Jaroslav Pelikan là nguyên giáo sư tại đại học Yale, chuyên về lịch sử Kitô Giáo. Từng được trao tặng 35 bằng tiến sĩ danh dự của các đại học khắp thế giới, Ông là tác giả nhiều tác phẩm nổi tiếng và là người san định rất nhiều công trình nghiên cứu về Kitô Giáo. Ông giữ vai chủ bút mục viết về Đức Maria trong Bộ Bách Khoa Từ Điển Anh. Hai tác phẩm nổi tiếng của ông chính là cuốn “Jesus Through the Centuries” xuất bản năm 1985 và “cặp bài trùng” “Mary Through the Centuries” (tác phẩm thứ 34 của ông) xuất bản năm 1996. Cả hai đều đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.
Vốn là một tín hữu Luthêrô, nhưng quan điểm của ông lại thiên nhiều về Chính Thống Giáo và là người không hẳn cực đoan bám vào khẩu hiệu “Sola Scriptura” của Luther, trái lại đã là một trong các học giả tin vào việc khai triển học lý Kitô Giáo qua các thời đại. Và cuối cùng, về cuối đời, ông đã gia nhập Giáo Hội Chính Thống.
Riêng về cuốn “Chúa Giêsu Qua Các Thời Đại” với phụ đề “Chỗ Đứng Của Người Trong Lịch Sử Văn Hóa”, ông cố gắng bám sát lịch sử văn hóa Tây Phương để trình bày ảnh hưởng của Người, không bị vướng vào suy nghĩ bản thân hay tuyên tín hệ phái. Ông trích dẫn lời Clemenceau nói rằng chiến tranh là một vấn đề hết sức quan trọng, không thể để mặc mấy ông nhà binh. Cũng thế, Chúa Giêsu là một nhân vật quan trọng đến nỗi không thể phó mặc cho các thần học gia và các giáo hội. Người cũng thuộc lịch sử văn hóa nữa.
Chúa Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi mãi…
Mở đầu cuốn sách, Jaroslav Pelikan trích dẫn câu 13:8 của Thư gửi tín hữu Do Thái: “Ðức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời”. Theo ông, câu này sau cùng đã có một ý nghĩa siêu hình và thần học: “vẫn là một” có ý nói: Chúa Giêsu Kitô, trong hữu thể đời đời của Người, chính là “hình ảnh Thiên Chúa bất biến và do đó, cũng bất biến” (Thánh Anatasiô, Diễn Văn Chống Người Theo Ariô 1.10.36). Tuy nhiên, tập chú trong tác phẩm của ông không phải là 2 ý nghĩa ấy, mà là ý nghĩa lịch sử, một ý nghĩa không chú trọng tới tính “vẫn là một” mà là tính vạn hoa (kaleidoscopic variety) theo kiểu nhận định của Albert Schweitzer: “Mỗi thời đại nối tiếp nhau đều tìm thấy tư duy của mình trong Chúa Giêsu” nói cách khác, mỗi thời đại đều “sáng tạo ra Người theo các đặc điểm của riêng mình”. Theo Schweitzer, “không có nhiệm vụ lịch sử nào biểu lộ cái tôi của mình nhiều bằng (nhiệm vụ) viết về Cuộc Đời Chúa Giêsu?” (The Quest of the Historical Jesus, William Montgomery dịch [New York:Macmillan, 1961], tr. 4).
Đối với Jaroslov cũng thế, mỗi thời đại đều tìm thấy một câu trả lời và đôi khi là câu trả lời duy nhất cho các câu hỏi của họ về cuộc nhân sinh và số phận con người, nơi dung mạo Chúa Kitô, như đã được các Tin Mừng mô tả. Các câu hỏi ấy có thể khác với các câu hỏi của chúng ta ngày nay và có khi chính họ cũng không minh nhiên ý thức được. Bởi thế, có tác giả đã cho rằng khi bạn muốn phê bình hay giải thích triết lý của một thời đại nào đó, thì đừng nên chỉ dựa vào những chủ trương trí thức mà các người đề xướng nó vẫn cho là minh nhiên cần phải bênh vực. Vì thực ra, luôn có những giả định (assumptions) căn bản mà mọi hệ thống khác nhau của cùng thời đại đó vẫn đặt thành tiền đề một cách vô thức (Alfred North Whitehead, Science and Modern World (New York: Menor Editions, 1925).
