu xin Thiên Chúa và Đức Maria che chở chuyến viếng thăm Li Băng của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16.

Buổi canh thức, do nhiều nhóm đối thoại kitô và hồi giáo tổ chức, có đề tài là “Cùng nhau trong hòa bình, tình yêu, tự do và an ninh” đã diễn ra tại “Vườn của Đức Maria” gần quảng trường viện bảo tàng quốc gia Beirut. Bốn đoàn bạn trẻ cầm nến sáng và cờ Li Băng đã xuất phát từ bốn hướng trong thủ đô và gặp nhau lúc 8 giờ tối tại Vườn của Đức Maria. Chương trình buổi canh thức cầu nguyện bao gồm các bài đọc cũng như các lời cầu xin cho chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 được tất cả mọi người đón nhận như một phúc lành của Chúa trên dân nước Li Băng. 

Linh Mục Antoine Dapu, Thư ký Ủy ban đối thoại với Hồi giáo của Hội Đồng Giám Mục Li Băng, cho biết buổi canh thức cầu nguyện cũng nhắm mục đích chứng minh cho thế giới thấy trong thời điểm lịch sử này, Li Băng có thể là một quốc gia tiêu biểu cho sự chung sống hài hòa giữa các tín hữu kitô và hồi giáo.

Tham dự buổi canh thức cùng với các tín hữu kitô và hồi giáo cũng sẽ có đại diện của chính quyền và đại diện của tất cả mọi cộng đoàn tôn giáo khác trong nước.

Trong các ngày qua trong mọi giáo phận toàn Li Băng đã có hàng trăm buổi cầu nguyện suy tư được tổ chức để giúp mọi người chuẩn bị tinh thần đón tiếp Đức Thánh Cha. Cha Dapu nói: Tất cả mọi người dân Li Băng, và tất cả mọi giới Lãnh đạo chính trị, xã hội và tôn giáo, kể cả lực lượng Hezbollah, người Druze và các vị lãnh dạo chính trị Sunnít, đều chờ đợi chuyến viếng của Đức Thánh Cha, và coi đây như là một ơn lành cho đất nước Li Băng, giúp vượt thắng mọi chia rẽ. 

Cha Marwan Tabet, người phối hợp chuyến công du của Đức Thánh Cha, cho biết cách đây hai tháng người ta đoán Đức Thánh Cha sẽ không thực hiện chuyến viếng thăm này. Nhưng khi cha Lombardi, giám đốc Phòng báo chi Tòa thánh chính thức tái xác nhận, thì Giáo Hội và các giới chức chính quyền đã tích cực duyệt xét lại mọi chi tiết. Tuy chỉ viếng thăm Li Băng, nhưng coi như Đức Thánh Cha viếng thăm toàn vùng Trung Đông. Thật vậy, các hãng máy bay đã quyết định cung cấp các chuyến bay đặc biệt để chở tín hữu từ các nước Giordania, Ai Cập, Irak và Siria đến Li Băng.

10. Giáo quyền Công Giáo tại Thánh Địa phản đối những vụ xúc phạm Chúa Giêsu 

Hội đồng các vị Bản quyền Công Giáo tại Thánh Địa tố giác những vụ lăng mạ Công Giáo và yêu cầu chính quyền Israel truy tố những kẻ thủ phạm ra trước công lý.

Trong đêm mùng 3 rạng ngày 4-9-2012, một câu lăng mạ Chúa Giêsu được viết bằng tiếng Do thái trên tường cạnh cổng Đan viện dòng Xitô Nhặt Phép, cũng gọi là dòng Trappiste ở Latrun, gần xa lộ nối liền thành Jerusalem với Tel Aviv. Cửa của Đan viện cũng bị đốt. Vụ này cũng như những vụ đốt phá các nơi thờ phượng và lời lăng mạ Kitô giáo là do các nhóm Do thái cuồng tín và cực hữu, gắn liền với phong trào thiết lập các khu định cư bất hợp pháp trên đất của người Palestine. Hồi tháng 2 năm nay, một câu “Hãy giết chết người Kitô” cũng đã được viết trên đường Đan viện Thánh giá ở Jerusalem.

Trong thông cáo công bố hôm 4-9-2012, Hội đồng các vị Bản quyền Công Giáo ở Thánh Địa đã nghiêm khắc lên án câu viết xúc phạm đến Chúa Giêsu trên tường Đan viện Xitô Nhặt Phép ở Latrun. Đây là nơi vốn được nhiều người Do thái viếng thăm và các Đan sĩ Trappistes tại đây dấn thân mạnh mẽ trong cuộc đối thoại giữa Kitô và Do thái giáo theo giáo huấn của Giáo Hội.

Các GM Công Giáo tại Thánh địa cũng lo âu đặt câu hỏi: “Điều gì đang xảy ra trong xã hội Israel? Tại sao các tín hữu Kitô lại bị nhắm tới như vậy? Tại sao những người chống lại việc chính phủ Israel giải tỏa các khu định cư bất hợp pháp tại miền Cisjordani lại đổ tràn sự giận dữ của họ trên các tín hữu Kitô và các nơi thờ phượng? Phải chăng tại các trường học và gia đình người Do thái có một loại giáo dục khinh rẻ các tín hữu Kitô?”

