Lời của người trích đăng: Lúc 6 giờ chiều ngày 16 tháng 9 năm 2002, đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được Chúa gọi về, đến nay vừa đúng 10 năm. Mấy tháng trước đó, ngài dường như linh cảm ngày ấy đã đến gần, nên đã có những sự chuẩn bị cho “kỳ thi oral” mà ngài đã đề cập đến trong bài giảng tĩnh tâm Mùa Chay năm 2000 cho giáo triều Rôma.
Thật vậy, ngày 24 tháng 4 năm 2002, ngài dành cả ngày để tĩnh tâm tại Trung tâm Hành hương Rotondo, nơi có mộ Thánh Piô, cầu xin cha thánh Piô Năm Dấu cho ngài được chấp nhận và dâng lên những đau đớn thân xác để cầu cho Giáo hội, cho thế giới và cho quê hương Việt Nam. Ngày 3 tháng 5, trong thánh lễ hàng tuần dành cho Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình và Hội đồng Giáo hoàng Đồng Tâm, ngài xin đức cha Crepaldi – người nói “một vị thánh vừa mới qua đời” khi sự cố xảy ra – ban Phép Xức Dầu cho ngài. Cuối cùng, trước khi đi Padova để giảng cho các chính trị gia vào ngày 5 tháng 5 rồi đến thẳng Milanô để chuẩn bị mổ, ngài dặn Đức ông Phan Văn Hiền, tác giả quyển Cha tôi mà chúng tôi dựa vào đó để viết những hàng này và trích đăng nhân 10 năm mất của đức hồng y Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình bài “Tám mối phúc thật cho các chính trị gia”, có lẽ là bài viết cuối cùng của ngài, những lời sau: “Cha đi trước một ngày để đến Trung tâm Hành hương Đức Mẹ ở Loreto. Cha muốn cầu nguyện và phó thác ca mổ cho Đức Mẹ. Tùy Mẹ thương sắp xếp. Cha cảm thấy rất an tâm. Hiền nhớ cầu nguyện nhiều cho cha”.
Bây giờ, 10 năm sau, trong cái nhìn đức tin và trong niềm cậy trông vào lòng nhân từ của Chúa, ta có lý do để tin rằng ta không còn phải cầu nguyện cho Đức hồng y Tôi tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận mà đúng hơn, ta có thể cầu nguyện với ngài, đặc biệt cho các chính trị gia để họ biết sống theo “lương tâm ngay thẳng” và “phục vụ cho công ích” chứ không vì lơi riêng cho cá nhân và nhóm lợi ích của mình.
TÁM MỐI PHÚC THẬT CHO CÁC CHÍNH TRỊ GIA
1. Phúc cho chính trị gia nào có được sự hiểu biết sâu sắc và lương tâm ngay thẳng về vai trò chính trị của mình
Công Đồng Vatican II định nghĩa chính trị là một nghệ thuật tao nhã và đầy khó khăn (GS 73). Trong khoảng 30 năm nay, với vấn đề toàn cầu hóa, định nghĩa này càng được xác quyết khi nhìn lại sự mong manh của các cơ cấu kinh tế trên mặt đất này. Hơn bao giờ hết, thế giới cần có một cấu trúc chính trị toàn cầu có thực chất dựa trên những giá trị chung để đáp ứng và giải quyết những vấn đề ngày nay.
2. Phúc cho chính trị gia nào được mọi người tin cậy
Trong thời đại chúng ta ngày nay, có nhiều tai tiếng trong lãnh vực chính trị, liên kết với những chi phí khổng lồ trong việc vận động tranh cử, làm dân chúng mất niềm tin. Để tránh khỏi tình trạng này, người làm chính trị cần phải canh tân đổi mới để tìm lại khuôn mặt đích thực của mình.
3. Phúc cho chính trị gia nào chỉ biết phục vụ cho công ích chứ không tìm lợi lộc riêng cho cá nhân mình
Để thực hiện mối phúc thật này, người làm chính trị phải tự vấn lương tâm mình: tôi phục vụ dân chúng hay cho chính cá nhân tôi? Tôi đang phục vụ đất nước, đề cao giá trị luân lý, cho cả nhân loại hay chỉ cho riêng mình?
4. Phúc cho chính trị gia nào giữ trọn được chữ tín của minh
Một chữ tín sắt son giữa đức tin và đời sống chính trị của mình.
Một chữ tín được đánh dấu bằng sự hài hòa giữa lời nói và hành động.
Một chữ tín kiên vững trong những lời hứa vận động bầu cử của mình.
5. Phúc cho chính trị gia nào biết thực hiện sự hiệp nhất dựa vào Chúa Giêsu
Chia rẽ tự mình đưa đến sụp đổ, thất bại. Người Pháp có câu: "Những người Công Giáo chưa bao giờ biết đứng chung với nhau, chỉ có Tin Mừng mới cứu nổi". Câu nói này có thể ứng dụng cho nhiều quốc gia khác nữa.
6. Phúc cho chính trị gia nào biết thực hiện sự thay đổi tận căn
Biết chống lại những ngoan cố sai lầm trí thức.
Biết can đảm từ khước việc đánh lộn con đen xấu thành tốt.
Không làm nên luật: chuyện tôn giáo là riêng tư.
Biết dành thứ tự ưu tiên đức tin trong những lựa chọn quyết định của mình. Và chỉ chọn một Bộ Luật lớn nhất là Phúc Âm.
7. Phúc cho chính trị gia nào biết lắng nghe
Biết luôn lắng nghe dân chúng: trước khi bầu cử, đang khi bầu cử cũng như sau khi bầu cử,
biết lắng nghe chính lương tâm của mình,
biết lắng nghe tiếng Chúa khi cầu nguyện,
thì những hoạt động của họ chắc chắn sẽ hiệu quả, thành công.
8. Phúc cho chính trị gia nào không biết sợ hãi
Trước tiên, không sợ sự thật như lời nhắn nhủ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: "Sự thật không cần phải bỏ phiếu".
Nhưng phải sợ chính mình, sợ chính lương tâm của mình như James Garfield, Vị Tổng Thống thứ 25 của Hoa Kỳ đã nói như sau: "Garfield sợ Garfield".
Hỡi người làm chính trị, đừng sợ dư luận, báo chí truyền thông. Đến giờ phán xét, các vị chỉ phải trả lời với Thiên Chúa về những hành động của mình, chứ không phải với truyền thông đâu.
Và "Tám Mối Phúc Thật" này được bổ túc bằng "Mười Nhân Đức" sau đây:
1. Cổ võ văn hóa sự thật.
2. Can đảm với chính mình.
3. Chuẩn bị người thừa kế.
4. Khiêm nhường.
5. Thành thật.
6. Tự do, không sợ hãi.
7. Phục vụ mọi người.
8. Khí cụ hòa bình, yêu thương, tha thứ và hòa giải.
9. Có cái nhìn đúng đắn về mọi lãnh vực.
10. Trung thành với Giáo Hội, với Đức Thánh Cha, và với Tổ Quốc.
Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận
0 nhận xét:
Đăng nhận xét