Thành ra, trong suốt hơn hai nghìn năm qua, không vấn đề nào đã đem ra ánh sáng nhiều “giả định căn bản” như thế bằng cố gắng tìm ý nghĩa dung mạo Chúa Giêsu Nadarét. Nhưng theo Jaroslav, việc đi tìm mối tương quan giữa “triết lý của một thời kỳ” và việc họ mô tả về Chúa Giêsu quả không dễ chút nào tuy nó là yếu tố chủ yếu để hiểu nét thiên tài của họ. Vì một đàng, nhiều dấu ấn, nhiều chứng tá quan trọng của những thời đại đó đã không đến tay ta. Đàng khác, ta không có được những cột antena cần thiết để thu lượm các tín hiệu của thời khác, nơi khác. Ông bảo: “Ta không thể và không nên tin tưởng hoàn toàn vào lương tri của riêng mình để tự diễn dịch bất cứ ngoại ngữ nào của quá khứ, mà theo định nghĩa, mọi ngôn ngữ quá khứ đều là “ngoại ngữ”, kể cả tiếng Anh”. Do đó, mẫn cảm đối với khó khăn đó phải được coi là điều kiện tiên quyết cho cuộc đi tìm Chúa Giêsu trong lịch sử văn hóa và một nguyên tắc khác cần ghi nhận là đừng trở thành nạn nhân của điều được người Anh chơi chữ gọi là “sự tê liệt của việc phân tích” (the paralysis of the analysis).
Liên tục trong thay đổi và đa dạng
Yếu tố quan trọng của bất cứ phương pháp nào nhằm tìm hiểu chỗ đứng của Chúa Giêsu trong lịch sử hẳn phải là đi tìm những điển hình liên tục ngay bên trong diễn trình thay đổi và đa dạng và, nếu có thể, tìm ra những vấn đề hay chủ đề cùng một lúc lên tài liệu cho cả thay đổi lẫn liên tục. Thí dụ: Kể từ thời Thánh Kinh Hípri và Homer đến nay, dầu ôliu vẫn là thành tố chính của chế độ ăn uống, của thuốc men và của việc buôn bán nơi các dân tộc sống quanh vùng Địa Trung Hải, đến nỗi, một trong các sử gia xã hội và kinh tế lỗi lạc là Fernand Braudel đã định nghĩa Địa Trung Hải về phương diện địa dư là “vùng trải dài từ biên giới phía bắc của cây ôliu tới biên giới phía bắc của cây chà là” (The Mediterranean and the Mediterranean World in the Age of Philip II, New York: Harper and Row, 1972). Nhưng nếu đem so sánh giữa Thánh Kinh Hípri và Homer, ta sẽ thấy có nhiều dị biệt trong lối sử dụng văn từ cũng như ẩn dụ về dầu ôliu. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu lịch sử dầu ôliu như là một gia vị và một mỹ phẩm, một thứ văn hóa và một thứ hàng hóa, có lẽ ta sẽ khám phá nhiều điểm liên tục và cả gián đoạn nữa trong suốt 3 nghìn năm qua của thế giới Địa Trung Hải.