Đặc biệt các GM Công Giáo tại Thánh Địa đặt câu hỏi: “Tại sao nhà cầm quyền Israel không bao giờ tìm ra và truy tố trước tòa án những kẻ phạm lỗi như thế? Nay đã đến lúc chính quyền Israel cần ra tay hành động để chấm dứt nạn bạo lực điên rồ này và đảm bảo một nền giáo dục tôn trọng trong các trường học cho tất cả những người đang đòi quyền sở hữu đất đai tại đây”

11. Tân Đại sứ Lithuania trình quốc thư lên Đức Giáo Hoàng

Irena Vaišvilaitė, tân đại sứ của Lithuania cạnh Tòa Thánh đã được Đức Thánh Cha tiếp tại Castel Gandolfo. Bà Vaišvilaitė đã từng làm việc cho Đài phát thanh Vatican từ 1991 đến 1998. Trong cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng, hai vị đã nói bằng tiếng Ý và vị tân đại sứ đã trình bày với Đức Thánh Cha về khả năng của bà về lịch sử nghệ thuật và lịch sử Giáo Hội. Khi kết thúc cuộc gặp gỡ của họ, Đức Thánh Cha đã tặng cho vị tân đại sứ một huy chương triều đại giáo hoàng của ngài.

12. Vatican vận động giảm một nửa số lượng người không có nước uống vào năm 2015

Hiện nay 1,1 tỷ người sống mà không có nước uống sạch. Theo Tổ chức Y tế thế giới 2,6 tỷ người thiếu vệ sinh đầy đủ và khoảng 4.000 trẻ em chết mỗi ngày do các bệnh do nước gây.

Người ta ước tính rằng trong 50 năm tới, dân số thế giới sẽ tăng 40 đến 50%. Điều này cùng với xu hướng công nghiệp hóa và đô thị hóa, sẽ làm tăng nhu cầu nước và có tác động lâu dài đối với môi trường.

Cha TEBALDO VINCIGUERRA thuộc Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình cho biết:

"Các khu vực chính bao gồm những nơi không đủ nước cho dân chúng hoặc có nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Chúng ta có thể nghĩ đến những phần của châu Phi, xung quanh vùng Nam Sa mạc Sahara, và ở châu Á, nơi đông đảo dân chúng hiện nay hoặc trong tương lai có thể thiếu các nguồn nước hoặc có một số nhưng bị ô nhiễm nặng. "

Tuần cuối cùng của tháng Tám đã được quốc tế công nhận "Tuần lễ nước”, nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề này. Năm nay, chiến dịch tập trung vào mối quan hệ giữa nước và an toàn lương thực.

Cha TEBALDO VINCIGUERRA giải thích:

"An toàn lương thực được liên kết với nước theo nhiều cách khác nhau. Tất nhiên có hai quyền rất quan trọng: là quyền có nước và quyền lương thực, cả hai đều được công nhận bởi Liên Hiệp Quốc. Sản xuất thực phẩm, chúng ta cần nước. Sự tiến hóa từ một chế độ ăn uống rất đơn giản sang một chế độ ăn uống phức tạp hơn nhiều đòi hỏi rất nhiều nước. Các chế độ dinh dưỡng hiện nay ở các nước phát triển không dễ dàng nhân rộng trên phạm vi thế giới, vì những hạn chế về môi trường."

Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình đang làm việc để tìm ra một giải pháp. Hội đồng cũng hợp tác với các bộ phận khác của Tòa Thánh như Cor Unum và Caritas quốc tế.

Cha TEBALDO VINCIGUERRA cho biết thêm

"Tình hình nước hiện nay đã không có gì thay đổi kể từ tháng Ba khi Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình công bố một văn bản trước Diễn đàn Nước Thế giới diễn ra tại Marseille. Trong báo cáo đó, chúng ta cần nhớ rằng các số liệu thống kê quốc tế cho biết có khoảng từ 800 đến 900 triệu người không có nước uống. "

Các tài liệu do Hội đồng Giáo hoàng là một bước nhằm tiến gần đến một trong các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc là đến năm 2015 sẽ giảm đi một nửa tỷ lệ người dân không được tiếp cận với nước uống an toàn và vệ sinh.

13. Đức Thánh Cha nhắc nhở các giám mục trong các miền truyền giáo là mọi người cần được nghe về Thiên Chúa

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 mời gọi các Giám Mục thuộc các xứ truyền giáo tiếp tục tín thác vào sức mạnh của Tin Mừng giữa bao nhiêu nghịch cảnh và khó khăn đang đè nặng trên cuộc sống hằng ngày của dân chúng.

Ngài đưa ra lời mời gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 7 tháng 9 dành cho khoảng 100 Giám Mục đến từ các xứ truyền giáo ở Á, Phi, Mỹ la tinh và Úc châu. Các vị đang tham dự khóa bồi dưỡng tổ chức tại Học viện Thánh Phaolô ở Roma. Hiện diện tại buổi kiếp kiến cũng có Đức Hồng Y Tổng trưởng Fernando Filoni và 2 vị Tổng thư ký của Bộ là Đức Tổng Giám Mục Savio Hàn Đại Huy SDB và Đức Tổng Giám Mục Protase Rugambwa.

