Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Đường Thánh giá



Thập giá hay Thánh Giá, gọi theo đời hay đạo, không chỉ có trong Thánh Đường, khắp mọi nẻo chốn thế giới bụi trần ngoài xã hội ta đều thấy nhan nhản: các “stars” ca nhạc đeo Thánh Giá ngực phanh trần, dân ăn chơi ngông nghênh ngổ ngáo xỏ lỗ tai, xâm luôn trên da thịt: bụng, mông, ngực…Thánh Giá bằng vàng, bạc lấp lánh, cẩn kim cương trị giá nhiều tỷ tiền tiêu.
Thánh Giá ngày nay trở thành phổ biến đến độ biến thành một loại trang sức, niềm kiêu hãnh, khoe mẽ, một khẳng định triết lý sống thời đại: trong đời có đạo, nhưng không phải theo kiểu đem đạo vào đời mà vội mừng, giống như để hấp dẫn ăn khách, các vũ nữ khỏa thân mặc áo Nữ Tu múa cột, theo tiếng nhạc nền từ từ cởi bỏ từng lớp áo quần cho đến khi thành… nhộng.
Thực ra Thánh Giá ngày xưa không từng được đón nhận như vậy. Thánh Giá thời Chúa Giêsu là một cực hình khủng khiếp nhất con nguời có thể nghĩ ra: tội nhân bị lột trần truồng, cái chết đến từ từ, bắp thịt co rút, miệng méo xệch thở khò khè hen suyễn, mỗi lần thở phải rướn người đạp lỗ đinh nơi chân, xương kêu rệu rạo !
Đức Giêsu đã quằn quại trên Thánh Giá hơn ba giờ đồng hồ, nằm tênh hênh giữa tiếng nhạo cười, bên dưới là Mẹ Maria ngất lịm dựa lưng Thánh Gioan. Bản án thập tự khủng khiếp đến độ vào khoảng năm 300, chính nguời Rôma đã bỏ hẳn cực hình này.
Ý nghĩa Thánh Giá hôm nay bị bóp méo toàn diện. Giả thử bây giờ có ai đó lấy mẫu hình chiếc ghế điện, máy chém… đeo trên cổ sẽ thấy mình rất hợm hĩnh, quái gở !
Ta đi đạo đã lâu, nghe hoài đến Thánh Giá cũng thấy nhàm, mất ý nghĩa thủa ban đầu. Có họa sĩ đang vẽ tranh Đức Giêsu giờ hấp hối, một em bé đứng xem vẽ buột miệng hỏi: “Ông này là ai vậy chú ?” – “Là ông Giêsu.” – “Ông ấy có tốt không mà sao chịu khổ quá vậy ?” – “Ông ấy tốt lắm, tốt với mọi người.” Em bé hỏi dồn: “Thế ông ấy có tốt với chú không ?”
Vừa nghe câu hỏi, nhà họa sĩ giật mình, đánh rơi cọ vẽ. Hóa ra tất cả những câu nói: Thiên Chúa rất nhân từ, yêu thương nhân loại, những bài viết trích dẫn Kinh Thánh chi chít minh chứng tình yêu Thượng Đế… chỉ là những câu nói theo thói quen, rằng Thượng Đế yêu thương một ai đó, viết theo bài bản kiểu nghiên cứu kinh điển đòi hỏi, mà quên đi khổ hình Thập Giá có liên quan trực tiếp đến từng con người, mối dây liên hệ mật thiết dường như cả trong vũ trụ này chỉ có riêng ta và Thượng Đế.