Cũng vậy, lịch sử các hình ảnh về Chúa Giêsu cũng sẽ cho ta rất nhiều điểm liên tục và gián đoạn cùng một lúc trong suốt hai nghìn năm qua. Sử gia nổi tiếng Arthur O. Lovejoy, người từng sáng lập ra lịch sử các ý niệm như một khoa tách biệt trong nền học thuật hiện đại của Hoa Kỳ, chỉ chú trọng tới những điểm gián đoạn khi ông viết trong The Great Chain of Being (Cambridge, Mass.: Harvard University Press, 1936): “Hạn từ Kitô Giáo không phải là tên của một đơn vị loại hình đơn nhất mà các sử gia ý niệm trông chờ”. Theo tác giả này, đó chỉ là một “loạt sự kiện mà nếu gọp chung lại thì chả có gì chung ngoại trừ cái tên”. Ấy thế nhưng ông nhìn nhận rằng loạt sự kiện ấy vẫn buộc ông phải nhận có điểm chung này: đó là lòng “tôn kính đối với một con người nào đó”, tức con người Chúa Giêsu, dù bản chất và giáo huấn của vị này từng bị quan niệm rất khác nhau đến nỗi sự thống nhất trong phạm vi này cũng chỉ là thống nhất ở cái tên mà thôi. Như thế, dù gì, hình ảnh về Chúa Giêsu vẫn có đủ cả điểm liên tục lẫn gián đoạn.
Hậu quả của gián đoạn là con số man vàn và độ gập gềnh khác nhau về ý niệm và ngôn từ người ta đã dùng để mô tả về Người, từ những thô sơ khập khiễng nhất tới những sâu sắc phức tạp hơn cả. Hiện tượng này phản ảnh phần nào câu Chúa Giêsu thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, Con cám ơn Cha, là Chúa trời đất, vì Cha đã dấu những điều này đối với những kẻ khôn ngoan và hiểu biết và đã mạc khải chúng cho những kẻ bé nhỏ” (Lc 10:21). Nhưng đàng khác, cũng chính Người đã nói ở câu sau: “Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta; và không ai biết Con là ai ngoại trừ Cha; hay biết Cha là ai ngoại trừ Con và bất cứ ai được Con chọn để mạc khải cho” (Lc 10:22). Hàng bao thế kỷ qua, “những kẻ khôn ngoan và hiểu biết” trong lịch sử tư tưởng đã hao tốn biết bao công sức để thăm dò xem những lời đó có hệ quả gì. Kết quả là cả một truyền thống siêu hình, khởi từ Thánh Augustinô tới tận Hegel, tìm cách giải thích Thiên Chúa Ba Ngôi như một mầu nhiệm sâu sắc nhất. Và trong các hình ảnh về Chúa Giêsu, nhiều hình ảnh sáng sủa, dễ hiểu, nhưng rất nhiều hình ảnh tế vi, khó hiểu. Cả hai đều thuộc lịch sử. Các Giáo Phụ hay dùng hình ảnh con sông để ví các Sách Tin Mừng: trong đó, voi có thể chết chìm mà chuột thì sống sót nhờ biết bơi.
Jaroslav cũng nhận định rằng: trong thiên niên kỷ thứ hai, uy thế của Kitô Giáo định chế bắt đầu sa sút trong các xã hội Tây Phương, nhưng, nghịch lý thay, tầm cỡ của Chúa Giêsu như một cá thể đã bắt đầu gia tăng và danh tiếng của Người càng ngày càng lan rộng. Và dù khía cạnh “vẫn là một, hôm qua, hôm nay, và mãi mãi” có bị lu mờ đi, thì sự phong phú trong các bức chân dung về Người vẫn là một kho tàng vô giá cho lịch sử văn hóa, qua lối chúng nói lên cả tính liên tục lẫn tính gián đoạn.