Đức Thánh Cha nói:

"Tôi khuyến khích anh em thực hiện mọi nỗ lực để thực hiện công việc mục vụ siêng năng, với ý thức về ân sủng đã được gieo trồng trong anh em trong ngày được tấn phong Giám Mục."

Đức Giáo Hoàng cũng nói với các giám mục rằng mọi người đang chờ đợi để nghe thông điệp của các vị, đặc biệt là những người đã trở thành nạn nhân thiên tai.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh:

" Anh em hãy tín thác nơi Tin Mừng, nơi sức mạnh đổi mới của Tin Mừng, khả năng thức tỉnh lương tâm, giải thoát con người và tạo nên một tình huynh đệ mới. "

Đức Thánh Cha đã gặp gỡ với các giám mục tại các thời điểm khác nhau trước khi các ngài đến các vùng truyền giáo. Các cuộc gặp gỡ này giúp cho các giám mục có thêm kinh nghiệm và các nguồn tài nguyên để chăn dắt các giáo phận của họ.

14. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nhận được chiếc xe điện

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã luôn luôn bày tỏ quan ngại của mình về việc chăm sóc cho môi trường. Năm 2009, ngài đã cho lắp đặt các tấm pin mặt trời tại Vatican để giúp đỡ hạ giảm nhu cầu năng lượng.

Bây giờ, Đức Thánh Cha đang một bước thêm một bước tiến mới. Công ty xe hơi Pháp Renault đã tặng một trong những chiếc xe điện mới của họ cho Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 tại nơi cư trú mùa hè ở Castel Gandolfo.

Ông JACQUES BOUSQUET Chủ tịch, Renault Italy nói:

"Chúng tôi biết từ lâu là Vatican và Đức Giáo Hoàng đã đặc biệt quan tâm đến các giải pháp cho công nghệ di động theo hướng bảo vệ môi trường."

Chiếc xe sẽ không được chuyển đổi thành một trong những 'popemobiles' nổi tiếng, nhưng dù sao nó sẽ được sử dụng bởi Đức Giáo Hoàng để di chuyển trong các khoảng cách ngắn trong các khu vườn của Castel Gandolfo và không di chuyển trên đường phố. Một số thay đổi đã được thực hiện đặc biệt cho chiếc xe này.

Ông JACQUES BOUSQUET cho biết:

"Chúng tôi làm cho việc lên xuống xe rất dễ dàng và chiếc xe có một khoảng không gian bên trong rất lớn và sáng sủa".

Đức Thánh Cha Benedict XVI không phải là người duy nhất nhận được quà tặng này Cảnh sát Vatican cũng nhận được một chiếc xe mới.

Ông JACQUES BOUSQUET giải thích

"Hai chiếc xe này chạy bằng điện 100%, chúng tôi sử dụng mô hình Maxi Kangoo ZE. Chúng tôi đã làm việc với các kỹ sư ở Paris để tạo ra hai mô hình độc đáo dành cho nhu cầu của Vatican. "

15. Tiến trình hòa bình tại Colombia

Trước đó một ngày, trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 9 tháng 9, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói về các cuộc đàm phán hòa bình có thể phát triển ở Colombia sau khi Tổng thống Juan Manuel Santos, đã đồng ý nói chuyện với phiến quân FARC để chấm dứt bạo lực trong nước.

Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 nói:

"Tôi hy vọng rằng những người tham gia vào sáng kiến này sẽ được hướng dẫn bởi ý muốn của sự tha thứ và hòa giải, trong khi chân thành tìm kiếm lợi ích chung."

Thảo luận cho tiến trình hòa bình này sẽ bắt đầu vào ngày 8 tháng 10 tại Oslo, Na Uy. Mục đích là để kết thúc các chiến thuật khủng bố của quân du kích như tống tiền, khủng bố và bắt cóc.

Đại sứ sắp mãn nhiệm của Colombia cạnh Tòa Thánh cho rằng khi nói đến tiến trình hòa bình này, điều cần thiết là phải chấp nhận "sự thật" đầy đủ để có thể lý giải sự phức tạp của cuộc xung đột.

Đại sứ Cesar Mauricio Velasquez nói:

"Hòa bình thực sự được xây dựng trên cơ sở của sự thật. Đức Thánh Cha đã khuyến khích Colombia, và thực sự tất cả mọi người, hãy đẩy mạnh tiến trình hòa bình trên nền tảng của sự thật. Nguyên tắc đó dẫn đến tha thứ và hòa giải bởi vì sự tha thứ thật sự đòi hỏi sự hiểu biết sự thật đầy đủ. "

Một trong những điểm chính của cuộc đàm phán quan trọng giữa chính phủ và phiến quân FARC bao gồm vấn đề buôn bán ma túy, phát triển nông thôn, đất đai và an ninh của các gia đình nông dân.

VietCatholic Network

0 nhận xét:

Đăng nhận xét