Thiên Chúa xuống thế làm người, chịu khổ hình để cứu chuộc nhân loại diễn tả mộtTình Yêu ngôn ngữ nhân loại không bao giờ có thể hiểu và diễn tả hết được. Có biết bao vị thánh chỉ mới loáng thoáng cảm nhận được Tình Yêu ấy đã dám hy sinh mọi thứ, ngay cả sự sống trọn đời mình để dâng lời cảm tạ. “Từ ngục tù ra, các Tông Đồ vui mừng đã bị xỉ nhục vì danh Đức Giêsu” ( Cv 5, 41 ).
Từ ngày còn nhỏ, tôi đã được dạy dỗ lối về Thiên Đường là dốc đứng thẳng, thử thách ngăn trở đủ thứ, trái lại cõi diêm sinh chỉ cách một con dốc nhỏ, chẳng cần cố gắng, chỉ buông một chút cũng tự lăn mình. Tôi không nghĩ như vậy: chẳng lẽ Máu Thánh Đức Giêsu đổ ra lại quá rẻ đến thế, chỉ mua được vài chỗ cõi Thiên Đường. Sao đã tạo dựng ra con người rồi còn giăng mắc những thử thách quá khó khăn để dìm vào cõi trầm luân vô hạn. Ác quá vậy !
Không phải như thế. Tôi tin kiên định vào Lời Đức Giêsu dạy về Thượng Đế là Người Cha rất nhân hậu lúc nào cũng giang tay ngóng đứa con hoang trở về, cho dù người con ấy trở về không hẳn vì yêu Cha cho bằng thấy đói, muốn tìm miếng ăn “…Tại nhà cha ta, biết bao người làm thuê được bánh ăn dư dật, mà ta đây phải chết đói ! Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha, mà thưa rằng: Cha ơi, con đã phạm tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con của cha nữa, xin đãi con như đứa làm thuê của cha vậy” ( Lc 15, 11 – 32 ).
Thượng Đế phải là một người Cha rất khoan dung nhân hậu, chậm bất bình và rất mực yêu thương. Lời của Ngài mang lại cho tôi niềm hy vọng cứu độ, tôi là con chiên lạc Đấng Chăn Chiên hiền lành tìm kiếm, là đồng bạc rong chơi lăn vào xó kẹt, là cô gái điếm mắt đong lệ nhòa, là Dakêu lùn tội nghiệp trèo cây… tôi yêu Lời dịu dàng tha thiết của Ngài: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” ( Mt 11, 28 ).
Một thời tôi từng đi giúp kẻ liệt giờ hấp hối. Có những người trong giây phút cuối đời trăn trở lo sợ khi nhớ lại cả một đời đã sống sa đọa, tội lỗi. Giọng cương quyết tôi cam đoan với họ: “Hãy sám hối tội lỗi và tin vào Đức Giêsu đã chịu khổ hình để cứu độ anh ( chị ). Nếu bị kết án hãy kể tên tôi để chịu thay thế cho anh ( chị )”. Nghe có người chịu án thế, họ mới yên lòng ra đi. Tôi nói vậy cũng chỉ vì tin vào Lời của Ngài xưa đã nói với người cướp “lành” bên tay hữu: “Ngay hôm nay, anh sẽ ở trong Nước Trời với ta”.
Đường về Quê Trời tuy hẹp nhưng không phải là khó: quay lại là bờ, buông đao cung là thành Phật. Người Công Giáo chân chính luôn yêu thương mọi người, vì nơi mỗi người đều mang hình ảnh Thượng Đế, có cơ hội trở về, đều là thánh nhân tiềm ẩn. Nói về Sự Dữ chắc không ai ác hơn thánh Phaolô đối với các Kitô hữu thời sơ khai: Saulô ( tên của Phaolô trước lúc trở lại ) hung thần sát máu, đi sục sạo các nơi tìm bắt các Kitô hữu giam ngục hoặc giết chết. Vậy mà sau khi trở lại Phaolô đã là người viết rất mạnh về Đức Giêsu mà Phaolô đã một thời tìm bắt: “Tôi không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài một Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá” ( 1Cr 2, 2 ).“Tôi mang trong thân mình cuộc tử nạn của Ngài, ngõ hầu sự sống của Chúa Giêsu cũng được tỏ hiện nơi thân xác chết dở của tôi” ( 2Cr 4, 10 ). “Tôi thông phần vào các sự thống khổ của Chúa Giêsu, để được đồng hình đồng dạng với sự chết của Ngài, để làm sao đạt tới ơn Phục sinh từ cõi chết” ( Pl 3, 10 – 11 ).
Khác với con đường vật lý, khoảng cách từ Sàigòn đến Vũng Tầu bao giờ cũng là 120 cây số không thay đổi, trái lại con đường tâm linh của mỗi người thoáng phút giây có thể thay trắng đổi đen: nghĩ mình là thánh sẽ không còn là thánh, tự cho mình không là thánh sẽ là thánh.
“Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Dù đã đón nhận Tin Mừng thủa mới sinh hay chỉ mới gia nhập đạo mỗi người “được trả công chỉ có một đồng” nghĩa là bao giờ cũng chỉ là lúc khởi đầu bằng nhau. Dù nhập đạo từ lâu, đã đến bến mà không nhận ra bến thì vẫn còn là cõi thẳm. Chưa nhập đạo mà lòng vẫn mong tìm bến thì đã là đến bến. Vậy nên trong đạo cái tâm mới là cái quyết định bến bờ. Cái tâm mong được tìm về với người Cha nhân hậu chúng ta cứ phải tìm hoài, tìm hoài... tìm mỗi ngày. Ai tìm nhất định sẽ thấy và được cứu độ.
Có người hỏi: Tôn Giáo nào cũng tốt, cũng nhằm mang lại hạnh phúc chúng sinh. Nào có khác gì ? Khác chứ ! Nếu bạn cảm thấy hạnh phúc trong Tôn Giáo mình, cứ giữ lấy đừng thay đổi: vì có bao nhiêu người trong vũ trụ là có bấy nhiêu con đường đi đến Thượng Đế. Nhưng nếu trong hạnh phúc ấy bạn muốn tìm hiểu thêm về mối tương giao yêu thương giữa Thượng Đế và nhân loại, tôi sẽ giới thiệu bạn với Đức Giêsu kể về Thượng Đế là một người Cha Nhân Hậu. Lúc đó ta sẽ thấy hạnh phúc và hy vọng cuộn tròn triền miên tìm về…
NGƯỜI TÔI TỚ VÔ DỤNG
Theo EPHATA số 527

0 nhận xét:

Đăng nhận xét