Cũng theo Jaroslav, chân dung của Chúa Giêsu trong bất cứ thời đại nào không chỉ giới hạn vào lịch sử niềm tin, dù nó có chủ yếu bao nhiêu đối với lịch sử ấy. Việc thích hợp là lịch sử niềm tin này, nhất là lịch sử niềm tin Kitô Giáo, phải tạo chất liệu cho việc nghiên cứu và trình bày bác học đúng nghĩa. Trên thực tế, việc xuất hiện của khoa lịch sử học lý Kitô Giáo vào đầu thế kỷ 19 như một môn lịch sử tách biệt với môn lịch sử triết học, môn lịch sử Giáo Hội Kitô Giáo và môn thần học tín lý, dù vẫn liên hệ tới ba môn đó, đã mở màn cho một chương mới trong lịch sử học thuật hiện đại. Nhưng, theo Jaroslav, nội dung cuộc diễn biến phức tạp trong học lý về Chúa Kitô, hiểu như những điều Giáo Hội của Người tin, giảng dạy và tuyên xưng dựa vào lời của Người, không hề làm khô cạn lịch sử ý nghĩa mà Chúa Giêsu vốn có đối với việc phát triển văn hóa nhân bản. Chính tin mừng Gioan cũng đã xác nhận điều ấy: “từ sự viên mãn của Người, ta đã tiếp nhận được hết hồng ân này đến hồng ân khác” (Ga 1:16), một sự viên mãn không bao giờ bị múc cạn cũng như không thể giản lược vào công thức, bất kể là công thức tín lý hay công thức phản tín lý. Nói theo Warner Elert, song song với “tín điều về Chúa Kitô” luôn luôn có “hình ảnh về Chúa Kitô”.
Tác phẩm nói đây của Jaroslav chính là đề cập tới hình ảnh Chúa Kitô. Nó không hẳn nói tới cuộc đời Chúa Giêsu, cả lịch sử Kitô Giáo như một phong trào hay một định chế cũng không. Nó chú trọng nhiều hơn tới việc khảo sát các chân dung người ta thường có về Chúa Giêsu qua hình thức thị giác, tác phẩm nghệ thuật và thẩm mỹ, kể cả nghệ thuật nhân gian như những cây Thánh Giá bên vệ đường lẫn các danh họa thời Phục Hưng. Nó cũng không quên các tác phẩm văn chương như Giấc Mơ Trên Đường (Dream of the Road) của tiếng Anh cổ, qua Thần Kịch (Divine Comedy) của Dante tới Anh Em Nhà Karamazov của Dostoevski.
Hạn từ “văn hóa” ở đây không chỉ có nghĩa nền văn hóa bác học (high culture) nghĩa là các điều do thi sĩ, triết gia và nghệ sĩ tạo nên. Văn hóa ở đây nghĩa rộng như ý nghĩa nó vốn có trong khoa nhân học, tức bao gồm cả sinh hoạt xã hội và nhà nước song song với văn chương, triết lý và mỹ thuật. Vì cũng cần phải chú ý tới lịch sử giải thích Chúa Giêsu theo khía cạnh chính trị, xã hội và kinh tế nữa. Nói cách khác, cái khung ý niệm có tính bao hàm về văn hóa này tương hợp với cái kiềng ba chân cổ điển của chân, thiện và mỹ. Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây một cái kiềng ba chân khác trong Thánh Kinh được chính Chúa Giêsu nói về Người: Đường Đi, Sự Thật và Sự Sống (Ga 14:6), một câu nói đã trở thành tiêu đề cho một bức tranh nổi tiếng ở Nhà Nguyện Tòa Tổng Giám Mục thành Ravenna: “EGO SUM VIA VERITAS ET VITA” (Ta là đường, là sự thật và là sự sống).
John Stuart Mill có lần nói rằng không thể coi là quá nhiều khi nhắc cho nhân loại nhớ rằng trước đây từng có người mang tên Socrát. Điều ấy đúng, nhưng đối với chúng ta, điều quan trọng hơn là phải nhắc cho nhân loại nhớ: đứng giữa họ từng có người mang tên Giêsu Kitô.
(Kỳ sau: Chúa Giêsu, ánh sáng lương dân)
Vũ Văn An
0 nhận xét:
Đăng nhận xét